Các Chủ Đề

Thursday, December 31, 2015

Đèn Cù: Cộng Sản cộng tác với Pháp phá phe quốc gia

Lính Khố Đỏ
Trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp, có những tác giả thuộc phe quốc gia nghi ngờ là phe Cộng Sản có thể đã mật báo với Pháp để Pháp bắt những người chống Pháp thuộc phe quốc gia. Có người từng theo Việt Nam Quốc Dân Đảng cho rằng Việt Minh báo cho Pháp biết Việt Nam Quốc Dân Đảng sẽ nổi lên chống Pháp để phá cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng.  Trong cuốn Đèn Cù, tác giả Trần Đĩnh kể lại chuyện có thật là tù nhân cộng sản mật báo với Pháp để phá kế hoạch vượt ngục của những người lính khố đỏ lúc đó theo ông Trần Trung Lập chống Pháp.

Trong chương 2 của cuốn Đèn Cù, tác giả có nói đến nhân vật tên là Kỳ Vân. Trong khi kể chuyện về Kỳ Vân tác giả nhắc lại cuộc đối thoại của mình với Kỳ Vân khi nói về việc cán bộ cộng sản trong tù mật báo với Pháp để phá kế hoạch vượt ngục của nhóm lính khố đỏ đã từng theo ông Trần Trung Lập đánh chiếm Lạng Sơn.

Đây là những người lính trong đội Việt Nam Kiến Quốc Quân, dưới sự chỉ huy của ông Trần Trung Lập đánh chiếm Lạng Sơn ngày 23-9-1940. Khi Pháp phản công, ông Trần Trung Lập thua, bị bắt và bị xử bắn. Còn đám lính khố đỏ thì sau đó bị Nhật giao cho Pháp. Ở trong tù, họ bàn chuyện vượt ngục để trốn sang Trung Quốc. Cán bộ cộng sản cũng ở tù chung, đem chuyện định vượt ngục báo cho Pháp. Pháp dời đám lính khố đỏ đi chỗ khác để phá kế hoạch vượt ngục của họ.

Theo tác giả Trần Đĩnh, ông Kỳ Vân không tán thành việc phá phe quốc gia như vậy, còn tác giả thì cho đó là việc làm phải.

Chuyện này cho thấy quả có lúc Cộng Sản Việt Nam cộng tác với Pháp để phá phe quốc gia.

Dưới đây là đoạn trích trong cuốn Đèn Cù:

Một chuyện nghe anh kể mà tôi rất phân vân. Lúc đó ở Sơn La giam mấy chục lính khố đỏ ủng hộ Trần Trung Lập theo Nhật nổ súng chống lại Pháp khi Nhật tiến công vào Lạng Sơn cuối 1940. Thua, Pháp đành ngừng việc Đồng Minh chuyển vũ khí, trang bị cho Tưởng qua đường Hải Phòng – Vân Nam cũng như để Nhật đóng vài trăm quân trên mạn bắc sông Hồng và ở cảng Hải Phòng. Đổi lại, Nhật trả tù binh gồm cả những lính khố đỏ này cho Pháp. Ở nhà tù Sơn La, họ đặt kế hoạch vượt ngục để sang Trung Quốc. Nắm được tin này, chi ủy cộng sản liền chủ trương báo cho Pháp biết, phá không cho các tổ chức quốc gia “phản động” có thêm lực lượng, nhất là binh lính nhà nghề. Là chi ủy viên, Lê Liêm báo Kỳ Vân về quyết định này. Ai ngờ Kỳ Vân chất vấn luôn bí thư Lê Thanh Nghị. Trong tù, kỷ luật sắt, phổ biến vô nguyên tắc, biết vô nguyên tắc nghị quyết tối mật của chi ủy mà lại còn chất vấn và bất bình phản đối như thế này nữa thì cầm bằng toi. Kỳ Vân thế là lại thêm vết. Đám lính khố đỏ sau đó bị Pháp chuyển đi nhà tù khác… Vì sao thì bố ai biết, Kỳ Vân bảo tôi. Chắc họ bị lộ.
 
Tôi phục Kỳ Vân ngay thẳng nhưng không tán thành việc anh bênh lính khố đỏ!
 
– Nhưng sao phải phá họ? – Anh cười hỏi vặn lại.
 
– Phản động mà!
 
– Phản động mà chống Pháp! Đã mắc lừa Nhật cú vừa rồi thì lẽ nào vượt ngục ra họ lại tự đem họ nộp cho Nhật nữa? Vậy vượt ngục là để họ chống Pháp và Nhật. Còn với ta thì lấy gì bảo họ chống ta? Hay là vì đảng phải dẹp các đảng phái quốc gia để giành lấy độc quyền lãnh đạo? Trước khi hợp nhất, ba tổ chức cộng sản chẳng chửi nhau là phản động và đều muốn xơi tái nhau cả đấy thôi.
 
Nghe có lý nhưng tôi vẫn không thông lắm. Vẫn thấy để độc quyền lãnh đạo thì đảng cần phải làm suy yếu tất cả các đảng phái khác. Y như trong cuộc đua xe đạp vậy. Đối thủ ngã, anh có xuống đỡ dậy không?
 
Kỳ Vân cười:
 
– Ừ, có khi còn xuống đạp mấy cái cho gẫy xe nó nữa ấy chứ. Làm gì có tinh thần thượng võ sportif trong chính trị, mày.
(Hết phần trích dẫn)

Trong đoạn trên, Kỳ Vân phản đối lại việc mật báo với Pháp để phá kế hoạch vượt ngục của những người lính thuộc phe ông Trần Trung Lập còn tác giả Trần Đĩnh thì tán thành việc đó, và lập trường của ông Trần Đĩnh cũng là lập trường của chi ủy đảng Cộng Sản trong tù lúc đó. Điều này nói lên là đảng Cộng Sản Việt Nam quả thực có chính sách hợp tác với Pháp để phá các phe chống Pháp khác trong công cuộc chiến tranh chống Pháp.

Thí dụ mà ông Trần Đĩnh đưa ra là trong cuộc đua xe đạp thì cái cần là người đua phải về nhất, không giúp đỡ kẻ kình địch với mình.

Tuy người đua không ngừng lại giúp đỡ người khác bị ngã nhưng luật đua cũng cấm chơi trò đạp người khác ngã để họ không vượt qua mình được. Việc người Cộng Sản mật báo với Pháp để phá các nhóm chống Pháp khác giống như là tay đua đạp ngã người khác để chỉ có mình được về nhất. Việc làm của đảng Cộng Sản Việt Nam, cũng là lập trường của người Cộng Sản Nga, cho thấy người Cộng Sản không từ mọi thủ đoạn để đoạt được quyền lực, ngay cả vi phạm các nguyên tắc luân lý, đạo đức. Giống như người đua xe dùng mọi thủ đoạn, kể cả xô đẩy, đạp cho người khác ngã để mình được về nhất. Giống như một đội bóng chủ trương chèn trái phép, kéo áo, đạp chân cho đối thủ ngã miễn sao mình thắng thì thôi.

Chủ trương bất chấp đạo lý đó được Lê Nin theo đuổi. Lê Nin thì được ảnh hưởng bới những giáo lý của người Cộng Sản Nga do Sergey Gennadiyevich Nechayev viết ra vào thế kỷ 19. Giáo lý đó phổ biến trong đa số những người cộng sản Nga vào thời đó. Lối hành động đó được truyền bá ra các nước khác khi Cộng Sản Nga đưa thanh niên về Nga để huấn luyện chủ nghĩa Cộng Sản cùng phương cách hành động rồi đưa họ trở lại nước họ để hoạt động.

Điều 4 trong số 26 điều Giáo Lý của Sergey Nechayev viết:

Điều 4

Người cách mạng không thèm đếm xỉa đến dư luận quần chúng. Người ấy coi thường và ghét tất cả luân lý của xã hội hiện tại cùng với tất cả các mọi biểu hiện của luân lý đó.

Tất cả những gì làm cản đường cách mạng của người ấy là vô đạo đức và là tội ác.

Trong đoạn văn trích từ Đèn Cù thì Kỳ Vân cho những người lính khố đỏ đó cũng là người yêu nước, họ không còn theo Pháp, theo Nhật nữa mà họ không chống lại Cộng Sản thì không cần phải phá họ. Còn lập trường của chi ủy Cộng Sản lúc đó là những người không thuộc về phe Cộng Sản đều là phản động, đều là kẻ thù, dù họ yêu nước chống Pháp cũng vẫn xem họ là kẻ thù.

Hiện tượng các phe cùng nổi lên lật đổ một chế độ nhưng lại cũng đánh lẫn nhau để tranh giành ảnh hưởng, quyền hành là hiện tượng do lòng tham quyền lực của loài người mà sinh ra được thấy trong lịch sử các nước. 

Tại Trung Hoa, khi nhà Nguyên của người Mông Cổ suy yếu, các nhóm người Hán nổi lên. Trong đó Chu Nguyên Chương không lo đánh người Mông Cổ bao nhiêu mà chỉ lo đánh các phe khác. Cuối cùng thì người Mông Cổ thua vì bị các phe khác đánh còn Chu Nguyên Chương thì thắng các phe khác, lên làm vua, lập nên nhà Minh.

Tại Syria, khi các nhóm Hồi Giáo nổi lên chống lại chế độ của ông Assad thì các nhóm này cũng đánh lẫn nhau để tranh giành ảnh hưởng.

Đó là do lòng tham quyền lực của con người mà ra. Còn trong trường hợp người Cộng Sản thì người Cộng Sản lại có chủ nghĩa Cộng Sản dạy rằng tất cả ai không theo chủ nghĩa Cộng Sản đều là phản động hết, đều phải bị tiêu diệt. Nếu trong các trường hợp khác thì động cơ là lòng tham quyền lực thì trường hợp của Cộng Sản thì người Cộng Sản có lý thuyết dạy rằng để tiến đến được  mục đích cuối cùng là xã hội Cộng Sản vô cùng tốt đẹp phải tiêu diệt tất cả  mọi phe khác, bất chấp đạo đức, luân lý mà làm. Lý thuyết này cũng phù hợp với lòng tham quyền lực của con người. Lòng tham quyền lực được lý tưởng cao cả biện minh cho.

Trong thí dụ về đua xe đạp ở trên, nếu đó là một cuộc đua mà mỗi đội có nhiều tay đua tham gia để khi tay đua nào trong đội mình về nhất thì xem như là đội mình thắng thì những người trong cùng một đội có nên đạp ngã những người khác trong đội mình để chỉ có mình được về nhất? 

Đối với người quốc gia thì trong số các nhóm chống Pháp, nhóm nào thành công thì cũng là Việt Nam được độc lập. Vì thế các nhóm quốc gia không chủ trương phá các nhóm khác. Các nhóm chống Pháp khác nhau giống như các tay đua trong cùng một đội. Ai về nhất cũng được, miễn là người trong đội của mình. Nhóm nào thành công trong việc đánh đuổi người Pháp cũng được, miễn là Việt Nam được cai trị bởi người Việt.

Còn Cộng Sản thì không vậy. Đảng Cộng Sản chỉ muốn đảng mình thành công trong công cuộc chống Pháp. Trên lý thuyết, người Cộng Sản không tranh đấu cho quốc gia mà chỉ tranh đấu cho giai cấp vô sản. Vì thế đội đua xe đạp của phe quốc gia bao gồm những người Việt chống Pháp khác. Đội đua xe đạp của người Cộng Sản không xem những nhóm chống Pháp khác là cùng đội với mình mà xem các đảng Cộng Sản tại các nước khác mới là cùng đội với mình, vì các đảng đó là các đảng của giai cấp vô sản.

Tuy nhiên, người Cộng Sản Nga thuộc phe Đệ Tam cũng lại tiêu diệt người Cộng Sản thuộc phe Đệ Tứ, dù là phe Đệ Tứ đó là người Nga, người Việt, người Pháp hay là người Tây Ban Nha. Chủ trương của Stalin tiêu diệt cảc đảng Cộng Sản khác dù họ cũng tranh đấu cho giai cấp vô sản. Thái độ đó chỉ có thể cắt nghĩa rằng đó là do văn hóa Nga. Những người Cộng Sản Nga, như Stalin, tuy theo chủ nghĩa Cộng Sản, chủ trương xóa bỏ chính quyền, xóa bỏ giai cấp, hô hào giải phóng nhưng trong đầu óc vẫn nặng nề lối cai trị của các Nga Hoàng, không chấp nhận kẻ khác kình địch về mặt quyền lực với mình, không chấp nhận dân có quyền tự do. Cũng lại do lòng tham quyền lực.

Một người từng ở trong Việt Nam Quốc Dân Đảng, là ông Hoàng Văn Đào, sau này viết cuốn sách Việt Nam Quốc Dân Đảng, nghi ngờ là chính Việt Minh báo cho Pháp biết trước để Pháp phá cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Đoạn sách đó viết:

“Trong những giờ phút nghiêm trọng ấy, cán bộ ĐDCSĐ (Đông Dương Cộng Sản Đảng) rải truyền đơn khắp nơi, tố cáo VNQDĐ sắp tấn công Bắc Kỳ. Cô Giang cầm tờ truyền đơn trao cho Nguyễn Thái Học xem, Nguyễn Thái Học đập bàn thét to: - “Tôi không tin! Vì có thể nào anh em cộng sản lại có thể hành động như thế được!”

Cuốn Đèn Cù cho thấy "người anh em Cộng Sản" có thể hành động như thế được.

Chuyện kể trong Đèn Củ xảy ra từ trước khi Cộng Sản cướp chính quyền năm 1945. Nhà văn Nhất Linh, trong cuốn tiểu thuyết Chi Bộ Hai Người viết tại miền Nam vào thời 1957, cũng có kể chuyện thời trước 1945, phe quốc gia và phe Cộng Sản trong lúc hoạt động ở Trung Hoa và cùng chủ trương đánh Pháp cũng thủ tiêu lẫn nhau. Phe quốc gia của nhà văn Nhất Linh là Việt Nam Quốc Dân Đảng, cũng không chủ trương thủ tiêu các đảng quốc gia khác mà chỉ làm như vậy với Cộng Sản. Vì Cộng Sản đã làm như vậy với họ.

Chủ trương xem các nhóm chính trị khác là kẻ thù của đảng Cộng Sản Việt Nam đã được một số người quốc gia nhìn thấy, nhất là khi tổ chức của họ bị Cộng Sản tiêu diệt, do đó khi Việt Nam bị chia đôi bởi Hiệp Định Geneve thì những người quốc gia đó là những người chống Cộng mạnh mẽ nhất. Họ biết rằng họ sẽ không tồn tại được khi Cộng Sản chiếm được miền Nam.

Chính cái chính sách của đảng Cộng Sản không xem các nhóm chính trị người Việt khác là cùng trong một đội đua xe đạp với mình đã sinh ra sự chống lại Cộng Sản mạnh mẽ khiến cho Cộng Sản phải mất mười chín năm mới chiếm được miền Nam.


Minh Đức



No comments:

Post a Comment