Thursday, April 5, 2012

Nhật Bản: chế độ thi tuyển và đãi ngộ công chức

Chế độ thi tuyển và đãi ngộ công chức của Nhật Bản và Trung Quốc
Vũ Tất Thắng (Exryu Việt Nam)

Chế độ thi tuyển và đãi ngộ công chức của Nhật Bản
Trong cơ cấu tổ chức của chính phủ NB có viện nhân sự là cơ quan quản lý việc tuyển chọn công chức và quy định chế độ lương bổng cho công chức. Mỗi năm, các bộ và cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ báo cáo với viện nhân sự về nhu cầu nhân sự mới, cụ thể là cần bao nhiêu công chức cao cấp, bao nhiêu công chức trung cấp cho năm tới. Viện nhân sự tổng gộp nhu cầu của các bộ và cơ quan ngang bộ rồi quyết định số công chức cần tuyển chọn cho cả năm. Ngân sách của NB bắt đầu ngày 1 tháng 4 hàng năm ; niên học cũng vậy. Vì thế kỳ thi tuyển công chức được tổ chức vào tháng 10 hàng năm. Người được tuyển chọn sẽ bắt đầu làm việc vào đầu tháng tư năm sau. 


Hàng năm viện nhân sự và chính quyền địa phương tổ chức các kỳ thi tuyển công chức cao cấp và trung cấp. Công chức cao cấp là những cán bộ sẽ có thể lên cấp chỉ đạo và lãnh đạo nghĩa là từ trưởng phòng tới thứ trưởng. Công chức trung cấp hỗ trợ cho công chức cao cấp giải quyết những vấn đề sự vụ và kỹ thuật. Ngoài giới hạn về tuổi tác : 
dưới 26 tuổi, thí sinh không cần có bằng cấp nào cả. Tuy nhiên đề thi cho công chức cao cấp có trình độ đại học và đề thi cho công chức trung cấp có trình độ trung học phổ thông. Trình độ đề thi khá cao nên các thí không đủ thực lực thì không dám dự thi. Khi trúng tuyển, thí sinh có quyền nêu nguyện vọng muốn vào làm trong bộ nào; họ chỉ đạt nguyện vọng của mình nếu có điểm cao. 

Người Nhật có thông lệ tốt là cấm kỵ việc anh em, chị em hay bố con, mẹ con cùng làm trong một cơ quan. 

Trong các công ty cũng vậy. Xin nêu một ví dụ : Khi công ty Honda cổ phần hoá, nghĩa là chuyển từ công ty TNHH sang công ty cổ phần, ông Honda Soichiro, người sáng lập công ty đã chuyển em trai mình, một kỹ sư giỏi sang một công ty khác vì ông nghĩ rằng việc em trai ông làm trong công ty Honda sẽ làm giảm sĩ khí của công nhân viên Honda!
Về lương bổng, hàng năm bộ tài chính lấy thống kê lương bổng trong bộ môn dân doanh rồi tính ra bình quân lương bổng dân doanh. Mức lương khởi đầu cho công chức cao cấp được định bởi mức lương trung bình của các kỹ sư hay nhân viên viên mới tốt nghiệp đại học trong bộ môn dân doanh cộng thêm một hằng số tương đối. Mức lương cho công chức trung cấp cũng được định bởi mức lương trung bình của các công nhân viên thuộc bộ môn dân doanh mới tốt nghiệp trung học phổ thông (lớp 12) cộng thêm một hằng số tương tự. Việc tăng lương hàng năm cũng làm theo phương pháp này. Ngoài ra, chế độ lương hưu cho công chức NB cũng tương đối cao hơn chế độ lương hưu trong bộ môn dân doanh. 

Mục đích của viện nhân sự NB là định mức đãi ngộ trên trung bình để thu hút nhân tài.
Nhờ vậy NB luôn có một đội ngũ cán bộ công chức rất ưu tú. Họ là đầu tầu cho phát triển kinh tế xã hội tại NB. 

Ngoài chế độ thi tuyển công chức, Nhật Bản còn có các kỳ thi lấy tư cách hành nghề như kỳ thi tư pháp, kỳ thi y sĩ quốc gia, kỳ thi kiến trúc sư quốc gia, kỳ thi thiết kế viên cao cấp và trung cấp, kỳ thi kế toán viên cấp cao cấp và trung cấp, kỳ thi kiểm toán viên, v.v. 

Các kỳ thi này được tổ chức mỗi năm một lần. Tỉ dụ như kỳ thi tư pháp dành cho những người sẽ hành nghề luật sư, kiểm sát hay thẩm phán, thí sinh không nhất thiết phải tốt nghiệp đại học ngành luật. Thẩm phán và kiểm sát viên được tuyển chọn trong số những thí sinh trúng tuyển kỳ thi tư pháp này. Muốn hành nghề luật sư, thì sau khi trúng tuyển phải theo học một khoa chuyên tu tư pháp trong một năm, rồi tốt nghiệp khoa này. Các thẩm phán và kiểm sát viên tương lai cũng phải theo học và tốt nghiệp khoa chuyên tu tương tự. 

Muốn hành nghề y sĩ, ngoài việc tốt nghiệp ngành y tại một đại học, người Nhật phải thi đỗ kỳ thi y sĩ quốc gia. Điều này khiến dân chúng Nhật Bản yên tâm khi phải đến bệnh viện vì y sĩ Nhật Bản có trình độ chuyên môn đáng tin cậy chứ không phải lang băm. Một số người tốt nghiệp đại học ngành y, sau vài lần thất bại trong kỳ thi y sĩ quốc gia, phải chuyển nghề! 

Chế độ khoa cử của Trung Hoa và chế độ thi tuyển và đãi ngộ công chức của Trung Quốc 

Chế độ khoa cử của Trung Hoa bắt đầu khoảng 1400 năm trước vào đời nhà Tùy. Chế độ này chấm dứt vào cuối đời Thanh (1905), năm nay tròn 100 năm. Hiện xã hội TQ coi trọng học lịch (xã hội học lịch = coi trọng lý lịch học tập). Sự cạnh tranh mãnh liệt để thi vào các trường đại học danh tiếng hàng đầu có thể ví như “chế độ khoa cử hiện đại”. Tuy nhiên, trong bối cảnh sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ nét và việc sản nghiệp hóa (xã hội hóa) giáo dục được xúc tiến nhanh, khả năng tính cho các học sinh thuộc gia đình nghèo theo học đại học là rất nhỏ. Đối với giai tầng nghèo khó, cánh cửa vào con đường hoạn lộ (làm cán bộ công chức) gần như bị khép kín. 

Công chức Trung Quốc có cuộc sống ngày càng tương tự như các quan lại của chế độ khoa cử ngày xưa. Chế độ đãi ngộ cán bộ công chức của TQ có thể nói là vẹn toàn. Theo báo Công nhân nhật báo, 90% lao động TQ không vào được hệ thống bảo hiểm dưởng lão (hưu trí) cơ bản, 85% công dân TQ không có bảo hiểm y tế cơ bản. Trong khi đó, ngoài các chế độ bảo hiểm thông thường, cán bộ công chức TQ còn được hưởng phụ cấp giao thông, nhà ở và các chế độ phúc lợi khác. 

Năm nay TQ đã thông qua bộ luật công chức, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2006. Theo bộ luật này, công chức trung ương và địa phương được chia thành hai loại : Công chức chỉ đạo (có thể lên chức trưởng phòng trở lên) và công chức không chỉ đạo, tức những công chức sự vụ và kỹ thuật. Cả hai loại đều phải qua thi tuyển công khai và công bằng. Chế độ này mô phỏng theo chế độ công chức của Nhật Bản nêu trên chỉ khác tên gọi. Công chức chỉ đạo là công chức cao cấp và công chức không chỉ đạo là công chức trung cấp của Nhật Bản. 

Theo tài liệu của báo Sankei Shinbun, Nhật Bản, tại TQ, khoa thi tuyển công chức chỉ đạo dành cho sinh viên đã tốt nghiệp đại học cho năm 2006 đã được tổ chức ngày 26/11/05 gồm 97 bộ môn, tuyển chọn 10,282 cán bộ cho toàn quốc. Đã có khoảng 365,000 thí sinh dự thi. Tỉ lệ cạnh tranh khoảng 35 lần! 

Trong một hội thảo khoa học tại đại học Amoi, tỉnh Phúc Kiến, đã xẩy ra tranh luận kịch liệt về công tội của chế độ khoa cử. Một bên phê bình chế độ khoa cử là phong kiến. Bên kia cho rằng chế độ khoa cử là chế độ công bình. Trong hội thảo này, Giáo sư Vương Di của đại học Thành Đô cho biết từ đời Đường tới đời Thanh, trong khoảng 10 vạn Tiến sĩ được trọng dụng trong hệ thống quan lại của Trung Hoa, có khoảng 1/2 xuất thân từ những gia đình đã ba đời là thường dân; 46% các quan lại trong “Tống sử” xuất thân từ giai tầng đã ba đời là nông dân. Trong khoảng 100 năm của triều đại nhà Minh, tỉ lệ này đã tăng lên thành 58%. Đặc trưng lớn nhất của chế độ khoa cử là bất kỳ xuất thân từ giai cấp nào, thuộc dân tộc nào, có lý lịch và thuộc khu vực nào, hễ có tài - thi đỗ là được trọng dụng. Nói cách khác, chế độ này tuyển dụng quan lại cho triều đình qua các kỳ thi công khai và công bình. Sau khi chế độ khoa cử của Trung Hoa chấm dứt vào đầu thế kỷ 20, việc tuyển dụng cán bộ công chức của TQ thường dựa vào quan hệ gia đình và thâm niên trong quân đội. Chế độ tuyển dụng này đã gây nhiều tệ hại. Việc coi trọng lý lịch học thuật (học lịch) gần đây có vẻ như hồi quy về chế độ khoa cử ngày xưa. Tuy nhiên chế độ giáo dục cao đẳng và đại học của TQ đã xa rời khái niệm “bình đẳng về cơ hội”. Cố chủ tịch Mao Trạch Đông đã có chính sách nhằm giảm thiểu cách biệt giáo dục giữa đô thị và nông thôn. Tuy nhiên vào đầu thập kỷ 1990, ngành giáo dục TQ đã được sản nghiệp hóa (xã hội hóa), học sinh tiểu học và trung học cơ sở bắt đầu phải đóng học phí. Sự kiện học phí cho giáo dục cao đẳng và đại học ngày một cao, cộng thêm sự cách biệt thu nhập ngày càng lớn giữa đô thị và nông thôn, đã khiến cho cách biệt giáo dục giữa đô thị và nông thôn ngày càng lớn hơn. Vì học phí đại học đã cao gấp nhiều lần thu nhập bình quân ở nông thôn, đại đa số thanh niên xuất thân nông thôn không đủ khả năng tài chính để theo học đại học. 

Theo một nghiên cứu của viện khoa học xã hội TQ, cho tới cuối dời nhà Thanh, 90% giai cấp trí thức sinh sống và làm việc tại nông thôn. Sau khi chế độ khoa cử bị hủy bỏ, giai tầng trí thức chuyển đến các đô thị. Hệ quả là trình độ tri thức ở nông thôn ngày càng tụt hậu. 

Nên chăng chúng ta áp dụng linh hoạt kinh nghiệm của NB và TQ vào chế độ thi tuyển và đãi ngộ công chức nước ta 

Như người viết đã đề khởi trong bài “Cần một kế sách tổng thể để chống tham nhũng” (Nguyệt san Pháp Luật số 101, tháng 07/2005), nên chăng Quốc hội soạn thảo và thông qua luật công chức mới, trong đó qui định việc tuyển chọn công chức qua các kỳ thi công khai và công bằng. Chúng ta cũng nên tham khảo chế độ đãi ngộ công chức của NB và TQ để cải thiện chế độ lương bổng công chức nước ta. Thiển nghĩ đây vừa là cách chống tiêu cực hữu hiệu nhất vừa tụ tập được nhân tài. 

Chúng ta cũng nên điều nghiên việc thiết lập các kỳ thi lấy tư cách hành nghề như các nước tiên tiến đã và đang áp dụng thành công. 

Ngoài ra, thiển nghĩ chế độ khoa cử tại Việt nam có nhiều điểm tương đồng với chế độ của Trung Hoa. Tỉ lệ các Tiến sĩ nước ta xuất thân từ giai tầng thường dân và nông thôn chắc cũng không khác tỉ lệ của Trung Hoa nêu trên bao nhiêu, nghĩa là khoảng 50%.
Chính sách Đổi Mới của nước ta đã mang lại nhiều thành quả to lớn. Đời sống nhân dân đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên phát triển kinh tế luôn đi đôi với những phản tác dụng. Công cuộc đổi mới của Việt nam đã phát sinh vấn đề môi trường, làm tăng mức cách biệt giầu nghèo và mức cách biệt khu vực. Theo tư liệu của Tổng cục thống kê, năm 2004, GDP trên đầu người của Việt Nam là 588 USD2, nhưng ở TP Hồ Chí Minh là 1.731 USD, tức là gấp khoảng 3 lần bình quân cả nước, trên mức ly lục (take-off) kinh tế; tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu là 6.438 USD trong đó ngành dầu khí đóng góp 4772 USD, nếu lược bỏ dầu khí, GDP trên đầu người của BR-VT là 1.666 USD. Tỉnh có GDP trên đầu người thấp nhất là Lai Châu : 169 USD! Như vậy, có nhiều tỉnh và khu vực chỉ có GDP khỏang 200 – 400 USD! Những năm gần đây, học phí đã tăng tới mức chóng mặt. Đấy là chưa kể các khoản học thêm ngoài giáo trình của trường. Như vậy, không chỉ các gia đình nông thôn chiểm trên 70% dân số, mà cả các gia đình thuộc giai tầng nghèo ở đô thị cũng khó đưa con em vào cao đẳng hay đại học. Như bạn đọc đã biết, sự cách biệt giàu nghèo và sự cách biệt giáo dục có tương quan hỗ tương khá mạnh.
Nước ta có phương châm phát triển kinh tế xã hội theo định hướng chủ nghĩa xã hội. Nên chăng nhà nước tạo chế độ giáo dục miễn phí chí ít cho cấp tiểu học là cấp cưỡng bách giáo dục hiện hành, đồng thời trợ giúp học sinh sinh viên nông thôn tạo điều kiện cho họ có khả năng học lên cao đẳng / đại học. Chỉ cần nhà nước quyết tâm cải cách hành chính nhằm tiết kiệm - chống lãng phí chống tham nhũng theo các bộ luật mới ban hành và cải tổ - hoàn thiện chế độ thuế má thì việc miễn phí cho giáo dục tiểu học không phải là bất khả. Nếu chúng ta không có những biện pháp hữu hiệu, sự cách biệt giàu nghèo quá lớn sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà hệ quả có thể là sự bất ổn định xã hội 

      11/12/2005
      Vũ Tất Thắng

No comments:

Post a Comment