Các Chủ Đề

Thursday, July 4, 2013

Sau Mùa Xuân Ả Rập là mùa hạ

Vào ngày 3-7-2013, tướng Abdul Fattah Al-Sisi tuyên bố tước quyền của tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi và tuyên bố ngưng áp dụng hiến pháp . Việc này xảy ra sau nhiều tuần lễ hàng trăm ngàn người Ai Cập xuống đường để phản đối cách cai trị của tổng thống Morsi, thuộc nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo, và ông này không nhượng bộ. .
Việc quân đội Ai Cập làm đảo chánh tuyên bố tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi không còn quyền nữa có thể nhìn theo hai cách:


Cách thứ nhật là nhìn về nguyên tắc dân chủ thì quân đội Ai Cập đã vi phạm nguyên tắc dân chủ khi xen vào chính trị, lật đổ một tổng thống được bầu lên bằng lá phiếu.

Cách thứ hai là những người chống lại chính quyền của tổng thống Morsi cho rằng ông Morsi đang dùng quyền lực của tổng thống để gài người của nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo vào các cấp trong chính quyền. Chủ trương của nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo là tôn giáo phải bao trùm lên toàn thể các hoạt động của quốc gia, kể cả chính trị và tư tưởng người dân. Vì thế họ dần dần thay thế mọi địa vị then chốt trong chính quyền bằng người của họ. Những người xuống đường biểu tình phản đối vì họ không chấp nhận một nhóm người nhân danh Hồi Giáo bắt họ phải suy nghĩ, hành động theo tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo và họ thấy bị gạt ra ngoài sinh hoạt chính trị khi nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo chiếm hết các địa vị then chốt.

Nhìn vào bề ngoài thì quân đội xen vào chính trị và vũ lực được dùng để quyết định xem ai cầm quyền mà không phải là lá phiếu. Nhưng việc Huynh Đệ Hồi Giáo dần dần kiểm soát mọi mặt sinh hoạt về chính trị xã hội thì cũng dẫn đến việc mất tự do tư tưởng, và các nhóm người dân khác bị mất đi quyền tham gia chính trị. Khi nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo nắm được quân đội, cảnh sát và gài người vào các cấp chính quyền từ trên xuống dưới thì họ sẽ trở thành một thứ đảng Cộng Sản theo Hồi Giáo cai trị theo lối độc tài toàn trị.

Tình hình phức tạp cho thấy một đảng chính trị có thể lên cầm quyền do dân bầu theo thể thức dân chủ rồi sau đó đảng này lợi dụng địa vị có được mà bố trí người khắp các cấp, tiêu diệt đối lập và có nghĩa đó là con đường một chiều đi từ dân chủ đến độc tài rồi không quay trở lại, không còn đảng nào có thể thay thế được đảng đó nữa. Điều này đã xảy ra với chế độ Đức Quốc Xã. Hitler lên cầm quyền theo thủ tục dân chủ, rồi sau đó đảng Đức Quốc Xã bố trí người nắm tất cả, không còn quay trở về dân chủ nữa.

Dân chủ có nghĩa là dân có quyền thay đổi đảng cầm quyền khi dân thấy đảng đó không xứng đáng, dân chủ không phải là lợi dụng được bầu lên với đa số phiếu rồi bịt hết mọi đường không còn cho dân được quyền thay đổi chính quyền nữa.

Nhìn chung về tình hình tại các nước Trung Đông và Bắc Phi, Mùa Xuân Ả Rập là tranh chấp giữa phe Hồi Giáo tương đối ôn hòa, cai trị theo lối đời thường, thế tục và phe Hồi Giáo đậm nét tôn giáo, chủ trương phải cai trị theo luật lệ Hồi Giáo. Phe cai trị theo lối thế tục có thể là thân Tây Phương hay chống Tây Phương.

Tại Ai Cập, phe cai trị thế tục là quân đội, với ông Mubarak đứng đầu và thân Mỹ. Phe đậm nét Hồi Giáo là tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo.

Tại Syria, phe cầm quyền do tổng thống Bashar Assad đứng đầu là phe thế tục từ xưa đến nay vẫn chống Tây Phương và phe nổi loạn trong đó có nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo và nhiều thành phần Hồi Giáo cực đoan. Vì thế mà các nước Tây Phương và Mỹ không cung cấp vũ khí cho phe nổi loạn.

Tại Lybia, phe cầm quyền là đại tá Muammar Gaddafi cai trị theo lối thế tục. Phia nổi dậy có nhiều nhóm khác nhau nhưng có khuynh hướng đậm nét tôn giáo hơn.

Tại Tunisia, phe thiên về Hồi Giáo cũng đã lên nắm quyền khi tổng thống Tunisa thân Tây Phương bỏ chạy.

Mùa Xuân Ả Rập là sự chỗi dậy của những người Hồi Giáo muốn đem cách cai trị đậm nét tôn giáo để thay đổi cách cai trị thế tục, bất kể chính quyền thế tục đó thân Tây Phương hay chống Tây Phương.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, các nước Ả Rập được độc lập và chính quyền nằm trong tay các quân nhân. Các quân nhân này có thể thân Tây Phương hay chống Tây Phương, nhưng họ là những người đã từng đi lính dưới chế độ do Tây phương cai trị nên họ hiểu biết về văn hóa Tây Phương hơn quần chúng vẫn sống trong văn hóa Hồi Giáo.

Đại tá Gamal Nasser của Ai Cập đã từng đi lính dưới thời Anh. Khi ông làm đảo chính lật vua Ai Cập thì ông theo chính sách không liên kết, nghĩa là không thân phe tư bản và không thân phe cộng sản. Ông đã từng bỏ tù nhừng người theo tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo vì họ muốn vũ trang lật đổ chính quyền để cai trị theo lối Hồi Giáo. Khi ông Nasser qua đời, thì ông Sadat lên thay và cùng là quân nhân. Ông Sadat bị tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo bắn chết khi ông đang ngồi xem lễ duyệt binh nhân ngày quốc khánh Ai Cập. Ông Mubarak lên thay ông Sadat, đặt tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo ra ngoài vòng pháp luật. Sau này, khi tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo tuyên bố không dùng vũ lực lật đổ chính quyền nữa thì họ được chính quyền Ai Cập cho phép hoạt động và họ tham gia bầu cử sau khi ông Mubarak từ chức. Nhưng phe quân nhân đã lật tổng thống của tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo khi họ quá thiên về tôn giáo trong cách cai trị.

Phong trào thiên về Hồi Giáo đang dâng lên tại Trung Đông vì người dân Ả Rập không hài lòng với cách cai trị thế tục. Họ thấy ra các chính quyền thế tục tham nhũng, thối nát, không giải quyết được kinh tế, để cho dân chúng nghèo. Các nước có chính quyền thân Tây Phương thì người dân bất mãn vì nước họ bị lệ thuộc Tây Phương. Ngay cả các nước chống Tây Phương như Lybia, Syria thì người dân cũng nghĩ rằng cách cai trị theo Hồi Giáo sẽ ít tham nhũng hơn, tốt đẹp hơn vì xưa kia vùng Ả Rập từng có thời huy hoàng nhờ cách cai trị theo Hồi Giáo.

Những người mơ ước rằng cách cai trị theo lối giáo quyền của thời xưa sẽ tiêu diệt hết các thói xấu của chính quyền thế tục là những người mang ảo tưởng. Cách cai trị theo lối giáo quyền có những khuyết điểm của nó như tư tưởng tôn giáo kìm hãm sự phát triển về dân trí, về tư tưởng và chế độ độc tài, dù là nhân danh tôn giáo, thì cũng vẫn có sự thối nát. Sự thối nát do nắm quá nhiều quyền lực mà không có đối lập, giám sát. Bản tính con người nếu để cho nắm quá nhiều quyền lực thì sẽ sinh ra lạm dụng quyền lực và thối nát, dù là nhừng người đó có thấm nhuần tư tưởng tôn giáo hay các chủ nghĩa cao đẹp đến đâu chăng nữa. Một chế độ mà cả phe thế tục và phe thiên tôn giáo đều được có tiếng nói và có cơ hội cầm quyền sẽ làm giảm bớt đi sự cực đoan của phe thiên tôn giáo. Nhưng điều đó sẽ chỉ có được sau khi phe thiên tôn giáo nắm quyền và nhìn thấy các khuyết điểm của chế độ quá thiên về tôn giáo và nhìn ra rằng mình đã có ảo tưởng về giải pháp tôn giáo. Điều đó đang xảy ra tại Iran, nơi mà nhiều người dân Iran đang chống lại chính quyền quá thiên về tôn giáo và muốn có tự do hơn, có đời sống thoải mái hơn là đời sống phải theo sự ràng buộc chặt chẽ của tôn giáo.






1 comment:

  1. mùa hạ ở bến đó có đẹp bằng mùa hạ ở Việt Nam không bạn ?
    ..............................................................................
    Mr. Sỹ - Chuyên viên tư vấn giải pháp hội nghị truyền hình cho các doanh nghiệp
    SDT:0909223007- 0918642886
    Click để xem chi tiết:
    thiết bị tương tác | hội nghị truyền hình | cáp kramer

    ReplyDelete