Nền kinh tế đứng thứ tám thế giới của Nga đang gánh chịu sức ép từ các biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây cũng như tình trạng giá dầu mỏ giảm mạnh.
Lạm phát tăng
Dấu hiệu đáng ngại nhất đối với lợi ích tài chính của Nga là giá dầu thô giảm mạnh. Giá dầu Brent trong mùa hè vừa qua lên đến gần 105 USD/thùng nhưng đầu tuần này tụt xuống mức trên 92 USD/thùng và ngày 8-10 giảm thêm 1,07 USD nữa, còn 91,04 USD/thùng, theo trang web Gordonua.
Như thế, kể từ đầu năm 2014, giá dầu Brent giảm 15% và chỉ trong 1 tuần qua đã giảm 5%. Đây là tin vui cho người tiêu dùng thế giới nhưng lại là thách thức to lớn đối với Điện Kremlin vì Nga không thể đa dạng hóa nền kinh tế. Nguồn tài nguyên năng lượng khổng lồ hiện đóng góp đến 75% ngân sách nước này.
Nga cần bán dầu với giá trên 100 USD/thùng để ngân sách không bị thâm hụt nhưng hầu hết các chuyên gia dự kiến giá dầu sẽ còn xuống thấp nữa trong bối cảnh Ả Rập Saudi duy trì khai thác ở mức cao, Mỹ gia tăng sản lượng và Iran nhiều khả năng đóng góp thêm 1 triệu thùng dầu/ngày khi lệnh trừng phạt xuất khẩu dầu đối với nước này gần như chắc chắn sẽ giảm bớt hoặc kết thúc.
Ngoài ra, theo trang Washington Free Beacon, các nhà đầu tư lớn phương Tây như JP Morgan Chase và Goldman Sachs đang xem xét lại tương lai hoạt động ở Nga. Ngay cả Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Alexei Ulyukayev cũng cảnh báo nguồn vốn đầu tư đang rời bỏ nước này.
Ngân hàng Thế giới dự báo mức tăng trưởng kinh tế Nga trong năm nay chỉ đạt dưới 1% trong khi lạm phát đang ở mức 8% hằng năm và còn tiếp tục tăng lên, đồng thời đồng rúp trong năm nay đã giảm giá trị gần 20% so với USD và euro.
Theo báo The Financial Times, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s (Mỹ) nhận định các công ty Nga đối với mặt với khủng hoảng tín dụng trừ phi được tiếp cận với thị trường vốn quốc tế. Muốn vậy, lệnh trừng phạt phải được nới lỏng.
Thiệt hại 120 tỉ USD
Giá dầu giảm là một trong những yếu tố chính kéo giá trị đồng rúp xuống mức thấp chưa từng có (40 rúp = 1 USD).
Từ đó, theo Reuters, Ngân hàng Trung ương Nga và Bộ Tài chính nước này bắt đầu nghiên cứu các biện pháp chống đỡ nền kinh tế và hệ thống tiền tệ trong trường hợp giá dầu giảm xuống mức 60 USD/thùng. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết bộ này hoạch định ngân sách trên cơ sở giá dầu 80 USD/thùng.
Tuy nhiên, theo trang tin Zn.ua, phát biểu tại Hội đồng Liên bang Nga hôm 8-10, chính ông Siluanov tuyên bố Nga không đủ tiền chi cho quân đội và cần xem xét lại khoản chi cho chương trình vũ khí mới sao cho phù hợp với dự báo về tăng trưởng kinh tế và ngân sách.
Trước đó, ông thừa nhận ngân sách không thể kham nổi kế hoạch hiện đại hóa lực lượng vũ trang tốn kém hàng tỉ USD đã được Tổng thống Vladimir Putin thông qua, đồng thời vận động cắt giảm chi tiêu trong khi lệnh trừng phạt Nga đang phát huy tác dụng.
Các chuyên gia dự báo kinh tế Nga sẽ trượt vào suy thoái ngay trong năm tới và thâm hụt ngân sách là điều không tránh khỏi. Website Expert.ru nhấn mạnh các biện pháp hạn chế nhập khẩu hàng hóa để đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây và đồng rúp mất giá đã đẩy lạm phát đạt mức cao nhất trong 3 năm qua.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Richard Chernesky đánh giá Nga đã thiệt hại 70 tỉ USD chỉ trong 3 tháng qua vì lệnh trừng phạt của phương Tây, đồng thời dự đoán con số này sẽ tăng lên đến 120 tỉ USD vào cuối năm 2014. Theo ông, Liên minh châu Âu sẽ siết chặt trừng phạt thêm nữa nhằm buộc Nga điều chỉnh lại quan hệ với Ukraine và phương Tây.
Theo báo Người Lao Động
Thứ Tư, 22:48 08/10/2014
http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nga-kho-vi-gia-dau-giam-20141008222207525.htm
No comments:
Post a Comment