Sử gia George Dutton tìm lại các nguồn sử liệu Việt Nam và nước ngoài để chứng minh rằng những nhà lãnh đạo Tây Sơn trên thực tế không có mục đích giải phóng nông dân.
Sử gia George Dutton, tác giả luận án tiến sĩ về Tây Sơn: The Tay Son Uprising: Society and Rebellion in Late Eighteenth-Century Viet Nam, 1771-1802 đã viết nhiều bài về thời kỳ Tây Sơn, và công nghệ quân sự Việt Nam.
Bài 'Rethinking the Tây Sơn Era' (Nhìn lại thời Tây Sơn) của ông không đồng ý với hai quan điểm cũ ở Việt Nam về triều đại Tây Sơn.
Theo ông, phong trào Tây Sơn tàn nhẫn không kém gì nhà Trịnh hay Nguyễn trong việc cưỡng bức nông dân phục vụ cho các chiến dịch quân sự và các công trình xây cất.
Theo George Dutton, cuộc sống của nông dân Việt Nam ở những nơi ba anh em Tây Sơn làm chủ hay chiếm đóng còn cực khổ hơn dưới ách chúa Trịnh hay chúa Nguyễn vì quân Tây Sơn liên tục tiến hành chiến tranh.
Quân Tây Sơn cũng nổi tiếng ưa đốt phá, cướp bóc và thường họ đến đâu chỉ một thời gian ngắn là dân chúng tìm cách trốn khỏi vùng họ kiểm soát, để tránh không bị cưỡng bức vào quân đội hay chế độ lao dịch.
Đây là một trong những lý do khiến triều đại này sụp đổ nhanh chóng.
Theo tác giả Dutton, phong trào Tây Sơn gần như ở trong tình trạng lâm chiến triền miên. Ngoài những trận ban đầu đánh chúa Nguyễn, quân Tây Sơn đánh nhau với quân Trịnh năm 1786, sau đó nhiều lần tấn công ra Bắc, rồi xâm lăng Lào năm 1791, chuẩn bị đánh nhà Thanh để 'lấy lại Lưỡng Quảng' năm 1792, các trận đánh với quân Nguyễn Phước Ánh ở phía Nam...
Giữa các anh em nhà Nguyễn cũng hay có xung đột quân sự như trận Nguyễn Huệ đánh nhau với Nguyễn Nhạc năm 1787.
Và chỉ trong một trận đó, nguồn tin từ một nhà truyền giáo nước ngoài nói Nguyễn Nhạc mất tới 40 nghìn quân.
Số quân lính Tây Sơn bị giết trong các trận đánh khác cũng rất lớn.
Để có quân lính phục vụ các chiến dịch, nhà Tây Sơn đã áp dụng chính sách bắt lính cưỡng bức tàn khốc.
Sử gia George Dutton nói dù ban đầu có những nông dân hăng hái xung vào đội quân Tây Sơn, nhưng càng về sau này, hàng ngũ của họ không còn những người 'nhiệt tình' nữa, mà chỉ là lính quân dịch.
Dutton cũng nói trên thực tế chế độ quân dịch dưới ách các chúa Trịnh và Nguyễn cũng không kém tàn khốc đối với nông dân, nhưng dưới chế độ Tây Sơn, người lính-nông dân phải liên tục ra trận và thường bị các cấp chỉ huy đối xử tàn bạo.
Nhà Tây Sơn thẳng tay bắt lính và trừng trị nặng nề những ai không muốn theo họ.
Chế độ lao dịch
Theo George Dutton, dân chúng ở những vùng Tây Sơn làm chủ phải chịu chế độ lao dịch rất hà khắc. Dân chúng bị buộc phải tham gia xây dựng cách công trình quân sự và dinh thự.
Năm 1775, Nguyễn Nhạc bắt dân xây thành Chà Bàn để làm kinh đô.
Trong đợt tấn công ra Bắc năm 1786, Nguyễn Huệ cũng bắt dân lo việc lao dịch, gây ra phản ứng xấu trong dân chúng.
Sau khi chiếm được Phú Xuân, Nguyễn Huệ cho lính vây bắt dân, buộc họ làm việc ngày đêm để củng cố lại thành quách làm chỗ ông ta cố thủ.
Chỉ vài năm sau, Nguyễn Huệ lại bắt dân xây Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An, một công trình có tầm vóc rất lớn. Theo các sử liệu nước ngoài, dân địa phương phản đối và mạnh ai ngưòi nấy trốn.
Quân Tây Sơn còn hà khắc hơn các chúa Trịnh và Nguyễn trong việc áp dụng chế độ lao dịch. Dưới quyền của họ, quân lính bắt cả các nhà sư, phụ nữ và trẻ em đi phu. Chỉ có những bà mẹ đang chăm chon còn bú là được miễn.
Theo George Dutton, một trong những lý do khiến các công việc xây cất có nhiều dưới triều Tây Sơn là quân Tây Sơn hay đốt phá các công trình của đối thủ và cả các chùa chiền.
Việc dùng hỏa công như một cách tiến hành chiến tranh cũng góp phần tàn phá nhà cửa. Và sau khi chiếm được một đô thị, họ lại có nhu cầu phòng thủ và xây cất dinh thự cho các tướng lĩnh.
Huyền thoại cách mạng
Sử gia George Dutton cũng tìm cách giải thích vì sao có huyền thoại Tây Sơn như những người giải phóng. Theo ông, vào thế kỷ 18, trong một thời gian dài kéo qua mấy thế hệ, người dân, nhất là nông dân Việt Nam ở mọi miền đất nước đã chịu cảnh can qua không ngừng.Hàng trăm nghìn người bị giết trong các cuộc chiến giữa hai miền, Đàng Trong và Đàng Ngoài và giữa các thế lực quân sự khác nhau.
Họ quá mệt mỏi, đau khổ và luôn mong ước thoát khỏi cảnh chiến tranh, áp bức.
Triều Tây Sơn, khởi đầu bằng một nhóm thương nhân người Việt cộng tác với người sắc tộc thiểu số vùng An Khê, đã xuất hiện như một thế lực mới.
Ban đầu, họ nổi tiếng là nhóm khởi nghĩa có tài đốt phá dinh thự, nhà cửa của quan lại và chia của cho dân. Dân chúng ở những vùng chưa biết đến họ đã mơ ước được giải phóng.
Chỉ có điều những người giải phóng này sau đó đã áp đặt một chế độ cưỡng bức quân dịch và lao động công ích không kém tàn khốc so với những lãnh chúa phong kiến khác.
Theo Dutton, hiện tượng 'mơ ước' được một thế lực khác đối xử tốt hơn cũng xảy ra với dân ở những vùng chưa biết đến chế độ của Nguyễn Phước ánh khi ông ta còn trú ẩn ở cực Nam.
Nhìn chung, theo George Dutton thì trong suốt thế kỷ 18, không một thế lực nào ở Viêt Nam lại không áp bức nông dân, buộc họ đi phu đi lính.
Nhìn chung, nhà Tây Sơn cũng chẳng khác gì các triều khác, thậm chí còn có phần tàn khốc hơn. Nhưng theo phân tích của George Dutton thì sau khi triều Nguyễn thống nhất đất nước, hình ảnh 'giải phóng' của Tây Sơn phần nào đọng lại trong ký ức dân gian vì sự căm ghét đối với triều Nguyễn, chứ không phải là sự thực.
Nó được các sử gia Cộng sản sử dụng từ sau Thế Chiến II để tô vẽ ra hình ảnh 'những anh hùng cách mạng nông dân'. Họ cũng đặt cho triều Tây Sơn ba 'đức tính' là 'tính cách mạng, lòng cao thượng vì công bằng xã hội và ý chí đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước'.
Nhà Tây Sơn được nhìn nhận như những người tiên phong trong cuộc cách mạng được nông dân ủng hộ để thay đổi toàn bộ xã hội.
Nhưng George Dutton, từ khoa Ngôn ngữ và Văn hóa châu Á, University of California Los Angeles (UCLA) không đồng ý.
Ông cho rằng cách nhìn đầy lưu luyến về phong trào Tây Sơn là sản phẩm của việc viết lại lịch sử phục vụ cho mục tiêu của thế kỷ 20, dựa trên lời kể truyền miệng trong dân chúng theo kiểu truyền thuyết dân gian (folk tradition) mà thôi.
Toàn bài đã được trình bày ở Hội thảo quốc tế Việt Nam 2, TPHCM 07/2004.
No comments:
Post a Comment