Các Chủ Đề

Sunday, July 7, 2013

Hồ Hữu Tường

Ngô Văn nhớ về Hồ Hữu Tường

Tôi gặp Hồ Hữu Tường năm 1932 (ông ở Pháp về năm 1931), lúc ấy ông đang làm tờ Phụ Nữ Giới Chung ở Sài Gòn. Tôi vừa dịch xong bản Tuyên ngôn Cộng Sản của Marx, có người bạn tôi đem lại trình với ông để đăng báo Phụ Nữ Giới Chung. Đọc xong, Hồ Hữu Tường cho biết muốn gặp tôi. Đó là lý do tại sao tôi gặp Hồ Hữu Tường.


Ông là một người thông minh, hiền hậu và duyên dáng lắm. Lúc đó Hồ Hữu Tường đã có một tổ chức bí mật, kêu bằng nhóm Tháng Mười, xuất bản tạp chí bí mật Tháng Mười, theo xu hướng Trotsky để chỉ trích hoạt động của đảng Cộng Sản Đông Dương lúc ấy. Ông không trực tiếp giới thiệu tôi vào nhóm của ông, mà ông đưa Đào Hưng Long, một chiến hữu trong nhóm, giao thiệp với tôi. Tới cuối năm 32, Hồ Hữu Tường bị bắt, năm 33 bị kết án ba năm tù treo.

 Hồ Hữu Tường

Năùm 33, dù bị tù treo nhưng ông vẫn nhập vào nhóm tranh đấu do Nguyễn An Ninh thành lập tháng 4 năm 1933, nhân dịp có cuộc bầu Hội Đồng Quản Hạt, lợi dụng tuyên truyền chống chánh phủ thuộc địa một cách công khai.

Nguyễn An Ninh là một nhà cách mạng đàn anh mà những người Cộng Sản Đệ Tam lẫn Đệ Tứ, và cả quốc gia nữa, đều là đàn em, cho nên ông rất có uy tín đối với họ; ông lập nhóm La lutte, quy tụ tất cả những khuynh hướng chính trị chống Pháp lúc đó, và Hồ Hữu Tường tham gia tờ La lutte.

 Nguyễn An Ninh, ảnh chụp năm 1939

Tới năm 1936, nhóm La lutte chia hai. Nhưng muốn hiểu sự chia rẽ đó, phải trở lại tình hình chính trị ở Pháp năm 1935.

Năm 1935, Pháp-Nga ký hiệp ước Laval-Staline: Pháp và Nga liên kết quân lực. Do đó, đảng Cộng Sản Pháp không còn chống chính sách quân phiệt nữa, mà cổ võ cho chính sách quân sự, chống lại sự đòi độc lập của Cộng sản Đông Dương và ủng hộ việc giữ vững các thuộc địa. Đảng Cộng Sản Đông Dương, vẫn theo đảng Cộng Sản Pháp cho nên không còn theo con đường chống Pháp để giải phóng dân tộc nữa, mà dần dần họ chọn con đường chống Nhật.

Nhóm La lutte lúc ấy có hai khuynh hướng:

- Một khuynh hướng ủng hộ Mặt Trận Bình Dân (Front Populaire), đảng cầm quyền ở Pháp, tức là ủng hộ chính sách thuộc địa, trong đó có những người Cộng Sản Đệ Tam.

- Một khuynh hướng chống Mặt Trận Bình Dân trong đó có những người Đệ Tứ.

Nhưng khi thành lập nhóm La lutte đã có lời giao ước là Đệ Tam và Đệ Tứ không gây chuyện với nhau, cho nên nhóm Đệ Tứ phải ngậm miệng.

Hồ Hữu Tường mới lập một nhóm bí mật mà ông làm cố vấn, gọi tên là Chánh Đoàn Cộng Sản Quốc Tế Chủ Nghĩa, phái tán thành Đệ Tứ Quốc Tế, và tôi là một thành viên, mục đích chỉ trích đảng Cộng Sản Đông Dương đi theo đường lối của chính phủ thuộc địa và tách ra khỏi nhóm La lutte.

Giữa năm 1936, ở Pháp có tổng đình công. Nhóm Chánh Đoàn Cộng Sản Quốc Tế Chủ Nghĩa bí mật cổ động tổng đình công, tháng 6 năm 1936 tại Sài Gòn. Cả nhóm bị bắt, cả Hồ Hữu Tường, nhưng vì là "cố vấn" nên ông không bị truy tố.

Ra khỏi nhóm La lutte, Hồ Hữu Tường công khai xuất bản tờ Militant (lúc đó các đảng đối lập không được quyền ra báo tiếng Việt), để tự do đả kích đảng Cộng Sản, theo tinh thần Trotsky, nhưng trong vòng bán bí mật vẫn tiếp tục hoạt động cho nhóm Chánh Đoàn Cộng Sản Quốc Tế Chủ Nghĩa vừa bị tiêu hủy, đồng thời tiếp tục phong trào tranh đấu bán công khai. Hai năm 36-37 là những năm phong trào thợ thuyền và nông dân nổi lên cực độ.

Nhưng đến tháng 5 năm 1937, nhóm La lutte tan rã vì đảng Cộng Sản Pháp theo lệnh của Moscou, ra lệnh cho đảng Cộng Sản Đông Dương không được cộng tác với Đệ Tứ nữa. Các phong trào thợ thuyền đình công do Đệ Tứ tổ chức, bên Đệ Tam không tham gia, chỉ lập những hội ái hữu thôi. Đệ Tam chỉ huy ở nông thôn, vừa ủng hộ Mặt Trận Bình Dân, vừa chống đối những áp bức ở nông thôn.

Hồ Hữu Tường vẫn tiếp tục tổ chức và chỉ huy Đệ Tứ trong vòng bí mật. Nguyễn An Ninh theo phái Đệ Tam. Tạ Thu Thâu tiếp tục La lutte, làm cho tờ La lutte trở nên cơ quan có khuynh hướng quốc tế. Sau khi tờ La lutte trở thành xu hướng Đệ Tứ quốc tế, Hồ Hữu Tường ngưng tờ Militant. Đến năm 1938, khi chính phủ Mặt Trận Bình dân đổ ở Pháp, chính phủ cấp tiến Doladier cho phép các đảng đối lập ra báo quốc ngữ, tờ La lutte trở thành tờ Tranh Đấu và Hồ Hữu Tường ra báo Tháng Mười.

 Tạ Thu Thâu

Đến tháng 9 năm 1939, khởi đầu thế chiến, chính phủ thuộc địa mở phong trào tổng đàn áp, bắt hết những đảng phái đối lập, giam trong các trại giam rồi đầy đi Côn Lôn, 5 năm. Nguyễn An Ninh, Hồ Hữu Tường, Tạ Thu Thâu ... đều bị bắt hết. Lúc ấy tôi ở trên Nam Vang nên chỉ bị bắt và bị tù 8 tháng.

Đến năm 1945, Hồ Hữu Tường được trở về, bị quản thúc ở Cần Thơ. Tôi gặp ông vì lúc ấy tôi đang làm việc ở Cần Thơ. Tôi có giúp đỡ vợ con ông. Ông bảo năm năm ở Côn Lôn, ông đã suy nghĩ kỹ rồi, ông không theo Đệ Tứ nữa, ông quay trở lại con đường quốc gia, quay về với tổ quốc.

Trong cuốn Un fétu de paille dans la tourmente, đánh máy ở Paris năm 1969, có một sai lầm mà tôi muốn đánh chánh sau đây: Ông cho rằng năm 1945, trong sự thanh trừng những người Đệ Tứ, Việt Minh vẫn còn một chút cảm tình (quelques sentiments). Cho nên thay vì giết hết trước khi bỏ Sài Gòn để lên chiến khu, họ đem giam tất cả vào tù, và cảnh sát Pháp đã thả tất cả. Sự thật thì Dương Bạch Mai hạ ngục những người Đệ Tứ cốt là để sẽ đưa họ ra tòa án nhân dân. Nhưng binh lính Anh-Ấn thình lình chiếm khám lớn, trước khi giúp binh Pháp tái chiếm Sài Gòn ngày 23/9/1945. Sau đó, binh Anh-Ấn giao mấy người Đệ Tứ lại cho mật thám Pháp. Một thời gian sau những người Đệ Tứ mới được thả ra. Cho nên việcï khỏi bị Đệ Tam tàn sát là một sự tình cờ chớ không phải vì lòng tốt của phái Đệ Tam.

Ngô Văn

Ngô Văn, nhà biên khảo, nhà hoạt động cách mạng trong nhóm Đệ Tứ, sinh năm 1912 ở xóm Tân Lộ, gần Thủ Đức. Đi làm từ 14 tuổi. Gia nhập xu hướng Cộng Sản tả đối lập năm 1932. Sau 45 sang Pháp, làm việc trong các xí nghiệp, và tích lũy những tài liệu để biên khảo. Các tác phẩm chính: Vụ án Moscou (Nxb Chống trào lưu, Sài Gòn, 1937), Divination, magie et politique dans la Chine ancienne (PUF, Paris, 1976), Revolutionaries They Could Not Break (Index Book Centre, London, 1995), Vietnam 1920-1945, révolution et contre-révolution sous la domination coloniale (L'insomniaque, 1996; Nautilus, 2000), Việt Nam 1920-1945, cách mạng và phản cách mạng thời đô hộ thực dân (L'insomniaque, Paris, 2000), Avec Maximilien Rubel, une amitié, une lutte 1954-1996 (L'insomniaque, 1997), Au pays de la cloche félée (L'insomniaque, 2000) ...

No comments:

Post a Comment