Các Chủ Đề

Saturday, September 25, 2021

Afghanistan với hai khuynh hướng văn hóa

Các cô gái Afghanistan, thập niên 1960

Ở Afghanistan, cũng như nhiều nước khác, người dân ở thành thị tiếp xúc với các nền văn hóa khác nên cởi mở hơn, trong khi người dân ở nông thôn thì trung thành với văn hóa cổ truyền của mình.

 
Có hai thế hệ theo hai khuynh hướng khác nhau ở Afghanistan trong thời gian chiến tranh 20 năm qua. Thế hệ ông cựu tổng thống và nhiều người trong chính quyền do Mỹ ủng hộ là thế hệ người Afghanistan muốn canh tân đất nước theo mô hình các nước Tây Phương. Còn những người theo Taliban thì muốn kéo Afghanistan trở lại văn hóa của các thế kỷ trước.

Thế hệ muốn canh tân như Tây Phương là thế hệ được vua Afghanistan cho đi du học các nước Tây Phương vào thập niên 1960, 1970. Khi cộng sản cướp chính quyền vào năm 1978, rồi Liên Xô đem quân sang, chiến tranh nổ ra thì những người đi du học không trở về nước. Năm 2001, khi Mỹ đem quân vào đánh đuổi Taliban và Al Qaeda thì những người này về nước phục vụ trong chính quyền và trong các tổ chức dân sự.

Một số hình ảnh về phụ nữ Afghanistan vào thập niên 1960 . Thời đó, phụ nữ không phải đội khăn chùm đầu như một số nước Hồi Giáo khác, được đi học đại học, ra làm việc và xã hội Afghanistan sinh hoạt giống như các nước Tây Phương.

 


 


 



 

 

Một nhóm nữ giáo sư, chụp năm 1965

Những người Taliban là những người ở miền Nam Afghanistan, giáp giới với Pakistan. Khi chiến tranh với Liên Xô xảy ra, hàng triệu người phải tỵ nạn chiến tranh ở trong các trại tỵ nạn ở miền Nam. Một số giáo sĩ Hồi Giáo thấy các trẻ em trong trại tỵ nạn không có trường học, không ai dạy dỗ nên họ mở trường dạy học. Họ dạy các em giáo lý của Hồi Giáo và đào tạo lên một thế hệ nhiệt thành tin tưởng vào Hồi Giáo và nếp sống của xã hội Hồi Giáo đã có từ hàng trăm năm nay. Vì cộng sản chủ trương tiêu diệt tôn giáo nên các giáo sĩ xem việc đánh đuổi Liên Xô là để bảo vệ văn hóa của Afghanistan . Đến khi người Mỹ đem quân vào thì những người Taliban nhìn người Mỹ cũng như là người Liên Xô, mặc dù Mỹ không chủ trương tiêu diệt tôn giáo .

Taliban là người đã chiến đấu để bảo vệ nếp sống văn hóa Hồi Giáo đã có hàng trăm năm. Vì vậy họ sẽ cai trị theo lối đó, nghĩa là phục hồi lại việc áp dụng luật Sharia. Mà cai trị theo lối cổ thì sẽ có các hình phạt mà ngày nay nhiều nước không làm nữa. Chẳng hạn như ngoại tình bị ném đá cho chết, ăn cắp, ăn trộm bị chặt ngón tay, phụ nữ không được đi học, không đi làm.

 

Áo dài truyền thống của phụ nữ Hồi Giáo gọi là Burqa. Ở một số nước Hồi Giáo phụ nữ vẫn phải mặc áo này. Khi Taliban lên cầm quyền, họ bắt phụ nữ phải mặc áo này. Khi Mỹ rút đi, Taliban vào chiếm các thành phố, các phụ nữ vội vàng chạy đi mua áo này để mặc. Một số nước Hồi Giáo khe khắt cấm phụ nữ để hở mặt khi đi ra đường. Phần lớn các nước Hồi Giáo bắt phụ nữ phải đội khăn khi đi ra đường. 
 

 
Dưới sự cai trị của Taliban, phụ nữ phải mặc áo phủ kín khi đi ra ngoài

 
Thời vua cai trị vào thập niên 1970 trở về trước thì chính quyền Afghanistan cũng không cai trị theo luật Sharia mà cai trị theo luật lệ như người Anh đã cai trị trước khi trả độc lập cho Afghanistan. Có một giai đoạn, Afghanistan có chế độ đa đảng, có quốc hội và bầu cử, nghĩa là theo chế độ quân chủ lập hiến, như Anh hay Nhật. Nhưng cách cai trị theo Tây Phương chỉ có ở một số địa phương, còn ở các vùng xa xôi, rừng núi chập chùng, giao thông khó khăn thì vẫn có các bộ tộc theo nếp sống cổ của Hồi Giáo. Quyền lực của nhà vua không lan đến đó. 
 
Phong trào Taliban là những người theo lối sống cổ chỗi dậy, muốn toàn thể Afghanistan theo cách cai trị của họ. Và họ cũng muốn rồi đây toàn thể thế giới cũng theo văn hóa giống như họ.


Minh Đức

2021.09.25

No comments:

Post a Comment