Các Chủ Đề

Wednesday, December 16, 2015

Giáo Dục Đạo Đức Cho Học Sinh Tại Nhật

Người Nhật Bản giáo dục đạo đức cho học sinh như thế nào?

Đạo đức đã và đang được giảng dạy khá hiệu quả tại Nhật. Ba đặc điểm nổi bật của phương pháp giáo dục đạo đức bao gồm sự linh hoạt trong phương pháp và nội dung giảng dạy của giáo viên, nội dung phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý theo độ tuổi của học sinh, và giáo dục gắn liền với thực hành và đời sống qua các hoạt động ngoại khóa.

Sau trận sóng thần tháng 3/2011, báo chí phương Tây đặc biệt ca ngợi cách ứng xử của người Nhật

Nhật Bản từ lâu đã được biết đến như một đất nước an toàn và hiện đại. Sau trận sóng thần tháng 3/2011, báo chí phương Tây đặc biệt ca ngợi cách ứng xử của người Nhật: dù trải qua thảm họa, nhiều người rơi vào tình cảnh mất nhà, mất người thân, thiếu đồ ăn thức uống, nhưng tình trạng hôi của, cướp giật, hỗn loạn không diễn ra như tại nhiều đất nước khác. Ngoài gia đình, nhà trường đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đào tạo các thế hệ công dân có cách hành xử đúng mực, văn minh. Liệu nền giáo dục Nhật Bản có bí quyết gì? Bài viết sẽ cung cấp những thông tin về cách giáo dục đạo đức (道徳 | Doutoku) trong nhà trường tại Nhật Bản.

Lịch sử

Theo Bách khoa Toàn thư Triết học Stanford, “đạo đức” là “các quy tắc hành xử được một xã hội thống nhất và chấp nhận, và đóng vai trò hướng dẫn hành vi cho tất cả thành viên trong xã hội đó”. Giáo dục đạo đức tại Nhật có lịch sử lâu đời, có thể bắt nguồn từ thời Tokugawa (1603-1868). Trong giai đoạn này, trẻ em học Đạo Khổng tại các trường Terakoya (dành cho con cháu tầng lớp samurai) và Hankou (dành cho các trẻ còn lại). Giáo dục đạo đức được kéo dài tại Nhật, và giai đoạn Hiện đại bắt đầu sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai (WW II). Tháng 3 năm 1947, “Luật căn bản” (Fundamental of Law) tại Nhật quy định giáo dục đạo đức là một phần bắt buộc trong xã hội dân chủ.

Mẫu giáo

Các lớp học về đạo đức tại Nhật chính thức bắt đầu từ tiểu học, thế nhưng ngay từ mẫu giáo, trẻ em đã được học các quy tắc ứng xử căn bản. Người Nhật đặc biệt chú trọng các câu chào hỏi, xin lỗi, và cám ơn. Mỗi buổi sáng, trẻ xếp hàng trong lớp, trịnh trọng chào giáo viên trước khi bắt đầu ngày mới. Trong quá trình học và chơi, trẻ được hướng dẫn và nhắc nhở sử dụng các câu cám ơn và xin lỗi trong các tình huống phù hợp.

Đến giờ ăn, trẻ được phân công phục vụ đồ ăn cho các bạn: giáo viên sẽ múc thức ăn vào bát, đổ sữa vào ly; và trẻ sẽ bưng đến bàn của các bạn. Trẻ mặc đồng phục như một người chăm nuôi thật sự. Sau đó, những trẻ phục vụ của ngày sẽ tập trung đứng trước lớp và đồng thanh chúc các bạn ăn ngon miệng, và các bạn sẽ đồng thanh cám ơn. Trước khi ăn, người Nhật nói “Itadakimasu” (Tôi biết ơn vì được nhận đồ ăn), sau khi ăn sẽ nói ”Gochisosamadeshita” (Cám ơn vì bữa ăn), và hai điều này cũng được hướng dẫn ngay từ mẫu giáo.

Trẻ em từ 3 tuổi trở lên được hướng dẫn tự ăn mà không cần người lớn bới, tự đem khay sau khi ăn đến nơi dọn dẹp, tự mặc quần áo, tự trải ga trải giường, tự gấp gối và nệm sau giấc ngủ trưa. Có thể nói, ngay từ cấp mẫu giáo, trẻ đã được học những bài học quan trọng đầu tiên về cách ứng xử lịch thiệp (lời cám ơn và xin lỗi), tinh thần trách nhiệm với công việc (mặc đồng phục), chia sẽ trách nhiệm trong tập thể (lần lượt đảm nhiệm việc phục vụ đồ ăn), và sự tự lập (tự phục vụ bản thân).

Tiểu học và Trung học
Theo Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, và Công nghệ Nhật Bản (MEXT), mục đích của môn đạo đức tại các trường tiểu học bao gồm giảng dạy về hành vi trong đời sống hàng ngày, sự cảm nhận và phán đoán về đạo đức, phát triển nhân cách và thái độ sáng tạo, sự nhận thức về tầm quan trọng của cách ứng xử văn minh trong việc xây xựng đất nước. Lên cấp hai, các chủ đề được mở rộng cho phù hợp với sự phát triển tâm lý của học sinh, bao gồm các chủ đề như cách phản ứng đối với lời phê bình, sự hiểu biết và tôn trọng giới tính, thái độ tôn trọng sự thật, v.v.

Theo quy định của MEXT, đến khi tốt nghiệp cấp hai (lớp 9) – bậc giáo dục phổ thông bắt buộc tại Nhật; mỗi học sinh đã trải qua các lớp đạo đức kéo dài 45 phút (cấp 1) và 50 phút (cấp 2) mỗi tuần (tương đương với 35 giờ học mỗi năm). Năm 2002, MEXT xuất bản “Ghi chú Trái tim” (Kokoro no Noto), một sách tham khảo dành cho giáo viên.

Tuy Đạo đức là môn bắt buộc, tuy nhiên MEXT không có quy định thống nhất về nội dung chương trình, sách giáo khoa và điểm số. Điều này giúp giáo viên linh hoạt thiết kế bài giảng cho phù hợp với học sinh. Ví dụ, giáo viên có thể sử dụng sách tham khảo “Ghi chú trái tim” hay chuẩn bị các tài liệu khác. Các chủ đề bao gồm phân biệt đối xử người thiểu số, tình bạn, bắt nạt học đường, vai trò giới tính, v.v. Hoạt động lớp học bao gồm các bài giảng, thảo luận các câu hỏi như “Liệu việc một người đàn ông khóc có được xem là hành vi được chấp nhận?”, “Nếu bạn ngồi một mình trong lớp, em sẽ làm gì?”, đến việc giải thích các thành ngữ, thăm quan bảo tàng, viết những lá thư ẩn danh miêu tả những điểm tốt về các bạn cùng lớp.

Ngoài ra, đạo đức cũng được nhấn mạnh trong các bộ môn giáo dục khác tại trường. Một vài ví dụ về mục tiêu các môn học như sau:

Tiếng Nhật: Phát triển khả năng hiểu và sử dụng tiếng Nhật, phát triển đam mê và sự tôn trọng dành cho tiếng Nhật (Mục tiêu chung, Lớp 7)
Khoa học: Giúp trẻ nhận thức về sinh vật dưới tác động môi trường, phát triển thái độ tôn trọng sự sống, nghiên cứu sự phát triển và cấu trúc cơ thể của sinh vật (Lớp 5)

Giáo dục thể chất: Phát triển tinh thần “fair-play” khi cạnh tranh và hợp tác, sẵn sàng tuân theo quy định và hoàn thành trách nhiệm thông qua việc hơp tác (Trung học).
Hoạt động ngoại khóa

Quan trọng không kém là việc giáo dục đạo đức thông qua các hoạt động ngoại khóa. Một trong những hoạt động phổ biến tại Nhật là việc tổ chức các Lễ hội thể thao trường mỗi năm, bắt đầu từ tiểu học. Tất cả học sinh được yêu cầu tham gia với tư cách vận động viên hay cổ động viên. Gia đình cũng được khuyến khích tham gia.

Bắt đầu từ trung học, các trường tổ chức nhiều câu lạc bộ thể thao, âm nhạc, và các câu lạc bổ theo sở thích khác. Học sinh Nhật đặc biệt xem trọng các hoạt động ngoài giờ không kém các lớp học chính thức. Chính những hoạt động tập thể này sẽ giúp học sinh hiểu rõ về sự tập trung, nỗ lực vì bản thân, phát triển khả năng hợp tác và làm việc nhóm, cũng như cách giải quyết các mâu thuẫn tập thể.

Ngoài ra, một trong những hoạt động ngoài giờ phổ biến ở tiểu học là việc chăm sóc chậu cây nhỏ. Hàng ngày, học sinh sẽ lần lượt thay phiên trực nhật, quét dọn lớp học, và các khu vực công cộng như sân bóng rổ, cầu thang, hành lang lớp học, v.v. Các hoạt động này sẽ giúp học sinh hiểu về trách nhiệm với bản thân, chăm sóc người thân, và việc chia sẽ trách nhiệm với cộng đồng.

Cải cách giáo dục

Tuy Nhật có hệ thống giáo dục đạo đức khá hiệu quả, không thể phủ nhận nhiều vấn đề nhức nhối vẫn xảy ra trong phạm vi trường học. Một vấn đề nổi cộm hiện nay là nạn bắt nạt. Tháng 2/2013, một dự thảo cải cách giáo dục được đề trình lên chính phủ thủ tướng Abe Shinzo. Một điểm quan trọng của dự thảo này là việc đưa môn Đạo đức trở thành bộ môn chính thức với sách giáo khoa, nội dung chương trình, và cách đánh giá thống nhất.

Tuy nhiên, dự thảo này gặp không ít phản đối và nghi ngại. Vấn đề bất cập đầu tiên là điểm số. Đối với Đạo đức, một khái niệm không có câu có trả lời tuyệt đối đúng sai, thì việc áp dụng những phương pháp đánh giá truyền thống như trắc nghiệm, đúng-sai sẽ không phù hợp.

Điều bất cập thứ hai là thiếu nhân lực. Đạo đức hiện đang được giảng dạy bởi các giáo viên chủ nhiệm đang đứng lớp. Nếu Đạo đức trở thành bộ môn chính thức, điều này sẽ tạo thêm nhiều áp lực và khối lượng công việc cho các thầy cô. Ngược lại, nếu đào tạo lớp giáo viên mới cho bộ môn này, liệu các thầy cô trẻ không có kinh nghiệm có thể truyền đạt các bài học vốn cần nhiều kinh nghiệm sống một cách hiệu quả?

Điều bất cập thứ ba là nội dung chương trình mới có thể bao gồm chủ nghĩa dân tộc (nationalism) và chủ nghĩa yêu nước (patriotism), vốn được thủ tướng Abe xem trọng. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2 (WWII), hầu hết người Nhật đã mất lòng tin vào chính phủ vốn theo chủ nghĩa quốc gia cứng rắn. Chính vì thế, việc đưa chủ nghĩa quốc gia vào môn Đạo đức gặp nhiều sự phản đối. Một sinh viên nhận xét, chủ nghĩa quốc gia nên đưa vào môn Đạo đức dưới dạng khuyến khích học sinh yêu thích và tìm hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống Nhật Bản như trà đạo hay các môn võ thuật, thay vì giới thiệu về chủ nghĩa quốc gia một cách đơn thuần.

Chúng ta học tập được gì?

Đạo đức đã và đang được giảng dạy khá hiệu quả tại Nhật. Ba đặc điểm nổi bật của phương pháp giáo dục đạo đức bao gồm sự linh hoạt trong phương pháp và nội dung giảng dạy của giáo viên, nội dung phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý theo độ tuổi của học sinh, và giáo dục gắn liền với thực hành và đời sống qua các hoạt động ngoại khóa. Điều này khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu Đạo đức và Giáo dục công dân giảng dạy tại Việt Nam có hiệu quả khi thiếu các hoạt động thực hành, nội dung chương trình dựa quá nặng vào triết học chưa phù hợp với lứa tuổi học sinh cấp ba, và hình thức kiểm tra dựa vào trắc nghiệm? Liệu chúng ta có thể học hỏi gì về hình thức giáo dục tại Nhật và thay đổi cho phù hợp để áp dụng nâng cao hiệu quả cho việc giảng dạy bộ môn giáo dục Đạo đức và Công dân tại Việt Nam? – Đây là điều rất đáng quan tâm và suy nghĩ.

LAN T (VIET PSYCHOLOGY)/REDS
2014.10.19

No comments:

Post a Comment