Tuesday, June 7, 2011

Thuần Vu Khôn thử tài Trâu Kỵ

Sách Đông Châu Liệt Quốc chép:

Thuần Vu Khôn vốn là một biện sĩ (biện sĩ: Người biện bác giỏi) lỗi lạc nhất của Tề, nghe Trâu Kỵ uốn ba tấc lưỡi mà được phong làm Tướng quốc, có ý không phục, bèn dẫn bọn tay chân đến yết kiến Trâu Kỵ.




Trâu Kỵ tiếp đãi tử tế, Thuần Vu Khôn với vẻ mặt cực kỳ kiêu ngạo nói với Trâu Kỵ:

- Tôi có mấy điều thô lậu có thể trình bày với Tướng quốc được không?

Trâu Kỵ chắp tay đáp:

- Không dám! Xin tiên sinh cho nghe!

Thuần Vu Khôn nói:

- Con không lìa mẹ, vợ không lìa chồng!

Trâu Kỵ đáp:

- Xin vâng lời! Từ nay tôi không xa vua!

Thuần Vu Khôn lại nói:

- Đã dùng gỗ gai làm bánh xe mà bôi thêm mỡ thế là trơn lắm, nhưng nếu mà đục lỗ vuông khó mà vận chuyển được!

Trâu Kỵ đáp:

- Xin vâng lời! Tôi không làm điều gì trái với thông tục.

Thuần Vu Khôn nói thêm:

- Cánh cung dẫu cứng cũng có lúc trễ, các dòng sông đều chảy ra bể, tự nhiên mà hòa hợp!

Trâu Kỵ đáp:

- Xin vâng. Từ nay tôi phải yêu mến muôn dân .

Thuần Vu Khôn nói tiếp:

- Áo cầu lông cừu dẫu nát, không nên đem da chó mà vá vào.

Trâu Kỵ trả lời:

- Xin vâng lời! Tôi sẽ chọn người hiền mà dùng, quyết không đem kẻ bất tài vào chốn miếu đường.

Thuần Vu Khôn nói:

- Cầm sắt không so dây thì không thành âm luật.

Kỵ đáp:

- Xin vâng lời! Tôi sẽ sửa lại pháp luật để giám sát những kẻ gian lận.

Thuần Vu Khôn nín lặng, sụp lạy hai lạy rồi lui ra. Khi đã ra khỏi cửa, các môn đồ của Thuần Vu Khôn hỏi rằng:

- Sao lúc tiên sinh lúc mới vào yết kiến quan tướng quốc thì đắc ý như thế mà lúc lui ra tiên sinh lại chịu khuất mà lạy như vậy?

Thuần Vu Khôn nói:

- Ta dùng ẩn nghĩa hỏi năm điều, quan Tướng quốc trả lời được hết. Ngài là bậc đại tài ta không thể sánh bằng.

Trâu Kỵ cũng nghe những lời nói của Thuần Vu Khôn mà hết lòng lo việc chính trị cho nước.

Bình Luận:

Các điều mà Thuần Vu Khôn nói là những nguyên tắc quan trọng trong việc cai trị được tóm lại trong một mẩu chuyện ngắn.

Con không lìa mẹ, vợ không lìa chồng

Là sự đoàn kết, tinh thần làm việc tập thể, sự trung thành và tôn trọng người trên

Đã dùng gỗ gai làm bánh xe mà bôi thêm mỡ thế là trơn lắm, nhưng nếu mà đục lỗ vuông khó mà vận chuyển được!

Người cầm quyền có quyền lực trong tay có thể cưỡng bách dân làm theo mình . Nhưng nếu làm ra luật lệ trái với phong tục, tập quán của dân thì dù nhà nước có dùng sức mạnh cường bách dân phải tuân theo thì dân cũng không thật sự muốn làm và việc thi hành luật trở nên khó khăn, giống như đục  lỗ vuông, làm trục xe vuông, xe không thể nào lăn bánh được.

Cánh cung dẫu cứng cũng có lúc trễ, các dòng sông đều chảy ra bể, tự nhiên mà hòa hợp!

Cánh cung dù cứng nhưng dùng lâu thì cây cung đó cũng yếu đi. Một chính quyền lúc mới lên có thể có sức mạnh vì người làm việc còn hăng hái, liêm khiết, được dân ủng hộ. Nhưng nếu người cầm quyền ỷ vào có sức mạnh, được dân theo mà không tôn trọng dân, không chăm lo cho đời sống của dân thì dân sẽ không còn ủng hộ nữa. Rồi thì người dân sẽ hợp nhau mà chống lại nhà cầm quyền như nước sông đều chảy ra biển rồi hợp nhau lại.

Áo cầu lông cừu dẫu nát, không nên đem da chó mà vá vào.

Áo lông cừu là loại áo lạnh làm bằng da cừu, là loại đắt tiền. Nếu có chỗ rách đem da chó vá vào thì sẽ làm mất giá trị của áo lông cừu. Trong một tập thể mà mọi người hăng hái, tích cực làm việc, đối xử lương thiện với nhau nếu đem một người có thói xấu không lo cho việc chung mà chỉ lo cho bản thân, có thói xấu như dối trá, dèm pha thì sẽ làm hỏng tập thể đó. Mọi người đang hăng hái, có tinh thần tích cực mà thấy có kẻ làm việc bê trễ mà vẫn được dùng thì mọi người sẽ sinh ra chán nản. Kẻ dối trá, dèm pha, báo cáo láo, lập phe đảng riêng sẽ làm cho tập thể sinh ra thói xấu, mọi người ganh ghét, kèn cựa nhau. Thời xưa có câu “gian thần ở trong triều thì trung thần phải chết“, nghĩa là đem kẻ gian vào trong chính quyền thì kẻ đó sẽ dần dần kéo bè kết cánh làm hại những người ngay, mà chính quyền dần dần sẽ biến chất, trở thành đầy rẫy nhưng kẻ gian xảo, xu nịnh, dối trá.

 Áo lông cừu

Cầm sắt không so dây thì không thành âm luật.

Việc cai trị phải theo luật như trên cây đàn các sợi dây phải được chỉnh cho đúng với âm luật. Người cầm quyền không thể cai trị tùy theo ý thích của mình. Ngày nay thích làm việc này thì ra lệnh bắt dân làm, ngày mai thích làm việc khác thì bỏ lệnh cũ ra lệnh mới, xoay như chong chóng thì dân sẽ không biết phải tuân theo lệnh nào, xã hội trở nên hỗn loạn. Luật giống như là sự giao kết giữa người trên và dân. Người trên sẽ chỉ làm theo những gì mà luật qui định, người dân cũng yên tâm sinh hoạt, biết rằng những điều mình làm hễ không phạm vào luật cấm thì mình cứ tự do mà làm, tự do phát huy sáng kiến mà không sợ ngày hôm này nhà cầm quyền cho làm việc này, ngày mai lại bảo cấm làm, làm phí hết công lao sức lực của mình đã làm.

No comments:

Post a Comment