Các Chủ Đề

Sunday, January 22, 2012

Diễn Biến Hòa Bình hay Cách Mạng Cạm Bẫy


Tác giả: Trần Huỳnh Duy Thức

HÀNH TRÌNH VÀO BẢN CHẤT CỦA DÂN CHỦ VÀ THỊNH VƯỢNG (tiếp theo)

Liệu một hình thái xã hội nào đó có gắn chặt với một thuộc tính bất biến của nó, chẳng hạn như “bản chất của chủ nghĩa tư bản là xấu xa và người bóc lột người”, hoặc “bản chất của chủ nghĩa xã hội / chủ nghĩa cộng sản là tốt đẹp và luôn vì nhân dân”?

Thuộc tính, bản chất và quy luật

Chỉ có những yếu tố nào được định tính bởi Tạo hóa mới có tính bất biến – chính là bản chất của chúng. Con người không thể kiểm soát hoặc thay đổi các bản chất này, chẳng hạn như các nguyên tố hóa học, trọng lực và quyền con người. Tất cả thuộc tính của những gì con người có thể kiểm soát được thì luôn có thể thay đổi, tùy thuộc vào thời đại, sức mạnh con người và quan trọng nhất là vào luật lệ liên quan của Tạo hóa. Ví dụ, con người có thể sản xuất nhiều loại thép khác nhau: rỉ hoặc không rỉ; những chiếc máy bay khác nhau: cánh quạt hoặc phản lực; và những xã hội trái ngược nhau: cường quyền -> tham nhũng -> nghèo khổ -> lạc hậu hay dân chủ -> công bằng -> thịnh vượng -> văn minh. Con người sáng tỏ và tuân thủ càng nhiều quy luật tự nhiên và kiến thức của các quy luật này thì thép, máy bay và xã hội được làm ra càng tốt, và càng có nhiều người chấp nhận các sản phẩm của mình một cách thuyết phục. Nói một cách chính xác, Sức mạnh của nhân loại tùy thuộc và tỷ lệ thuận với sự hiểu biết của con người về các quy luật của Tạo hóa. Đây là sức mạnh chính đáng và bền vững.

Sự phát hiện của Newton về quy luật Vạn vật hấp dẫn đã không chỉ khai tử chân lý áp đặt sai lầm của Giáo hội La Mã: “mặt trời xoay quanh trái đất” và kéo theo tòa án dị giáo phục tùng của nó, mà còn khởi tạo nên một sự khai sáng vĩ đại về thế giới vật lý cho nhân loại, rồi dẫn đến cuộc Cách mạng Khoa học Kỹ thuật. Và sự thịnh vượng của thế giới đã phồn vinh vô số kể từ sau sự ra đời của “Sự thịnh vượng của các quốc gia” – một tuyệt tác của Adam Smith đã giúp cho con người hiểu rõ các quy luật tự nhiên về kinh tế. Ông gọi chúng là “hệ thống tự do tự nhiên” mà sau đó được áp dụng rộng rãi bởi nhiều nước tư bản chủ nghĩa một cách rất thành công dưới thuật ngữ ngày nay: “các nguyên lý kinh tế thị trường tự do”. Do vậy, một số người tôn Adam Smith là người sáng lập của chủ nghĩa tư bản. Nhưng đây là một ý kiến sai. Ông đã không khởi xướng một học thuyết cho cho một chủ nghĩa trong quyển “Sự thịnh vượng của các quốc gia” của mình, và thuật ngữ chủ nghĩa tư bản chỉ xuất hiện gần một thế kỷ sau tác phẩm của ông. Thay vào đó, ông đã tìm ra những động lực kinh tế nằm ở đâu; chỉ ra cách các động lực này vận hành và làm sao để điều khiển chúng; chính phủ nên làm sao và không nên can thiệp như thế nào để đảm bảo chúng vận hành đúng đắn và tự nhiên (tức là theo đúng bản chất của chúng). Tất cả những điều này bàn đến các quy luật về bản chất của kinh tế, hoặc những nguyên lý của các bản chất kinh tế.

Thuộc tính biến đổi và lý tưởng của chủ nghĩa

Trên thực tế, chủ nghĩa tư bản không hề được hình thành bởi một bản tuyên bố của một học thuyết được định dạng hoặc đóng khuôn sẵn, đặt ra các quy tắc áp đặt cứng nhắc đối với những người theo nó. Mà nó được thành hình tự nhiên, tức là những ai ủng hộ nó đã tôn trọng các bản chất của kinh tế và những sự tiến hóa diễn ra theo các quy luật của các bản chất này theo chiều hướng của các hoạt động phổ biến. Làm như vậy từng bước, nó đã dần hình thành nên nhiều hình thái xã hội (không chỉ một cái duy nhất) có tên chung là tư bản chủ nghĩa (gợi liên quan đến người sở hữu vốn) và có chung các luật lệ cốt yếu nhằm ủng hộ sở hữu tư nhân để khuyến khích động lực cá nhân cho sản xuất hàng hóa hay dịch vụ vì lợi nhuận, duy trì thị trường tự do cạnh tranh để bàn tay vô hình điều tiết các hoạt động kinh tế, và điều tiết những gì bàn tay vô hình không phát huy tác dụng. Dù đã lan rộng khắp thế giới, xây nên nhiều quốc gia dân chủ và thịnh vượng với sự đa dạng theo thời đại, văn hóa, chính trị, địa lý, tuy vậy những người theo nó đã tạo ra nhiều phiên bản bị lỗi như: những công xưởng bóc lột khắc nghiệt ở Châu Âu và chế độ nô lệ đáng xấu hổ ở Mỹ vào nửa đầu thế kỷ 19, hoặc rất nhiều chính phủ tư bản thân hữu tham nhũng như hiện nay.

Do vậy, rõ ràng là không có thuộc tính bất biến được gắn liền với một hình thái xã hội nhất định và được quyết định bởi học thuyết của nó hoặc chỉ đơn giản bằng cái tên của nó. Thuộc tính của nó sẽ không bao giờ là một tính chất hay đặc trưng được định trước hoặc bẩm sinh, mà là một thuộc tính biến đổi theo mức độ tuân thủ của người dân đối với các luật lệ của Tạo hóa và các hoạt động của họ, đặc biệt là của những người nắm quyền lực. Lịch sử đã cho thấy nhiều ý thức hệ vốn được ra đời bởi thiện chí và lòng tốt của những người khởi xướng, nhưng đã kết thúc bằng những sự tồn tại ngày càng tệ hại, gây tai họa tràn lan cho cả triệu dân. Đó là do lỗi bẩm sinh lúc thiết kế ra chúng không phù hợp với các nguyên lý tự nhiên hoặc do sự chủ quan áp đặt của những người thực hiện chúng vi phạm tính khách quan của các nguyên lý này. Đó chính là trường hợp của chủ nghĩa Mác và sự thực hiện nó của Lê Nin. Do vậy, không thể nói rằng bản chất của chủ nghĩa cộng sản hoặc chủ nghĩa xã hội là tốt hay xấu. Các thuộc tính của những biểu hiện khác nhau của nó có lúc xấu và tốt nhưng người ta có thể nói rằng lý tưởng, và chỉ là lý tưởng của nó mãi tốt đẹp và vì nhân dân. Tuy nhiên, lý tưởng không phải lúc nào cũng khớp với thực tiễn, chỉ những lý tưởng nào tìm ra con đường đúng thì mới khớp được.

Mô hình dân chủ xã hội

Những hình thái xã hội chủ nghĩa tốt nhất mà con người từng được chứng kiến chính là các nền dân chủ xã hội đã được phát triển thành công ở các nước Bắc Âu. Mô hình này được sáng lập bởi những người ngưỡng mộ lý tưởng vì giai cấp công nhân của Mác và những khái niệm phân phối công bằng cho đại chúng của ông, nhưng xét lại và phê bình một cách khoa học phương thức sản xuất và cách thức giải quyết mâu thuẫn giai cấp của ông. Họ thừa nhận sự phân hóa giai cấp kinh tế giữa giới tư sản và vô sản, nhưng cho rằng vấn đề này sẽ được loại trừ nhờ vào những cải cách pháp luật và các chương trình tái phân phối. Họ tin rằng chuyên chính vô sản sẽ làm trầm trọng hơn các quan hệ xã hội, rằng những cải cách dân chủ dần dần sẽ tăng cường quyền và lợi ích cho giai cấp công nhân. Họ tranh luận với Lê Nin về “đấu tranh giai cấp” của Mác, ở đó họ bác bỏ sự sai trái của phương pháp của Lê Nin sử dụng bạo lực để đánh đổ các tầng lớp trên với hy vọng vực dậy giai cấp vô sản. Họ thấy trước rằng cách đó sẽ dẫn đến những sự hủy diệt đẫm máu và sự tàn phá xã hội để đổi lấy một tình trạng đấu đá bị kềm nén. Họ lập luận rằng đấu tranh giai cấp chỉ có thể tạo ra động lực cho phát triển như Mác mong muốn chỉ ở nơi nào các tầng lớp dưới có được những cơ hội tử tế trong cuộc sống để không ngừng tự cải thiện chính mình cho cuộc sống tốt hơn hoặc để vươn lên tầng lớp cao hơn nhờ vào một quá trình dân chủ. Đây chính là những động lực chính đáng và lâu dài, không phải là những động lực từ hận thù nhất thời. Họ từ chối kiểu xã hội chủ nghĩa bằng cách mạng bạo lực và ủng hộ kiểu cải cách mà từ đó phát triển nên một khái niệm mới: Chủ nghĩa xã hội dân chủ xã hội. Chủ nghĩa này bảo vệ các quy luật kinh tế thị trường để xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội, bảo hộ việc tái phân phối thành quả tăng trưởng, đảm bảo cơ hội công bằng và luật chơi sòng phẳng, cho phép doanh nghiệp tư nhân và hỗ trợ quyền sở hữu, v.v…

Mô hình này có nguồn gốc vào những năm đầu của thế kỷ 20 từ phái Men-sê-vich mà sau đó đã bị Lê Nin phản đối và đặt ngoài vòng pháp luật sau cách mạng tháng 10 năm 1917. Chính quyền Xô Viết gán cho nó là “chủ nghĩa xét lại” và “phản động”. Từ này từ đó trở thành thuật ngữ tội phạm phổ biến nhất được dùng để trừng phạt bất kỳ ai làm, hoặc chỉ nói, khác với những tín điều của phái Bôn-sê-vích của Lê Nin, bóp nghẹt tất cả mọi phản động theo nghĩa đúng đắn bình thường của từ này[ii]. Ở những đất nước tán thành giáo lý của Lê Nin, từ phản động làm cho người dân khiếp sợ và ăn sâu vào lòng họ, tận diệt tất cả mọi chỉ trích đối với chính quyền cùng với những ý tưởng sáng tạo mới không thể thiếu để phát triển đất nước. Người dân ở những nước văn minh gần như không bao giờ hiểu được vì sao phản động lại có thể là một vấn đề, chứ đừng nói là phạm tội.

Dân chủ xã hội đã sinh sôi ở Bắc Âu từ sau kết thúc Thế chiến II, các đảng theo xu hướng này đã nắm quyền thông qua các cuộc bầu cử dân chủ. Dù không lóe sáng như ở Liên Xô nhưng mô hình này phát triển yên bình, ổn định và bền vững thành những xã hội tốt nhất và ngày càng tốt hơn trên cả thế giới. Đó là Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan – cũng là những quốc gia dân chủ, thịnh vượng và văn minh nhất. Các hình thái xã hội thành hình trên thực tế của những nước này có nhiều điểm giống nhau nhưng không phải là đồng nhất, và không hoàn toàn giống với cái mà Eduard Bernstein[1] và các lý thuyết gia về tư tưởng dân chủ xã hội mong muốn. Tuy nhiên, những hình thái này có chung nguyên lý cốt lõi: bảo vệ trước tiên và tối thượng quyền con người, ủng hộ có quan sát kinh tế thị trường, kiên quyết duy trì một nền dân chủ thực chất để đảm bảo rằng các quyết định chính trị là thực sự vì đại chúng, chống lại những cuộc cách mạng bạo lực hoặc sự áp đặt từ trên xuống. Những nguyên tắc này xây dựng nên một nền tảng để tôn trọng các quy luật của các bản chất của con người – đối tượng chính của xã hội. Cho nên nó đã tạo ra những thành tựu đáng ngưỡng mộ và bền vững – chính là kết quả của sự tiến hóa yên bình của các hoạt động của nhân dân dựa trên nền tảng này (tức là dưới sự vận động của các quy luật nói trên), tiến dần đến những điều cao đẹp mà lý tưởng của tư tưởng này mong muốn. Mô hình này do vậy còn có một tên chính thức khác: chủ nghĩa xã hội tiến hóa, tương phản với chủ nghĩa xã hội cách mạng vốn đã từng lóe sáng ở Liên Xô rồi kết thúc trong tàn lụi. Nguyên nhân sâu xa của thất bại này vì Liên Xô đã chống lại các quy luật tự nhiên của Tạo hóa, tự đại thay thế các quy luật này bằng những luật lệ chủ quan của mình.

Diễn biến hòa bình…

Trung quốc và Việt Nam đang tái diễn lại sai lầm này vì họ không thể tiêu hóa nổi kết quả đương nhiên của sự tiến hóa do vận động của nền kinh tế thị trường vốn bắt buộc đòi hỏi một thể chế chính trị ngày càng dân chủ để có được một môi trường xã hội hỗ trợ cho một nền tảng như đề cập ở trên. Một chính thể như vậy sẽ cân bằng mối quan tâm của xã hội giữa những nhóm lợi ích khác nhau vốn luôn tồn tại cho dù luật pháp có thừa nhận hay không. Việc chạy ảnh hưởng của các nhóm này sẽ được diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật để ngăn ngừa việc đưa và nhận hối lộ làm băng hoại các quan hệ xã hội. Chính thể này cũng sẽ không tước đoạt tự do của báo chí mà ngược lại, giao phó đầy đủ trách nhiệm cho nó phản ánh nhiều khía cạnh của cuộc sống một cách đa chiều, ngăn ngừa và đem ra ánh sáng những phi vụ lén lút. Nó cũng sẽ trao quyền cho công dân buộc những người đang nắm quyền phải giải trình.

Mặc dù hai nước này đã chấp nhận kinh tế thị trường và nhận hưởng công trạng của nó, nhưng họ dường như không thấy được quy luật này diễn biến không thể đảo ngược như thế nào và nó sẽ đẩy tất cả các vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị đến đâu. Nên họ kịch liệt chống lại sự tiến hóa tất yếu này, tội phạm hóa nó bằng thuật ngữ “diễn biến hòa bình”. Lịch sử đang lặp lại. Thuật ngữ này bây giờ đóng vai trò như từ “phản động” trong thời đại của Liên Xô, đàn áp tất cả mọi sáng kiến nhằm tiến hóa đất nước đến sự giàu đẹp một cách hòa bình và trừng phạt ngay cả những người đầy thiện chí để đổi lấy nhiều tràn lan các quan chức tham nhũng và tha hóa, sự suy thoái đạo đức xã hội, những người dân khiếp sợ và mất tự tin. Người dân văn minh thật khó mà hiểu được vì sao các hành động hòa bình lại không được khuyến khích, chứ đừng nói là có thể bị buộc tội. Lịch sử đang lặp lại không chỉ giai đoạn tương tự này.

Nhìn trở lại thời kỳ chiến tranh lạnh. Vào đầu thập kỷ 1970, khi thế giới thứ nhất, hoặc thế giới của các nước dân chủ và thịnh vượng, đang cố gắng thắt chặt quan hệ hơn với Trung Quốc nhằm kéo nước này khỏi nền kinh tế kế hoạch tập trung, thì Liên Xô đã xuất hiện các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhưng khéo léo che đậy về kinh tế và xã hội. Kinh tế thị trường đã chiếm ưu thế và gặt hái thành quả ở thế giới thứ nhất, nên nó được thúc đẩy cho những nước đang phát triển. Chưa đầy 20 năm sau, Trung Quốc đã phấn khởi hưởng thụ thành tựu của nó – đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi nghèo túng. Việt Nam theo sau và nhờ vậy đã tránh được một sự sụp đổ dường như không dừng được. Trong khi đó, Liên Xô không chịu thay đổi, cự tuyệt kinh tế thị trường vì bị cho là một mưu đồ ngấm ngầm của các đối thủ và thế lực thù địch nhằm lật đổ nó bằng diễn biến hòa bình, tấn công từ bên trong. Thế giới thứ nhất càng thúc đẩy thì Liên Xô càng không chịu thay đổi. Trong cùng thời gian đó, nó bị kéo vào một cuộc đua vũ trang bởi chương trình Chiến tranh các vì sao của Mỹ. Nhờ có kinh tế thị trường nên ngân sách quốc phòng đầu tư cho chương trình này đã kích thích nền kinh tế Mỹ phát triển. Trong lúc đó, vì không có kinh tế thị trường nên nguồn lực của Liên Xô bị cạn kiệt nghiêm trọng và ngày càng nặng bởi sự gia tăng liên tục của phí tổn quốc phòng. Khi nó nhận ra vấn đề và căn nguyên thì đã quá muộn. Goóc-ba-chốp đã cố gắng cải tổ kinh tế trong tuyệt vọng. Việc này đã dẫn đến một cuộc đảo chính lật đổ ông ta và không lâu sau đó là sự tan rã toàn diện của người khổng lồ Liên Xô và kẻ bắt nạt kinh hoàng của nó – Cơ quan an ninh KGB.

…Hay là cuộc cách mạng cạm bẫy

Những biểu hiện khác nhau nhưng cùng quy luật của bản chất. Thế giới thứ nhất hiện nay thúc đẩy nhân quyền và dân chủ thay vì kinh tế thị trường như trước đây. Toàn cầu hóa bây giờ thay thế cho chạy đua vũ trang. Toàn cầu hóa đòi hỏi buộc phải có một nền tảng tự do và dân chủ để, tương tự như kinh tế thị trường, tự động điều chỉnh tất cả các vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị trong một môi trường được toàn cầu hóa. Không có một nền tảng như vậy, một đất nước sẽ không thể tự điều tiết bằng con người tất cả mọi vấn đề trên để làm cho chúng vận hành tốt, nên cuối cùng sẽ làm khô cạn mọi nguồn vốn quốc gia, cả vốn tiền và vốn người. Đây là phí phải trả rất nghiêm khắc cho sự vi phạm các luật lệ của Tạo hóa – một sự tương tự với chạy đua vũ trang mà không có kinh tế thị trường nói trên – đó là điều không thể tránh khỏi. Đơn giản vì đó là kết quả của sự tiến hóa (hay diễn biến) theo quy luật.

Kết cục cũng sẽ là một sự sụp đổ hay tan rã chế độ nếu chế độ đó không sớm thừa nhận sai lầm, tiếp tục cự tuyệt tôn trọng và bảo vệ quyền con người một cách chân thành để có được một nền dân chủ thực chất. Điều này có vẻ như là kết quả của một “cuộc cách mạng cạm bẫy” hơn là “diễn biến hòa bình”. Nếu cái bẫy đó là có thật thì có lẽ nó đã được gài bởi chính tự thân Liên Xô hoặc bất kỳ nước nào áp dụng kinh tế thị trường đồng thời với từ chối quyền con người, tức vi phạm quy luật của bản chất khách quan. Có rất nhiều nước như vậy, trải từ Á sang Phi, Mỹ La Tinh và cả châu Âu, do đảng cộng sản cầm quyền hoặc không, bao gồm nhiều hình thái nhà nước khác nhau có hoặc không có học thuyết chủ nghĩa; xã hội chủ nghĩa hoặc không, quân chủ hay cộng hòa. Trong số này nổi bật là: Trung Quốc, Libya, Việt Nam, Venezuela, Ả Rập Xê Út, Iran và cả Nga.

Tạo hóa sẽ thu nghiêm khắc phí vi phạm luật lệ của Tạo hóa mà không cần biết đến địa lý, ý thức hệ hoặc bất kỳ hình thái nào do con người tạo ra. Cái luật này được áp dụng bình đẳng cho mọi nơi, mọi người mà không có ngoại lệ, và không có sức mạnh nào của con người có thể chống lại chúng. Con người chỉ có thể phát hiện chúng, làm sáng tỏ chúng, áp dụng chúng đầy đủ để tạo ra sức mạnh cho mình, và PHẢI thuận theo sự tiến hóa (tức diễn biến) của chúng. Thảm họa có thể giáng xuống không chỉ những người có trách nhiệm phải trả cho nó mà còn cho cả những người vô tội. Hậu quả của giáo điều.

Lực và động lực tự nhiên

Dân châu Âu đã thoát được thảm họa giáo điều của tòa án dị giáo nhờ sự khai sáng của Newton. Hàng tỷ người trên thế giới thoát khỏi thảm họa đói khổ nhờ Bàn tay vô hình của Adam Smith. Đây là những phát hiện vĩ đại nhất của nhân loại. Sự vĩ đại là ở chỗ tìm ra được các lực tự nhiên trong thế giới vật lý và động lực tự nhiên trong thế giới kinh tế. Chính các bản chất này – lực và động lực đã giúp con người tạo nên sức mạnh phi thường, làm nhân loại tiến nhảy vọt từ đó.

Hẳn phải có những lực và động lực và các quy luật của chúng trong thế giới của các vấn đề toàn diện về kinh tế, xã hội, chính trị mà con người nên hiểu rõ để tránh được thảm họa phi dân chủ từ sự giáo điều tương tự, và để các nước đang phát triển tăng trưởng nhanh chóng tham gia thế giới dân chủ, thịnh vượng, và đương nhiên là văn minh nhờ đó.
Tìm kiếm các bản chất và quy luật đó là nỗ lực của quyển sách này và sẽ được làm sáng tỏ ở những phần kế tiếp.

No comments:

Post a Comment