Ba tờ báo Ngày Nay (Houston), Xây Dựng (San Jose) và Thế Kỷ 21 (Quận Cam) đã cùng nhau tổ chức một buổi tưởng niệm cố ký giả Từ Chung vào lúc 3 giờ chiều ngày 12 tháng Tư 1997, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, thuộc thị xã Westminster, Quận Cam, California.
Phòng sinh hoạt chiều hôm ấy được trang hoàng đớn giản nhưng mỹ thuật và trang nghiêm. Trên nền phông trắng của sân khấu có treo một bức chân dung phóng lớn của Từ Chung với ghi chú: 'Từ Chung (1924-1965)" bên cạnh là hàng chữ 'Tưởng Niệm Từ Chung", tất cả được nâng đỡ bởi sắc đỏ, xanh và trắng của một bình hoa lớn đặt ngay bên dưới. Khoảng 100 người đã ngồi hết các dãy ghế trong phòng.
Một câu hỏi đã được đặt ra trong bài bình luận của tờ Người Việt số ra ngày 12 tháng Tư 1997, viết rằng: "Nhiều người sẽ hỏi Từ Chung là ai, nhất là các bạn trẻ dưới bốn mươi tuổi. Chính vì câu hỏi đó mà chúng ta cần tổ chức lễ tưởng niệm và ghi nhận những đóng góp của Từ Chung vào việc tranh đấu xây dựng cho một nền báo chí tự do và có trách nhiệm ở trong nước ta.
Từ Chung đã bị đặc công CSVN ám sát năm 1965 ngay trước cửa nhà trong lúc đi làm công việc của một nhà báo. Lúc đó ông là Tổng Thư ký nhật báo Chính Luận. Tờ báo có lập trường chống Cộng này đã bị đe dọa nhiều lần, có lúc đã bị đặt bom. Nhưng cái chết của vị Tổng Thư ký đương nhiệm là kết quả một hành động khủng bố tàn nhẫn và man rợ nhất. Những kẻ ra lệnh giết ông bây giờ còn sống ở Việt Nam. Họ muốn cái chết của ông sẽ làm cho những người làm báo và viết báo ở miền Nam run sợ và lùi bước, nhưng họ đã thất bại. Từ Chung đã hy sinh như một chiến sĩ hy sinh trên chiến trường. Sự hy sinh của ông càng dũng cảm phi thường vì tay ông kkhông một tấc sắt tự vệ. Cũng như nhiều người làm báo thời đó, Từ Chung biết cộng sản có thể giết ông bất cứ lúc nào, nhưng ông không lùi bước.
Buổi sinh hoạt tưởng niệm tại phòng sinh hoạt Người Việt mở đầu với lời chào mừng của một thành viên trong ban tổ chức, ông Phạm Phú Minh, chủ nhiệm tạp chí Thế Kỷ 21. Sau đó, ông Hoàng Ngọc Tuệ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị báo Thế Kỷ 21 đã đọc tóm lược tiểu sử Từ Chung, trước khi giới thiệu bác sĩ Ðặng Văn Sung, người phát biểu đầu tiên. Ông Ðặng Văn Sung người sáng lập và chủ nhiệm tờ nhật báo Chính Luận, một tờ báo có uy tín rất lớn ở miền Nam Việt Nam trước đây. Ông không phải là người làm báo, nghề chính của ông là bác sĩ y khoa, nhưng ông được biết đến nhiều trong tư cách một người hoạt động chính trị. Ông đã từng làm nghị sĩ của Quốc hội VNCH. Cung cách đối xử của ông với những người làm báo, cộng tác với ông trong tờ Chính Luận, làm nhiều người cảm phục. Hôm nay, ở tuổi 82, ông đến với buổi sinh hoạt tưởng niệm Từ Chung, điều đó cho thấy ông vẫn tưởng nhớ và quý trọng người cộng sự trẻ tuổi tài cao của ông. Bác sĩ Sung nói ông không phải là nhà báo chuyên nghiệp, chỉ vì tranh đấu mà phải làm báo, và nhờ làm báo mà quen biết và cộng tác với Từ Chung, thời gian quen biết với Từ Chung không nhiều. Ông giới thiệu một người trước kia là bạn và đồng nghiệp với Từ Chung, là nhà báo Nguyễn Thái Lân, để lên nói thêm về Từ Chung.
Ông Thái Lân quen biết Từ Chung năm 1955, khi hai người cùng làm việc với nhau ở nhật báo Ngôn Luận. Thời gian này Từ Chung có dịch hai cuốn sách có giá trị, đó là cuốn Bí Danh của Lâm Ngữ Ðường và cuốn Kinh Tế Học của kinh tế gia người Mỹ được giải Nobel, Samuelson. Từ năm 1955 Từ Chung làm việc bán thời gian cho Ngôn Luận, thường làm buổi tối cho đến khuya, ban ngày đi làm Phòng Thông tin Hoa Kỳ. Sau đó Từ Chung được học bổng du học tại Thụy Sĩ, ông Thái Lân được giao làm "đầu bếp" (thư ký Tòa soạn) cho tờ Ngôn Luận. Lúc này Ngôn Luận mới bán được chừng bảy trăm số một ngàỵ Khoảng ba bốn năm sau, Từ Chung du học về, lại làm tiếp cho Ngôn Luận.
Năm 1962, Từ Chung đại diện báo Ngôn Luận đi Thụy Sĩ nhân hội nghị quốc tế về Lào, tại đây ông đã có dịp chuyện trò với phái đoàn Bắc Việt. Những lập luận thực tỉn của ông bẻ gãy lý thuyết cứng nhắc của phía Cộng sản làm cho trưởng đoàn Bắc Việt Xuân Thủy "nổi xùng" nói rằng: "Hai năm nữa chúng ta lại gặp nhaụ" Cuộc "gặp nhau" thật sự xảy ra ba năm sau, với đại diện là những đặc công chĩa súng bắn ông.
Từ năm 1964, tờ Ngôn Luận đóng cửa, bác sĩ Ðặng Văn Sung mời Từ Chung và Thái Lân cộng tác với tờ Chính Luận. Từ Chung làm báo thời kỳ này, có vài việc có ảnh hưởng đến báo chí Việt Nam. Thứ nhất, sở trường của Từ Chung là môn kinh tế, ông đã "đại chúng hóa" môn học khô khan này để mọi người đều có thể hiểu được. Thứ hai, về chính trị, tờ báo đầu tiên đem những tin tức lớn về chính trị đăng ở trang nhất là tờ Chính Luận, giống như các báo phương Tâỵ Nhờ vậy, với tờ Chính Luận, các vấn đề chính trị lớn được dân chúng để ý nhiều hơn, nhất là khi chúng được trình bày hợp với trình độ chung.
Trong thời gian làm báo, Từ Chung có nhận được nhiều lời mời sang hoạt động trong ngành kinh tế, nhưng vì yêu nghề báo, ông đã từ chối. Cộng sản đã gửi thư nhiều lần đến báo Chính Luận để đe dọa ông nhưng ông vẫn không rời những bài đang viết, những công việc đang làm. Ông Thái Lân chấm dứt phần trình bày của mình với nhận xét rằng Từ Chung là một con người rất chân thành, biết chấp nhận mọi sự phê bình từ người khác, tuy rằng đôi khi có hơi nóng tính. Cuối cùng Cộng sản đã thanh toán ông vào trưa ngày 30 tháng 12 năm 1965.
Nhà báo Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh, năm nay 76 tuổi, đã từng làm tổng thư ký Tòa soạn Việt Nam Thông tấn xã, cho biết ông không làm việc chung với Từ Chung bao giờ, nhưng vẫn thường xuyên theo dõi các bài viết của Từ Chung, và ông đã học được nơi Từ Chung rất nhiều. Ðối với cộng sản, những người lấy bạo lực làm lẽ phải, ông Sơn Ðiền cho rằng cộng sản đã lầm khi họ bắt những ký giả, những nhà văn nhà báo đi học tập cải tạo để thay đổi tư tưởng của họ. Cộng sản càng lầm hơn khi dùng bạo lực chà đạp, giết chóc, ám sát những người cầm bút. Những người đã ngã trước họng súng của cộng sản trở thành tấm gương sáng cho tất cả những người tranh đấu cho lý tưởng dân tộc đối đầu với cộng sản chủ nghĩa.
Nhà báo Hồ Văn Ðồng, nguyên Chủ nhiệm báo Quyết Tiến, nhận định rằng Cộng sản không chấp nhận được những người tranh đấu cho tự do dân chủ, tự do báo chí, nhưng ông tin giờ đây ở trong nước vẫn có những nhà văn nhà báo tiếp tục cuộc tranh đấu đó. Từ Chung đã ngã xuống trong cuộc tranh đấu đó, trước Từ Chung có các ký giả như Hiền Sĩ, Nam Quốc Cang, Lư Khê, sau Từ Chung có Nguyễn Mạnh Côn... đã hy sinh trước bạo lực. Ông nói: "Khi chúng tôi tranh đấu cho tự do báo chí cũng tức là chúng tôi tranh đấu cho tự do dân chủ, vì tự do báo chí là một trong những điều kiện không thể thiếu được của tự do dân chủ. Hôm nay chúng ta tưởng niệm anh Từ Chung, tôi nghĩ rằng chúng ta cũng nên tưởng niệm những anh em khác, chẳng hạn như anh Nguyễn Mạnh Côn đã chết trong tù. Chúng ta sẽ tổ chức lễ tưởng niệm long trọng và đầy đủ hơn nữa để nêu tấm gương tranh đấu, hỗ trợ cho những anh em bên nhà tiếp tục công cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ cho đất nước."
Cố ký giả Từ Chung có người em người em ruột là Vũ Mạnh Sơn Nhị Hoàng hiện cư ngụ tại quân Cam. Ông Hoàng đã đến tham dự buổi tưởng niệm và kể lại một số kỷ niệm về người anh của mình, về cuộc sống gia đình, về bạn bè, qua đó cho thấy nhân cách và tính tình dễ mến của nhà báo quá cố, người mà ông cho rằng đã yêu nghề làm báo hơn mọi thứ trên đời này. Sau khi Từ Chung qua đời, báo Chính Luận vẫn tiếp tục trả lương cho gia đình anh cũng như một cái bàn thờ nhỏ thờ anh được đặt tại Tòa soạn, cho mãi đến ngày miền Nam sụp đổ. Số lương tháng này đã giúp cho chị Từ Chung, trong mười năm, có phương tiện nuôi bốn đứa trẻ thơ. Ông Nhị Hoàng cũng cho biết trong thời gian đi tù cải tạo tại Nam Hà sau 1975, ông đã có dịp đọc một cuốn sách của Cộng sản, cuốn "Trui rèn trong lửa đỏ," trong đó xác nhận chính cộng sản đã giết Từ Chung, và hai người bắn Từ Chung đã được tuyên dương công trạng.
Theo chướng trình đã dự trù thì buổi tưởng niệm Từ Chung sẽ chấm dứt sau lời phát biểu và cảm tạ của ông Nhị Hoàng. Thế nhưng vì còn nhiều người quen biết và có quan hệ với Từ Chung nên ban tổ chức quyết định mời thêm một số vị lên diễn đàn. Trước hết là anh Quỳnh, một cựu phóng viên Việt Tấn Xã, đã từng dự một lớp huấn luyện về báo chí trong đó có anh Từ Chung giảng dạy. Anh Quỳnh nhớ lại một dặn dò vui vui của ông thầy, là người làm báo, khi quá cần một tài liệu mà xin hay mượn người ta không cho, mua người ta không bán, thì cứ tìm cách "thuổng." (Ðiều này làm người ta liên tưởng đến câu của Lỗ Tấn trong truyện Khổng Ất Kỷ: "Ăn cắp sách không phải là ăn cắp.")
Anh Thịnh, một người hàng xóm của gia đình Từ Chung hơn ba mươi năm trước, lúc bấy giờ là một cậu bé mười lăm tuổi, buổi trưa ngày 30 tháng Mười Hai năm 1965 đang đá bóng với ba đứa con trai của Từ Chung trên bãi cỏ trước nhà thì thấy xe của anh Từ Chung về đến. Tiếp sau đó chính anh Thịnh và ba đứa nhỏ (đứa lớn nhất lúc bấy giờ 12 tuổi) chứng kiến cảnh hai tên Việt Cộng bắn anh Từ Chung, và anh Thịnh đã cùng với bố mình ôm khiêng anh Từ Chung vào nhà.
Ông Nguyễn Trần, một người làm báo cùng thời với Từ Chung, đã kể những kỷ niệm khi cùng Từ Chung đi săn tin ở Quốc Hội thời Ðệ nhất Cộng hòa. Ông cho biết Từ Chung được các đồng nghiệp lúc bấy giờ rất kính nể, vì học vị cao, kiến thức rộng và vì tư cách rất đàng hoàng. Ông nhớ lại: "Từ Chung người dong dỏng cao, mắt đeo kính cận, đầu húi cua, thường mặc chemisette, áo luôn luôn bỏ trong quần, thế nhưng quần thì không bao giờ có centure (dây nịt) hết... Ðám phóng viên nghị trường hồi đó còn có anh Cát Hữu (cha đẻ Anh Tám Sạc Ne trên báo Ðồng Nai), anh Xuân Tòng, và nhiều người khác... Sau khi Từ Chung qua đời, trên manchette của tờ Chính Luận vẫn luôn luôn để câu: 'Cố Thư Ký Tòa Soạn: Từ Chung' cho đến ngày miền Nam sụp đổ."
Ông Lý Ðại Nguyên, người trông coi tờ Tin Sáng ra đời cùng một thời với tờ Chính Luận, ca ngợi Từ Chung như một người viết về những vấn đề kinh tế rất xuất sắc, đã đưa được các lý thuyết trừu tượng vào đời sống. Là người ở trong nước lâu năm (ông mới đến Mỹ hơn một năm), Lý Ðại Nguyên khẳng định hiện nay trong nước tuyệt đại đa số dân chúng, kể cả đảng viên cộng sản, đều mong mỏi được tự do dân chủ. Cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ trong nước hiện đã bắt đầu khởi sắc và đạt nhiều thành tựu. Chúng ta cần tưởng niệm những người cầm bút đã chết như Từ Chung, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Hoạt, Dương Hùng Cường... để nhắc nhở nhau rằng tất cả hy sinh của những người đó không uổng phí. Nếu không tranh đấu cho được tự do báo chí thì đừng bao giờ nói đến dân chủ.
Chấm dứt buổi tưởng niệm Từ Chung, Chủ nhiệm báo Thế Kỷ 21 cám ơn quý vị đã tham dự, đồng thời loan báo dự án kỷ niệm Khái Hưng mà báo Thế Kỷ 21 đang thực hiện trong năm naỵ Trong giờ ăn bánh uống nước giải lao sau đó, người ta nhận thấy có một số những người làm báo Chính Luận trước kia đã về tham dự buổi tưởng niệm: ngoài các ông Ðặng Văn Sung và Thái Lân, còn có chị Thụy Giao từ San Jose, anh Lê Hoàng Phú từ Philadelphia, anh Tâm Chung và anh Trần Nguyên Thao. Chị Thụy Giao, tạp chí Xây Dựng, là người sốt sắng nhất trong việc xúc tiến tổ chức buổi tưởng niệm Từ Chung này.
No comments:
Post a Comment