Khi nhìn tấm ảnh bên, ai cũng có thể nói đó là ảnh chụp một gia đình có người mẹ là người đàn bà Việt Nam với đứa con. Ảnh chụp trong một tiệm chụp hình có "phông" ảnh vẽ cảnh vườn hoa có nhà thủy tạ, có dàn hoa leo. Đây là ảnh của một gia đình có người mẹ hiền đứng bên các con dễ thương. Chắc chắn là ảnh của một gia đình hạnh phúc và hình như gia đình cũng khá giả, bà mặc áo dài vải mỏng có hình gấm hoa trên áo trong kín đáo! Ảnh đẹp! Tuy nhiên sao ảnh có ghi thêm mấy chữ "haylentieng.vn"?
Ảnh này gửi cho tôi? Có thể lắm. Tôi bèn nhớ lại chuyện xưa: Đã gần 60 năm qua. Tôi không là người nhà của người đàn bà này ở Thái Nguyên miền Bắc VN, bà này lớn bằng tuổi bà nội tôi. Nếu bà còn sống chắc trên 125 tuổi! Bà nội, bà ngoại, mẹ tôi và mẹ vợ tôi đều giống nhau một đặc điểm là những người đàn bà phái đẹp, con nhà giàu, là hoa khôi và chắc cũng đẹp như người đàn bà tên Nguyễn thị Năm này!
Gần 60 năm qua, tôi nhớ mãi tên người này trong ký ức còn hơn nhớ đến Ngọc, đến Thùy, đến H. Hoa.. là những người tình xưa mà chỉ nhớ người đàn bà có tên lạ hoắc…được ghi sắc nét rõ ràng: "Cát Hanh Long! Tên địa chủ cường hào ác bá ở tỉnh Thái Nguyên, tên là Cát Hanh Long"!
Khi còn thiếu nhi tôi biết tên người này khi tôi trong đội thiếu nhi "Tháng 8" (là đội gương mẫu được quàng khăn đỏ nhưng đội nghèo chưa có vải may khăn quàng đỏ) ở vùng kháng chiến Khu Tư từ năm 1950 trở đi.
Năm 1953 có Đội công tác "Cải Cách Ruộng Đất" về xã thôn tôi, đó là làng Ngọc Tử, xã Ngọc Sơn, Huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Trong đoàn cán bộ "Cải Cách" này có cả đồng chí cố vấn Trung Quốc trong đó, về làng vận động phong trào "Đấu Tố" để "nhân dân" (giai cấn bần cố nông và trung nông) bình nghị để rồi dân chúng được chia hai thành phần như ngày tận thế phân biệt chiên và dê, họ đã phân biệt các thành phần nguy hiểm là phú nông, địa chủ, cường hào, ác bá, Việt gian, phản động là một thành phần và thành phần nhân dân một bên là thành phần chuyên chính vô sản bần nông, cố nông và trung nông. Một bên địch là bên ác ôn, phản động, bóc lột, còn bên ta là bạn, bị bóc lột, là nạn nhân của bất công 4 ngàn năm rồi! Phải vùng lên tranh đấu giai cấp!
Chúng tôi là trẻ con trong làng hãnh diện được thuộc vào thành phần bần cố là người có vị thế cao hơn trẻ thuộc trung nông, còn thành phần phú nông địa chủ là thành phần phản động. Có nhiều chuyện ẩu đả nhau trong bọn trẻ đi học vì thuộc các thành phần khác nhau, nhưng ai nấy đều hãnh diện và mơ ước mình là người thuộc thành phần "bần cố nông". Cuộc đổi đời này có thật sau các cơn động đất long trời lở đất do đấu tố diền ra. Thành phần bần cố đối với trẻ ở Mỹ như đi học được Honor Roll hay Traight A!
Và ở VN sự phân chia giai cấp từ đó có ảnh hưởng trên con người sống còn trong chế độ từ đó đến nay 60 năm qua, hậu qủa của nó đang tiếp tục phân tranh người cầm quyền, người có quyền, người được quyền, người lãnh đạo và những người đã bị liệt kê vào thành phần phản động chịu mọi thiệt thòi bất công cay đắng cho đến nay! VN cho đến nay chưa có một cuộc cách mạng nào để lại làm cách mạng như họ đã làm trước đây 60 năm. Họ ngày nay con cháu không còn là bân cố trung nông mà là những tên tư bản, tư sản học làm sang tệ hơn nhng kẻ họ đà khôn khéo ghép tội đủ thứ đẳng cấp đáng bị tiêu diệt! Nếu ngày nay phải bình nghị để phân chia giai cấp thì sè có cuộc "long trời lở đất " gấp ngàn lần xưa và bọn người phải lôi ra mà đấu tố chắc chắn dễ tìm và đông vô số kể!
Từ đó mỗi người dân trong thôn xóm tôi đều có sẵn thành phần giai cấp làm định mạng và thành phần này quyết định số phận mình mai mãi đến tận bây giờ! Thành phần giai cấp không có giấy tờ nào cấp phát nhưng nó mặc nhiên được "Đội CCRĐ" (cải cách ruộng đất) chấp nhận bằng miệng sau khi nhân dân đã họp và bình nghị thành phần. Sáng hôm qua ông A huyện ủy là người quyền hành của cách mạng, anh B là Phó chủ tịch xã, đêm hôm qua nhân dân họp mặt bình nghị ông A là điạ chủ, anh B là cường hào… hôm nay ông A, anh B và cả gia đình con cháu, chắt thuộc thành phần phản cách mạng, cả nhà, cả họ đều bị gọi là "thằng", là "con" và đối xử là những kẻ thù còn hơn thực dân Pháp. Kẻ thù là thực dân Pháp, khó gặp nhưng kẻ thù nhân dân, bọn phản đông, thì ở bên cạnh mình "nhân dân ta" phải "thẳng tay trừng trị".
Gia đình tôi được mập mờ được nhận mình là giai cấp trung nông! Không thuộc gia đình cách mạng dù cho cả họ mạc chúng tôi là những người theo kháng chiến từ đầu cho đến ngày cách mạng tháng 8 thành công năm 1954, là năm chúng tôi chạy… chối chết vào Nam, nếu ở lại thì không biết sẽ sống chết cách nào!
"Hoan hô di cư! Thương thay kẻ dại dột ở lại không chạy trốn!" Những người không chạy trốn thì cái miệng họ cũng đã chạy trốn cho đến nay! Cái miệng họ nói được khi họ có dịp gặp lại người di cư 54 họ nói: "Sao không chạy tiếp, còn ở lại đây làm gì?" Rồi họ đi về không thèm nghe giải thích, họ lại câm miệng trở lại như xưa!!!
Tôi được nghe và được kể nằm lòng các tên điạ chủ của các nơi gần xa, nhất là tên địa chủ đầu tiên bị đem ra làm thí điểm đấu tố ở tỉnh Thái Nguyên mà Đội Công Tác Đấu Tranh Giai Cấp đã đưa ra các tên địa chủ nổi tiếng ác ôn như tên địa chủ cường hào ác bá số một ở Thái Nguyên là Cát Hanh Long!
Bao nhiêu năm biết cái tên này nhưng không biết là đàn ông hay đàn bà nhưng chỉ biết đó là tên của một thứ người ác ôn, có thể là loài thú trung tính, có nợ máu với nhân dân. Cái tên Cát Hanh Long không chỉ thị được giống tính như khi thấy tên Nguyễn Thị Năm, vì có chữ "thị" nên biết là đàn bà!
Bao nhiêu lần chính cái miệng của tôi hô lớn: "Đả đảo tên địa chủ cường hào ác bá ở Thái Nguyên: Cát Hanh Long!" và đội thiếu nhi cùng dân chúng, rừng người trong đoàn biểu tình lập lại ba lần câu "đả đảo, đả đảo, đả đảo!"… âm vang dữ dội như sấm động, như cuồng phong long trời, lở đất.
Theo tôi nghĩ lúc bấy giờ, có lẽ tên người nào bị đem ra đấu mà nghe những câu lên án về họ để đả đảo họ thì họ đã chết mất rồi, còn đâu mà đem ra đấu tố!
Cảnh một cuộc đấu tố trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất do phóng viên Ba Lan chụp năm 1956
Cảnh một cuộc đấu tố trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất do phóng viên Ba Lan chụp năm 1956
Tôi đã được đi xem đấu tố nhiều lần, nhưng tổ chức buổi đấu tố thường vào ban đêm từ năm 1953-54, đến năm 1954 thì đấu tố được làm ban ngày, sau ngày ký hiệp định "Giơ-ne-vơ" (Geneve) là niệp định ngừng bắn, hoà bình VN; là được công khai làm ban ngày vì không còn nạn máy bay oanh tạc bắn phá hàng ngày trong vùng kháng chiến nữa. Nhiều năm dân chúng theo cách mạng, lấy ban đêm thế cho ban ngày, để tránh máy bay. Mọi sinh hoạt hằng ngày đều làm trong ban đêm, kể cả việc học sinh đi học cũng như hội họp, biểu tình hay các cuộc đấu tố đều sau 6 - 7giờ tối.
Sau khi đấu tố, nạn nhân bị xử tử. Ảnh do phóng viên Ba Lan chụp năm 1956
Tôi hình dung tên địa chủ Cát Hanh Long là một kẻ xấu xí, gian ác. Nếu được nhìn mặt tên đó chắc là dữ dằn lắm vì lý lịch của tên này đưa ra học tập trong các đêm kể khổ, chuẩn bị đấu tố, toán cán bộ công tác từ Trung Ương phái về cũng đông bào xã thôn đã cho nhân dân học tập về tội ác của các tên phản động, kẻ thù của nhân dân: các tên địa chủ cường hào ác bá, phú nông việt gian, bán nước. Tên điạ chủ như Cát Hanh Long là mẫu mực để nhân dân nhìn thấy tội ác tầy trời của nó để tố khổ các tên phản động ở điạ phương, xã thôn!
"Cát Hanh Long phải là tên gian ác, xấu xa, xấu như ma!"
Nay, gần 60 năm sau tôi được nhìn thấy tấm ảnh chụp Bà Cát Hanh Long, mọi hình ảnh tưởng tượng xưa đã tan ra mây khói. Việc cải tạo tư tưởng theo phương pháp điều kiện hóa của Parlov mà các nhà tiên phong làm cách mạng nhân dân đều chỉ là rơm rác, tan như mây khói. Chả trách gì Liên Bang Sô Viết phải xụp đổ!
Bà Cát Hanh Long, Nguyễn Thị Năm?
Người ta cứ tưởng chính sách cải cách ruộng đất, đấu tố là sai lầm cần sửa sai. Người ta lại bị hỏa mù biện pháp tuyên truyền cộng sản lần nữa, chỉ là một phỉnh gạt để xoa dịu sự căm thù vì oan ức cho những người có công với kháng chiến, và những người vô tội bị giết oan vì chính sách tàn khốc từ Nga, từ Tầu áp đặt cho Việt Minh thời kháng chiến 1945-54. Nhưng sau đo họ bảo sửa sai, nhưng không có sửa sai ở Nga hay ở Tầu mà chỉ nói sửa sai vô ích, làm sao cho người chết oan sống lại hay thành phần của con cháu họ đã trót ghi vào lý lịch, hộ khẩu rồi. Có ai dám thay đổi bản lý lịch của mình đà khai? Con cháu của nhũng người chết oan này ở đâu rồi ? Họ có còn sống sau vụ "chu di tam tộc" này không, hay họ đã phải bỏ chạy trốn như các cuộc di cư, tỵ nạn từ 1954 cho đến 1975 và cho đến nay 2010. Họ đã bỏ phiếu "NO" (không) cho chủ nghĩa cộng sản bằng chân của các nạn nhân lâu dài hơn cả 100 năm qua trong thế giới thiên đàng của quốc tế chủ nghĩa xã hội ! Và tại sao đấu tố kể khổ tiếp tục khi họ giải phóng miền Nam VN 1975, họ vẫn đem người ra đấu tố, đánh tư sản, bại bản? Đưa người đi tù cải tạo? Trường Chinh không phải là "con tốt" để sửa sai , ông ta chỉ là tên hề đóng kịch dở, nhưng được chết toàn thây và khi chết là chết già không bị mất chức hay không bị đền tội ác như các địa chủ bị định tội oan ức, sai lầm! (vì sai nên sửa sai, nhưng sửa sai không đúng, sai vẫn còn là còn là sai muôn năm!). Chữ "sửa sai" trở thành chữ có nghĩa là "chính sách bịp bợm"!
Các cuộc đấu tố ghê rợn hơn trong ban đêm vì không thấy rõ tội nhân nên đầu óc con người càng nhìn tội nhân càng tưởng tưởng họ xấu xa và chắc mặt họ đầy gian ác như cách mạng đã "vạch mặt, gọi tên, chỉ tội" họ. Trong đầu óc trẻ thơ của tôi và "nhân dân như con đỏ" ai cũng tin rằng bọn "gian ác" đó nguy hiểm đáng tội chết! Họ là những kẻ thật có tội với nhân dân! Phải "đả đảo! Đả đảo! Đả đảo" cho chúng khiếp sợ, cho chúng nó phải chết tiệt đi để đền nợ máu nhân dân!
Nhìn tấm ảnh trên: Bà Nguyễn Thị Năm và các con, đừng đọc tên chồng là Cát Hanh Long, cái tên hơi là lạ dễ ngộ nhận là người gian ác nào đó đã có công với "cách mạng" nhưng cách mạng đã "cách mất mạng" bà và con cái người đàn bà xem kỹ là người hiền hậu, dễ thương như những người đàn bà Việt Nam khác, nhưng đã bị mắc lừa và chết oan!
Và xem tiếp những bài kể khổ giúp cho bà, người đàn bà tên Năm này không có dịp kể khổ đời mình lúc bị đưa ra đấu tố, chỉ nghe những người bà này đã làm ơn mà những kẻ thọ ơn, họ đã giả đò kể khổ tội ác của bà vì họ đã được huấn luyện, thực tập cách kể khổ mà các đồng chí ở "đội cải cách" dạy cho các "con đỏ" tố khổ, kết án các nạn nhân địa chủ bằng bản án phiên dịch từ bên Tầu hay mới sáng tác của các tác giả tự biên tự diễn để quần chúng "son đố mì" bắt chước làm theo như con chó Parlov! Hay chính các đồng chí Bộ Chính Trị là những người thọ ơn bà Năm mà đà khước từ tội chết toà án nhân dân đã ký tử hình từ trước khi xử án!
Cải Cách Ruộng Đất (Trung Quốc gọi là Thổ Địa Cải Cách) và đấu tố tại Trung Quốc, 1953
Tòa Án Nhân Dân và Chính Sách Đấu Tố là một tội ác chưa hề có trong lịch sử VN và nhân loại trước khi chủ nghĩa "cách mất mạng" ra đời! Không phải chỉ Karl Max là thủ phạm mà còn tên trùm họ Mao là tác giả của tác phẩm cuốn kinh cẩm nang vô luân thực hành Đấu Tranh Giai Cấp toàn cầu!
(còn tiếp)
Mặc Khải
Địa chủ ác ghê
Hãy đọc bài viết sau, sưu tầm về một tài liệu đã viết sẵn cho cuộc đấu tố thí điểm đầu tiên mà người phát động đã lên chương trình, xếp đặt thành lang lớp, không thể bỏ. Đây là bản án "tập làm văn" của nhà lãnh tụ đấu tố:
(Bài viết của người ký tên tắt C.B đó là bút hiệu của Hồ Chí Minh)
Thánh hiền dạy rằng: “Vi phú bất nhân”. Ai cũng biết rằng địa chủ thì ác: như bóc lột nhân dân, tô cao lãi nặng, chây lười thuế khoá – thế thôi. Nào ngờ có bọn địa chủ giết người không nháy mắt. Đây là một thí dụ:
Mụ địa chủ Cát-hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã:
Giết chết 14 nông dân.
Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn tàn tật.
Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người – năm 1944, chúng đưa 37 gia đình về đồn điền phá rừng khai ruộng cho chúng. Chúng bắt làm nhiều và cho ăn đói. Ít tháng sau, vì cực khổ quá, 32 gia đình đã chết hết, không còn một người.
Chúng đã hãm chết hơn 30 nông dân – Năm 1945, chúng đưa 65 nông dân bị nạn đói ở Thái Bình về làm đồn điền. Cũng vì chúng cho ăn đói bắt làm nhiều. Ít hôm sau, hơn 30 người đã chết ở xóm Chùa Hang.
Năm 1944-45, chúng đưa 20 trẻ em mồ côi về nuôi. Chúng bắt các em ở dưới hầm, cho ăn đói mặc rách, bắt làm quá sức lại đánh đập không ngớt. Chỉ mấy tháng, 15 em đã bỏ mạng.
Thế là ba mẹ con địa chủ Cát-hanh-Long, đã trực tiếp, gián tiếp giết ngót 260 đồng bào!
Còn những cảnh chúng tra tấn nông dân thiếu tô thiếu nợ, thì tàn nhẫn không kém gì thực dân Pháp. Thí dụ:
Trời rét, chúng bắt nông dân cởi trần, rồi dội nước lạnh vào người. Hoặc bắt đội thùng nước lạnh có lỗ thủng, nước rỏ từng giọt vào đầu, vào vai, đau buốt tận óc tận ruột.
Chúng trói chặt nông dân, treo lên xà nhà, kéo lên kéo xuống.
Chúng đóng gióng trâu vào mồm nông dân, làm cho gẫy răng hộc máu. Bơm nước vào bụng, rồi giẫm lên bụng cho hộc nước ra.
Chúng đổ nước cà, nước mắm vào mũi nông dân, làm cho nôn sặc lên.
Chúng lấy nến đốt vào mình nông dân, làm cho cháy da bỏng thịt.
Đó là chưa kể tội phản cách mạng của chúng. Trước kia mẹ con chúng đã thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến.
Trong cuộc phát động quần chúng, đồng bào địa phương đã đưa đủ chứng cớ rõ ràng ra tố cáo. Mẹ con Cát-hanh-Long không thể chối cãi, đã thú nhận thật cả những tội ác hại nước hại dân. Thật là:
Viết không hết tội, dù chẻ hết tre rừng,
Rửa không sạch ác, dù tát cạn nước bể!
Tài thật, tài đến thế là cùng. Tiên sư anh Tào Tháo !
ReplyDelete