Ngày 15-7 (2017), thi thể của nhà văn Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng ở Trung Quốc, đã được hỏa táng. Cư dân mạng Trung Quốc đã “sáng tạo” nhiều cách để tưởng niệm ông.
Tang lễ của nhà văn – nhà phê bình văn học Lưu Hiểu Ba diễn ra lặng lẽ trong căn nhà nhỏ ở thành phố Thẩm Dương 3 ngày sau khi ông qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 61. Truyền thông nhà nước Trung Quốc loan tin buổi lễ được tổ chức trang trọng theo phong tục địa phương và nguyện vọng của gia đình.
Những người tham dự đã cúi đầu 3 lần trước linh cữu người đã khuất trước khi tiến hành hỏa táng. Bà Lưu Hà, vợ ông Lưu Hiểu Ba, “đã ôm chặt cái bình chứa tro cốt của chồng” trước khi tiễn ông về biển khơi, báo New York Times mô tả.
Tờ báo của Mỹ gọi ông Lưu Hiểu Ba là “tù nhân chính trị nổi tiếng nhất Trung Quốc”. Truyền thông phương Tây đồng loạt đưa tin về tang lễ của ông.
Phát biểu trong một cuộc họp báo do chính phủ Trung Quốc tổ chức, ông Lưu Hiểu Quang – anh cả của ông Lưu Hiểu Ba, đã nhiều lần cảm ơn chính quyền vì sự quan tâm đến em trai ông dù “tình huống hết sức đặc biệt”, theo hãng tin Reuters.
“Tại sao Lưu Hà không tới buổi họp báo? Vì sức khỏe của nó lúc này rất kém”, ông Lưu Hiểu Quang giải đáp cho truyền thông, thông qua người phiên dịch tiếng Anh, về sự vắng mặt của em dâu mình.
Việc ông Lưu Hiểu Ba, một người từng nhận được Giải Nobel Hòa bình, chết vì ung thư sau khi bị bắt giam đã làm dấy lên những chỉ trích của các nước phương Tây qua nay.
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 14-7 đã lên tiếng cảnh báo các nước khác nên ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.
Ở trong nước, theo báo New York Times, Bắc Kinh đang kiểm soát gắt gao các nội dung có liên quan tới ông Lưu Hiểu Ba, bao gồm cả hình ảnh và những câu từ nhắc đến nhân vật này.
Nhiều người Trung Quốc có cảm tình với ông Lưu Hiểu Ba đã tìm cách “vượt tường lửa” và chọn nhiều cách khác nhau để tưởng niệm ông.
Vài giờ sau khi có thông tin nhà bất đồn chính kiến Lưu Hiểu Ba đã qua đời, một trận mưa dông kèm theo sấm chớp đã kéo đến Bắc Kinh.
Một người sử dụng mạng xã hội Weibo đông người dùng ở Trung Quốc đã chụp lại cảnh này và đăng lên kèm theo chú thích ngắn gọn: “Nó chắc hẳn đánh dấu sự ra đi của một anh hùng. Ông Trời đang nhìn thấy mọi chuyện”
Dân Trung Quốc vượt kiểm duyệt tưởng niệm Lưu Hiểu Ba
Để tránh kiểm duyệt và bị xóa mất, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã đăng hình vẽ minh họa hai người không có khuôn mặt. Họ tự quy định đó là ông Lưu Hiểu Ba và vợ ông – Ảnh chụp màn hình
Những người khác chọn cách đơn giản hơn là sử dụng một tấm ảnh phông nền đen, ghi hai con số là năm sinh và năm mất của ông Lưu Hiểu Ba – Ảnh chụp màn hình
Một số người chỉ đơn giản là đăng hình quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, nơi ông Lưu Hiểu Ba từng tham gia trong cuộc biểu tình của sinh viên Trung Quốc năm 1989 – Ảnh chụp màn hình
Nhưng phổ biến nhất là hình ảnh chiếc ghế trống không có người ngồi. Đây là cách mà Ủy ban giải thưởng Nobel đã vinh danh ông Lưu Hiểu Ba trong lễ trao giải năm 2010. Năm đó ông không có mặt ở Na Uy để nhận giải.
Theo Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/dan-trung-quoc-vuot-kiem-duyet-tuong-niem-luu-hieu-ba-1352737.htm
ĐCV: Điều đáng ngạc nhiên không phải là chuyện dân Trung Quốc vượt tường lửa mà là bài báo này được đăng trên trang Tuổi Trẻ ở Việt Nam.
Nhận thức của nhiều người Việt Nam đã thay đổi, nhận thức của báo giới cũng khác nhiều. Và bất chủ đề nào, khi không hoặc ít bị kiểm duyệt thì báo chí đều có những sản phẩm đáng đọc cả. Và bản tin này là một minh chứng.
Nguồn Đàn Chim Việt
16/07/2017
http://www.danchimviet.info/dan-trung-quoc-vuot-kiem-duyet-tuong-niem-luu-hieu-ba/07/2017/5549/
Người dân đặt hoa tưởng niệm Lưu Hiểu Ba trước ảnh của ông đặt tại Trung Tâm Nobel Hòa Bình ở thủ đô Oslo, Na Uy, sau khi nghe tin ông đã qua đời |
No comments:
Post a Comment