"Bậc đế vương chứa ở dân, bậc bá chủ cần chứa ở bọn tướng sĩ, ông vua suy bại chứa ở bọn quyền quí, ông vua mất nước chứa ở bọn phụ nữ và châu ngọc . Cho nên các đấng tiên vương xưa phải thận trọng về chỗ chứa cất"
Ông vua chứa cất đây là chứa cất của cải. Vua thì lúc nào cũng giàu sang, có nhiều của cải vì vua xem toàn thể sơn hà, xã tắc là của vua, của cải trong nước là của vua. Vua có nhiều vàng bạc, của cải thì phải có chỗ cất chứa. Thông thường thì ông vua xây kho tàng để chứa cất vàng bạc của cải của mình.
Nhưng sách Quản Tử dùng chữ chứa cất để nói là ông vua dùng tiền bạc để cho ai. Ai có được tiền bạc đó tức là ông vua chứa cất tiền bạc ở đó.
Ông vua chứa cất của cải ở dân là ông vua làm cho dân có của cải, có đời sống ấm no, sung túc. Khác với ông vua đem của cải chứa vào kho của mình, để mặc cho dân đói rét. Ông vua không bo bo thâu tóm tiền của dân về chứa cất riêng cho mình mà làm cho dân giàu có, sung túc đáng được gọi là bậc đế vương.
Ông vua ham làm bá chủ thì chứa cất ở bọn tướng sĩ. Ông vua muốn làm bá chủ là ông vua ham đánh các nước khác để chiếm đất, để bắt các nước khác khuất phục mình tôn mình làm bá chủ thiên hạ. Đánh nhau thì cần có quân đội, tướng sĩ. Để cho tướng sĩ hăng hái đánh nhau thì vua ban thưởng cho những kẻ có công đánh trận. Như thế ông vua không giữ vàng bạc riêng cho mình mà ban thưởng cho các tướng sĩ. Nhưng chiến tranh là điều tốn kém. Vua thích chiến tranh thì phải thu thuế của dân để có tiền mà mua lương thực, vũ khí. Vua ưu đãi tướng sĩ tức là thu thuế của dân, làm cho dân nghèo, để lấy tiền đó mà ban thưởng những người có công trong chiến tranh.
Ông vua ưu đãi giòng họ mình, những kẻ quyền quí, để cho họ giàu sang là ông vua cất chứa ở bọn quyền quí. Ưu đãi một thiểu số người thì làm cho dân nghèo ghen tức, bọn tướng sĩ thấy mình có công đánh nhau, bảo vệ vua mà không được khen thưởng mà những kẻ quyền quí không đánh nhau thì được giàu có thì đâm ra bất mãn, không còn muốn đánh nhau. Tướng sĩ không muốn đánh nhau thì sẽ bị nước khác đánh chiếm. Ông vua đó sẽ thua trận và bị cầm tù hay mất mạng. Vì thế mà gọi là ông vua suy bại.
Ông vua chỉ ham mê thâu góp châu ngọc cho mình và mê gái đẹp là ông vua cất chứa ở phụ nữ và châu ngọc. Ham mê thâu góp của cải và mê gái đẹp thì sẽ làm cho dân bị nghèo và chểng mảng không việc nước. Ông vua đó hoặc sẽ bị dân nổi loạn chống lại, hoặc bị bọn tướng sĩ lật đổ, nếu không cũng bị nước khác tấn công. Ông vua đó là ông vua mất nước.
Xét cho cùng chỉ có ông vua làm cho dân được sung túc, no đủ là ông vua có khả năng cầm quyền lâu dài vì dân được no ấm thì nước sẽ ổn định. Vì thế mà ông vua đó được gọi là bậc đế vương. Làm cho dân được sung túc được gọi là vương đạo. Nguyên tắc này không chỉ áp dụng vào thời vua chúa mà đúng với tất cả mọi chế độ dù cho có các cơ cấu, hình thức khác nhau. Ngày nay, ở các nước dân chủ, người lãnh đạo sáng suốt luôn luôn xem xét đời sống của dân xem đó được no đủ hay không. Khi thấy trong nước có một thiểu số quá giàu còn đại chúng thì nghèo thì người lãnh đạo phải lo nâng đỡ người nghèo, làm cho tầng lớp trung lưu, ở giữa khoảng quá giàu và quá nghèo được gia tăng hơn. Như vậy tránh được tình trạng đại chúng nghèo khổ nhìn lên trên oán trách thiểu số giàu sang. Tâm trạng oán hận của quần chúng như vậy sẽ đưa đến nguy cơ dân nổi loạn, là mất ổn định quốc gia.
Ông vua ham làm bá chủ thiên hạ, chỉ ưu đãi bọn tướng sĩ, để mặc cho dân phải hy sinh cho chiến tranh, bị nghèo khó thì tuy có được sức mạnh để đánh nước khác nhưng về lâu dài, nước bị nghèo vì tiêu vào chinh chiến quá nhiều, dân bị nghèo lại bị cưỡng bách đóng góp cho chiến tranh nhiều qua sẽ sinh ra bất mãn, nổi loan, lật đổ chế độ. Cách làm này gọi là bá đạo, thua vương đạo một bậc.
Minh Đức
Minh Đức
No comments:
Post a Comment