Các Chủ Đề

Wednesday, November 29, 2017

Sự cạnh tranh đưa đến tiến bộ

Thuyền tuần duyên thời nhà Nguyễn

Sự cạnh tranh đưa đến tiến bộ. Tại các nước mà chính quyền hạn chế quyền tự do của người dân thì sự tiến bộ đạt được trong lãnh vực quân sự vì chính quyền nước đó cạnh tranh với nước khác. Nhưng trong nội bộ nước đó sự cạnh tranh bị giảm đi vì dân bị hạn chế tự do.


Liên Xô đạt được các tiến bộ về quân sự vì cạnh tranh với Mỹ. Và cũng vì cách suy nghĩ của những người lãnh đạo đảng Cộng Sản Nga là chỉ có sức mạnh quân sự mới làm nên sức mạnh của quốc gia. Nhưng ở trong nước, các mặt hàng như xe hơi, máy giặt, máy thu thanh, các hàng dân dụng của Liên Xô bị lạc hậu vì không có sự cạnh tranh giữa các công ty quốc doanh, và nhà nước cũng không chủ trương cạnh tranh với Mỹ về các mặt hàng dân dụng.

Trung Quốc đang đuổi kịp Mỹ về các kỹ thuật áp dụng vào quân sự vì muốn vượt qua Mỹ. Về mặt hàng dân dụng người dân Trung Quốc cũng vẫn có thể cạnh tranh với hàng ngoại quốc để đuổi kịp. Nhưng giữa người Trung Quốc với nhau, sự cạnh tranh và sáng tạo có bị bóp nghẹp bởi chính sách bóp nghẹt tự do của nhà nước? Kết quả của một chính sách nhiều khi phải 20, 30 chục năm mới nhìn thấy.

Các sử gia nhận thấy Trung Quốc tiến bộ chậm hẳn từ thế kỹ thứ 10 trở đi. Đó là từ lúc nhà Minh lên cầm quyền. Từ lúc đó, các triều đại Trung Quốc được cai trị bởi một chính quyền trung ương kiểm soát toàn bộ quốc gia. Vua nhà Minh lấy lại độc lập từ tay người Mông Cổ nên rất ghét ngoại quốc. Những gì thuộc về ngoại quốc mà không phải là Hán thì bài bác. Bài bác ngoại quốc thì sẽ đóng cửa tự mãn, không học thêm cái hay của nước khác.

Những giai đoạn mà Trung Quốc có nhiều phát minh tiến bộ lại là giai đoạn mà Trung Quốc bị chia năm, xẻ bảy, đánh lẫn nhau từ thế kỷ 9 trở về trước. Các nước đánh lẫn nhau nên tìm cách cải tiến để sống còn. Cũng giống như châu Âu tiến bộ nhanh khi các nước cạnh tranh lẫn nhau vào thế kỷ 16, 17, 18, 19. Thời mà Trung Quốc tiến bộ nhanh là thời Chiến Quốc, tuy chia năm xẻ bảy nhưng có sự cạnh tranh, nên sinh ra tiến bộ cả về mặt tư tưởng, văn hóa lẫn quân sự.

Pháp và Tây Ban Nha đánh Đà Nẵng ngày 31 tháng 8 năm 1858

Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, tuy có chiến tranh nhưng nhà Nguyễn học cách đóng tàu của Tây Phương nên có tiến bộ về mặt hải quân. Sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước, thì không còn cố gắng học các tiến bộ về đóng tàu của Tây phương nữa vì lúc đó không còn phải lo sợ bị phe Chúa Trịnh tấn công. Các vua nhà Nguyễn cũng không nuôi mộng vượt qua Trung Quốc mà thấy thần phục Trung Quốc là được yên thân nên không tìm tòi học hỏi Tây Phương. Khi Pháp sang đánh Việt Nam thì tàu bè của nhà Nguyễn thua xa tàu của Pháp vì trong bao nhiêu năm Pháp vẫn có tiến bộ về hải quân, còn Việt Nam thì ngưng không học Tây Phương nữa. Pháp phải cải tiến tàu bè vì cạnh tranh với Anh, Tây Ban Nha, Hòa Lan, còn Việt Nam thì không cạnh tranh với nước xunh quanh.

Minh Đức

No comments:

Post a Comment