Các Chủ Đề

Wednesday, November 22, 2017

Chiến dịch làm giảm hút thuốc lá của Canada


Hình in trên các bao thuốc lá ở Canada
Tại Canada, hơn 50 năm trước đây, thuốc lá được nhiều người hút và được hút ở mọi nơi, mọi lúc. Lúc đó, có hơn 50% người dân Canada hút thuốc lá. Thuốc lá được quảng cáo ở khắp mọi nơi, trên báo chí, trên truyền hình, truyền thanh, trong các phim ảnh với cảnh các diễn viên lịch lãm tay cầm điếu thuốc lá. Cho đến ngày 17 tháng 6 năm 1963, bà bộ trưởng Y Tế Judy Lamarsh nói trước quốc hội rằng có bằng chứng khoa học là thuốc lá có liên hệ đến việc gây ra ung thư phổi, cùng với việc bị đờm trong phổi và bệnh tim. Đó là vị bộ trưởng Y Tế đầu tiên trên thế giới cảnh cáo là thuốc lá có hại cho sức khỏe. Lời tuyên bố này sau đó đã gây ra phong trào vận động mọi người bỏ hút thuốc lá trong dân chúng. Nhiều nhóm người dân vận động với quốc hội làm ra những luật để ngăn trở mọi người hút thuốc và ngăn trở quảng cáo thuốc lá. Sau hơn 50 năm, dân Canada vẫn có người tiếp tục hút thuốc nhưng giảm đi nhiều.


Bà bộ trưởng Y Tế Judy Lamarsh tuyên bố như sau:

"Có bằng chứng khoa học là hút thuốc góp phần vào việc gây ra ung thư phổi và có thể có liên quan đến việc bị đờm trong phổi kinh niên và bệnh tim".

Bà bộ trưởng Y Tế Judy Lamarsh chụp lúc đứng nói trước quốc hội

 Vào lúc đó, lời tuyên bố hút thuốc lá là có hại giống như là một quả bom nổ trước công chúng vì trong bao nhiêu năm, ngành công nghệ sản xuất thuốc lá tìm cách dẹp đi các báo cáo tiêu cực về hút thuốc lá, bỏ ra rất nhiều tiền để quảng cáo tạo ra trong óc quần chúng là hút thuốc lá là sành điệu, là lịch lãm, biết cách sống.

Vào thời điểm 1963, ở Canada có 61% phái nam và 38% phái nữ hút thuốc lá. Thuốc lá được cho phép hút ở mọi nơi, trong trường học, bệnh viện, trên máy bay, trong các nhà hàng ăn... Thuốc lá được quảng cáo trên truyền hình, trên radio, trên các tấm pa nô ngoài đường, trên nhật báo, tạp chí với ý tưởng cho là hút thuốc làm cho thấy phấn khởi, yêu đời và là cách sống ở đời. Có thể nói là không thấy chỗ ngồi nào ở nơi công cộng mà không để hộp để gạt tàn thuốc lá.

Nhưng bà bộ trưởng Y Tế cũng tuyên bố là hiện nay số người bị ung thu phổi đã gia tăng gấp ba lần so với thời xưa. Từ những năm vào thập niên 1950, đã có những báo cáo y tế nói rằng hút thuốc có hại cho sức khỏe nhưng các nhà sản xuất thuốc lá khỏa lấp đi bằng cách bỏ tiền ra để có các báo cáo nói rằng thực ra không bằng chứng cụ thể là thuốc lá có liên quan đến ung thư phổi và các bệnh khác.

Bản thân bà bộ trưởng Judy Lamarsh cũng hút thuốc. Vì thế sau khi đọc lời cảnh báo về cái hại của hút thuốc lá trước quốc hội về sau này bà Lamarsh cũng tuyên bố là mình sẽ bỏ hút thuốc. Bà Lamarsh qua đời ở tuổi 55 vì bệnh ung thư tuyến tạng, không phải là vì ung thư phổi.

Sau lời tuyên bố của bà bộ trưởng Y Tế, các công ty sản xuất thuốc lá đã tỏ thiện chí bằng cách tuyên bố họ sẽ không quảng cáo thuốc lá trên truyền thanh và truyền hình trước 9 giờ tối. Sau 9 giờ tối thì trẻ em đã phải đi ngủ, nên biện pháp này có thể xem là quảng cáo thuốc lá chỉ nhằm vào người lớn và tránh trẻ em. Nhiều nhóm người dân Canada đã họp nhau lại để vận động với quốc hội để làm ra luật làm giảm hút thuốc lá. Trong quá trình hơn 50 năm, nhiều đạo luật đã được ra dần dần theo thời gian. Đến ngày nay, tại Canada, các biện pháp làm giảm hút thuốc lá bao gồm các việc sau:

Các các quảng cáo về thuốc lá bị cấm ở mọi nơi. Không có quảng cáo thuốc lá ở trên các pa nô ngoài đường phố, không có quảng cáo trên báo chí, trên các chương trình truyền thanh, truyền hình. Sau này, có lúc người ta thấy khi các hãng sản xuất thuốc lá bỏ tiền ra ủng hộ một buổi đá bóng, một buổi văn nghệ thì tên của nhà ủng hộ được trưng bầy ra để cám ơn, thì quốc hội lại làm thêm luật cấm trưng tên các nhà sản xuất thuốc lá trong các buổi có công chúng tụ tập.

Có tuổi tối thiểu cho phép thiếu niên hút thuốc lá. Tùy theo địa phương, tuổi đó có thể là cấm thiếu niên mua thuốc lá và hút thuốc lá dưới 17, 18 hay 19 tuổi. Tương tự cũng là luật cấm thiếu niên được mua bia rượu và uống bia rượu dưới tuổi đó. Người bán thuốc lá phải hỏi tuổi nếu thấy người mua còn ít tuổi bằng cách đòi phải đưa ra bằng lái xe hay thẻ bảo hiểm y tế để xem năm sinh.

Cảnh sát kiểm tra bằng cách cho các thiếu niên dưới tuổi được phép hút thuốc lá đi mua thuốc lá. Tiệm nào bán thuốc lá cho thiếu niên dưới tuổi qui định sẽ bị cảnh cáo. Sau ba lần bị cảnh cáo, tiệm đó sẽ bị rút giấy phép bán thuốc lá.

Các tủ bán thuốc lá thường được đặt phía sau lưng người bán hàng, trưng bày các loại thuốc lá, xì gà. Chính quyền làm ra luật bắt các tiệm bán thuốc lá phải làm cửa che đi các bao thuốc lá, không để cho khách hàng thấy vì trưng bày cho khách hàng thấy sẽ là một cách quảng cáo để khách hàng thích hút thuốc và làm cho những người đã cai nghiện thấy thèm thuốc mà hút thuốc trở lại.

Chính phủ quảng cáo cho quần chúng biết hút thuốc lá là có hại. Làm các trang mạng để giáo dục cho công chúng biết cái hại của thuốc lá.

Trên mỗi bao thuốc lá được bán tại Canada, nhà sản xuất bắt buộc phải in quảng cáo cho thấy sự tai hại của thuốc lá. Trong mỗi bao thuốc lá, phải có kèm một tờ giấy nhỏ in lời cảnh cáo thuốc lá có hại ở bên trong. Khi người hút thuốc mở gói thuốc lá ra thì lời cảnh cáo đó nằm trên cùng, người hút thuốc phải cầm vứt bỏ đi thì mới lấy được thuốc để hút. Phần lớn người hút thuốc đều biết những lời cảnh cáo đó là gì nhưng mỗi lần cầm bao thuốc lá lên thì cũng có thể có lúc họ vô tình đọc thấy.

Một số bao thuốc lá bán ở Canada

Lúc đầu, chính phủ chỉ bắt phải in các dòng chữ cảnh cáo thuốc lá có hại trên các bao thuốc lá mà thôi. Nhưng về sau, chính phủ bắt phải in thêm hình những hậu quả gây ra bởi thuốc lá. Hình đó có thể là hình cái lưỡi bị lở loét vì ung thư, hình các bộ phận nội tạng bị lở loét về ung thư trông rất là gớm ghiếc, hình người bị bệnh ung thư phải thở bằng ống oxy trông rất thảm não. Nói tóm lại đó là những hình ảnh làm cho người hút thuốc phải nản chí, sợ hãi, lo lắng vì hút thuốc lá. Các hãng sản xuất thuốc lá bắt buộc phải in các mẫu quảng cáo chống hút thuốc trên bao thuốc vì luật qui định như thế. Nếu họ không làm thì sẽ bị phạt .

Một số hãng thuốc lá in các dòng chữ cảnh cáo cái hại của hút thuốc thật nhỏ. Về sau, chính phủ làm thêm luật là các lời cảnh cáo phải in với cỡ chữ nào, và kích thước các tấm hình phải lớn cỡ nào.

Thông thường, một nhãn hiệu thuốc lá làm ra loại thuốc lá với nồng độ khác nhau và ghi trên bao thuốc đây là loại thuốc bình thường, nhẹ, rất nhẹ, cực nhẹ. Chính phủ Canada cũng làm ra luật cấm dùng các chữ nhẹ, rất nhẹ, cực nhẹ trên bao thuốc lá vì khoa học cho thấy rằng dù là rất nhẹ, cực nhẹ thì các loại thuốc lá này cũng gây ra bệnh. Dùng các chữ này là đánh lừa người hút thuốc, làm làm cho người hút thuốc tưởng ra hút các loại thuốc lá nhẹ thì sẽ không có hại và cứ tiếp tục hút.



Bao thuốc lá ở Úc cũng phải in hình gớm ghiếc và in màu, kiểu chữ giống nhau


Cùng với Canada, một số nước cũng ra luật để làm cho dân giảm hút thuốc lá. Tại Úc, chính phủ Úc bắt các hãng thuốc lá cũng phải in các hình gớm ghiếc ngoài bao thuốc lá, đồng thời từ năm 2012, các bao thuốc lá không được trình bày với màu sắc, kiểu chữ trông đẹp mắt, hấp dẫn khách hàng nữa mà tất cả các bao thuốc đều in một mầu như nhau, đề nhãn hiệu với cỡ chữ, kiểu chữ như nhau.

Có khám phá khoa học cho thấy rằng dù không hút thuốc mà hít phải khói thuốc do người khác hút cũng có hại. Vì thế có luật cấm hút thuốc ở các nơi công cộng. Nơi công cộng bao gồm nhà trường, bệnh viện, nơi nhà ga phi trường, các tiệm ăn... những nơi đóng kín cửa có đông người tụ tập, trừ những quán ba bán rượu. Tại phi trường ở nhiều nước người ta thấy có phòng dành riêng cho người hút thuốc lá. Về sau có người than phiền là những người đứng hút thuốc ở gần các cửa có đông người đi ra, đi vào thì sẽ làm cho những người đi qua đó hít phải khói thuốc. Một số tỉnh tại Canada làm ra luật cấm hút thuốc trong vòng 9 mét, chẳng hạn, ở gần các cửa có đông người qua lại như cửa các siêu thị, các trung tâm có nhiều văn phòng, cửa tiệm. Tại các cửa có đông người qua lại có dán lời cảnh báo là không được hút thuốc ở phạm vi 9 mét ở gần cửa này. Cảnh sát thấy có người đứng gần cửa hút thuốc có thể biên giấy phạt .

Mặc dù với tất cả mọi chiến dịch, luật lệ để ngăn trở việc hút thuốc, nạn hút thuốc lá tuy suy giảm nhưng vẫn không hoàn toàn chấm dứt. Vào năm 2011, tỉ lệ người dân Canada hút thuốc giảm xuống còn 17%, so với hơn 50% vào thập niên 1960.

Tuy biết hút thuốc là có hại nhưng nhiều người thấy cũng rất khó bỏ thuốc. Chất nicotin trong thuốc lá có ảnh hưởng trên óc nên khi óc đã quen với chất kích thích này rồi thì khi bỏ thuốc sẽ thấy bần thần, khó chịu. Nhiều người thử bỏ hút nhiều lần trong đời mà vẫn không bỏ được.

Chính phủ Canada cũng có động cơ để làm cho dân giảm hút thuốc lá. Tại Canada, tất cả mọi người dân đều được bảo hiểm y tế, khi đi bác sĩ, vào nhà thương không phải trả tiền. Nếu có nhiều người bị bệnh gây ra bởi hút thuốc lá thì chính phủ phải chi nhiều tiền hơn cho khám bệnh và chữa trị. Nếu số tiền chi ra cho chữa bệnh lại cao hơn số tiền thuế đóng bỏi các hãng thuốc lá thì việc làm lơ cho hãng thuốc lá quảng cáo không có lợi cho chính phủ.

Các hãng thuốc lá cũng có các chiến thuật để tìm cách bán được nhiều thuốc lá hơn. Họ nhắm vào các thiếu niên, vào phái nữ, để cho những người này hút thuốc từ lúc còn trẻ thì khi đã nghiện rồi thì sẽ không bỏ được. Về sau này, càng thấy xuất hiện các loại thuốc lá có mùi thơm như mùi bạc hà, mùi dâu, mùi rượu rhum, mùi các loại trái cây. Đó là các hãng thuốc lá nhắm vào giới trẻ vì người mới hút thuốc thấy thuốc có mùi thơm như vậy thì thích hơn, dễ hút hơn. Một số tỉnh tại Canada đã nhận ra điều này và làm ra luật cấm thuốc lá có ướp thêm mùi thơm. Chỉ được bán thuốc lá với lá thuốc lá tự nhiên mà thôi, không được ướp thêm các mùi bạc hà, mùi các loại trái cây vào.

Thuốc lá cực nhỏ (super slim)

Một số hãng tung ra loại thuốc lá với điếu thuốc nhỏ, thanh mảnh như cái que. Loại thuốc là này được phái nữ ưa chuộng vì cầm trông lịch sự, xinh đẹp. Và cũng làm cho người hút thuốc nghĩ rằng điếu thuốc nhỏ sẽ có ít chất nicotin hơn.


 Loại thuốc lá cực nhỏ (super slim) nhắm vào phái nữ nên được đóng gói có màu sắc mang vẻ nữ tính

Hút thuốc dù sao của là một trong những thú vui của đời sống. Thuốc lá là chất kích thích ảnh hưởng đến óc như rượu, như trà, như cà phê, như các loại ma túy nên tạo cảm giác cho người dùng. Chính vì thế mà người thổ dân ở Châu Mỹ đã khám phá ra thuốc lá nên họ trồng và hút thuốc lá. Khi người châu Âu khám phá ra châu Mỹ, họ đã trồng thuốc lá và đem về châu Ân bán. Từ đó có phong trào hút thuốc lá ở châu Âu. Tại Việt Nam, các cụ ngày xưa cũng hút thuốc lào, uống trà, uống rượu, ăn trầu. Khi người Pháp sang thì người Việt lại biết thêm thú uống cà phê. Đó là những thú vui trong đời sống. Dùng nhiều thì có hại nhưng không có chúng thì nhiều người thấy cuộc đời vô vị.

Minh Đức


2 comments: