Các Chủ Đề

Sunday, November 17, 2019

Truyền thông 'định hướng' thị trường đang tạo ra gam màu tối cho đời sống văn hóa

Góc nhìn của Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM cho thấy đang tồn tại những mối nguy hại trong đời sống văn hóa khi chạy theo thị trường, hội nhập mà thiếu nguyên tắc đúng đắn.

 Người dân đang cảm thụ văn hoá như thế nào?

Nêu ý kiến tại hội nghị giao ban quý III/2019 của Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM ngày 10/11, nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên nhận định sáng tác văn học, nghệ thuật đang xuống thấp một cách không tưởng. “Tàu Trung Quốc vào Biển Đông như thế, đáng lẽ ít ra phải có một bản nhạc nào đó nói lên lòng yêu nước, khí phách của dân tộc chứ. Tôi muốn nói về văn nghệ sĩ, không ai xúc động, không ai làm cả”, ông nói.

“Giờ vàng” khó phát “nhạc đỏ”

Theo ông Liên, lòng người hiện biến động dữ dội. Đặc biệt, lớp trẻ tin vào mạng xã hội với thông tin độc lạ mà không tin vào báo chí chính thống. Các diễn biến tư tưởng phức tạp này là hệ quả khi đi vào thị trường và hội nhập quốc tế, thì những vấn đề tư tưởng đang bị đặt vào hàng thứ yếu.

Ông Liên nêu quan điểm văn học, nghệ thuật phải đứng vào vai trò như thời chiến tranh. “Thấy kinh tế lên mà bỏ qua mặt trận văn hóa tư tưởng là sai lầm. Giữ chế độ này là giữ thành quả cách mạng, nhưng giờ bỏ qua hết, chạy theo giải trí, game show… Trong khi để kế thừa cái đã có thì làm không tốt, mà lại ca ngợi boléro của chế độ cũ thì chính là ca ngợi luôn đời sống của giai đoạn đó… Cũng từ khi đi vào thị trường, hội nhập, chúng ta lại quên đi biến động vô cùng phức tạp. Chương trình Âm nhạc Việt Nam - Những chặng đường trên VTV không biết chủ trương của Bộ Chính trị hay của ai, vì cái này ca ngợi nhạc của Sài Gòn cũ bằng những lời có cánh” - ông nói.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn cũng cho rằng, nói chua cay, mỉa mai như báo chí thì nhạc cách mạng hiện nay gần như đã “rút lui vào hoạt động bí mật”. Các chương trình chính thống muốn lên đài truyền hình vào giờ vàng thì khó lắm.

“63 tỉnh, thành thì có được bao nhiêu đài có phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch? Ít lắm. Cục Biểu diễn nghệ thuật từng bảo tôi: “Làm sao nhờ anh Năm Ẩn phát biểu giùm rằng, hiện nay không còn khái niệm nhạc cũ trước giải phóng nữa”. Tôi nghe sốc và đau lắm. Không được đâu. Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương hết sức vĩ đại, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, nhưng đoàn kết luôn có nguyên tắc tôn trọng độc lập tự do, tôn trọng lịch sử cách mạng Việt Nam, không thể nhân danh hòa hợp dân tộc để coi như ngang nhau được” - nhạc sĩ bức xúc.

Cũng theo ông Ẩn, nhạc ca ngợi Việt Nam Cộng hòa mà giờ cũng cho là ca ngợi nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì không được: “Chúng tôi đề xuất phải hết sức thận trọng với trang sử đen tối của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là bị xâm lược. Văn học, nghệ thuật độc hại của nó xuyên tạc đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ở miền Nam và hiện nay không thể tẩy xóa. Vậy mà đồng thời, phong trào cách mạng ở miền Nam trong văn học, nghệ thuật rất dữ dội, rất lớn thì không biểu dương, không tôn vinh, không học tập, không nhân rộng mà lại đòi xóa nhòa không còn khái niệm âm nhạc cũ trước giải phóng nữa”.

Cần lượng hóa được cảm nhận của người dân về văn hóa

Nhà văn Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM đưa ra nhận xét, hiệu quả của Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật thành phố thực sự chưa cao. Ông nói: “Tôi tâm đắc với ý kiến phải thay đổi bằng phương thức đối thoại. Muốn các chương trình lý luận phê bình đến công chúng thì tất cả hệ thống truyền thông phải vào cuộc. Chúng ta nên chọn lọc các chủ đề nóng về văn học, nghệ thuật để có phản ứng và tăng cường đối thoại thì mới ra nhẽ, vấn đề mới có giá trị lan tỏa”.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những trăn trở về tương lai đất nước từ góc độ văn hóa của các đại biểu. Nếu không có định hướng nền tảng văn hóa thì hoạt động kinh tế sẽ gặp xung đột với cuộc sống. Đảng và Nhà nước đã có nhiều định hướng về lĩnh vực này, nhưng có nhiều việc làm chưa hiệu quả.

Trong các nhóm đề án phát triển TP.HCM là thành phố văn hóa, ông Nhân nhấn mạnh cần hình thành hệ sinh thái văn hóa của thành phố. Hệ sinh thái này phải từ tài nguyên văn hóa của quốc gia, địa phương, trong từng gia đình, trong vốn hoạt động nghề nghiệp của các văn nghệ sĩ, trong tương tác giữa văn hóa và kinh tế để làm sao tài nguyên này lớn lên. Từ tài nguyên văn hóa này, cùng với hoạt động xã hội của văn nghệ sĩ và chính sách của Đảng và Nhà nước sẽ cho ra nhiều tác phẩm hay, đến được với công chúng.

Tiến tới làm hệ sinh thái văn hóa, theo bí thư, cần đánh giá thực trạng cuộc sống văn hóa của người dân TP.HCM. “Người ta cảm nhận gì, hưởng thụ gì, chỉ số văn hóa là gì hiện nay không có… Lượng hóa được cảm nhận của người dân về chính sách văn hóa là rất quan trọng. Chúng ta làm gì thì làm, cuối cùng phải đến người dân chứ!”, ông Nhân chỉ đạo. Từ đó, ông đề nghị rà soát lại hoạt động của các hội quản lý nhà nước để hình dung hệ sinh thái văn hóa của thành phố hiện nay khâu nào mạnh, khâu nào yếu, muốn đổi mới phải nhấn vào đâu.

Quốc Ngọc


07:38 11/11/2019

Báo Phụ Nữ TP HCM

https://www.phunuonline.com.vn/van-hoa-giai-tri/truyen-thong-dinh-huong-thi-truong-dang-tao-ra-gam-mau-toi-cho-doi-song-van-hoa-168957/

Bình Luận:

Nói rằng người dân không quan tâm đến tàu Trung Quốc vào Biển Đông nên không thấy ai làm nhạc chống Trung Quốc là có đúng hay không? Nhạc sĩ Việt Khang làm nhạc chống Trung Quốc thì bị bỏ tù thì còn ai dám làm nhạc chống Trung Quốc nữa. Nếu các bài hát chống Trung Quốc của Việt Khang được tự do hát thì sẽ có thêm nhiều người làm nhạc chống Trung Quốc. Chỉ sợ chính quyền thấy có nhiều nhạc chống Trung Quốc quá nên sợ, thấy phong trào chống Trung Quốc dâng cao nên phải cấm mà thôi.

Nói là nhạc sĩ Việt Khang viết trong lời bài hát đả kích bọn làm tay sai cho giặc Tàu nên phải cấm thì nhà nước nên có thái độ mạnh mẽ hơn với Trung Quốc, những kẻ bám chân Trung Quốc để hưởng lợi phải bỏ thái độ đó đi. Lỗi tại người dân làm nhạc hay lỗi tại người cầm quyền?

Người cầm quyền có thái độ nhu nhược với Trung Quốc rồi khi có người làm nhạc chống Trung Quốc thì bỏ tù họ. Bây giờ lại họp để nói rằng không thấy ai làm nhạc chống Trung Quốc. Và đổ tội cho việc định hướng thị trường. Không đâu. Đó là lỗi tại định hướng âm nhạc theo lợi ích của người cầm quyền.

Có sự phân biệt giữa đảng Cộng Sản Việt Nam và các phe nhóm chính trị khác tại Việt Nam nên mới có chuyện nhạc sĩ Trần Long Ẩn than vãn nhạc chế độ cũ được đặt ngang hàng với nhạc cách mạng.

Những người dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa không có thái độ phân biệt phe phái, mà chỉ xét về mặt tư tưởng trong nội dung bài hát xem có hay hay không, có giá trị hay không.

Thí dụ, bản quốc ca của Việt Nam Cộng Hòa là do Lưu Hữu Phước sáng tác. Mặc dù ở miền Nam mọi người biết là Lưu Hữu Phước đã đi theo Cộng Sản như vẫn không bỏ việc dùng bài hát "Tiếng Gọi Thanh Niên" của Lưu Hữu Phước làm quốc ca. Lý do là vì bài hát này chi kêu gọi lòng yêu nước chứ không đả động gì đến tư tưởng Cộng Sản.

Một số bài thơ của Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu được dùng trong sách giáo khoa dạy Việt Văn của Việt Nam Cộng Hòa khi dạy về giai đoạn thơ văn cận đại, về thơ mới. Lý do là đó là những bài thơ hay, có giá trị, nên cho học trò học để biết các bài thơ hay là như thế nào, và để làm thí dụ cho thể loại thơ mới. Còn bản thân tác giả các bài thơ đó đã đi theo Cộng Sản thì không xem việc dạy các bài thơ đó là đề cao Cộng Sản mà bỏ đi. Lý do đưa ra là cái gì của người đó hay thì khen, cái gì của người đó dở thì không khen.

Đó là thái độ xét tác phẩm nghệ thuật căn cứ nên nội dung của tác phẩm đó mà không xét xem ai làm tác phẩm đó, thuộc phe nào.




No comments:

Post a Comment