Saturday, November 9, 2019

Hòa thượng Thích Trí Quang viên tịch, thọ 96 tuổi

Di ảnh Hòa Thượng Thích Trí Quang. (Ảnh: Báo Giác Ngộ)
Hòa Thượng Thích Trí Quang, một nhân vật quan trọng trong Phật Giáo Việt Nam cận đại, đặc biệt giai đoạn chiến tranh Việt Nam, viên tịch lúc 21 giờ 45 phút (giờ Việt Nam), ngày 8 tháng 11, 2019, theo thông báo phát đi vào ngày 8 tháng 11 từ chùa Từ Đàm, đứng tên Tỳ Kheo Thích Hải Ấn.

Hòa Thượng Trí Quang là một trong những nhà lãnh đạo Phật giáo gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Mãi cho tới ngày nay, nhiều thập niên sau khi chiến tranh kết thúc, báo chí, dư luận quốc tế, trí thức trong và ngoài nước vẫn chưa hết thắc mắc, không biết Hòa Thượng Thích Trí Quang theo quốc gia hay cộng sản; là cao tăng dấn thân vì đạo, bị cộng sản Bắc Việt lợi dụng, hay là ‘CIA chiến lược’ như tố cáo của các cán bộ cộng sản, hoặc ‘cộng sản nằm vùng’ hoạt động theo chỉ đạo từ Hà nội. Những thắc mắc đó vẫn là đề tài tranh cãi không dứt giữa các nhà khoa bảng, các nhà báo, cũng như trong giới tình báo Mỹ.

Nhưng điều mà dường như mọi người đều đồng ý là Hòa Thượng Thích Trí Quang là một lãnh đạo Phật giáo đầy quyền lực vào lúc mà sức mạnh của giáo hội Phật Giáo lên cao nhất trong những năm đầu và giữa thập niên 1960. Lúc đó, Time, tạp chí có uy tín của Mỹ, đã đăng ảnh của Hòa Thượng trên trang bìa với dòng chữ “người đã làm lung lay nước Mỹ”.

Thượng Tọa Thích Trí Quang, chụp năm 1965


Thân thế và sự nghiệp

Theo quyển “Tiểu Truyện Tự Ghi” của Hòa Thượng Thích Trí Quang, thì ông sinh quán của tại làng Diêm Điền thuộc khu vực phía tây sông Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình.

Tên thật là Phạm Quang, Thích Trí Quang sinh ngày 21/12/1923 tại Quảng Bình, xuất gia năm 1936, lúc 13 tuổi. Ông là đệ tử của Hòa Thượng Thích Trí Độ, Chủ tịch Hội Phật Giáo Cứu Quốc. Tham gia hoạt động của Hội Phật giáo này của Việt Minh, ông bị Pháp bắt giam năm 1946. Năm 1947, khi được thả, ông theo Việt Minh vào chiến khu chống Pháp. Nhưng sau đó ông bỏ Việt Minh, trở lại con đường tu hành cho tới năm 1963, ông ‘cảm thấy có trách nhiệm phải đứng lên bảo vệ Phật tử và Phật giáo’ sau sự kiện “Pháp Nạn Phật giáo’, khi 8 thanh niên Phật tử bị bắn chết vào đêm 8/5/1963 ở chân cầu Trường Tiền.

Làn sóng phản đối lan rộng, lên tới cao điểm khi xảy ra vụ tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức ngày 11/6/1963, làm thế giới bàng hoàng xúc động, tên tuổi của Thượng tọa Thích Trí Quang lan sang Hoa Kỳ và thế giới.

Năm 1964, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) ra đời, đưa Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết làm Đệ Nhất Tăng Thống, Thượng Tọa Thích Trí Quang là Chánh Thư ký Viện Tăng Thống, trong khi Thượng Tọa Thích Tâm Châu là Viện trưởng Viện Hóa Đạo.

Thượng Tọa Thích Trí Quang, ảnh bìa của báo Time

Tranh cãi

Báo chí ngoại quốc gọi Hòa Thượng Thích Trí Quang là ‘người đã lật đổ chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm’ vào năm 1963.

Các học giả cánh hữu cho rằng Thích Trí Quang có nhiều khả năng là cán bộ cộng sản hoạt động dưới sự chỉ đạo của Hà Nội. Còn các học giả cánh tả lại cho rằng ông là một Thủ lãnh tôn giáo đấu tranh bất bạo động cho hòa bình và để bảo vệ Phật giáo.

Trong bài tham luận mang tựa đề “Political Monks: The Militant Buddhist Movement during the Vietnam War” - “Tăng Sĩ làm chính trị: Phong trào đấu tranh Phật giáo trong Chiến tranh Việt Nam”, tác giả Mark Moyar của Đại học Cambridge viết trong phần tóm lược nội dung:

“Từ tháng 11/1963 cho tới tháng 7/1967, phong trào đấu tranh Phật giáo là nguyên nhân chính gây bất ổn chính trị tại Nam Việt Nam. Trong khi nhóm Phật giáo đấu tranh cho rằng họ đại diện cho đại đa số Phật tử và chỉ đấu tranh cho tự do tôn giáo, trên thực tế họ chỉ là một thiểu số, không đủ tư cách đại diện, đang tìm cách khống chế cả chính trường.”

Một nữ phóng viên chiến trường, từng đoạt giải Pulitzer và làm phóng viên tại Toà Bạch Ốc, bà Marguerite Higgins, là một trong những người hiếm hoi đã trực tiếp phỏng vấn Hòa Thượng Trí Quang. Sau cuộc phỏng vấn tại Chùa Xá Lợi vào cuối năm 1963, bà Higgins không dấu vẻ hoài nghi của bà đối với Hòa Thượng. Bà viết trong quyển ‘Our Vietnam Nightmare - Cơn Ác mộng Việt Nam của chúng ta’, miêu tả vị cao tăng của Phật giáo Việt Nam là “một Machiavelli thắp nhang.” Machiavelli ám chỉ một người quỷ quyệt, không có đạo đức, chủ trương “cứu cánh biện minh cho phương tiện.”

Nhà đấu tranh cho nhân quyền và Phật giáo Võ Văn Ái, cũng là một sử gia chuyên nghiên cứu về đạo Phật và lịch sử Việt Nam, nói cá nhân ông rất khâm phục Hòa Thượng Thích Trí Quang, vì ông là nhà sư am hiểu giáo lý Phật giáo rất thâm sâu, và có nhiều đóng góp cho Phật giáo Việt Nam.

Ông Võ Văn Ái nói:

“Ngài là đại biểu, là tiếng nói của tinh thần Phật giáo qua suốt 2000 năm, mà qua suốt 2000 năm đó đã chứng tỏ sự kết hợp của Phật giáo Việt Nam, đối với dân tộc Việt Nam trên lĩnh vực tâm linh, văn hóa cũng như trong vấn đề chống ngoại xâm. Trong cuộc đóng góp cho dân tộc Việt Nam trên phương diện tôn giáo, tôi thấy sự đóng góp của Hòa Thượng Trí Quang rất lớn và cho thấy tinh thần của Phật giáo Việt Nam.”

CIA nói gì về Hòa Thượng Trí Quang?

Theo một tài liệu được giải mật của CIA có tựa đề “Momorandum for the Director”- (Báo cáo lên Giám Đốc) ghi ngày 11/9/1964 về đề tài ‘Động cơ, Mục tiêu và Ảnh hưởng của Thích Trí Quang’ ký tên George A.Carver, Jr., đại diện nhóm ‘South Vietnam Working Group’, các tác giả nói về Hòa Thượng Thích Trí Quang như sau:

“Đầy tham vọng, khôn khéo, một người không ngần ngại dùng mọi mánh khóe để lôi kéo, vận động chính trị và là một kẻ mị dân bẩm sinh. Ông là một trong những người hiếm khi xuất hiện - một nhà lãnh đạo chính trị thiên bẩm.”

Sau khi phân tích, tài liệu này kết luận rằng ‘không có bằng chứng thuyết phục để kết luận Thích Trí Quang là cộng sản’. Các tác giả nói rằng những người tố cáo Hòa Thượng Trí Quang là cộng sản thường là người của chế độ Tổng thống Ngô Đình Diệm, tuy cũng có một số nhà quan sát Mỹ hiểu biết và công tâm cũng tin như vậy.

“Sau khi suy xét cẩn thận, kết luận của chúng tôi là Trí Quang có phần chắc không phải là một người cộng sản, hoặc một gián điệp Việt Cộng.”

Kết luận đó được dựa trên cơ sở ‘Không một ai trong số nhiều người Việt thù ghét Thầy Trí Quang, chỉ chờ cơ hội để bôi nhọ ông, và không ngừng tìm cách chứng minh ông là cộng sản, có thể đưa ra bằng chứng vững chắc về bất cứ liên kết nào giữa ông với cộng sản.”

Đây cũng là ý kiến của nhà nghiên cứu James McAllister của Đại học Cambridge, trong bài tham luận “Thích Trí Quang và Chiến Tranh Việt Nam” (Only Religions Count in Vietnam: Thich Tri Quang and the Vietnam War) được Nhà Xuất Bản Modern Asian Studies ấn hành năm 2007. Bài tham luận viết:

“Nói tóm lại trong quá trình nghiên cứu của tôi, tôi không tìm ra được bất cứ quan chức Mỹ nào có thể nhận diện được, chưa nói tới bất cứ quan chức cấp cao nào, nghĩ Thích Trí Quang là người cộng sản hay có cảm tình với cộng sản.”

Thông báo của chùa Từ Đàm.





Theo bản tin trên báo Giác Ngộ, từ sau năm 1975, "Đại lão Hoà thượng ở tại chùa Ấn Quang, rồi tu viện Quảng Hương Già Lam (TP.HCM) độc cư, chuyên tâm hành trì, viết sách, dịch và chú giải kinh, luật, luận…

Năm 2013, ở tuổi 91, Đại lão Hòa thượng đã trở về thăm quê nhà sau hơn 60 năm xa cách và lưu lại chốn cũ là chùa Từ Đàm, tiếp tục việc dịch thuật kinh điển và chuyên tâm hành trì cho tới ngày viên tịch.

Ngài cũng đã về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn, nơi được Bổn sư thế độ xuất gia, thăm lại mộ phần của song thân ở Quảng Bình.

Được biết, Đại lão Hòa thượng được Bổn sư phú pháp, Thiền tông Lâm Tế, Thiền hệ Đạo Mân Quốc sư, lưu xuất từ Tổ sư Nguyên Thiều, với pháp danh Nhật Quang, pháp tự Trí Hải, pháp húy Thiền Minh. Đạo hiệu Trí Quang là do Giáo thọ sư của ngài là Đại sư Trí Độ ban."



Theo thông báo ngày 8 tháng 11 của chùa Từ Đàm, di huấn của Cố Hòa Thượng Trưởng Lão là:

“Sau giờ chết rồi độ 6 giờ là liệm.

Liệm rồi các Pháp tử lạy 3 lạy rồi là đưa ra xe tang.

Không bàn thờ, bát nhang, báo tang, thành phục, đưa đám, phúng điếu.

Chuyển đến lò thiêu; thiêu rồi đem về chùa làm tuần, chung thất, trăm ngày, tiểu tường và đại tường.

Mỗi lễ chỉ tụng một trong các kinh: Địa tạng, Kim cương, Bồ tát giới, Pháp hoa và Thủy Sám.

Mỗi lễ đều không thông báo và mời ai dự cả.”

Hoài Hương-VOA Đăng ký
https://www.voatiengviet.com/a/tu-dam-hoa-thuong-thich-tri-quang-vien-tich/5158371.html
voatiengviet.com


Bình Luận:

Trong ba thứ ham muốn của người đời là Lợi, Quyền, Danh thì Hòa Thượng Thích Trí Quang tuy đi tu nhưng vẫn ham Quyền. Trong khi đó mục đích của Phật Giáo là diệt dục, trừ hết lòng ham muốn Lợi Quyền Danh của người đi tu. Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, các tôn giáo được tự do hành đạo rồi mà ông Thích Trí Quang vẫn còn kích động Phật tử biểu tình liên tục. Ông thích cái quyền lực có thể lôi kéo quần chúng, sai khiến quần chúng, làm cho chính quyền phải nghe lời mình. Nhiều nhà sư lúc trước đã biểu tình phản đối thời Ngô Đình Diệm lúc đó đã quay về chùa tu hành, không còn biểu tình nữa.

Lòng tham quyền của ông Thích Trí Quang bị Cộng Sản cản trở, bắt ông ta phải ngồi yên trong chùa vì Cộng Sản cũng tham quyền nên không cho ai khác được có quyền.

Hòa Thượng Thích Trí Quang quấy động, biểu tình liên tục những năm 1964, 1965, 1966, 1967. Đó là thời gian sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị các quân nhân lật đổ.

Cuộc đảo chánh của các quân nhân tại miền Nam lúc đó khác với cuộc đảo chánh của các quân nhân tại nhiều nước vào thời đó. Tại một số nước, các quân nhân thấy chính quyền dân sự cai trị lỏng lẻo, bị cộng sản lợi dụng tự do để len lỏi trong xã hội, quấy phá, gây rối loạn thì họ lật đổ chính quyền dân sự để siết chặt sự cai trị, không để cho cộng sản lợi dụng các quyền tự do mà quấy rối, đi đến lật đổ chính quyền. Còn tại miền Nam, các quân nhân này bất mãn vì chính quyền Ngô Đình Diệm cai trị chặt chẽ nên họ lật đổ để rồi sau đó cho dân được tự do. Vì thế cộng sản lợi dụng sự tự do này để len lỏi hoạt động khắp nơi tại miền Nam. Những người khác cũng lợi dụng sự tự do để nói bừa bãi trên báo chí. Hòa Thượng Thích Trí Quang là một trong nhiều người lợi dụng sự tư do tại miền Nam lúc đó để quấy rối. Về sau này, khi tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lên nắm quyền đã tìm cách siết lại bớt. Lúc đó người dân vẫn còn có tự do phần nào, vẫn còn báo chí tư nhân, các tôn giáo vẫn được tự do thành lập tổ chức của mình nhưng các cuộc biểu tình bớt đi. Cán bộ cộng sản len lỏi trong nhà trường, trong xã hội để xúi dục biếu tình bị chính quyền truy lùng, bắt giữ. Các nhà tu hành thường tổ chức biểu tình về sau cũng bỏ bớt vì thấy biểu tình mãi cũng chẳng ăn thua gì.

Tên tuổi Hòa Thượng Thích Trí Quang gắn liền với thời kỳ miền Nam trên con đường xây dựng chế độ dân chủ đã cho dân được nhiều quyền tự do. Nhiều người đã lợi dụng các quyền tự do để quấy rối, trong đó có các nhà tu hành và cộng sản. Sau này, từ thập niên 1970 trở đi, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã siết chặt an ninh, vẫn duy trì các quyền tự do căn bản của người dân, cho phép lập đảng, cho phép tự do ra ứng cử và vẫn duy trì được sự ổn định trong xã hội. Qua kinh nghiệm đã trải qua tại miền Nam vào thời trước 1975, nhiều người dân miền Nam đã trải qua các thăng trầm trong cuộc xây dựng chế độ dân chủ nên có người tin rằng có thể có được dân chủ, cho dân được tự do mà vẫn giữ được sự ổn định.

Từ thập niên 1970 trở đi, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa củng cố lại ngành an ninh, tình báo nên nhiều cán bộ cộng sản trà trộn nằm vùng đã bị bắt, nhiều người phải chạy ra rừng núi để trốn. Cộng Sản khó khăn hơn khi lợi dụng chế độ dân chủ của miền Nam để phá rối, yểm trợ cho bộ đội cộng sản ngoài mặt trận. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị mất vì sự tấn công của bộ đội Cộng Sản từ miền Bắc tiến vào với xe tăng, súng ống do Liên Xô, Trung Quốc viện trợ chứ không bị mất vì cho dân được quyền tự do, dân chủ.

Một số hình ảnh về Hòa Thượng Thích Trí Quang:

Thời đó gọi là Thượng Tọa Thích Trí Quang vì lúc đó ông chỉ mới lên chức Thượng Tọa, chưa lên chức Hòa Thượng.

Thượng Tọa Thích Trí Quang trong đoàn biểu tình, ngồi bên trái, cạnh nhà sư cầm loa








Thượng Tọa Thích Trí Quang, chụp tại Đà Nẵng, tháng 1 năm 1965. Vào thời kỳ này tình hình Đà Nẵng rất rối ren. Cộng Sản ra lệnh cho Đoàn Thanh Niên Quyết Tử, gồm các học sinh, sinh viên, cướp khí giới của chính quyền, nổi lên chiếm Đà Nẵng với âm mưu cắt Đà Nẵng và miền Trung ra khỏi Việt Nam Cộng Hòa. Các nhà sư thấy chính quyền tôn trọng mình, để cho mình được tự do biểu tình nên thấy mình có uy quyền rất lớn. Chính quyền Nguyễn Cao Kỳ đã đưa lính Thủy Quân Lục Chiến đến Đà Nẵng để tấn công những kẻ vũ trang đang chiếm đóng trong thành phố, không để cho Đà Nẵng lọt vào tay Cộng Sản.



Thượng Tọa Thích Trí Quang trong đoàn biểu tình (mặc áo trắng, đi giữa nhà sư mặc áo đỏ và áo đen)




Bên trái, ông Nguyễn Cao Kỳ (mặc áo vét) ra nói chuyện với các nhà sư biểu tình. Bên phải: Thượng Tọa Thích Trí Quang trong một cuộc biểu tình.



Tướng Nguyễn Ngọc Loan, người đứng đầu ngành cảnh sát lúc đó, che dù đội mưa ra thăm hỏi Thượng Tọa Thích Trí Quang, lúc đó đang biểu tình ở công viên trước dinh Độc Lập.


No comments:

Post a Comment