Các Chủ Đề

Monday, January 16, 2012

Binh Bị, Lương Thực và Chữ Tín

Ảnh một số người kính cẩn cúi chào tượng Đức Khổng Tử khi tượng này được đặt tại quảng trường Thiên An Môn . Tượng này nay đã được dời đi và để ở chỗ khác kém trang trọng hơn quảng trường Thiên An Môn

Có một người học trò của Khổng Tử hỏi ông rằng:

-    Trong ba điều: binh bị, lương thực và chữ tín, nếu người cai trị không thể giữ được cả ba thì phải bỏ điều nào trước?

Khổng Tử trả lời:

-    Bỏ binh bị.

Người học trò lại hỏi:

-    Trong hai điều lương thực và chữ tín, nếu phải bỏ thì bỏ điều nào trước?

Khổng Tử trả lời:

-    Về lương thực, từ xưa đến nay, ai cũng phải ăn. Về chữ tín, nếu dân không tin chính quyền thì chính quyền không đứng vững được.

Mẩu đối thoại trên cho thấy ông Khổng Tử xem việc giữ chữ Tín với dân, làm cho dân tin vào chính quyền là quan trọng nhất, rồi đến việc làm cho dân được no ấm, việc làm cho quân đội mạnh không quan trọng bằng hai điều trên . Giá trị của quan niệm đó ra sao, ta có thể đem lịch sử ra mà xem xét.

Xét cách cai trị của Liên Xô thì đảng Cộng Sản Nga dốc toàn lực để có quân đội mạnh. Ngay từ lúc Stalin mới lên, vào thập niên 1930, 1940, Nga dành ưu tiên cho công nghiệp nặng, nghĩa là lo xây dựng các nhà máy sản xuất sắt thép, vì thép cần để chế tạo súng đạn, vũ khí, còn công nghiệp dân dụng thì rất là hạn chế khiến cho các đồ dân dụng như quần áo, đồ dùng trong nhà rất khan hiếm. Stalin dồn lương thực cho các khu vực công nghiệp khiến cho nhiều vùng nông thôn bị đói.

 Phi cơ tiêm kích phản lực đầu tiên của Liên Xô, Mig 15, 1949

Vào thời Stalin, có chuyện khôi hài kể:

Có hai ông nông dân lái máy bay gặp nhau trên trời hỏi thăm nhau. Một ông hỏi:

-    Anh đi đâu?

Ông kia trả lời:

-    Tôi đi mua bít tất. Còn anh đi đâu?

-    Tôi đi mua bánh mì.

Cái khôi hài trong truyện trên là máy bay và vũ khí là thứ thừa mứa của thời đó, còn bít tất, bánh mì là thứ khan hiếm. Vì thế đi mua bít tất và bánh mì cũng phải dùng đến máy bay.

Đến thời Breznev thì Liên Xô đã xây dựng vững cơ sở sản xuất vũ khí và có lúc dồn đến 30% Tổng Sản Phẩm Nội Địa (GDP) của quốc gia cho quân sự. Sau  khi Breznev qua đời năm 1982, Gorbachev muốn cải tổ lại guồng máy công nghiệp kém cỏi về công nghiệp dân dụng và thiên về quân sự đã có lần tuyên bố với dân Nga rằng:

-    Chẳng lẽ chúng ta có thể đưa người lên vù trụ mà lại không thể sản xuất đủ vớ cho phụ nữ?


Liên Xô thì như thế, trong khi tại Việt Nam thì dưới sự cai trị của đảng Cộng Sản Việt Nam, người dân cũng phải ăn theo tiêu chuẩn như tại các nước xã hội chủ nghĩa khác. Đó là lối phân phát lương thực mà các nước khác chỉ làm trong thời chiến, nhưng chế độ cộng sản duy trì luôn cả trong thời bình. Vào thập niên 1980, toàn quốc đều bị ăn thiếu thốn, ăn độn, trong khi quốc gia duy trì một đạo quân trên một triệu người, nếu tính cả dân quân lẫn quân chính qui. Vào thời đó, Liên Xô viện trợ mỗi năm hàng tỉ đô la cho Việt Nam nhưng toàn là súng đạn, vũ khí, người dân Việt vẫn sống rất thiếu thốn.

Còn tại Trung Quốc thì trong thập niên 1960, tại nông thôn có người bị chết đói nhưng Mao Trạch Đông vẫn dồn ngân sách để chế tạo cho bằng được bom nguyên tử.

Như thế là các chế độ cộng sản đặt việc binh bị cao hơn lương thực. Nếu những người lãnh đạo các đảng Cộng Sản thực sự chịu ảnh hưởng của Nho Giáo thì họ đã xem việc làm cho dân sống no đủ quan trọng hơn là dồn sức  để có quân đội mạnh.

Nhìn vào thời kỳ từ lúc sau Thế Chiến Hai, 1945, những nước không theo đuổi chiến tranh, chỉ lo về kinh tế như Singapore, Thái Lan, Mã Lai, Nhật Bản… không nhiều thì ít cũng làm cho đời sống người dân tương đối no ấm. Còn các nước Cộng Sản chỉ lo dồn sức cho chiến tranh, xem binh bị trọng hơn lương thực, thì bị dân phản đối, chính quyền bị sụp đổ, đất nước trải qua những xáo trộn, thì thấy thứ tự ưu tiên của Khổng Tử đặt lương thực trên binh bị là đúng.

 Singapore chỉ lo cho kinh tế làm sao cho dân có công ăn việc làm, không chống đế quốc nào cả

Còn về chữ Tín thì ai cũng thấy rằng chế độ Cộng Sản không tôn trọng chữ Tín. Các tờ báo là cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản như Pravda (Nga), Nhân Dân Nhật Báo (Trung Quốc) và báo Nhân Dân (Việt Nam) đều được người dân biết như là các tờ báo đăng các tin tức dối trá.

Nếu các chính trị gia tại các nước khác đôi khi phải nói dối thì sự dối trá là đường lối, là quốc sách của các đảng Cộng Sản. Lối thông tin của các tờ báo nói trên và của toàn thể ngành thông tin của Cộng Sản là tô vẽ cho các nước xã hội chủ nghĩa có đời sống thật toàn hảo, vô cùng hạnh phúc, không có tệ nạn xã hội trong khi đời sống của các nước tư bản thì nghèo đói, bị áp bức, đầy rẫy tệ nạn, nền kinh tế sắp sửa sụp đổ, nhà nước tư bản dồn hết tài nguyên cho quân sự mà để cho dân bị đói, bị thất nghiệp. Muốn làm như thế, các nước Cộng Sản dấu hết những cái hay của xã hội tư bản, dấu hết những cái dở của chế độ xã hội chủ nghĩa, đăng cái xấu của xã hội tư bản chưa đủ lại còn xuyên tạc, bịa đặt ra những điều xấu của xã hội tư bản, đăng cái tốt của xã hội chủ nghĩa chưa đủ lại còn bịa đặt ra cái tốt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Các nhà Nho rất xem trong chữ Tín đối với người xung quanh và đối với dân, không thể nào thiết lập một chế độ dối trá như thế. Nếu quả thật các đảng viên cộng sản tại Việt Nam và Trung Quốc còn chịu ảnh hưởng của Nho Giáo thì họ sẽ không theo đuổi đường lối thông tin dối trá như thế. Những người chịu ảnh hưởng nhiều của Nho Giáo sẽ không chịu gia nhập đảng Cộng Sản vì thấy đảng Cộng Sản dùng cách dối trá để lôi kéo quần chúng, trái với lời dạy của Khổng Tử và bản thân họ cũng thấy rằng họ không thể theo lệnh của đảng Cộng Sản mà dùng lời lẽ dối trá với quần chúng được. Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín là năm điều mọi người từ vua cho đến dân đều phải giữ. Nho Giáo đã dạy như thế thì dù là làm cách mạng, dù là lãnh tụ cầm quyền cũng phải giữ năm điều này.

Dân không tin chính quyền thì chính quyền không thể đứng vững được, lời nói đó của Khổng Tử rất đúng. Các chế độ xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu theo nhau sụp đổ nhanh chóng vào cuối thập niên 1980 mặc dù không bị nước nào đem quân đánh, không bị dân dùng súng đạn nổi dậy chính là vì người dân không còn tin vào chính quyền nữa, vì chính quyền không giữ chữ Tín.

Các chính quyền xã hội chủ nghĩa rất chú trọng đến việc làm cho dân tin vào đảng Cộng Sản nên dồn sức cho tuyên truyền rất nhiều. Nhưng có điều là lòng tin của người dân xứ xã hội chủ nghĩa không được xây dựng bằng cách chính quyền nói thật với dân, giữ chữ Tín với dân mà được đặt trên nền tảng dối trá, bịa đặt của guồng máy tuyên truyền. Sự dối trá, bịa đặt không thể được che dấu với quần chúng mãi, dù là các chính quyền này dựng lên bức màn sắt, không cho dân nghe những luận điệu khác ở bên ngoài. Với thời gian, sự dối trá được phơi bày ra dần khiến dân bớt hăng hái làm theo lời chính quyền. Đến khi Gorbachev lên cầm quyền năm 1984, vì thấy các đảng viên tin vào những điều sai lạc, cưỡng lại các biện pháp đổi mới, ông Gorbachev đề ra chính sách Glasnost, nghĩa là Cởi Mở, cho nói hết những sự thật bị chế độ che dấu làm cho niềm tin vào xã hội chủ nghĩa của nhiều đảng viên và dân Nga bị đổ vỡ, đưa đến sự thay đổi tại nước Nga vào 1990.

 Dân Nga muốn có dân chủ biểu tình ủng hộ ông Yelsin, 1989

Đến thời Mùa Xuân Ả Rập, đầu thập niên 2010, các chính quyền độc tài tại Trung Đông và Bắc Phi cũng theo nhau sụp đổ khi dân không còn tin tưởng vào chính quyền nữa. Tại Lybia, đại tá Muammar Gaddafi làm đảo chánh cướp chính quyền năm 1969, tuyên bố chế độ của mình là chế độ của nhân dân, do nhân dân trực tiếp lãnh đạo, bản thân ông Gaddafi không có chức vụ gì, chỉ lãnh món lương nhỏ của một đại tá, trong khi thực ra ông Gaddafi nắm toàn quyền tại Lybia, gia đình sống xa hoa, cuối cùng cũng bị dân nổi dậy lật đổ năm 2011 vì dân không tin vào những lời dối trá của ông ta nữa.

Những kẻ bắt giết Gaddafi là những người dân không tin lời của ông ta nữa

Tại Syria, việc người dân không tin vào chính quyền thấy rất rõ khi dân Syria liên tục biểu tình từ tháng 3 năm 2011 đến đầu năm 2012, có những vụ nổ bom làm chết nhiều người. Phía chính quyền thì bảo đó là bọn khủng bố từ nước ngoài xâm nhập vào đặt chất nổ và xúi dục dân biểu tình. Còn người dân thì không tin, bảo đó là do chính quyền dàn cảnh ra, đổ tội cho người biểu tình có hành vi khủng bố để có cớ dùng bạo lực đàn áp người biểu tình. Cả hai bên dân và chính quyền đều không tin tưởng nhau. Những hành vi của chính quyền Syria như dùng xe cứu thương bên trong chở bọn côn đồ mang vũ khí, làm như là đi cứu người bị thương, để không bị người biểu tình ngăn chặn rồi đi vào giữa đám biểu tình, mở cửa tung bọn côn đồ ra đánh giết người biểu tình cho thấy vì sao mà dân không tin vào chính quyền.

Còn tại Việt Nam thì phải đặt ra điều 88 Luật Hình Sự để cấm dân vạch ra các chỗ dối trá của chính quyền. Chính quyền Cộng Sản Việt Nam giữ cho chế độ đứng vững không bằng cách giữ chữ Tín với dân mà bằng cách cấm dân vạch ra những điều bất tín của mình.

Cái thứ tự ưu tiên Binh Bị, Lương Thực, Chữ Tín mà Khổng Tử nhìn ra tuy là vào thời xa xưa, các nước còn ít dân, chính quyền giản dị nhưng vẫn đúng trải qua với thời gian hàng ngàn năm. Khổng Tử rất xứng đáng với danh hiệu mà người đời sau đặt cho là là Vạn Thế Sư Biểu, vị thầy của hàng vạn đời.

Minh Đức

No comments:

Post a Comment