Các Chủ Đề

Thursday, February 28, 2013

Tam quyền phân lập sẽ làm suy thoái những gì?

Lời phát biểu của ông Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đả phá các nguyên tắc dân chủ mà một số người góp ý với việc sửa đổi hiến pháp đã làm cho một số người tại Việt Nam lên tiếng phản đối. Trong số những người đó có nhà báo Nguyễn Đắc Kiên đang làm việc cho báo Gia Đình bị sa thải vì đã phản đối ông Nguyễn Phú Trọng trên blog của mình . Theo ông Nguyễn Phú Trọng thì nguyên tắc đa đảng, tam quyền phân lập là biểu hiện của sự "suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống". Điều ông Nguyễn Phú Trọng nói đúng sai thế nào?



Nguyên văn lời phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng trên truyền hình tối ngày 25-2-2013 như sau:

"Các đồng chí phải lãnh đạo cái việc góp ý kiến sửa đổi dự thảo hiến pháp. Cái này quan trọng lắm đấy.

Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chứ gì nữa. 

Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả? Muốn ‘phi chính trị hóa quân đội’ không? Người ta đang có những quan điểm đấy!

Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng nữa. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa, chỉ ở đâu nữa nào? 

Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể... thì nó là cái gì?! Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này".
Tam quyền phân lập là "suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống" nhưng là tư tưởng chính trị nào, đạo đức nào và lối sống nào?

Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày nay vẫn hoạt động theo phương cách của đảng Bôn Sê Vích từ thời Lê Nin. Đó là một đảng được tổ chức theo nguyên tắc tuyệt đối phục tùng lãnh đạo và đảng đó cũng tổ chức xã hội theo nguyên tắc tuyệt đối phục tùng lãnh đạo đó. Người cộng sản Nga đã tổ chức một đảng theo kỷ luật thép để dùng vũ lực mà đánh bại phe tư bản.

Các tổ chức chặt chẽ đó đã làm cho nước Nga rất mạnh về quân sự trong thế kỷ 20, chỉ đứng hạng nhì sau Mỹ. Sức mạnh của Liên Xô được nhiều người trên thế giới thán phục và bắt chước đem cách tổ chức đảng Cộng Sản, cách tuyên truyền, các tổ chức xã hội, kinh tế ở nước mình. Trong số đó có những người Việt Nam.

Tại Tây phương, từ thập niên 1960 đã có người nhìn thấy cách tổ chức của Liên Xô là cách tổ chức của một guồng máy chiến tranh toàn diện. Liên Xô là một nước trong thời bình mà tổ chức quốc gia theo mô hình của một quốc gia đang có chiến tranh. Tại các nước Tây phương, khi có chiến tranh thì chính phủ hạn chế bớt quyền người dân, bắt người dân phải phục tùng chính quyền, cấm chỉ trích chính quyền, về mặt kinh tế thì vì phải dồn tài nguyên cho chiến tranh nên người dân được phát lương thực theo tiêu chuẩn chứ không được tự ý muốn ăn nhiều bao nhiêu thì ăn. Nhưng sau khi chiến tranh chấm dứt thì các nước đó lại để cho dân được tự do ăn nói, tự do ăn uống, giải trí. Còn Liên Xô thì duy trì các biện pháp thắt chặt đó trong suốt thời gian không có chiến tranh với nước nào cả. Liên Xô còn huy động dân chặt chẽ hơn cả các nước khác trong thời kỳ chiến tranh. Tại nhiều nước khi quốc gia có chiến tranh thì công việc đánh nhau là của quân đội còn người dân vẫn sinh hoạt bình thường, mặc dù có một số mặt bị hạn chế bớt. Còn cách tổ chức quốc gia của Liên Xô thì bắt tất cả cá nhân đều phải sống, hành động để phục vụ cho mục tiêu của nhà nước chứ không được tự do sinh hoạt, giải trí. Người Tây phương gọi mô hình của Liên Xô là mô hình chiến tranh thường trực. Nghĩa là một quốc gia tự xem mình như đang theo đuổi một cuộc chiến tranh thường trực. Cuộc chiến tranh thường trực của đảng Cộng Sản Nga là cuộc chiến tranh với phe tư bản. Đảng Cộng Sản Nga theo đuổi cuộc chiến tranh thường trực với phe tư bản cho đến khi nào phe Cộng Sản toàn thắng trên thế giới.

Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng tổ chức mô hình giống như Liên Xô. Mặc dù ngày nay chế độ Cộng Sản Nga đã sụp đổ, đảng Cộng Sản Nga đã mất quyền và không thể bắt nước Nga theo đuổi cuộc chiến tranh thường trực với phe tư bản nữa nhưng cái mô hình của đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn y như cũ.

Vì thế các nguyên tắc đa đảng, tam quyền phân lập nếu bảo là suy thoái tư tưởng chính trị thì đó là suy thoái thứ tư tưởng chính trị theo đuổi chiến tranh thường trực với tư bản, suy thoái tư tưởng bắt toàn dân phải tham gia vào mục tiêu chiến tranh thường trực của đảng Cộng Sản. Thứ tư tưởng bắt dân phải im miệng, dù thấy chính quyền làm sai, làm bậy cũng không được lên tiếng chỉ trích.

Nếu bảo đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập là làm suy thoái đạo đức thì đó là làm suy thoái thứ đạo đức phục vụ cho mục tiêu chiến tranh thường trực. Để phục vụ cho mục tiêu chiến tranh thường trực đảng Cộng Sản cho rằng có thể vi phạm tất cả mọi nguyên tắc đạo đức miễn sao đạt được mục tiêu cuối cùng là thắng phe tư bản. Thứ đạo đức đó cho phép chính quyền có thể lừa dối dân, đối xử với dân một cách khắt khe, tàn bạo. Nếu đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập làm suy thoái lối đạo đức "Cứu Cánh Biện Minh Cho Phương Tiện" đó thì có nghĩa là làm cho chính quyền phải bớt dối trá với dân, phải bớt đối xử tàn bạo với dân.

Về phần lối sống thì ngày nay mọi người dân, kể cả đảng viên đã thay đổi lối sống so với thời thập niên 1980 trở về trước. Trước đây, chế độ tập trung mọi tài nguyên cho chiến tranh ngăn cấm đời sống theo ý cá nhân bằng cách tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân. Thích ăn ngon, mặc đẹp, thanh niên thấy gái đẹp thì thích là ý thích thông thường của con người thì thời đó bị lên án là hủ hóa, nghĩa là biến thành thối nát. Trong tiểu thuyết Những Thiên Đường Mù của Dương Thu Hương, một cán bộ tuyên huấn được chị đem cho giò ăn mà lúc ăn phải mắt trước mắt sau nhìn xem có ai nhìn thấy gia đình mình ăn giò hay không. Giò chả, món ăn thông thường của người Việt bị xem là thứ hàng xa xỉ. Thích ăn giò là còn thích ăn ngon, là còn lạc hậu. Bây giờ thì chính đảng viên lại càng có phương tiện để hưởng thụ và sống bê tha. Nếu tam quyền phân lập và dân chủ có tác dụng thì tác dụng đó cho người dân có cơ hội phê phán các đảng viên, cán bộ sống bê tha, thoái hóa chứ không làm cho lối sống của người dân hay cán bộ thoái hóa đi.

Đa đảng, tam quyền phân lập nếu có làm thoái hóa thì nó làm thoái hóa tư tưởng độc tài và làm thoái hóa thứ đạo đức "Cứu Cánh Biện Minh Cho Phương Tiện". Nó sẽ đem đến tư tưởng chính trị mới, thứ tư tưởng chính trị cho mọi người dân có quyền tham gia vào chính trị chứ không chỉ thụ động vâng theo lời một thiểu số bên trên và làm nạn nhân của mọi thứ kỹ thuật tuyên truyền, kích động. Nó cũng sẽ ngăn cản bớt thứ đạo đức tự cho mình là độc quyền nắm chân lý nên có thể vi phạm mọi nguyên tắc đạo đức trên đời, mà nó bắt mọi người từ cao đến thấp phải tuân theo các giá trị đạo đức như nhau.

Dưới đây là bài viết của Nguyễn Đắc Kiên:

 Vài lời với TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng

Chương trình Thời sự VTV1, 19h, ngày 25/2 đưa phát biểu tại Vĩnh Phúc của TBT ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng như sau: “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức … Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa!”(*)

Nghe âm thanh tại đây

Bằng tất cả sự tôn trọng dành cho người đang đứng đầu một đảng chính trị của VN, tôi xin nói với ông Nguyễn Phú Trọng vài lời như sau:

Đầu tiên, cần phải xác định, ông đang nói với ai? Nếu ông nói với nhân dân cả nước thì xin khẳng định luôn là ông không có tư cách. Ông là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu muốn dùng hai chữ “suy thoái” thì cùng lắm là ông chỉ có thể nói với những người đang là đảng viên cộng sản, ông không đủ tư cách để nói lời đó với nhân dân cả nước. Nếu ông và các đồng chí của ông muốn giữ Điều 4, muốn giữ vai trò lãnh đạo, muốn chính trị hóa quân đội, không muốn đa đảng, không muốn tam quyền phân lập, thì đó chỉ là ý muốn của riêng ông và ĐCS của ông. Ông không thể quy kết rằng đó là ý muốn của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, những ý muốn trên chỉ nên xem là của riêng ông TBT Trọng, chưa chắc đã là tâm nguyện của toàn bộ đảng viên cộng sản hiện nay.

Tiếp theo, xin đi vào nội dung, ông nói suy thoái về đạo đức. Tôi muốn hỏi ông, đạo đức của ông đang muốn nói là đạo đức nào? Đạo đức làm người? Đạo đức công dân? Đạo đức dân tộc VN? … Tôi tạm đoán là ông đang muốn nói đến đạo đức người cộng sản của các ông. Vậy, các ông cho rằng chỉ có đạo đức cộng sản của các ông là đạo đức đích thực? Thế ra, cha ông tổ tiên chúng ta, khi chưa có chủ nghĩa cộng sản vô đạo đức hết à? Thế ra, những người không theo đảng cộng sản trên thế giới là vô đạo đức hết à?

Tiếp theo, xin đi vào nội dung suy thoái chính trị, tư tưởng. Tôi muốn hỏi ông, chính trị, tư tưởng ông đang muốn nói là chính trị, tư tưởng nào? Có phải chính trị, tư tưởng của đảng cộng sản? Vậy ra chỉ có đảng cộng sản của các ông là duy nhất đúng à? Cá nhân tôi cho rằng, không một người có lương tri bình thường nào thừa nhận như thế. Cùng lắm ông chỉ có thể nói với các đảng viên cộng sản như vậy, nhưng ngay cả với các đảng viên cộng sản, ông cũng không thể quy kết tội suy thoái cho họ. Nếu không tin, ông thử đọc lại Cương lĩnh chính trị và Điều lệ đảng các ông ban hành xem. Không có điều nào nói xóa bỏ Điều 4 là suy thoái, muốn đa nguyên về chính trị là suy thoái, muốn phi chính trị hóa quân đội là suy thoái, chỉ có tham ô, tham nhũng…  đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của dân tộc là suy thoái. Ông đương kim Tổng bí thư ĐCS VN thử đọc lại và nghĩ lại chỗ này xem.

Bây giờ, tôi trân trọng tuyên bố những điều tôi muốn:

    Tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp hiện hành, mà tôi muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới thực sự là ý chí của toàn dân Việt Nam, không phải là ý chí của đảng cộng sản như Hiến pháp hiện hành.

    Tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình, tiến bộ của dân tộc Việt Nam, không một đảng nào, lấy bất cứ tư cách gì để thao túng, toàn trị đất nước.

    Tôi không chỉ ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập mà còn muốn một chính thể phân quyền theo chiều dọc, tức là tăng tính tự trị cho các địa phương, xây dựng chính quyền địa phương mạnh, xóa bỏ các tập đoàn quốc gia, các đoàn thể quốc gia tiêu tốn ngân sách, tham nhũng của cải của nhân dân, phá hoại niềm tin, ý chí và tinh thần đoàn kết dân tộc.

    Tôi ủng hộ phi chính trị hóa quân đội. Quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào.

    Tôi khẳng định mình có quyền tuyên bố như trên và tất cả những người Việt Nam khác đều có quyền tuyên bố như thế. Tôi khẳng định, mình đang thực hiện quyền cơ bản của con người là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng; quyền này mỗi người sinh ra đã tự nhiên có, nó được nhân dân Việt Nam thừa nhận và tôn trọng; quyền này không phải do đảng cộng sản của các ông ban cho, nên các ông cũng không có quyền tước đoạt hay phán xét nó. Vì thế, tôi có thể xem những lời phán xét trên của ông, nếu có hướng đến tôi là một sự phỉ báng cá nhân. Và tôi cho rằng, những người nào chống lại các quyền trên là phản động, là đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, dân tộc, đi ngược lại xu hướng tiến bộ của nhân loại.

Nguyễn Đắc Kiên

Nhà báo, Báo Gia đình & Xã hội

(*)Nguồn: Chương trình Thời sự VTV1, 19h, ngày 25/2; phần âm thanh và gỡ băng của Anhbasam.

No comments:

Post a Comment