Đảng cộng sản Việt Nam đã và đang áp dụng mô hình Xô Viết trong quản lý mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế và xã hội. Có ý kiến trên Vietnamnet.vn đặt vấn đề: "Điều gì níu giữ mô hình Xô Viết trong quản trị quốc gia?", và chia sẻ quan điểm rằng do 'chọn sai' mô hình phát triển dẫn đến sự tụt hậu của đất nước.
Bài viết làm rõ thêm về bản chất và sự sụp đổ mô hình này ở Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Việt Nam theo Trung Quốc đã điều chỉnh mô hình thích ứng với tình hình và đã thành công về kinh tế. Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành mô hình kiểu này đang ngày càng suy yếu do 'lỗi hệ thống' trước những thay đổi nhanh và phức tạp hiện nay. Liệu Việt Nam vẫn 'níu giữ' hay sẽ thay đổi mô hình phát triển?
Nguyên tắc lãnh đạo
Các quốc gia theo mô hình Xô Viết đều dựa trên nguyên tắc đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện xã hội và, về lịch sử, do V. I. Lênin khởi xướng.
Lênin coi bạo lực như một công cụ để bảo vệ ý thức hệ với quan điểm rằng bạo lực là yếu tố cần thiết để thay đổi lịch sử
Chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác, Lênin từng mơ ước xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, nơi không có sự bóc lột và đàn áp. Người lao động sẽ tiếp quản quyền lực. Mọi nguồn lực xã hội là tài sản chung và nền sản xuất kế hoạch hoá tập trung.
Sau Cách Mạng Tháng 10 Nga thành công năm 1917, trong hoàn cảnh mới giành chính quyền và nội chiến, Lênin coi bạo lực như một công cụ để bảo vệ ý thức hệ với quan điểm rằng bạo lực là yếu tố cần thiết để thay đổi lịch sử vì 'bọn quý tộc và giai cấp tư sản không tự nguyện từ bỏ quyền lực'. Ngoài ra, Ông cũng chỉ thị thanh toán mọi bất đồng chứng kiến và cho rằng, ai phản đối sẽ là kẻ thù cách mạng, và về lâu dài, đó là điều tốt nhất cho người dân.
Lênin đưa ra nguyên tắc lãnh đạo của đảng là dân chủ tập trung với ý nghĩa: nhân dân thảo luận và đảng quyết định… Nhưng trong thực tế nguyên tắc này vận hành theo cách khi người dân không hiểu cái gì, thì tốt nhất, không cần cho họ cơ hội để tạo ảnh hưởng. Từ đó ra đời nhà nước độc đảng với quan điểm: hoặc trung thành tuyệt đối hoặc là kẻ thù, là 'thế lực thù địch'.
Một số luận điểm cơ bản nêu trên còn ảnh hưởng đến 'quản trị quốc gia' của một số nước như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba…
Mô hình quản trị này dựa trên ý tưởng về một vị vua vô cùng thông thái có cách hành xử luôn thể hiện ý chí cộng đồng.
Nhà triết học Pháp J. Rousseau (1712 - 1778) đã giải thích ý chí cộng đồng là cái mà mọi người thực sự muốn nhưng họ lại không hiểu đó là gì. Người ta muốn cái tốt nhất nhưng không biết cái gì là tốt nhất cho chính mình. Bở vậy, việc 'giúp' mọi người hiểu được mọi thứ kết hợp với nhau như thế nào là nhiệm vụ của nhà vua hay người lãnh đạo.
Sự sụp đổ được cảnh báo
Ra đời bằng cách mạng bạo lực, mô hình Xô Viết chỉ có thể tồn tại và phát triển khi duy trì được năng suất vượt trội so với các nước tư bản, và ngược lại. Sự sụp đổ mô hình Xô Viết được cảnh báo.
Sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Lênin đã khẳng định rằng, tăng năng suất lao động là nhiệm vụ cốt yếu sau khi giành được chính quyền, là điều kiện để thiết lập chế độ xã hội mới cao hơn chế độ tư bản chủ nghĩa.
Lênin đã từng có điều chỉnh từ chính sách cộng sản thời chiến sang Chính sách kinh tế mới (NEP) để phục hồi sức dân, từ đó phục hồi kinh tế. Sự kiện này được dẫn như một gợi ý về sự linh hoạt trong điều hành.
Một số nước láng giềng hấp dẫn bởi các giá trị lý tưởng của chủ nghĩa xã hội, đã gia nhập Liên bang Xô Viết.
Ông mất sớm, thọ 54 tuổi, vào năm 1924 với những dự định dang dở và không bao giờ được biết đến.
Bệnh sùng bái cá nhân không chỉ với Lênin, Stalin mà cả các lãnh đạo đảng và nhà nước đương nhiệm. Quyền lực cần được tập trung vào các lãnh tụ uy tín để lãnh đạo đất nước!
Tuy nhiên, J. Stalin và những người kế thừa ông tiếp tục thực hiện theo những nguyên tắc cơ bản để phát triển mô hình Xô Viết.
Nhờ đó mà Liên Xô đã đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế, đã chiến thắng phát xít Đức trong đại chiến thế giới II…
Trong những thời kỳ khó khăn và thời chiến mô hình Xô Viết thích hợp để huy động tổng lực để đạt được mục đích.
Cùng với thời gian các nước trên thế giới cùng tồn tại hoà bình, mô hình Xô Viết với nền kinh tế tập trung dần mất động lực.
Các kết quả kinh tế được 'bệnh thành tích' thổi phồng và tuyên truyền bằng các sự kiện.
Đơn cử: Trong những năm cuối 1970, khái niệm xã hội chủ nghĩa phát triển đã được thảo luận.
Thanh kiếm và cành ô liu biểu trưng của danh hiệu 'Đại nguyên soái' được phong tặng cho nhiều lãnh đạo Liên bang Xô Viết và một số nước XHCN Đông Âu.
Bệnh sùng bái cá nhân không chỉ với Lênin, Stalin mà cả các lãnh đạo đảng và nhà nước đương nhiệm. Quyền lực cần được tập trung vào các lãnh tụ uy tín để lãnh đạo đất nước!
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh năng suất của các nước có chế độ xã hội chủ nghĩa đã tụt hậu ngày càng xa so với các nước tư bản chủ nghĩa phát triển.
Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989. Các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu dần tan rã. Năm 1991 mô hình Xô Viết kết thúc, cuối cùng là ở Liên Xô.
Mô hình Trung Quốc
Khác với các nước từng là XHCN ở Đông Âu, Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục duy trì sự lãnh đạo của đảng cộng sản và tiến hành chuyển đổi chính sách kinh tế theo hướng thị trường.
Chính sách cải cách và mở cửa do Đặng Tiểu Bình khởi xướng và sự trỗi dậy của Trung quốc từ cuối những năm 1970 đã từng được coi là mô hình phát triển mới thích ứng trước sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu và bối cảnh toàn cầu hoá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt trên 10% trong suốt giai đoạn 30 năm.
Tuy nhiên, sự bất ổn của mô hình Trung Quốc ngày càng bộc lộ rõ: Tăng trưởng đến điểm giới hạn và đang giảm sút, khủng hoảng nợ, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nạn tham nhũng và các vấn đề xã hội.
Tuy nhiên, những bất ổn đang xảy ra với thể chế kinh tế và chính trị Việt Nam. Với quy mô và hình thức khác, nhưng về cơ bản, tính chất là tương tự như Trung Quốc, có nguồn gốc từ mô hình phát triển
Tình hình ngày càng nghiêm trọng trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung căng thẳng. Mỹ đang cáo buộc Trung Quốc tiến hành thương mại không công bằng gây tổn hại cho kinh tế Mỹ qua việc đánh cắp sở hữu trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ… Đồng thời Mỹ yêu cầu Trung Quốc thay đổi cấu trúc kinh tế và tuân thủ theo nguyên tắc thị trường tự do trong các cuộc đàm phám.
Hơn thế, các vấn đề an ninh hàng hải ở Biển Đông, và mới đây là Bắc Băng dương, những lo ngại về 'Sáng kiến Một vành đai một con đường' như một bẫy nợ của Trung Quốc đối với một số nước khiến các nhà nghiên cứu cảnh báo về một cuộc chiến tranh lạnh mới, cuộc đối đầu giữa hai siêu cường Mỹ - Trung, mà thực chất là giữa hai hệ thống chính trị khác biệt.
Việt Nam đã thay đổi theo Trung Quốc, và chậm hơn khoảng 10 năm, và đã từng đạt những kết quả ấn tượng, tăng trưởng kinh tế trung bình đạt mức trên 7% sau hơn hai thập kỷ, thành tựu xoá đói giảm nghèo và một số mục tiêu thiên niên kỷ…
Tuy nhiên, những bất ổn đang xảy ra với thể chế kinh tế và chính trị Việt Nam. Với quy mô và hình thức khác, nhưng về cơ bản, tính chất là tương tự như Trung Quốc, có nguồn gốc từ mô hình phát triển.
Căn bệnh thể chế
Mô hình phát triển có nguồn gốc nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin với ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và đảng cộng sản toàn trị lãnh đạo nền kinh tế chuyển sang thị trường, sau một thời gian vận hành đã khiến căn bệnh nội sinh, bệnh thể chế, trở nên trầm trọng.
Một trong những biện pháp chữa căn bệnh này là cần xây dựng nhà nước pháp quyền để phản chiếu những tâm tình của người dân thông qua một nền dân chủ, trong đó họ có quyền tự do công dân và bình đẳng về tham chính
Đảng đứng trên nhà nước. Pháp luật hoặc sự diễn giải khi thực thi phụ thuộc vào ý chí của đảng, nhóm người, thậm chí là cá nhân lãnh đạo. Tập trung quyền lực tạo ra bệnh sùng bái cá nhân.
Các hình thức kỷ luật nội bộ thường không kịp thời, thậm chí không tương thích với các mức phạt theo các điều luật. Sự đoàn kết thực hiện theo nguyên tắc phê bình và tự phê bình dần mang tính hình thức.
Hệ thống chính trị khép kín. Kiểm soát đầu vào chặt chẽ thông qua việc kết nạp vào đảng theo các tiêu chuẩn, về nguyên tắc, dựa trên sự tự nguyện, cống hiến và cam kết trung thành với tổ chức. Để có được quyền lực và leo cao trên thang bậc lãnh đạo, các đảng viên được yêu cầu tiếp tục hy sinh theo đuổi lý tưởng
Giữ 'ổn định' thể chế đóng sản sinh xu hướng thổi phồng, khuếch đại ưu điểm và che đậy, giấu diếm khuyết điểm, sai lầm trước công chúng. Tự điều chỉnh, tự sửa chữa lỗi hệ thống, xử lý nội bộ các lãnh đạo vi phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức được ưu tiên.
Trong thực tế, quyền lực bị tha hoá gây nên 'lỗi hệ thống'. Mỗi vị trí lãnh đạo đều có đặc quyền nhất định đối với các nguồn lực công. Quyền đi đôi với lợi. Phân phối đã trở thành ban phát, xin cho. Chuyển sang kinh tế thị trường khi thiếu các nguyên tắc và công cụ kiểm soát phù hợp, quyền lực có khoảng trống lớn của sự cám dỗ trục lợi.
Kiểm soát cá nhân nghiêm ngặt. Sống trong sợ hãi bị trừng phạt người dân không dám biểu lộ sự thật. Khi luôn được chỉ bảo, chăm sóc họ sẽ trở nên thụ động, triệt tiêu động lực làm việc, thiếu sáng tạo, mặc cảm và mang ơn.
Trên đây là một vài căn bệnh chủ yếu của chế độ đang cản trở sự phát triển.
Làm thế nào một nhóm người có thể nói thay cho toàn dân khi họ không được nêu ý kiến khi thế giới thay đổi ngày càng nhanh chóng và phức tạp?
Một trong những biện pháp chữa căn bệnh này là cần xây dựng nhà nước pháp quyền để phản chiếu những tâm tình của người dân thông qua một nền dân chủ, trong đó họ có quyền tự do công dân và bình đẳng về tham chính.
Việt Nam dường như đang đứng trước sự lựa chọn hoặc 'níu giữ' hoặc thay đổi 'mô hình Xô Viết'
Bài viết thể hiện lối hành văn và quan điểm của tác giả, nguyên Trưởng khoa Chính sách công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam.
PGS. TS. Phạm Quý Thọ Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội
PGS. TS. Phạm Quý Thọ |
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-48229877?SThisFB&fbclid=IwAR2-tUme1Ag2XHC5VRcjiAqWgiGqDkRd2uSie0zBu3tARWJOmztGz7jdvko
No comments:
Post a Comment