Thursday, June 13, 2013

Hạn chế của nhà nước trong kinh tế thị trường hiện đại

"Hạn chế của nhà nước trong kinh tế thị trường hiện đại" khảo sát hạn chế của nhà nước trong nền kinh tế hiện đại về tầm hoạt động, về việc tạo ra tiền, về việc tạo ra tư bản đẳng cấp cao.

Hạn chế về tầm hoạt động

Trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hoá, điểm hạn chế đầu tiên và rõ ràng nhất là hoạt động của một nhà nước bị giới hạn ở biên giới quốc gia.

Có rất nhiều việc mà quyền lực tập trung của nhà nước không giải quyết được như sự sáng tạo ra các tạo phẩm phi vật thể mới, như sự sản xuất ra tư bản hậu công nghiệp, và đặc biệt là sự sản xuất ra tiền ảo.

Vai trò của kinh tế nhà nước và vai trò kinh tế của nhà nước là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Ở những góc độ nhất định, Nhà nước đóng một vai trò chủ đạo nào đó trong nền kinh tế, và điều này được thực hiện không cần có doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước tạo ra những tạo phẩm phi vật thể để mở đường cho các kết hợp xã hội mới trong nền kinh tế, tạo nên được những cách phát triển đột biến trong hoạt động của các doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh,... như các bộ luật được đáp ứng nhu cầu của kinh tế thị trường hiện đại và mở ra vô số cơ hội cho sự phát triển kinh tế, chứ không phải là nắm các doanh nghiệp nhà nước trong tay. Nhà nước mở ra cơ chế để cho xã hội phát triển các thiết chế trừng phạt các doanh nghiệp khi các doanh nghiệp trục lợi khi xã hội có khó khăn. Một trong những cách đó là xã hội phát triển giá trị vô hình của các doanh nghiệp có giá trị hơn gấp nhiều lần toàn bộ cơ sở vật chất của doanh nghiệp đó. Vì thế khi doanh nghiệp đó không bảo đảm việc cung cấp hàng hoá vật chất cho xã hội, và có hành vi trục lợi trong việc cung cấp hàng hoá vật chất cho xã hội khi xã hội có khó khăn thì xã hội có biện pháp tẩy chay, trừng phạt, khiến cho giá trị vô hình của doanh nghiệp đó giảm xuống thậm chí mất giá hoàn toàn. Điều đó khiến cho không doanh nghiệp nào dám có những biện pháp trục lợi, và có khi phải thực hiện đầu tư trực tiếp ra nước ngoài mà phải chấp nhận những điều kiện bất lợi để bảo đảm cho việc cung cấp hàng hoá trên thị trường trọng điểm không bị gián đoạn.

Nhà nước không làm cho xã hội giầu lên được bằng các sắc lệnh, nhưng trong mối quan hệ quốc tế, một xã hội lại có cách làm cho mình giầu lên bằng cách tạo ra những tạo phẩm phi vật thể mới đẩy mình vượt lên hơn hẳn các xã hội khác. Vai trò giới hạn của nhà nước trong nền kinh tế thị trường hiện đại còn thể hiện ở chỗ khi không có cách thức hữu hiệu để điều hành tiến trình tạo ra các tạo phẩm phi vật thể mới cho xã hội. Điều đó buộc các thế lực lãnh đạo đất nước phải ra tay hành động.

Đối với những nước mà trình độ phát triển thị trường còn thấp, khi mà những sản phẩm thiết yếu cung cấp cho dân cư không phải lúc nào cũng đạt được sự bảo đảm ổn định thì kinh tế nhà nước là chủ đạo trong mối quan hệ hỗn hợp chứ không phải là xét về vị thế độc lập. Nhà nước chủ xướng và nắm một phần cổ phần để chịu chung những khó khăn ban đầu. Đây là điểm đặc thù của các nước đang phát triển. Người ta thấy rằng có những nước mà người dân nước đó không thông minh hơn người dân nước khác, nhưng do đã mở ra cho mình một bình diện mới trong hoạt động kinh tế, nên họ đã nhanh chóng phát triển hơn các nước khác vốn được coi là cần cù, thông minh, và thu hút lao động từ nước đó đổ sang làm thuê cho mình.

Tầm hoạt động của nhà nước bị hạn chế, đặc biệt trong các hoạt động kinh tế siêu vĩ mô. Sự xuất hiện kinh tế siêu vĩ mô bộc lộ hạn chế của nhà nước trong nền kinh tế thị trường hiện đại. Nhà nước không thể huy động các nguồn lực của xã hội để làm việc đó được, không thể làm được những việc liên quan tới hoạt động đầu tư quốc tế. Nhà nước không nắm được con người, vì nhà nước nắm con người trong những khuôn khổ của pháp luật mà pháp luật đầy rẫy những lỗ hổng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Nhưng các tổ chức bí mật, các đảng chính trị lại làm được việc nắm con người và chúng có những biện pháp kỷ luật sắt đối với những thành viên trọng yếu của mình, và chúng có những cách thức nhận dạng và xử lý các lỗ hổng theo kiểu riêng của mình. Vấn đề là ở chỗ tổ chức nào phát triển được những lĩnh vực kinh tế siêu vĩ mô trong nước mình khiến cho có phương tiện và năng lực đảm nhận được những quyền lực về kinh tế.

Nhà nước là cơ quan của xã hội nhằm thực hiện một số công việc chung của xã hội, do đó, một mặt nó có sức mạnh rộng khắp, nhưng mặt khác, có những cách thức khác kiểm soát được các hành vi của nó.

Nhà nước là một công cụ xã hội. Điểm khác biệt giữa công cụ xã hội và công cụ thường là ở chỗ công cụ xã hội có tính chất động của nó. Xã hội tạo nên các dạng phi vật thể làm công cụ để tác động tới chính nó, hay tới xã hội khác. Các công cụ xã hội này thu hút được những nguồn lực cần thiết cho chúng để làm được những công việc nhất định. Dạng phi vật thể này có những cách thức vận hành của riêng nó, nhưng sẽ xuất hiện những dạng phi vật thể mới, hoặc nhập vào từ bên ngoài để sử dụng một dạng phi vật thể đang vận hành vào những việc nhất định. Khi một dạng phi vật thể đang vận hành thì nó không còn khả năng làm được nhiều việc nữa, không còn khả năng tạo ra những biến hoá đột biến. Dạng phi vật thể nào đó có khả năng tập hợp được một nhóm người lại, đưa đến một hành động chung. Nhóm người này sẽ giành được quyền lực nhà nước khi có điều kiện và tổ chức lên nhà nước của mình. Nhà nước là công cụ xã hội mà một nhóm người có thể sử dụng được để thực hiện những mục đích của họ. Thậm chí một người cũng điều khiển được cơ quan nhà nước như các nhà độc tài hay các bậc quân vương của các chế độ phong kiến chuyên chế.

Là công cụ nên nhà nước không có mục đích tự thân định hướng theo việc phát triển nào đó. Công cụ đó phải nằm trong tay dạng phi vật thể có mục đích nào đó. Khi thuộc về các thế lực khác nhau thì công cụ đó có các tác động khác nhau.

Nhà nước là thành quả lâu đời của xã hội loài người, nhưng khi có các đảng phái lãnh đạo nhà nước, các đảng phái thay nhau nắm quyền thì xã hội đã xác nhận vai trò lãnh đạo của các đảng phái đối với nhà nước, đã xác nhận có những tạo phẩm phi vật thể có vai trò lãnh đạo nhà nước. Vì thế trong hoàn cảnh nền kinh tế hậu công nghiệp thì đảng cầm quyền có vai trò lãnh đạo mới.

Nhà nước bị hạn chế trong tầm nhìn đối với nền kinh tế hiện đại. Do tầm nhìn hạn chế ở góc độ nhà nước về trình độ và tầm mức siêu vĩ mô của kinh tế thị trường hiện đại, nên những nước không có hoạt động kinh tế siêu vĩ mô không thấy được rằng đất nước có những phương tiện, có những công cụ gì để khắc phục, để vượt qua những vấn đề gây ra tranh chấp trong hoạt động kinh tế đối ngoại. Điều này có thể giải thích được rằng khi đàm phán về các vấn đề thương mại, các nước có hoạt động kinh tế siêu vĩ mô đưa ra công khai toàn bộ những vấn đề đang thương lượng với các đối tác để các doanh nghiệp có liên quan thảo luận và nêu quan điểm của mình về những gì mà tiến trình đàm phán tiếp theo phải làm thì ở nước không có hoạt động kinh tế siêu vĩ mô lại giữ bí mật những điều đang phải đàm phán, sợ rằng nếu lộ ra công khai sẽ gây bất lợi cho mình, không còn điểm lùi cho mình.

Nhà nước bị trói chân trói tay trong hành động vì các chính sách của nhà nước phải minh bạch hoá, và có thể dự đoán trước. Hạn chế của nhà nước là không thể tạo nên được những tiến trình kinh tế lâu dài, vì nó không thể tạo ra được những nguồn cung cấp tiền liên tục lâu dài của nó với những chương trình kinh tế nào đó trong hoàn cảnh mà phải thực hiện các cam kết quốc tế, trong hoàn cảnh các khoản chi tiêu phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của quốc hội và công luận. Vì vậy thế lực chính trị nắm vai trò chi phối phải phát triển lên để đảm nhận những vai trò mới mà nhà nước không đảm đương được.

Trong xã hội hiện đại có rất nhiều loại quyền lực xã hội mà nhà nước không thể bao quát hết được trong tiến trình liên tục xuất hiện các công việc mới, nghề nghiệp mới trong xã hội. Điều này khiến cho các hội đoàn nghề nghiệp luôn luôn xuất hiện mới có những quyền lực thực sự đối với các thành viên của mình theo đà gia tăng số lượng công việc trong xã hội.

Dưới chủ nghĩa tư bản, nhà nước là công cụ của tư bản, và công cụ đó có thể được kiểm soát, được vận hành trong những khuôn khổ định trước, bất kể thể chế của nó là gì. Có như vậy tư bản mới dễ dàng vận động.

Nhà nước có những công cụ gì để định hướng nền kinh tế? Có những gì mà nhà nước không định hướng nổi nền kinh tế hay không? Khi những vấn đề liên tục được mở ra, nhà nước không thể phản ứng được kịp thời vì nguyên tắc người dân, tổ chức, doanh nghiệp được làm những gì nhà nước không cấm. Không cấm nhưng nhà nước có ủng hộ hay không? Nhà nước phải có hình thái mới.

Trong hoàn cảnh gặp khó khăn mà các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô của nhà nước như kích cầu đầu tư không có hiệu quả thì gặp những trở ngại là phải có bước phát triển mới về quan niệm. Khi kích cầu đầu tư trong nước tỏ ra không hiệu quả, khi đầu tư ra nước ngoài còn gặp rất nhiều khó khăn trở ngại, vì những đồng ngoại tệ mạnh quý hiếm mất rất nhiều công sức mới có được thì người ta cần phải mở ra bình diện hoạt động mới. Nhà nước không điều khiển, kiểm soát được hoạt động của các công ty đa quốc gia, dù là các công ty mang quốc tịch của mình.

Do tầm hoạt động hạn chế nên nhà nước không thấy được những vấn đề đang thực sự diễn ra, không thấy được toàn cảnh nên chỉ thấy các mâu thuẫn mà khó khăn tìm được cách giải quyết. Nhà nước không chống được các cuộc khủng hoảng trong nền kinh tế hiện đại. Vì thế có nhiều điều tưởng rằng chặt chẽ về mặt điều hành kinh tế vĩ mô nhưng lại tạo ra những lỗ hổng khổng lồ cho sự tác động siêu vĩ mô từ bên ngoài vào, nhất là khi các cuộc khủng hoảng nổ ra.

Hạn chế trong việc tạo ra tiền

Thời Keynes, nhà nước phải tạo ra nhu cầu mới cho xã hội. Trong thời đại ngày nay, tư bản hậu công nghiệp tạo ra nhu cầu mới cho xã hội.

Nhà nước bỏ tiền ra để cứu tư bản là một việc nhiêu khê, sẽ bị nhiều chỉ trích từ các đảng phái và nhiều tầng lớp xã hội khác nhau khiến cho tư bản phải tự tạo cho mình tiền mới, tư bản mới và tiêu số tiền đó để cứu tư bản, và như vậy là phát triển các trung tâm tài chính hải ngoại. Một chính phủ in tiền chi tiêu thì gây ra lạm phát, nhưng một tổ chức tư bản đầu sỏ trong thời đại hậu công nghiệp lại tạo ra được tiền mới, tạo ra được tư bản mới mà không bị lạm phát khi tạo ra được những kênh bơm tiền vào một nước và hút tiền ra khỏi nước đó.

Việc chi tiêu của nhà nước chỉ có vai trò hạn chế trong việc kích thích sự phát triển kinh tế hiện đại. Xem xét dưới góc độ kinh tế vĩ mô thì chi phí hành chính có quan hệ với GDP và làm giảm GDP nếu nó phình lên, nhưng xem xét dưới góc độ kinh tế siêu vĩ mô thì chi phí hành chính ở một mức độ nào đó lại làm gia tăng tư bản. Nhưng gia tăng tư bản hậu công nghiệp không đi với gia tăng tiền, hay gia tăng GDP theo cách tính thông thường hiện nay. Tính lừa dối thực chất về nền kinh tế hiện đại của GDP và sự tăng trưởng của nó khiến cho người ta phải dùng nhiều thước đo khác để có cái nhìn rõ hơn về nền kinh tế.

Nhà nước không tạo ra được tiền của các nước khác, mà nếu làm ra tiền của các nước khác thì đó là làm tiền giả, trong khi đó chủ thể điều hành siêu vĩ mô sản xuất được các loại tiền của các nước khác.

Nhà nước phải minh bạch hoá các hoạt động của mình là để ngăn cản việc các thế lực khác, đặc biệt là chủ thể điều hành kinh tế siêu vĩ mô của các nước khác, sản xuất ra tiền ảo của nước mình.

Khi nhà nước bơm tiền vào nền kinh tế thì nảy sinh ra vấn đề nguồn cung không đủ năng lực. Vấn đề là ở chỗ nguồn cung được cung cấp với giá nào, và được bù lỗ đến đâu. Khi mức bù lỗ quá lớn, và rộng khắp xã hội thì nhà nước không chịu nổi, và thế là lạm phát nảy sinh. Nhà nước kích cầu thì lạm phát nảy sinh.

Hạn chế trong việc tạo ra tư bản đẳng cấp cao


Người ta phải tìm ra được những hình thái mới về việc xã hội hoá các loại tư bản trong xã hội. Về thực chất hiện nay khi chuyển đổi hình thức sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước, người ta đang tiến hành tư bản hoá các tài sản vật chất của nhà nước. Trong tiến trình này, người ta gỡ bỏ những tạo phẩm phi vật thể mà nhà nước đã tạo ra cho các doanh nghiệp của mình. Trong hình thái xã hội hoá tư bản bằng nhà nước, người ta có thể tiền tệ hoá được các tạo phẩm phi vật thể của nhà nước gắn cho doanh nghiệp đó bằng nhiều cách khác nhau.

Nhưng khi chuyển sang hình thức xã hội hoá khác thì doanh nghiệp đó tiền tệ hoá theo các quy luật của thị trường, theo những con đường hoàn toàn khác, khó khăn gấp bội. Tư bản hậu công nghiệp chèn ép tư bản nhà nước, buộc tư bản nhà nước phải thay đổi hình thái. Doanh nghiệp nhà nước không phát huy khả năng tạo ra tư bản hậu công nghiệp trong hoàn cảnh của nó. Tư bản nhà nước đã bộc lộ những hạn chế của nó, nếu không, người ta chẳng cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước làm gì. Nhưng vấn đề là tư bản nhà nước đó phải chịu sự chi phối loại tư bản có trình độ xã hội hoá cao hơn, thì tiến trình mới đẩy nhanh được. Dù có cách chức các giám đốc, hội đồng quản trị thì tình hình cổ phần hoá cũng chẳng đẩy nhanh được vì các cấp quản lý trung gian không làm, không muốn làm cổ phần hoá vì họ hầu như chẳng có mấy tài sản để mua cổ phần trong khi đó, thời gian trôi đi thì các giám đốc sẽ về hưu, vị trí đó sẽ được họ tiếp quản.

Kinh tế nhà nước là dự phần của nhà nước trong các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước không thể có cổ phiếu, không được có mặt trên thị trường chứng khoán, và do đó, không thể sử dụng các công cụ thị trường cho sự phát triển vượt bậc của nó. Vấn đề vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước còn nằm trong vấn đề có bình diện lớn hơn: vai trò đích thực của nhà nước trong kinh tế thị trường. Để nhà nước làm công việc sắp xếp doanh nghiệp nhà nước thì tiến độ rất ì ạch, và vấp phải trở lực từ chính những người được nhà nước giao cho làm công việc quản lý các doanh nghiệp, từ cơ sở tới các bộ chủ quản. Tầm giải quyết vấn đề này không phải là công việc của nhà nước mà là công việc của tổ chức đặc biệt của xã hội, của chủ thể điều hành kinh tế siêu vĩ mô.

Việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước gặp rất nhiều khó khăn vì người ta vẫn nhầm lẫn rằng dù thế nào nhà nước vẫn tìm cách duy trì sự kiểm soát đối với các doanh nghiệp đó. Công việc đó không phải chức năng của nhà nước, mà nhà nước không thể làm được điều đó. Công việc đó là của chủ thể điều hành kinh tế siêu vĩ mô, vì chủ thể điều hành kinh tế siêu vĩ mô vẫn duy trì sự kiểm soát của mình đối với các doanh nghiệp đó, bằng những hình thức mới, bằng cách tạo ra những tạo phẩm phi vật thể mới cho doanh nghiệp đó, đưa chúng vào mối quan hệ mới.

Sự phát triển của nền sản xuất vật thể theo kiểu tư bản chủ nghĩa đã dẫn đến sự tột cùng của nó, buộc xã hội, thông qua nhà nước phải hình thành nên một loại tư bản mới, tư bản nhà nước để giúp cho tư bản qua được giai đoạn khó khăn trước khi những loại tư bản mới hậu công nghiệp xác lập được vị thế của mình. Khi nền sản xuất tạo phẩm phi vật thể phát triển khiến cho vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường đang được nhận diện lại thì xã hội đã phát triển thực thể mới để lãnh đạo xã hội điều hành kinh tế thị trường, tạo ra được hình thái tư bản xã hội mới: hình thái tư bản của chủ thể điều hành kinh tế siêu vĩ mô. Khi tư bản hậu công nghiệp xác lập được vai trò của mình thì xã hội cần phát triển loại tư bản của chủ thể điều hành kinh tế siêu vĩ mô để dẫn dắt các loại tư bản khác phục vụ mục đích xã hội, để tránh cho xã hội gặp phải những hậu quả nặng nề của các loại khủng hoảng do các loại tư bản hậu công nghiệp mới xuất hiện, chèn ép các loại tư bản cũ.

Nhà nước đã không đảm nhận được sứ mệnh đó, vì bản chất nhà nước không phải tạo ra loại tư bản của chủ thể điều hành kinh tế siêu vĩ mô đó. Về thực chất, tổ chức nào đang lãnh đạo thực sự xã hội đó sẽ đảm nhận sứ mệnh đó. Đối với các xã hội tư bản đó là tổ chức bí mật của các trùm tư bản, mà đã trở thành tổ chức duy nhất trong mỗi xã hội, đã lãnh đạo bộ máy nhà nước phục vụ mục đích của chúng, bất chấp các loại đảng phái nào nắm chính quyền. Đối với các xã hội do đảng độc quyền lãnh đạo, thì đảng đóng vai trò phát triển loại tư bản của chủ thể điều hành kinh tế siêu vĩ mô, và thực hiện điều hành kinh tế siêu vĩ mô với xã hội đó. Khi một đất nước được nước ngoài đánh giá cao về điều hành kinh tế vĩ mô thì không hẳn là tin đáng mừng nếu điều hành vĩ mô không dựa trên nền tảng điều hành siêu vĩ mô.

Sự cạnh tranh của tư bản hậu công nghiệp làm cho các tư bản cũ rơi vào tình trạng khốn đốn. Tư bản nhà nước là một hình thái xã hội hoá tư bản, nhưng hình thái đó đã bộc lộ ra những điều bất cập vì xã hội có những hình thái phát triển những tạo phẩm phi vật thể xã hội của riêng nó. Tư bản hậu công nghiệp chèn ép tư bản nhà nước, buộc tư bản nhà nước phải thay đổi hình thái.

Khi doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi sở hữu, không còn là của nhà nước nữa, thì doanh nghiệp đó đã bị loại bỏ rất nhiều tạo phẩm phi vật thể mà nhà nước đem lại cho nó, như các loại ưu đãi về đất đai, về tài chính, tín dụng, quyền khai thác tài nguyên,... thì doanh nghiệp đó sẽ bị giảm đi rất nhiều giá trị. Khi các doanh nghiệp của nhà nước sáp nhập vào nhau thì giá trị của doanh nghiệp sáp nhập sẽ được cộng lại từ các doanh nghiệp ban đầu, không thể vượt qua được tổng cộng đó. Nhưng khi các doanh nghiệp chịu sự chi phối của chủ thể sáp nhập vào nhau hay sáp nhập với doanh nghiệp khác thì giá trị của doanh nghiệp kết quả có giá lớn hơn tổng giá trị của các doanh nghiệp được sáp nhập.

Việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và thay đổi cách thức tổ chức và hoạt động của các tập đoàn kinh tế hiện nay đòi hỏi những biện pháp kinh tế ở tầm siêu vĩ mô chứ không phải ở tầm vĩ mô. Chính vì không đặt đúng tầm giải quyết nên tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước diễn ra rất chậm chạp, thậm chí gặp nhiều trở ngại lớn. Thực chất cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển là đẩy các doanh nghiệp đó lên sự chi phối của hình thái tư bản xã hội cao hơn, vào sự chi phối của chủ thể điều hành kinh tế siêu vĩ mô. Không hiểu được thực chất đó nên việc cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước ở những nơi không có chủ thể điều hành kinh tế siêu vĩ mô diễn ra rất chậm chạp, vì cổ phần hoá dưới điều kiện đó thực chất làm giảm đi tầm xã hội hoá của tư bản, đẩy các doanh nghiệp đó vào tầm xã hội hoá thấp hơn, hạ tầm xã hội hoá của loại tư bản đó. Điều dễ hiểu là tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam diễn ra quá chậm chạp và hầu như chưa thể đụng chạm đến các doanh nghiệp nhà nước lớn.

Nền kinh tế siêu vĩ mô đã cho thấy sự hạn chế của nhà nước đối với các tiến trình kinh tế hiện đại, thậm chí thể hiện sự bất lực của nhà nước trong việc điều hành kinh tế khiến cho nhiều vấn đề liên quan tới kinh tế siêu vĩ mô phải phát triển cách giải quyết một cách tự phát. Một khi chưa thực hiện được điều hành kinh tế siêu vĩ mô mà tiến hành cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn thì đó là bước thụt lùi, sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sau trong sự phát triển kinh tế xã hội.

Nhà nước không điều hành được kinh tế siêu vĩ mô, nên vai trò của chính phủ Mỹ trong kinh tế thị trường hiện đại đang được nhìn nhận lại. Nhà nước bao giờ cũng thiếu tiền. Chẳng mấy khi bội thu ngân sách. Nhà nước không đủ tiền, không đủ khả năng sản xuất ra tiền để thúc đẩy sự phát triển đuổi kịp, nhà nước không tạo nên được cấu trúc xã hội mới, trong đó những nhân tố nước ngoài ngày càng gia tăng ảnh hưởng. Sai lầm trong tiến trình nghiên cứu hiện đại là đặt vai trò lớn quá mức vào nhà nước. Điều đó dẫn tới những mâu thuẫn không giải quyết được. Chừng nào còn đặt trọng tâm giải quyết vấn đề phát triển kinh tế đất nước vào nhà nước thì chừng đó còn dẫn tới những bế tắc.

Nhà nước không có cách thu hồi số tiền đã rót cho các doanh nghiệp. Tính chất cạnh tranh khi đáp ứng những nhu cầu vĩ mô là yếu, nhất là những doanh nghiệp liên quan tới an ninh quốc phòng vì sản phẩm của chúng quá chuyên dụng, mà nhà nước phải bao tiêu các sản phẩm. Không dễ gì được bán ra ngoài các sản phẩm mới nhất cho những người có nhu cầu.

Nguyễn Bình Giang, Tống Quốc Đạt
01:31' PM - Thứ ba, 12/08/2008

http://www.doanhnhan360.com/Desktop.aspx/Thi-truong-360/Thi-truong/Han_che_cua_nha_nuoc_trong_kinh_te_thi_truong_hien_dai/

No comments:

Post a Comment