Biểu tình chống Trung Quốc ngày 19-1-2008 |
Từ trái sang phải: Huỳnh Công Thuận, Phương Thy, Trăng Đêm, Điếu Cày, Anh Ba Sài Gòn, Song Chi, Bùi Chát, Đông A SG |
Từ trái sang phải: Huỳnh Công Thuận, Phương Thy, Trăng Đêm, Uyên Vũ, Anh Ba Sài Gòn, Song Chi, Bùi Chát, Đông A SG |
Những người đứng trên thềm Nhà Hát Lớn Sài Gòn ngày 19-1-2008 dương biểu ngữ phản đối rước đuốc Olympic của Trung Quốc hiện nay đang ở đâu, làm gì?
Nghĩ về những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Việt Nam.
Mon, 08/08/2011 - 19:24 — songchiSong Chi.
Như vậy là những cuộc biểu tình phản đối chính sách bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông đã diễn ra được 9 lần, trong tháng 6, 7 và bây giờ là tháng 8, ở Hà Nội.
Có lẽ lúc đầu cũng không mấy ai nghĩ rằng những cuộc biểu tình này sẽ diễn ra đều đặn, kéo dài, (mà có blogger mỉa mai là biểu tình lai rai), trở thành một sinh hoạt bình thường của người dân Hà Nội như vậy.
Thật ra, có những quan điểm cho rằng sau sự thắng lợi ròn rã của cuộc biểu tình đầu tiên ngày 5.6 tại cả hai thành phố Hà Nội, Sài Gòn, người dân nên dừng lại, khi nào có sự kiện gì lớn như vụ tàu Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của ta thì lại tổ chức. Như vậy nhà nước VN sẽ khó chủ động đàn áp và những cuộc biểu tình sẽ không trở thành nhàm, bình thường cả với dư luận truyền thông quốc tế và ngay với chính Trung Quốc.
Nhưng cũng có những người có quan điểm khác. Rằng cứ phải diễn ra thường xuyên để cho người dân và cả nhà nước Việt Nam quen với hoạt động biểu tình, bởi đó là một quyền lợi hợp pháp của công dân trong mọi quốc gia. Chỉ có một chế độ độc tài như ở VN, việc biểu tình, cho dù là biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược, thể hiện lòng yêu nước, mới trở thành một chủ đề “nhạy cảm”, một hành động bất hợp pháp, bị cấm cản, thậm chí bị đàn áp! Cho nên biểu tình không chỉ để phản đối Trung Quốc mà còn để tuyên truyển với nhân dân và tác động đến nhà nước.
Có vẻ như người Hà Nội qua 9 lần biểu tình đã phần nào đạt được mục đích này.
Về phía nhà cầm quyền, từ chỗ chỉ gọi những cuộc biểu tình là “tụ tập tự phát”, tuyệt đối tránh hai chữ biểu tình như thể con người tránh…dịch hạch, nay thì chính ông Trung Tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc công an Hà Nội trong cuộc họp báo chính thức ngày 2.8 đã gọi đúng tên đó là “những cuộc biểu tình yêu nước”. Ông Nguyễn Đức Nhanh còn nói rằng: “Không hề có chủ trương đàn áp, trấn áp hoặc bắt bớ người biểu tình” (Tuổi Trẻ ngày 3.8).
Không biết trong lúc nói ra những lời này ông Nhanh có ý thức được “Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy”? Hay chỉ vì cố bênh vực cho hành động sai trái của tay đại úy Minh khi đạp vào mặt người biểu tình và những hành động đàn áp khó coi khác của công an, an ninh, đã bị dư luận trong và ngoài nước chỉ trích, vuốt mặt không kịp, mà nói cứng như vậy? Dù sao thì người Hà Nội đã có câu nói của ông Nhanh làm bằng để mà tiếp tục xuống đường. Và chủ nhật ngày 7.8 vừa qua, đúng là công an, an ninh không thể đàn áp, bắt giữ ai.
Về phía người dân, những cuộc biểu tình liên tiếp cũng đã gây sự chú ý, ảnh hưởng ít nhiều đến những ai còn sợ hãi, e ngại hoạt động biểu tình hay vô cảm trước những sự kiện chính trị, trước vận mệnh của đất nước. Dù chưa dám đứng vào hàng ngũ những người đi biểu tình, ít ra họ cũng quen dần với việc người dân có thể biểu tình.
Một đất nước có 63 tỉnh và thành phố mà những cuộc biểu tình vì lòng yêu nước chỉ diễn ra được ở Hà Nội và 2 lần ở Sài Gòn, với số người tham gia lần đông nhất khoảng vài ngàn, bình thường khoảng vài trăm người, là một điều rất đáng phải suy nghĩ.
Mỗi lần khi đoàn biểu tình đi qua, vẫn còn đó những người đứng nhìn một cách thờ ơ, hoặc buông ra những câu kiểu như: “Bọn hâm, dở người, biểu tình thì có giải quyết được cái gì không”, “Chuyện chính trị, chuyện lớn đã có nhà nước lo”, “Đi biểu tình là do bọn xấu, bọn phản động lợi dụng, kích động”. Hoặc “Nghe nói mỗi người đi biểu tình được các tổ chức phản động phát cho 50,000 ngàn”! Những suy nghĩ ngô nghê, vô cảm như vậy không phải cho đến giờ này không còn trong nhiều ngưởi! Thế mới biết, tác hại của một chế độ độc tài sử dụng bạo lực kết hợp với chính sách ngu dân, bưng bít thông tin, lối giáo dục, tuyên truyền một chiều, lệch lạc…nó ăn sâu vào con người một cách kinh khủng!
Dẫu sao, nếu nhớ lại những cuộc biểu tình phàn đối Trung Quốc diễn ra vào cuối năm 2007 ở Sài gòn, Hà Nội, tình hình hồi đó căng thẳng hơn nhiều. Rất nhiều người đã bị đàn áp, trù dập nặng nề suốt cả một thời gian dài sau những cuộc biểu tình, kiểu như một khi đã bị đưa vào “danh sách đen” của nhà cầm quyền thì coi như cuộc đời không thể ngóc đầu lên được nữa. Trừ phi cam kết vĩnh viễn không bao giờ quan tâm đến chính trị, không viết blog, không trả lời báo đài nước ngoài, không đi biểu tình dù với bất cứ lý do gì, không quan hệ với những thành phần “phản động”, bất đồng chính kiến! Nhưng ngay cả khi không làm gì cả thì cũng chưa chắc đã được yên.
Một ví dụ nhỏ: vợ chồng blogger Uyên Vũ-Trăng Đêm là hai thành viên của nhóm CLB Nhà báo Tự do đã từng xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc vào cuối năm 2007, đầu năm 2008, và vì thế mà Uyên Vũ bị mất việc rồi từ đó đành ở nhà luôn cho đến nay. Sau khi blogger Điếu Cày bị bắt, cả Uyên Vũ và Trăng Đêm đều hầu như không viết blog, không tham gia bất cứ hoạt động gì. Thế nhưng cứ vào những ngày quan trọng như ngày 30 tháng Tư, ngày 2.9, ngày xét xử Lê Công Định… là công an lại canh gác cả hai, hoặc “mời” lên làm việc. Thậm chí vài năm sau, vào tháng 5.2010, khi hai vợ chồng dự tính đi Thái Lan hưởng tuần trăng mặt thì bị chặn giữ ở cửa khẩu Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất. An ninh sân bay đã đưa ra văn bản từ Bộ Công An ghi rõ cấm Uyên Vũ xuất cảnh vì lý do an ninh quốc gia! Sau đó cả hai còn bị đưa về đồn công an làm việc!
Hay nhà văn Đào Hiếu, sau khi buộc phải đóng cửa trang web riêng theo yêu cầu của an ninh vào năm 2009, nhà văn gần như không còn viết gì nữa, cũng chẳng giao du đàn đúm gỉ với các “thành phần bất mãn”. Nhưng vào tháng 8.2011 khi nhà văn ra sân bay Tân Sơn Nhất để đi Mỹ thăm con thì cũng bị chặn lại!
Còn những người như blogger Điếu Cày hay Anh Ba Saigon thì mọi người đều biết, họ đã phải chịu tù một cách oan uổng như thế nào. Riêng anh Điếu Cày tức nhà báo tự do, cựu bộ đội Nguyễn Văn Hải, không chỉ phải ngồi tù, chế độ này còn tàn ác đến độ không cho gia đình gặp mặt, thăm nuôi anh từ tháng 10.2010. Và có thông tin anh còn bị chặt mất tay trong tù!
Những người đi đầu bao giờ cũng phải trả giá đắt! Vào cái buổi sáng ngày 19.l.2008 ấy, khi anh Điếu Cày cùng các người bạn trong nhóm CLB Nhà báo tự do và một số văn nghệ sĩ tổ chức biểu tình phản đối Trung Quốc trước Nhà hát thành phố Sài Gòn, cũng là để tưởng niệm 34 năm mất Hoàng Sa, lúc ấy trận hải chiến Hoàng Sa còn là một chủ đề cấm kỵ với nhà nước này. Hơn 4 năm sau, báo chí chính thống của VN đã công khai nói nhiều về trận hải chiến Hoàng Sa. Và trong cuộc biểu tình tại Hà Nội ngày 24.7 vừa qua, những tấm biểu ngữ ghi tên tuổi của những người lính đã ngã xuống trong cả hai trận chiến Hoàng Sa Trường Sa đều được nhắc đến, bởi giọt máu nào khi đã đổ xuống vì non sông mà không đáng quý?
Chỉ một sự việc rất nhỏ và rất chính đáng là công khai nhắc đên trận hải chiến Hoàng Sa mà phải mất bao nhiêu năm. Đất nước này luôn đi chậm, quá chậm là vậy.
Dù sao thì cho đến bây giờ, tâm lý sợ hãi những cuộc biểu tình đã bớt đi, cả trong nhân dân lẫn nhà cầm quyền. Nhưng vẫn còn hai điều đọng lại.
Một, điều băn khoăn của không ít người là vì sao những cuộc biểu tình chỉ có thể diễn ra tại Hà Nội, còn ở Sài Gòn, sau 2 tuần lễ đầu là tắt tiếng? Vì sao các văn nghệ sĩ trí thức Hà Nội mạnh dạn xuống đường trong khi giới trí thức Sài Gòn bị canh gác kỹ hơn nhiều lần?
Là một người từng sống bao nhiêu năm ở Sài Gòn, tôi phải nói rằng, có một thực tế mà người Sài Gòn, nhất là dân trí thức văn nghệ sĩ rất hiểu, đó là công an, an ninh không dám rắn tay với giới trí thức văn nghệ sĩ ở Hà Nội như là ở Sài Gòn. Tại sao. Vì giới trí thức văn nghệ sĩ người làm khoa học cho đến dân thường ở Hà Nội đều là con đẻ của chế độ. Nếu gia đình họ hàng hay chính bản thân mỗi người không là liệt sĩ, cựu chiến binh, các vị lão thành cách mạng, công thần của chế độ thì cũng là cựu bộ đội, cán bộ nhà nước…Tệ nhất thì cũng có người quen có chút vai vế gì đó. Nên công an, an ninh rất ngại đụng đến người Hà Nội là vậy.
Trong khi đó giới trí thức văn nghệ sĩ ở Sài Gòn nếu bản thân họ không phải là gia đình con em ngụy quân ngụy quyền thì cũng là dân thường, chẳng mấy ai có thân thế gì. Dân làm văn nghệ ở Sài Gòn nhiều người lại không dính gì đến cơ quan nhà nước, mà chỉ làm việc cho các công ty tư nhân hoặc là dân freelances, dân “ngoài luồng”. Do vậy, cái thế chính trị của họ rất bấp bênh, có chuyện gì xảy ra không ai đỡ cho họ. Thử nhìn qua hàng loạt văn nghệ sĩ Sài Gòn từng có mặt trong các cuộc biểu tình phản đối TQ hồi cuối năm 2007: từ họa sĩ Trịnh Cung, nhà văn Cung Tích Biền, nhà văn Nguyễn Viện, nhà thơ Bùi Chát, nhà thơ Thận Nhiên, nhà thơ Lynh Bacardi, đạo diễn Song Chi, nhạc sĩ Tuấn Khanh v.v… thì thấy rõ điều này.
Ngay trong đời sống bình thường, người Sài Gòn cũng sợ công an hơn người Hà Nội. Công an giao thông ngoài Hà Nội cũng hiền hơn. Có thể thấy những cảnh đèo hai đèo ba lượn lờ đánh võng ngay mũi công an ở ngoài đó chứ còn trong này thì đừng hòng! Xung quanh cái chuyện biểu tình này cũng vậy, cứ hàng tuần là chính quyền thành phố Sài Gòn “bày binh bố trận” quanh khu vực Tòa Lãnh sự quán TQ, không người biểu tình nào có thể hó hé. Tất cả các hàng quán dịch vụ, Trung tâm mua sắm Diamond Plaza, nhà văn hóa Thanh Niên….xung quanh đó đều phải đóng cửa, thiệt hại kinh tế vô cùng lớn mà chẳng ai dám kêu ca gì. Thực tế trái tai gai mắt này khiến nhà báo, blogger Huỳnh Ngọc Chênh đã phải bức xúc viết bài “Tại sao không kiện chính quyền thành phố Hồ Chí Minh ra tòa?” vì cái tội làm mọi người kinh doanh bị thất thu, không có chỗ vui chơi, giải trí.
Hai, những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc nếu còn tiếp tục, xin hãy mở rộng thêm những thông điệp mới, những yêu cầu mới. Thông điệp đối với người dân, xin hãy gửi đi những lời thống thiết như “Đất nước là của chung, còn nước là còn tất cả, mất nước là mất tất cả”, “Trước vận mệnh đất nước, xin đừng vô cảm” v.v…Thông điệp đối với nhà cầm quyền, xin hãy đòi hỏi họ phải rõ ràng, dứt khoát, minh bạch trong mọi vấn đề có liên quan đến vận mệnh đất nước nói chung và trong quan hệ với TQ nói riêng. Rằng hãy đồng hành cùng nhân dân, đặt chủ quyền và lợi ích quốc gia lên trên hết; rằng lịch sử muốn đời ghi công Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… và muôn đời phỉ nhổ những Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc…Hãy gây sức ép để quốc hội thông qua luật biểu tình, có những hành động cụ thể bảo vệ ngư dân, bảo vệ sự xâm lăng của TQ trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa…Cứ mỗi lần lại có thêm những biểu ngữ, thông điệp, yêu cầu mới gắn với thời cuộc và nguyện vọng của người dân, để những cuộc biểu tình có những mục tiêu cụ thể, những thắng lợi cụ thể.
Làm sao để những ai còn thờ ơ vô cảm, thậm chí chế diễu mỉa mai lòng yêu nước của người khác, phải cảm thấy tự xấu hổ.
Làm sao để nhà nước này phải hiểu rõ rằng nếu tiếp tục hèn yếu nhân nhượng trước kẻ bành trướng, tiếp tục những chính sách ngu muội về ngoại giao, chính trị, kinh tê…để đất nước ngày càng bị kìm kẹp sâu trong mối quan hệ đầy nguy hiểm với TQ, là sẽ bị cả dân tộc này xóa sổ.
Cuộc đấu tranh để tác động, thay đổi đến nhận thức của người dân và của nhà cầm quyền là cả một cuộc đấu tranh dài, bền bỉ.
Bởi “freedom is not free”.
Song Chi
http://www.rfavietnam.com/node/740
https://rfavietnam.wordpress.com/tag/song-chi/
No comments:
Post a Comment