Saturday, May 11, 2019

Vũ Hoàng Chương (1916 - 1976)

Thuộc thế hệ Tây học và xuất hiện trong phong trào thơ mới ở Việt Nam thập niên niên 30, nhưng các nhà phê bình văn học cũng không biết xếp Vũ Hoàng Chương vào hàng ngũ các nhà thơ mới hay cũ.

Vũ Ngọc Phan bảo “thơ ông là thơ của một thanh niên mà nhiều lúc giọng già cóc cách”.

Còn Hoài Thanh thì cho rằng “Vũ Hoàng Chương định nối cái nghiệp những thi hào xưa của Ðông Á” và trong thơ ông, “trụy lạc hay say sưa đều mang theo một niềm ngao ngán. Niềm ngao ngán ấy ta vốn đã gặp trong thơ xưa. Duy ở đây nó có cái vị chua chát, hằn học và bi đát riêng”.

Như thế, Vũ Ngọc Phan gọi Vũ Hoàng Chương là một thanh niên già. Còn đối với Hoài Thanh cái say sưa, trụy lạc, ngao ngán trong thơ Vũ Hoàng Chương xưa rồi, nhưng vẫn có ba vị chua chát, hằn học và bi đát riêng.

Riêng Vũ Hoàng Chương tự nói về mình như sau:


Ôi, Lý Bạch, Trang Chu đường chim nẻo nguyệt

Ðời họa còn ta là theo vết người xưa


Nhận định về Vũ Hoàng Chương, mãi sau này, những năm lưu lạc trên đất Mỹ, Võ Phiến viết:

“Trụy lạc hay không trụy lạc, say sưa hay không say sưa, ngao ngán hay không ngao ngán, Vũ Hoàng Chương đều có thể xưa. Ngay trong yêu đương, ca hát, ông cũng có cốt cách một người xưa. Xưa trước ông chừng hai nghìn năm chẳng hạn. Mất Kiều Thu, chàng thanh niên trong tuổi đôi mươi ngồi vỗ chậu hát nghêu ngao hệt Trang Tử!”


Ở Vũ Hoàng Chương một đặc điểm khác cũng đeo dính vào ông vào ông suốt một đời. Ðó là lời nói trau chuốt.

Từ thuở ban đầu, thơ ông đã bày rõ cái sở trường [ và sở đoản ] ấy. Vũ Ngọc Phan chê ông gọt giũa quá cho nên lời thơ lẽ tự nhiên kém thành thực, ít làm cho người đọc cảm động; chê thơ ấy có hay chăng là hay nhờ chữ khéo chọn, nhờ âm điệu nhịp nhàng, chứ không hay về ý, về những rung cảm của thi nhân.

Ông Võ Phiến không tán thành điều bảo rằng thơ Vũ Hoàng Chương không có ý hay, không có rung cảm sâu. Võ Phiến cho ông Vũ này đã bất công với ông Vũ kia. Nhưng Võ Phiến đồng ý một điều: thơ Vũ Hoàng Chương gọt giũa quá! Song chính vì thế Vũ Hoàng Chương thuộc vào số thi sĩ Việt Nam có những lời thơ đẹp đẽ nhất. Ðẹp đẽ một cách cầu kỳ và kiêu kỳ.

Nói về cái đẹp của người đàn bà, đẹp hơn những người khác, Vũ Hoàng Chương gọi là “hoa bậc chị” chẳng hạn.

Cũng mãi sau này, vừa mới đây thôi, trong cuốn “Chiêu Niệm Văn Chương” nhà thơ Viên Linh đã viết về Vũ Hoàng Chương như sau:

“Thi ca Tiền Chiến, từ Vũ Hoàng Chương, đã từ ngũ cung 'xừ /xang /xự /cống/ hồ/ mà đi một vòng luân vũ 'điệu kèn biếc quay cuồng'. Ðã từ cổ phong, hát mưỡu, hát nói 'Hoa xưa tươi, trăng xưa ngọt, má xưa kề, tình nay sao héo' mà sang tự do 'Ði chuyến ấy dòng đời ta tự xóa'. Ðã chuyển Nguyễn Trãi 'Yên Sơn sơn thượng tối cao phong' và phổ Thôi Hiệu 'Hoàng hạc nhất khứ bất phục phả' thành những 'cao tuyệt mãi mãi”

Chèo lên tuyệt đỉnh núi Yên chơi,

Vàng tung cánh hạc đi đi mất.

Nói chung khen hay chê Vũ Hoàng Chương, người ta đều lạc vào mê cung chữ nghĩa của ông. Và có thể nói, thơ ông cũng chính là sự ngây ngất của ông đối với chữ nghĩa. Chữ nghĩa gợi cảnh thần tiên, dẫn sâu vào quá khứ, đồng hóa với người tình, chắp canh bay khỏi hiện tại, biến các giấc mơ thành cõi sống.

Không thể tách rời thơ với những chuyện thường nhật, tách cái say ra khỏi cái tỉnh của Vũ Hoàng Chương, ngay cả khi ông kể lại những cuộc gặp gỡ của mình với người này, người khác, ta cũng không hiểu ông có đang làm thơ chăng?

Sau đây là một đoạn Vũ Hoàng Chương nói về một lần gặp gỡ giữa ông và nhà thơ Phan Khôi:

“...Suốt hai ngày đêm, trong cái dài dằng dặc và cái tối mò mò của cái 'gác ống' phố Bờ Sông, Phan Khôi đã cao đàm hùng biện, hứng khởi thao thao, giọng sắc bén như chém đinh, chặt sắt. Ông căm thù bạo lực, ông phản kháng độc tài, ông lên án mọi hình thức giả hiệu. Ông có thừa phong độ cốt cách của một nho sĩ ngang tàng, bất khuất, cộng thêm vào cái kiến thức sâu rộng của một tay lịch lãm giăng hồ. Lắm lúc ông nói như gào, như quát, sang sảng lạnh người.

‘Không thể được! Sao lại thế được? Văn nghệ phải là văn nghệ! Thiếu tự do thà ném bút đi! Cầm lấy một mũi nhọn khác!’

Sau biến cố 30 tháng 4/75, cũng như hầu hết các văn nghệ sĩ ở miền Nam, Vũ Hoàng Chương đã bị bắt đi tù cải tạo, và chỉ được thả khi người ta biết chắc rằng ông sắp chết. Và, quả thực về nhà chỉ được vài ngày thì ông mất.


Sau đây là bài “Thơ Gởi Vợ” một trong vài bài thơ sau cùng, Vũ Hoàng Chương viết trong nhà tù Chí Hòa tháng 6 năm 1976:


Thấm thoát vào đây tháng đã tròn

Lông hồng gieo xuống nặng bằng non

Một manh chiếu bả hồn ngây ngất

Ba chén cơm rau xác mỏi mòn


Ngày tới bữa ăn càng nhớ vợ

Ðêm về giấc ngủ lại thương con

Bao nhiêu nước chẩy qua cầu nữa

Chẳng dễ gì phai nhạt tấm son


Tình thương nỗi nhớ chon von

Trưa nay bừng thức vẫn còn đổi trao

Thật rồi đâu phải chiêm bao

Tin ra Vĩnh Hội thư vào Hòa Hưng


Nguyễn Ðình Toàn


     

Ghi chú của Lê Minh Đạo:

Sau 30-4-1975, chính quyền mới cho em ông từ miền Bắc vào thăm ông để đề nghị ông hợp tác với chế độ mới. Nếu ông bằng lòng thì ông sẽ được hưởng tiêu chuẩn dành cho văn nghệ sĩ với sữa hộp, đường ... mỗi tháng. Vũ Hoàng Chương đã từ chối. Để thị uy và gây áp lực với Vũ Hoàng Chương, chính quyền đem hàng chục công an đến nhà và bắt ông đem nhốt ở khám Chí Hòa. Đối với một người nghiện thuốc phiện như Vũ Hoàng Chương thì chỉ cần bị giam, không cho hút thì cũng đủ là một sự tra tấn rồi. Tuy vậy ông đã từ chối trở thành công cụ tuyên truyền cho chế độ cho đến phút cuối của cuộc đời ông.


Tiểu sử Vũ Hoàng Chương


Vũ Hoàng Chương (5 tháng 5 1916 – 6 tháng 9 1976)


Vũ Hoàng Chương sinh ngày 5 tháng 5 năm 1916 tại Nam Định. Chánh quán của ông ở làng Phù Ủng, tỉnh Hưng Yên. Thuở nhỏ ông theo học Albert Sarrault ở Hà Nội, đỗ tú tài năm 1937. Năm 1938 ông vào trường Luật nhưng chỉ được một năm thì lại bỏ đi làm Phó kiểm soát Sở hoả xa Đông Dương. Năm 1941 ông bỏ Sở hoả xa đi học toán tại Hà Nội, rồi bỏ dở để đi dậy ở Hải Phòng. Trong suốt thời gian này, ông không ngừng viết thơ, viết kịch. Năm 1954, Vũ Hoàng Chương vào Sài Gòn, tiếp tục sáng tác không ngừng cho đến khi ông mất vào tháng 10 năm 1975.

Thơ ông hoài cổ, giàu chất nhạc, với nhiều sắc nét Đông Phương dù ông lớn lên giữa cao trào Thơ Mới. Thơ của ông được đánh giá là “tiếng thở dài của phương Đông trầm mặc”.

Tác phẩm tiêu biểu:

Thơ say (1940)
Mây (1943)
Trương Chi (kịch thơ, 1944)
Tâm sự kẻ sang Tần (1961)
Lửa từ bi (1963)
Ta đợi em từ ba mươi năm (1970)
 Chúng ta mất hết chỉ còn nhau (1973)


Đời vắng em rồi say với ai
Sóng dậy đìu hiu biển dấy sầu,
Lênh đênh thương nhớ dạt trời Âu.
Thôi rồi, tay nắm tay lần cuối,
Chia nẻo giang hồ vĩnh biệt nhau.

Trai lỡ phong vân gái lỡ tình,
Này đêm tri ngộ xót điêu linh,
Niềm quê sực thức lòng quan ải,
Giây lát dừng chân cuộc viễn trình

Tóc xoã tơ vàng nệm gối nhung
Đây chiều hương ngát lá hoa dung,
Sóng đôi kề ngọn đèn hư ảo,
Mơ kiếp nào xưa đã vợ chồng.

Quán rượu liền đêm chuốc đắng cay.
Buồn mưa, trăng lạnh: nắng, hoa gầy
Nắng mưa đã trải tình nhân thế
Lưu lạc sầu chung một hướng say.

Gặp gỡ chừng như truyện Liễu Trai.
Ra đi chẳng hứa một ngày mai.
Em ơi! lửa tắt bình khô rượu,
Đời vắng em rồi say với ai?

Phương Âu mờ mịt lối quê Nàng
Trăng nước âm thầm vạn dặm tang
Ghé bến nào đây, người hải ngoại
Chiều sương mặt bể có mơ màng?

Tuyết xuống phương nào, lạnh lắm không?
Mà đây lòng trắng một mùa đông
Tương tư nổi đuốc thâu canh đợi,
Thoảng gió... trà mi động mấy bông

Trong tập thơ Mây, bài thơ này có tên Đời vắng em rồi, nhưng khi tuyển vào tập Ta đợi em từ ba mươi năm, tên bài thơ được đổi thành Đời vắng em rồi say với ai. Tên này sau cũng được dùng đặt cho một một tập thơ khác.

Nguồn: Ta đợi em từ ba mươi năm, An Tiêm xuất bản, 1969


 

No comments:

Post a Comment