Saturday, April 6, 2019

Khảo sát người Nga 'nghèo đói' khiến Kremlin phật ý

Một người Nga không nhà đang ăn một bữa ăn vừa được phát cho những người nghèo
Thư ký báo chí Điện Kremlin cho biết ông 'không thể hiểu' về cuộc khảo sát cho thấy người Nga phải vất vả mới mua được giày mới.

Ông Dmitry Peskov bình luận về một báo cáo của cơ quan thống kê nhà nước Rosstat.

Khảo sát chỉ ra rằng 1/3 số hộ gia đình được thăm dò "không đủ khả năng mua nhiều hơn hai đôi giày cho mỗi người trong nhà mỗi năm".

Dữ liệu cũng tiết lộ rằng 80% gia đình ở Nga cảm thấy việc mưu sinh là 'khó khăn'.

Cuộc khảo sát thật ra chỉ ra rằng có sự cải thiện nhẹ trong một số lĩnh vực tài chính gia đình. Nhưng các số liệu nói trên - và sự khó chịu của ông Peskov - khiến dư luận chú ý, cho thấy rằng các quan chức xa rời thực tế.

Người dân đi mua thịt tại một ngôi chợ họp mỗi tháng một lần ngoài đường


Được yêu cầu bình luận về kết quả khảo sát, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin thở dài trước khi nói rằng Điện Kremlin 'cố gắng' để hiểu về việc cho ra dữ liệu này.

"Tại sao lại đề cập giày? Tại sao có tỷ lệ 1/3? Những con số này đến từ đâu?" Ông Peskov hỏi và nói thêm rằng ông sẽ 'biết ơn' nếu nhận được lời giải thích từ Rosstat.

Các chi tiết của cuộc khảo sát đang được công khai trên mạng, cùng với cuộc khảo sát "quan sát mức sống" cũng của Rosstat, được tiến hành mỗi hai năm một lần.

Các số liệu mới nhất là từ một cuộc thăm dò được thực hiện vào tháng 9/2018, khảo sát khoảng 60.000 gia đình trên khắp Liên bang Nga.

Cuộc khảo sát cho thấy gần một nửa số hộ gia đình ở Nga không đủ khả năng có một kỳ nghỉ dài một tuần mỗi năm.

Khoảng 10% trong số những người được khảo sát nói họ không đủ khả năng ăn thịt cá ba lần/tuần và 12,6% gia đình có chung nhà vệ sinh.

Ở vùng nông thôn nước Nga, hơn 38% gia đình có nhà xí nằm bên ngoài ngôi nhà.

Sự khó chịu của Kremlin với các số liệu thống kê có thể hiểu là do khó khăn kinh tế đang là thách thức đáng kể đối với Tổng thống Putin.

Sau khi có một giai đoạn tăng trưởng kinh tế trong nhiệm kỳ đầu tiên, được thúc đẩy nhờ giá dầu cao, tỷ lệ tín nhiệm dành cho ông Putin đã giảm khi các gia đình Nga phải trải qua năm thứ 5 liên tiếp trong tình trạng thu nhập ngày càng giảm.

Cuộc khảo sát mới nhất cho thấy thực tế là 52,9% hộ gia đình không thể ứng phó với các khoản chi bất ngờ - gồm sửa chữa nhà hoặc chi phí điều trị y tế. Trong cuộc khảo sát hồi năm 2016, con số này là 44,2%.

Sarah Rainsford BBC News, Moscow


bbc.com

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47770208?SThisFB&fbclid=IwAR0XzzPqCrVwy9EuUHiIBVFhCW1oUA5INNIg5H2B3OMU1B-jAwk1CmX1Edw


Bình Luận:

Sau khi Nga sáp nhập Crimea vào Liên Bang Nga thì Mỹ và các nước Tây Phương phạt Nga bằng các biện pháp cấm vận kinh tế . Những người mong ước các nước Tây Phương dùng biện pháp mạnh, như dùng quân đội để tấn công bắt Nga trả lại Crimea cho Ukraine nói rằng cấm vận kinh tế sẽ chẳng ăn thua gì, sẽ không làm cho Nga trả lại Crimea. Họ nói đúng. Nga không vì bị cấm vận kinh tế mà trả lại Crimea nhưng hậu quả của cấm vận kinh tế là làm cho kinh tế Nga khó khăn, dân Nga nghèo đói.

Ông Vladimir Putin có lẽ cũng chấp nhận thà là để kinh tế Nga gặp khó khăn còn hơn là từ bỏ giấc mộng sáp nhập trở lại Nga các vùng đất mà Nga đã bị mất khi Liên Bang Xô Viết tan rã.

Ông Putin có sẵn bài bản, biết phải làm gì khi Nga bị cấm vận. Khi Nga bị cấm vận và Ả Rập Xê Út đánh sụt giá dầu hỏa từ 100 USD/thùng còn 50 USD/thùng vào năm 2014, thì trong thông điệp đầu năm 2015, ông Putin không đả động gì đến việc kinh tế sẽ gặp khó khăn mà kêu gọi quân đội, các đơn vị đóng ở biên giới sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ tổ quốc. Đó là cách dùng nguy cơ chiến tranh để đe dọa dân để cho dân lo ngại về chiến tranh mà chấp nhận khó khăn về kinh tế.

Mánh lới này Liên Bang Xô Viết đã dùng trong ròng rã hàng chục năm trời. Ông Valdimir Putin là người từng phục vụ trong cơ quan mật vụ KGB, một cơ quan cũng có nhiệm vụ tuyên truyền, thì chắc chắn là rất thành thạo với cách tuyên truyền của thời Xô Viết.

Việc một cựu nhân viên mật vụ thời Liên Xô như ông Vladimir Putin quay trở lại nắm quyền lực vào năm 2000 có lẽ làm nhiều người không lo ngại lắm khi giá dầu hỏa gia tăng, kinh tế Nga được cải thiện và tình hình nước Nga ổn định hơn. Nhưng rồi ông Putin vẫn ngựa quen đường xô viết cũ là xem đời sống người dân là nhẹ, xem việc chế tạo vũ khí và bành trướng quyền lực của mình trên thế giới là quan trọng hơn.

Trong khi các nước có các bản tin là Nga mở nhiều chiến dịch tung ra tin tức sai lạc trên truyền thông, trên mạng để chi phối chính trị của các nước, trong đó có cả nước Mỹ, thì đồng thời các nước cũng có các bản tin về đời sống kinh tế người Nga đang đi xuống. Các tin tức này nói lên là chính quyền Nga bây giờ cũng chẳng khác gì thời Liên Xô, cũng xem việc thực hiện được tham vọng quyền lực của mình là quan trọng hơn cho người dân. Người dân Nga không thể vì kinh tế khó khăn mà bỏ phiếu để thay người cầm quyền khác vì bầu cử đã bị ông Putin ăn gian, lũng đoạn để ý dân không còn có ảnh hưởng trong bầu cử.

No comments:

Post a Comment