Các Chủ Đề

Tuesday, October 25, 2011

Bình luận: Đừng nhầm lẫn từ “nhân dân” trong hiến pháp‏

Trong một bài viết của đại tá Nguyễn Văn Quang đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân có đưa ra cách suy nghĩ của người Cộng Sản về chữ "nhân dân". Cách suy nghĩ này cho thấy tại sao chế độ Cộng sản hiện nay không thể nào chuyển biến thành chế độ dân chủ, đa đảng được .

http://www.baomoi.com/Home/DoiNoi-DoiNgoai/www.qdnd.vn/Dung-nham-lan-tu-nhan-dan-trong-hien-phap/7220575.epi



Trong bài tác giả định nghĩa nhân dân như sau: "Nhân dân còn với nghĩa là một tầng lớp, một giai cấp đại diện cho một quốc gia, dân tộc trong một Nhà nước nhất định."

Câu trên cho thấy đại tá Nguyễn Văn Quang nhìn chính trị theo quan điểm của chủ nghĩa Mác Lê. Nhân dân nhìn theo quan điểm giai cấp của chủ nghĩa Mác Lê là một giai cấp đại diện cho một quốc gia. Như thế nhân dân chỉ là một nhóm người. Nhóm người này tự xưng là mình thuộc giai cấp vô sản, có quyền đại diện cho một quốc gia, đại diện cho cả dân tộc. Từ cách nhìn này, ai không thuộc về phe nhóm của họ thì không phải là nhân dân, là phản động, phản quốc cả. Cách nhìn này đã đưa đến các biện pháp tàn bạo mà đảng CS Mác Lê đã đối xử với những người khác chính kiến. Và đưa đến nội chiến tại Nga, tại Trung Quốc, Việt Nam. Nội chiến là điều không thể tránh khỏi khi một nhóm người theo chủ nghĩa Mác Lê tự cho mình mới là nhân dân, ai không theo mình thì không phải là nhân dân đều phải bị tiêu diệt. Với cách nhìn như thế này thì Việt Nam sẽ không bao giờ có một chế độ dân chủ đa đảng vì những người CS không xem những người khác chính kiến với họ, những người thuộc đảng khác là nhân dân. Đây là cách nhìn sai lầm của Lê Nin đã đưa đến việc xây dựng chế độ theo chủ nghĩa Mác Lê phải tiêu diệt một thành phần lớn của dân tộc để còn lại những người tin vào thuyết Mác Lê và những người vì sợ hãi nên phải phục tùng đảng CS. Hậu quả của cách nhìn bất bình đẳng này còn ảnh hưởng đến ngày nay tại Nga khi Putin và đám mật vụ cũ của KGB chui trở lại vào chính quyền và đối xử một cách bất bình đẳng với các đảng phái khác, đưa nước Nga trở về chế độ độc tài.

Nếu nói rằng "Quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, mối quan hệ giữa các quyền đó, việc lập các tổ chức chính trị, xã hội, đảng đoàn ra sao là do nhân dân Việt Nam, Quốc hội Việt Nam quyết định." thì phải có cái cơ chế để cho nhân dân Việt Nam quyết định.

Trước hết những trí thức, luật gia đã và đang bàn về Hiến Pháp và những người mà tác giả gọi là "thế lực thù địch" họ cũng là nhân dân và phải có cơ chế để nhừng người này có tiếng nói cho toàn thể người dân biết ý kiến của họ. Những người đó họ có quyền phát biểu ngang với đại tá Nguyễn Văn Quang hay bất cứ đảng viên cộng sản nào.

Nói rằng Hiến Pháp phải để cho Quốc Hội Việt Nam quyết định thì thật ra Quốc Hội Việt Nam không có tư cách đại diện cho nhân dân để biểu quyết về Hiến Pháp vì những người ra ứng cử quốc hội được đảng Cộng Sản Việt Nam chọn lựa và những người cũng thuộc về nhân dân nhưng đảng Cộng Sản Việt Nam không thích thì gạt ra ngoài. Vì thế Quốc Hội Việt Nam chỉ là đại diện cho đảng Cộng Sản Việt Nam mà không đại diện cho nhân dân. Và đảng Cộng Sản Việt Nam cũng chỉ là một nhóm người cấu kết với nhau vì suy nghĩ giống nhau và vì mục đích bảo vệ quyền lợi cho nhau chứ cũng không đại diện cho giai cấp công, nông, vô sản hay nhân dân.

Muốn cho Hiến Pháp được quyết định bởi nhân dân Việt Nam thì phải sửa đổi lại cách bầu quốc hội để mọi người thuộc mọi thành phần xã hội đều có cơ hội ứng cử ngang nhau. Dẹp bỏ việc sàng lọc bởi Mặt Trận Tổ Quốc. Cho phép tất cả mọi người đều có quyền bàn bạc công khai về hiến pháp. Không dùng các từ như "thế lực thù địch" để loại bỏ nhừng người đưa ra ý kiến khác với đảng Cộng Sản Việt Nam hoặc bắt tội họ.

Tác giả viết: "Nhân dân ở đây còn là “toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo”… nhưng dứt khoát không thể là những kẻ đã áp bức, bóc lột, bám gót thực dân hay quan lại phong kiến, phản động Việt gian và tước đi các quyền cơ bản đó của đồng bào, dân tộc."

Những kẻ mà người tác giả gọi "áp bức, bóc lột" đó là vì tác giả nhìn dưới khía cạnh của chủ nghĩa Mác Lê, xem những người buôn bán, những người có nhiều ruộng đất là những kẻ áp bức bóc lột . Vì thế mà mà bà Cát Hanh Long, tên thật là Nguyễn Thị Năm, sau khi đã giúp đỡ bộ đội Việt Minh trong thời gian chống Pháp bị lên án là địa chủ, bị tịch thu tài sản và xử bắn.  Bà ta bị xử bắn vì bà ta thuộc giai cấp địa chủ. Nhưng tác giả thì lại viết "Nhân dân ở đây còn là “toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo”. Đã không phân biệt giai cấp thì tại sao lại đi đấu tố và giết chết địa chủ? Đấy là chuyện quá khứ. Còn những người kinh doanh ngày nay họ bỏ tiền ra mở hãng xưởng, thuê mướn nhân công thì theo cách nhìn của chủ nghĩa Mác Lê họ cũng là thành phần bóc lột cả. Thế mà ngay nay họ lại được đề cao. Còn những người mà đảng Cộng Sản Việt Nam gọi là phản động Việt Gian, bám gót thực dân, quan lại phong kiến thì từ xưa đế nay nhiều người không chịu theo Cộng Sản đều bị gán tội danh này nọ, chẳng có gì chính xác cả mà Cộng sản cứ gán bừa rồi sai người thủ tiêu, bỏ tù. Gần đây nhất là các ông Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Bình bị gán cho tội gián điệp rồi bỏ tù mà từ xưa đến nay họ chẳng hề làm gián điệp cho ai cả.

Nói chung cái lối định nghĩa "nhân dân" của đại tá Nguyễn Văn Quang là lối định nghĩa lộn xộn, mơ hồ, quàng xiên. Chẳng qua là những người như đại tá Nguyễn Văn Quang và các đồng chí của ông thấy ai không theo phe mình thì gán ghép đủ mọi thứ tội mà họ có thể tưởng tượng ra và không công nhận những người đó là nhân dân, còn nhân dân thì chỉ là những người chịu theo phe của họ mà thôi. Cách nhìn "nhân dân" theo kiểu này sẽ không đưa đến một chế độ xã hội chủ nghìa đích thực, sẽ không đưa đến một chế độ dân chủ mà chỉ là một chế độ của một nhóm người, tùy tiện gán ghép tội danh này nọ cho những người không theo phe mình. Đó là chế độ của một nhóm người cấu kết với nhau vì quyền lợi mà gạt bỏ ra ngoài những ai không phục vụ cho quyền lợi của họ.

Minh Đức


Đừng nhầm lẫn từ “nhân dân” trong hiến pháp

QĐND 25/10/2011 11:07 1 đăng lại

http://www.baomoi.com/Dung-nham-lan-tu-nhan-dan-trong-hien-phap/c/7220575.epi

QĐND - Sau những thất bại liên tiếp trong âm mưu lôi kéo quần chúng nhân dân chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta vào dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, Hội đồng nhân dân các cấp và bầu các chức danh chủ chốt trong hệ thống chính trị nước ta, các thế lực thù địch lại mượn danh “nhân dân” để kích động chính nhân dân chống lại những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cùng ý chí, nguyện vọng của toàn dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2001.


Việc sửa đổi, bổ sung hay soạn thảo, ban hành một bản hiến pháp là một sự kiện chính trị trọng đại của mỗi quốc gia, dân tộc cũng như của mỗi người dân vì Hiến pháp khẳng định đường hướng phát triển đi lên của dân tộc, cơ cấu tổ chức hoạt động của các cơ quan quyền lực Nhà nước, quyền hạn và nghĩa vụ của nhân dân với tính cách là công dân đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc, chế độ. Nhân dân là chủ thể của mọi quyền lực Nhà nước và là người thực hiện cuối cùng các quyết sách chính trị do chính mình định ra. Nhân việc Việt Nam sắp sửa đổi bổ sung hiến pháp, một số người nhân dân "trí thức", "luật gia" đã viện dẫn ngay chính văn bản gốc, có tính pháp lý đầu tiên của nước ta, để rồi xuyên tạc tinh thần, tư tưởng đúng đắn của những văn bản đó. Khi trích dẫn bản Hiến pháp năm 1946 của nước ta, họ luôn mượn từ “nhân dân”, “dân tộc” để đối lập nhân dân với Nhà nước, với hệ thống chính trị và với Đảng ta hiện nay. Từ đó, họ xuyên tạc và bịa đặt Đảng ta đã “biển thủ”, “đánh cắp” hay “bắt cóc”, “cầm tù” bản Hiến pháp đó. Hành động xuyên tạc và bịa đặt đó nhằm kích động tư tưởng đa nguyên, tạo dựng ý thức chính trị xây dựng một bản hiến pháp theo tinh thần đa nguyên-cái mà nhân dân ta đã nhận thức rõ và không chấp nhận ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên.

Giả danh nhân dân, mượn từ nhân dân và cũng lợi dụng nhân dân, nhưng những “luật sư”, “trí thức” đó đã cố tình “không hiểu” hoặc lờ đi cái bản chất sâu sắc nhất tạo nên khái niệm “nhân dân” hay “công dân” được xác định trong Hiến pháp 1946. Nhân dân không chỉ được hiểu một cách phổ thông, đơn thuần là khối người đông đảo làm nền tảng cho một nước trong một thời gian lịch sử nhất định. Nhân dân còn với nghĩa là một tầng lớp, một giai cấp đại diện cho một quốc gia, dân tộc trong một Nhà nước nhất định. Nhân dân là chủ thể quyền lực của một chế độ xã hội nhất định. Nhân dân luôn mang tính cộng đồng dân tộc, song cũng mang bản chất giai cấp sâu sắc. Chính vì lẽ đó, ngay từ Lời nói đầu của bản Hiến pháp Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (do Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua ngày 9-11-1946) đã xác định rõ danh từ “nhân dân” là những người dân “đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa. Sau tám mươi năm tranh đấu, dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi vòng áp bức của chính sách thực dân, đồng thời đã gạt bỏ chế độ vua quan”. Rõ ràng, nhân dân là những người lao động, nông dân, công nhân, trí thức, binh sĩ, nhân sĩ, tiểu thương yêu nước đã bị thực dân, phong kiến bóc lột, áp bức tù đày, tước đoạt đi mọi quyền sống cơ bản của con người, quyền tự do phát triển của một dân tộc. Nhân dân ở đây còn là “toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo”… nhưng dứt khoát không thể là những kẻ đã áp bức, bóc lột, bám gót thực dân hay quan lại phong kiến, phản động Việt gian và tước đi các quyền cơ bản đó của đồng bào, dân tộc. Cho nên, không thể nhầm lẫn người lao động với kẻ áp bức, người yêu nước thương nòi với kẻ phản bội quyền lợi quốc gia dân tộc. Vậy nên có một lời khuyên, các vị "trí thức", "luật sư" kia hãy đọc kỹ và học lại những từ rất cơ bản đó ở “Lời nói đầu” của bản Hiến pháp; đừng cố tình bỏ qua, xuyên tạc và bịa đặt như vậy.

Sau khi nhân ta đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến vào năm 1945, trên đất nước ta còn có rất nhiều ngoại kiều, Pháp có, Anh có, Hoa có, Nhật Bản có, Bắc Phi có… và ngay cả những binh sĩ Pháp cũng có, nhưng họ là những người đã nhìn rõ bản chất của chế độ thực dân, đế quốc, phong kiến. Họ đã có lập trường đấu tranh cho dân sinh, dân chủ, dân quyền của nhân dân các nước thuộc địa, đòi tự do cho các dân tộc bị áp bức, xâm lược. Chính vì lẽ đó, mà Hiến pháp của nhân dân Việt Nam mới bảo vệ các quyền chính đáng đó của họ, không chỉ vì phục vụ cho lợi ích của nhân dân các dân tộc đang bị áp bức đô hộ bởi thực dân, đế quốc trên toàn cầu, mà còn vì chính quyền lợi của dân tộc, nhân dân Việt Nam. Hơn nữa, Hiến pháp và pháp luật của nhân dân Việt Nam hiện nay cũng không ngăn cấm điều đó, miễn là những người có tư tưởng đấu tranh cho “dân chủ” và “tự do” ấy, không chống lại ý chí, luật pháp của nhân dân, quyền lợi của dân tộc Việt Nam, cũng như không chống lại lợi ích, luật pháp và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước mà nhân dân Việt Nam có quan hệ ngoại giao.

Một điều quan trọng họ nêu ra là nhân dân Việt Nam có quyền tự quyết Hiến pháp của mình không? Với nền văn hiến Việt Nam, tri thức văn hóa của nhân dân Việt Nam, nhân tài Việt Nam và với một địa văn hóa, chính trị thuận lợi, nhân dân Việt Nam không chỉ biết kế thừa và phát triển những truyền thống tinh hoa của dân tộc trong lịch sử lập quốc, lập hiến, mà còn tiếp thu những tri thức tiên tiến nhất của thời đại để thiết lập nên Hiến pháp của mình. Nhân dân Mỹ, nhân dân Anh, hay nhân dân nước nào đi nữa đã tạo lập nên hiến pháp của mình thì nhân dân Việt Nam cũng tôn trọng họ, không can thiệp vào quyền tự quyết của nhân dân nước họ. Họ muốn chính thể, lập pháp, hành pháp và tư pháp ra sao, thành lập các tổ chức chính trị, xã hội, đảng phái như thế nào là công việc nội bộ của nhân dân nước họ. Vì lẽ đó, trong quan hệ quốc tế nhân dân Việt Nam cũng có quyền đòi hỏi không một nước nào, một thế lực nào, một cá nhân nào được can thiệp vào quyền tự quyết lập hiến của nhân dân Việt Nam; càng không được cả gan nhận mình là “nhân dân” để phá hoại công cuộc xây dựng, kiến thiết và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, mối quan hệ giữa các quyền đó, việc lập các tổ chức chính trị, xã hội, đảng đoàn ra sao là do nhân dân Việt Nam, Quốc hội Việt Nam quyết định.

Đại tá, TS Nguyễn Văn Quang

No comments:

Post a Comment