Các Chủ Đề

Sunday, February 24, 2013

Mỹ dùng Lý Quang Diệu để dạy dỗ Trung Quốc

Trang mạng BBC có bài báo nói về một cuốn sách do một số tác giả Mỹ viết lại lời phát biểu của ông Lý Quang Diệu qua các cuộc phỏng vấn. Một trong những ý kiến của ông Lý Quang Diệu là Trung Quốc phải tránh đi theo con đường của phát xít Đức và Nhật cũng như là con đường của Cộng Sản Nga để tránh thảm họa cho Trung Quốc.


Cuốn sách đó có tựa là “Lee Kuan Yew: The Grand Master's Insights on China, the United States, and the World”, do các tác giả Graham Allison, Robert D. Blackwill và Ali Wyne với lời giới thiệu của ông Henry A. Kissinger. Bài viết của BBC dịch tựa cuốn sách là “Lý Quang Diệu: Cái nhìn về Trung Quốc, Mỹ và Thế giới của một bậc thầy” nhưng nếu dịch là “Cái Nhìn của Đại Sư Phụ Lý Quang Diệu về Trung Quốc, Mỹ và Thế Giới” thì có lẽ dễ hiểu hơn với người Trung Hoa.

Bài viết của BBC có đoạn:

“Trung Quốc phải tránh sai lầm của Đức và Nhật. Cuộc cạnh tranh quyền lực, ảnh hưởng và các nguồn tài nguyên của họ trong thế kỷ trước đã dẫn tới hai cuộc chiến khủng khiếp."

“Sai lầm của Nga là đã chi phí quá nhiều vào quân sự mà quá ít vào công nghệ dân sự cho nên kinh tế đã sụp đổ.”

Và ông Lý Quang Diệu vạch ra chiến lược đường dài cho Trung Quốc là:

“Tôi tin rằng lãnh đạo Trung Quốc đã học được rằng nếu bạn chạy đua vũ trang với Mỹ, bạn sẽ thất bại. Bạn sẽ tự phá sản. Do vậy nên khiêm tốn, cười thầm trong vòng 40 hoặc 50 năm nữa.”


Der Spiegel hỏi:

Chính quyền Trung Quốc nói rằng họ chủ trương Trung Quốc sẽ chỗi dậy trong hòa bình. Ông có tin điều người Trung Quốc nói hay không?

Lý Quang Diệu:

Tôi tin điều đó với một sự dè dặt. Tôi nghĩ rằng họ tính toán là họ cần 30 cho đến 40 năm, có thể là 50 năm hòa bình để bắt kịp các nước, xây dựng một chế độ mới theo kinh tế thị trường từ chế độ cộng sản cũ. Họ phải tránh phạm phải sai lầm của Đức và Nhật. Sự tranh đoạt quyền lực, ảnh hưởng và tài nguyên thiên nhiên của hai nước vào thế kỷ trước này đã đưa đến hai cuộc đại chiến kinh khủng.

Der Spiegel:

Người Trung Quốc sẽ làm khác ra sao?

Lý Quang Diệu:

Họ sẽ chấp nhận nhường nhịn thay vì đòi hỏi theo kiểu “Đây là vùng ảnh hưởng của tao, mày cút đi chỗ khác”. Mỹ đi xuống Nam Mỹ thì Trung Quốc cũng đi xuống Nam Mỹ. Brasil đã dùng một vùng rộng tương đương với tiểu bang Massachusetts để trồng đậu nành cho Trung Quốc. Trung Quốc cũng đến Sudan và Venezuela để khai thác dầu vì ông tổng thống Venezuela không thích Mỹ. Trung Quốc đến Iran để khai thác dầu khí. Như thế họ không đòi phải tranh giành bằng quân sự mà theo đuổi sự cạnh tranh về kinh tế.

Der Spiegel:

Thế nhưng các nước khác có tôn trọng Trung Quốc hay không nếu họ không có sức mạnh quân sự?

Lý Quang Diệu:

Khoảng tám năm trước đây, tôi có gặp ông Liu Huaqing, là người đang xây dựng hải quân cho Trung Quốc. Chính Mao Trạch Đông đã gửi ông ta qua Leningrad để học công nghiệp đóng tàu. Tôi nói với ông ta: “Người Nga chế tạo khí giới rất thô thiển”. Ông ta trả lời: “Ông nói sai rồi . Họ chế tạo khí giới tốt vào hàng đầu trên thế giới, tốt tương đương với khí giới Mỹ”. Sự sai lầm của người Nga là họ bỏ quá nhiều tài nguyên cho quân sự và quá ít cho công nghiệp dân dụng. Vì thế mà kinh tế của họ bị sụp đổ. Tôi tin là người Trung Quốc đã học được bài học là: Nếu anh chạy đua vũ trang với Mỹ thì anh sẽ thua vì kinh tế phá sản. Vì thế nên cúi đầu và mỉm cười trong vòng 40 đến 50 năm nữa.

Der Spiegel:

Thế sự dè dặt của ông là gì ?

Lý Quang Diệu:

Tôi không biết thế hệ sắp tới của Trung Quốc có đi theo con đường này hay không. Sau 15 đến 20 năm nữa họ có thể cảm thấy là bắt thịt của họ lúc đó rất là mạnh. Tôi biết sự suy nghĩ của những người lãnh đạo nhưng tâm trạng của người dân bên dưới là vấn đề khác.  Vì không còn lý tưởng cộng sản để giữ cho quần chúng đoàn kết với nhau nữa, giờ đây người dân ở dưới đi theo tư tưởng của những người theo chủ nghĩa ái quốc và chủ nghĩa quốc gia (chủ nghĩa dân tộc). Hãy nhìn các cuộc biểu tình chống Nhật thì biết.

Der Spiege:

Ông giải thích thế nào về việc Trung Quốc chi hàng tỉ đô la để hiện đại hóa quân đội?

Lý Quang Diệu:

Sự chi tiêu để hiện đại hóa chỉ là một giọt nước trong đại dương. Mục đích của họ là gia tăng mức độ có thể gây thiệt hại cho Mỹ nếu Mỹ xen vào việc sáp nhập Đài Loan. Mục tiêu của họ không phải là đánh bại Mỹ, một việc mà họ không thể làm được. Họ biết là họ sẽ bị đánh bại. Họ chỉ muốn làm giảm bớt mức độ can thiệp của Mỹ . Đó là mục đích của họ, nhưng họ sẽ không dùng vũ lực tấn công Đài Loan.

(Hết phần trích đoạn phỏng vấn)

 Hàng không mẫu hạm của Trung Quốc

Với thế hệ lãnh đạo sau thế hệ Đặng Tiểu Bình ngày nay, liệu Trung Quốc có đi theo chiến lược cúi đầu mỉm cười mà ông Lý Quang Diệu nói?

Dường như là không nếu chúng ta nhìn vào sự bành trướng của Trung Quốc tại biển Đông, đem máy bay và tàu khiêu khích Nhật tại vùng đảo Điếu Ngư phía Bắc. Việc Trung Quốc dành vùng Lưỡi Bò ngoài Thái Bình Dương và khai thác dầu hỏa ngoài đó giống như là hành động của giới quân phiệt Nhật đánh khắp Đông Nam Á để giành vùng có dầu hỏa tại Indonesia.

Ông Lý Quang Diệu nói những gì mà ông có lẽ sẽ làm nếu ông lãnh đạo Trung Quốc. Ông làm giống như là ông đã làm cho Singapore, nghĩa là lo về kinh tế trước tiên, còn sức mạnh quân sự thì chỉ để tự vệ. Còn những người cộng sản Trung Quốc thì thuộc loại người khác. Đó là những người đã từng nôn nóng đem khí giới, gạo tiền giúp các đảng Cộng Sản khác ở Á Châu gây chiến tranh bành trướng ảnh hưởng cho Trung Quốc mặc dù quốc gia còn nghèo, người dân ăn đói. Chỉ đến khi, họ nhận ra là thiếu cơ sở về kinh tế thì họ không thể có sức mạnh về quân sự thì họ mới chịu đổi qua kinh tế thị trường để lấy cái lợi sinh ra bởi kinh tế thị trường mà phát triển sức mạnh quân sự.

Những người lãnh đạo tại Trung Quốc không giống như các nhà tài phiệt Mỹ, muốn tìm kiếm lợi nhuận, mà họ muốn có quyền lực. Họ muốn bành trướng như các triều đại Hán, Minh, Thanh… trước đây, bành trướng lãnh thổ đồng thời chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên. Ông Lý Quang Diệu là loại người khác với những người Cộng Sản Trung Quốc. Những gì ông ta đã làm trong mấy chục năm qua là lo cho sự thịnh vượng của Singapore, không phải là đem quân đánh các nước khác hay đem tiền bạc, khí giới giúp các nhóm thân với mình để bành trướng ảnh hưởng trong vùng.

Cuốn sách “Lee Kuan Yew: The Grand Master's Insights on China, the United States, and the World” này được dùng để khuyên bảo các nhà lãnh đạo Trung Quốc  nhưng xem chừng ra đã quá trễ vì Trung Quốc đang đi vào con đường của Nhật trước kia và lý do chính là vì các nhà lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc không phải là loại người như ông Lý Quang Diệu.

Dưới đây là bài viết của BBC:



BBC _ Cập nhật: 16:33 GMT - thứ ba, 19 tháng 2, 2013

Trung Quốc phải tránh những sai lầm của Đức và Nhật Bản trong thế chiến hai trong cuộc cạnh tranh siêu cường hiện nay, đó là lời cảnh báo của cựu Thủ tướng Singapore, Lý Quang Diệu trong một cuốn sách mới ra.

Ông Lý năm nay 89 tuổi cho rằng Trung Quốc cũng cần phải tránh bài học của Nga Xô trong chạy đua vũ trang, tránh đối đầu với Mỹ, và dự đoán Trung Quốc và giới lãnh đạo mới sẽ không lựa chọn một thể chế cho phép tự do dân chủ.

Trong cuốn sách “Lý Quang Diệu: Cái nhìn về Trung Quốc, Mỹ và Thế giới của một bậc thầy”, của các tác giả Graham Allison, Robert Blackwill và Ali Wyne, dựa trên các cuộc phỏng vấn với ông và các tư liệu, ông Lý được trích dẫn nói:

“Trung Quốc phải tránh sai lầm của Đức và Nhật. Cuộc cạnh tranh quyền lực, ảnh hưởng và các nguồn tài nguyên của họ trong thế kỷ trước đã dẫn tới hai cuộc chiến khủng khiếp.

“Sai lầm của Nga là đã chi phí quá nhiều vào quân sự mà quá ít vào công nghệ dân sự cho nên kinh tế đã sụp đổ.”

Ông Lý cảnh báo về thất bại của Trung Quốc nếu chạy đua với người Mỹ. Ông nói:

“Tôi tin rằng lãnh đạo Trung Quốc đã học được rằng nếu bạn chạy đua vũ trang với Mỹ, bạn sẽ thất bại. Bạn sẽ tự phá sản. Do vậy nên khiêm tốn, cười thầm trong vòng 40 hoặc 50 năm nữa.”

'Không chọn dân chủ'


Tin vào khả năng cường quốc hàng đầu thế giới của Trung Quốc, cựu Thủ tướng Singapore dự đoán:

“Trung Quốc sẽ đuổi kịp Mỹ về tổng sản phẩm quốc nội tuyệt đối. Nhưng tính sáng tạo của nó sẽ không bao giờ theo kịp người Mỹ bởi vì văn hóa của nó không cho phép sự trao đổi tự do và thách đố giữa các ý tưởng.”

Nhà cựu lãnh đạo được cho là còn có ảnh hưởng tại châu Á và Đông Nam Á cho hay ông không tin vào một nước Trung Quốc của dân chủ tự do.

Ông Lý được các tác giả cuốn sách trích lược nói tiếp:

“Nếu Trung Quốc như thế, nó sẽ sụp đổ. Nếu bạn tin rằng sắp có một cuộc cách mạng dân chủ nào đó ở Trung Quốc, bạn đã sai.”

Về đường hướng hiện đại hóa của nước này, ông dự đoán: “Các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc sẵn sàng thử mọi phương pháp ngoại trừ dân chủ trong một hệ thống đa đảng.”

Ông Lý giải thích điều này là do Đảng Cộng sản Trung Quốc “tin rằng nó cần có sự độc quyền về quyền lực thì mới giữ được ổn định” và rằng Đảng còn “sợ mất đi sự kiểm soát của trung ương đối với các tỉnh lỵ” hay địa phương.

'Tâm hồn sắt đá'

Ông Lý Quang Diệu nhận xét Tập Cận Bình là một lãnh đạo kín đáo và kiên định với chủ kiến của mình

Đặc biệt ông Lý Quang Diệu, qua cuốn sách, còn bộc lộ nhận xét của ông về tân lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập Cận Bình. Chính trị gia lão làng này được trích dẫn nói:

“Ông ấy (Tập Cận Bình) là một người kín đáo, không phải theo nghĩa là ông ấy không nói chuyện với bạn, mà theo nghĩa ông ấy không bao giờ phản lại ý thích hoặc đi ngược lại điều gì mà ông ấy đã không thích.

“Luôn luôn có một nụ cười nhã nhặn trên mặt ông ấy, dù là bạn có nói hay không một điều gì đó làm ông ấy khó chịu. Ông ấy có một tâm hồn sắt đá.”

Mới đây, trong một tài liệu nội bộ không công bố ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình được trích dẫn khi tới thăm tỉnh Quảng Đông, nói với các cán bộ lãnh đạo về nhu cầu giữ ổn định ở Trung Quốc, theo tiết lộ của New York Times.

Ông được dẫn lời nói: “Vì sao Liên Xô tan rã? Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ? Một lý do quan trọng là các lý tưởng của họ đã bị dao động...
Tờ báo Mỹ cho rằng thời gian lên nắm quyền lực tối cao của ông Tập Cận Bình chưa lâu, mới chừng vài ba tháng, do đó có thể để “đứng vững” trước các đối thủ tối cao, và cũng có thể vẫn trung thành với những niềm tin của mình, như điều mà ông Lý Quang Diệu tin là bản chất của tân lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập đã chọn phương án “siết chặt sự an toàn” quyền lực của Đảng.

Và do đó, các cải cách chính trị, thể chế dân chủ khả dĩ làm thay đổi vị thế độc tôn của Đảng cộng sản hay cải cách dân chủ sâu sắc có thể còn là 'xa vời'.

Tiếp tục về kinh nghiệm của Liên Xô cũ, ông nói: “Cuối cùng, cái gì Liên Xô nhận được là một lời lặng lẽ của Gorbachev tuyên bố giải thể Đảng Cộng sản, một chính đảng lớn đã ra đi,

“Mà cuối cùng, không có ai là một con người thực thụ, không có ai bước ra để kháng cự cả,” nhà lãnh đạo vừa kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào hối thúc việc bảo vệ Đảng, khi rút tỉa bài học một cách cứng rắn.

No comments:

Post a Comment