Ngày nay nhiều người tin tưởng ông Hồ Chí Minh đã có lúc không tán thành việc dùng quân sự đánh miền Nam. Trong cuốn Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội, ông Nguyễn Văn Trấn có thuật lại trong hội nghị Trung Ương 9, năm 1964, Lê Đức Thọ đã cản ông Hồ Chí Minh bênh một cán bộ có chủ trương hòa bình, đừng đánh miền Nam. Trong cuốn Đèn Cù, của Trần Đĩnh cũng thuật lại chuyện Hội Nghị Trung Ương 9 này. Nhưng điều gì đã làm cho ông Hồ Chí Minh đổi ý từ việc ủng hộ đánh miền Nam năm 1960 chuyển sang đừng đánh miền Nam năm 1964? Điều mà nhiều người không biết là ông Hồ Chí Minh đã từng gọi triết gia Trần Đức Thảo đến đển bàn riêng cho ông Hồ và một ít người thân cận nghe cái lợi, cái hại của việc đánh miền Nam. Và có thể lời bàn của triết gia Trần Đức Thảo đã có ảnh hưởng đến suy nghĩ của ông Hồ Chí Minh, và cả ông Võ Nguyên Giáp, người có mặt cạnh ông Hồ lúc đó.
Về chuyện ông Hồ Chí Minh ở Hội Nghị 9 ông Nguyễn Văn Trấn viết như sau trong cuốn Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội:
Mày coi, coi nó tội nghiệp không. Đồng chí Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta bận đồ lụa gụ, chủ trì hội nghị mà day mặt ra sân. Có lỗ tai tự nhiên nó phải hứng những lời công kích mạt sát Liên Xô. Khi chướng tai quá quay vô, đưa tay, để nói, thì thằng Thọ lễ phép Bắc-Hà: “Bác hãy để cho anh em người ta nói đã mà.”
Tao đếm lão Hồ, đưa tay mấy lần, lần nào thằng Thọ cũng kịp ngăn. Cuối cùng ông cũng cho hội nghị nghe, ông nói ca dao bằng tiếng khóc: Khi thương trái ấu cũng tròn. Khi ghét bò hòn cũng méo. Và ông nói xụi lơ: Thấy lợi người ta cho tên lửa vô; thấy bất lợi người ta rút ra mà!
Bùi Công Trừng nói với tôi như vậy. (trang 328)
Còn Ung Văn Khiêm:
- Trước khi vào hội nghị, tao có tranh thủ nói riêng với ông cụ, là tao sẽ không đưa ra cái nháp bản tuyên bố chung của tao và Novotny, cho ông cụ yên tâm. Vì trong bản thảo ấy ông cụ có thêm mấy chỗ, còn mang tuồng chữ của monsieur Hồ Chí Minh rành rành. Tao nghĩ bản thảo ấy đưa ra không phân bua gì cho tao, mà chỉ làm thớt cho sáu Thọ băm ông cụ…
Hội nghị 9 này có thông qua cái “nghị quyết 9” và mấy anh ấy nói là cũng có trên 10 ủy viên trung ương không bỏ thăm.
Anh Khiêm lộ bí mật.
Tao có hỏi mí ông Cụ có bỏ thăm không. Ông Cụ làm thinh.
(Hết phần trích dẫn)
Trong cuốn Đèn Cù, chương 23, ông Trần Đĩnh viết về chuyện ông Hồ Chí Minh ủng hộ Lê Liêm, một người theo chủ trương của Liên Xô, không tán thành việc đánh miền Nam như sau:
Trong Hội nghị trung ương 9 khoá 3, có hai chuyện đụng đến Lê Liêm, chính uỷ của chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh tham luận phản đối đường lối Mao. Mở đầu anh nói ngay: “Phát biểu thế này là chết tôi đây…”
Biết chết vẫn nói vì anh tin rằng làm thế mới đúng “lương tâm trung thực của người cộng sản”. Nhưng với trung ương uỷ viên thứ trưởng công an Lê Quốc Thân thì lương tâm trung thực của người cộng sản lúc ấy lại là tuyên bố giữa hội nghị rằng chỉ cần Trung ương ra lệnh là trong vòng bốn mươi lăm phút công an chúng tôi tóm cổ hết bọn xét lại.
Cụ Hồ bèn nói:
- Chú hãy tóm cổ Bác trước!
“Lương tâm cộng sản” không được thể hiện đầy đủ, về tổ thảo luận, Thân chỉ vào mặt Lê Liêm nói tiếp:
- Mày còn thở ra cái hơi xét lại, tao lập tức tóm cổ mày.
(Hết phần trích dẫn)
Chuyện ông Trần Đức Thảo được ông Hồ Chí Minh gọi đến để thuyết về việc đánh miền Nam do ông Trần Đức Thảo kể lại với hai người bạn Việt Nam trong thời gian ông Trần Đức Thảo ở Pháp năm 1991. Hai người bạn này thường mời ông Trần Đức Thảo đi chơi, ăn uống vào chiều chủ nhật . Họ tò mò muốn tìm hiểu ông Trần Đức Thảo đã sống ra sao trong suốt mấy chục năm trời ở miền Bắc . Đồng thời họ ngầm ghi âm lại buổi nói chuyện . Sau khi ông Trần Đức Thảo qua đời đột ngột tại Paris, năm 1992, hai người này viết lại những gì đã ghi âm vào một cuốn sách và xuất bản . Lần xuất bản đầu tiên tại Pháp có tên là Trần Đức Thảo: Nỗi hối hận lúc hoàng hôn. Lần xuất bản thứ hai tại Mỹ, cuốn sách có tên là Trần Đức Thảo, Những Lời Trăng Trối . Có một đoạn ông Trần Đức Thảo kể là vào năm 1964, ông Hồ Chí Minh có gọi "chú Thảo" đến để nói lên ý kiến về việc đánh miền Nam . Ông Trần Đức Thảo thẳng thắn nói ra rằng đánh miền Nam có hại hơn có lợi, mặc dù biết lúc đó chủ trương của đảng Lao Động là dùng vũ lực giải phóng miền Nam, ai phản đối thì sẽ bị đi tù .
Ông Trần Đức Thảo đã đưa ra ba lý do đừng đánh miền Nam là:
1. Miền Bắc còn nghèo, nếu đánh miền Nam thì phải xin viện trợ của nước khác, mà xin viện trợ thì bị lệ thuộc ngoại bang.
2. Hai miền đánh nhau thì dù cho ai được, toàn thể quốc gia đều suy yếu. Cái gương là châu Âu đánh nhau thời Đệ Nhị Thế Chiến nên các nước đều bị tàn phá, trở thành cường quốc hạng nhì.
3. Chiến tranh làm băng hoại đạo đức xã hội. Chiến tranh thì phải dùng dối trá, bạo lực sẽ gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Cho đến thì hòa bình thì ảnh hưởng cũng vẫn còn.
Ông Trần Đức Thảo kể sau khi nghe ông ta nói ông Hồ Chí Minh cau mặt tỏ vẻ khó chịu, nói với ông Trần Đức Thảo là:
" Chú Thảo nói hay lắm . Cám ơn chú! Bây giờ “Bác” phải về làm việc."
Rồi sau đó ông Hồ Chí Minh bỏ đi . Theo ông Trần Đức Thảo thì thái độ của ông Hồ Chí Minh làm ông băn khoăn suy nghĩ vì tuy là khen nhưng lại có vẻ không bằng lòng và ông Trần Đức Thảo không hiểu thật sự là ông Hồ Chí Minh nghĩ gì .
Nội dung lời thuyết của ông Trần Đức Thảo có thể xem ở bài Trần Đức Thảo: Lý Do Đừng Đánh Miền Nam .
Việc triết gia Trần Đức Thảo được ông Hồ Chí Minh gọi đến để thuyết về việc đánh miền Nam chỉ có ông Trần Đức Thảo, ông Hồ Chí Minh, ông Võ Nguyên Giáp và một vài người có lẽ là trong Bộ Chính Trị có mặt lúc đó biết. Chuyện này ông Hồ Chí Minh và ông Võ Nguyên Giáp không thể công khai nói ra cho quần chúng biết. Mà ông Trần Đức Thảo cũng không được quyền tự do để kể lại cho ai biết. Chỉ đến khi sang Pháp gặp được hai người bạn không dính dáng gì về chính trị thì ông Trần Đức Thảo mới kể ra một cách tự nhiên, không e ngại.
Một giả thuyết đặt ra là tuy ông Hồ Chí Minh cau mặt sau khi nghe nhưng có thể những lời thuyết của ông Trần Đức Thảo đã có ảnh hưởng đến suy nghĩ của ông Hồ và của ông Võ Nguyên Giáp nữa.
Năm 1964 là một năm có nhiều chuyện xảy ra . Đó là lúc chiến cuộc tại miền Nam gia tăng, có nguy cơ Mỹ sẽ can thiệp mạnh hơn. Vào năm 1965 thì Mỹ ném bom miền Bắc và đổ quân vào miền Nam. Vào năm 1963, tổng thống Pháp, Charles De Gaule đã đưa ra đề nghị nên trung lập hóa miền Nam, các phe ngưng chiến, Trung Quốc sẽ không viện trợ quân sự cho miền Bắc nữa và Mỹ sẽ không viện trợ quân sự cho miền Nam nữa. Pháp đã cho người liên lạc với Trung Quốc về việc này . Năm 1964, một cô ký giả người Pháp sang Hà Nội phỏng vấn ông Hồ Chí Minh và hỏi ý kiến ông Hồ về việc Pháp làm trọng tài cho cuộc chiến. Ông Hồ từ chối việc Pháp làm trọng tài cho cuộc chiến với lời trả lời khéo là đây không phải là trận đá bóng mà cần trọng tài.
Như vậy năm 1964 là năm miền Bắc có thể ngưng chiến tranh, chấp thuận đề nghị của Pháp. Rất có thể vì Pháp đề nghị trung lập hóa miền Nam, các bên ngưng chiến mà ông Hồ Chí Minh gọi ông Trần Đức Thảo đến để hỏi ý kiến. Rồi sau đó ông Hồ có chủ trương không đánh miền Nam trong Hội Nghị Trung Ương lần 9 cũng diễn ra vào năm 1964.
Vì sao ông Hồ Chí Minh gọi ông Trần Đức Thảo? Vì ông Trần Đức Thảo là người đã từng ở hải ngoại, có kiến thức về thế giới tương đối rộng và là người dám nói thật. Trong tình hình đó, không ai dám nói là đừng nên đánh miên Nam. Còn ông Trần Đức Thảo chỉ vì cứ giữ lập trường, tư tưởng của mình mà bị chế độ vùi dập thì ông Trần Đức Thảo có thể nói thật với ông Hồ mà không sợ bị thất sủng hay trừng phạt.
Đây chỉ là một giả thuyết nhưng việc ông Trần Đức Thảo thuyết về việc đánh miền Nam là có thật. Việc ông Hồ Chí Minh và ông Võ Nguyên Giáp không tán thành việc dùng vũ lực đánh miền Nam tại Hội Nghị Trung Ương lần 9 được nhiều người tin. Và có thể là ông Trần Đức Thảo đã có ảnh hưởng đến suy nghĩ của hai người này mà chính ông ta cũng không biết.
Minh Đức
No comments:
Post a Comment