Friday, August 12, 2016

Thêm nhiều thành viên kỳ cựu trong Đảng Cộng hoà bỏ rơi ứng cử viên Trump

Việc ông Donald Trump ra tranh cử với những bất đồng ý kiến với cả các đảng viên cùng đảng Cộng Hòa với ông ta cho thấy tính cách tự do của đảng phái Mỹ. Ở các nước khác, tuy cũng theo chế độ dân chủ đa đảng nhưng hoạt động đảng phái vẫn không có tính cách tự do như đảng phái ở Mỹ. Thế sao nước Mỹ không bị loạn?


Việt Nam vừa bầu lại Tổng Bí Thư năm 2016 cho thấy đối với đảng Cộng Sản vai trò Tổng Bí Thư rất là quan trọng vì ông Tổng Bí Thư quyết định đường lối của đảng Cộng Sản. Các đảng viên cấp dưới không ai được đi chệch ra khỏi con đường mà ông Tổng Bí Thư đã định.

Còn đảng Cộng Hòa thì ai làm Tổng Bí Thư? Ông gọi là Tổng Thư Ký của đảng ở Mỹ chỉ là ông lo về việc hành chánh mà thôi. Các đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều có ban chỉ đạo. Nhưng mặc dù có ban lãnh đạo, các đảng viên ở dưới cũng được rộng rãi nói theo ý riêng của mình.  

Trong cuộc vận động tranh cử các đảng viên ra tranh cử trong cùng một đảng có các lập trường khác nhau về các vấn đề đối nội và đối ngoại. Mặc dù các ứng viên trong đảng có lập trường khác nhau nhưng các lập trường này đều nằm trong cái khung hoạt động của mỗi đảng. Cái khung này khá rộng rãi nhưng khi có người đi ra ngoài thì người ta có thể biết được. Chẳng hạn chính sách giảm thuế, nâng đỡ các đại công ty là của đảng Cộng Hòa, đảng viên Dân Chủ có ý tưởng đó sẽ bị người trong đảng và cả báo chí nói ra là họ đã bước vào lập trường của đảng Cộng Hòa. Tuy vậy ban lãnh đạo đảng không có biện pháp trừng phạt gì cả. Ban lãnh đạo có quyền chuẩn nhận cho một ứng cử viên là ứng cử viên chính thức của đảng để ra tranh cử nếu xét thấy ứng cử viên đó được quần chúng ủng hộ nhiều và có cơ may cao đắc cử. Ứng cử viên nào có lập trường đi chệch hướng thì không được đảng ủng hộ để ra ứng cử, nghĩa là đảng sẽ không bỏ tiền ra cho người đó tranh cử. Còn ngoài ra đảng viên đó không bị đảng trừng phạt gì cả. Nếu đảng viên đó có tiền mà tự ra ứng cử rồi đánh bại ứng cử viên chính thức của đảng thì đảng đó cũng phải chịu mà thôi vì đó là sự tự do ứng cử.

Điều này cho thấy sự khác biệt về tư tưởng chính trị ở Mỹ không phải là tội lỗi gì ghê gớm. Nếu đem so sánh với đảng Cộng Sản Nga thì những người có ý kiến đi ra ngoài đường lối của đảng sẽ bị trừng phạt, có khi là mất mạng. Trong đảng Cộng Sản Nga cũng có những lúc có ý kiến khác nhau. Vụ tranh chấp rõ nhất là giữa Trotsky và Stalin. Sau khi Lenin qua đời thì xảy ra các vụ tranh quyền. Điều này là hiện tượng thường xảy ra trong thế giới quyền lực. Trotsky thì chủ trương Liên Xô phải tiếp tục đường lối cách mạng vô sản trên thế giới, tiếp tục trợ giúp các dảng Cộng Sản tại các nước. Còn Stalin thì chủ trương nên lo cho Liên Xô trước đã, lo phát triển kinh tế, củng cố cho sức mạnh trước. Với chính sách đó Stalin bỏ rơi một số đảng Cộng Sản trên thế giới, lo bắt các nước đã từng nằm trong đế quốc Nga thời Nga Hoàng đã tách ra phải sáp nhập trở lại Nga. Sự tranh chấp giữa hai người không phải chỉ giải quyết bằng cách bỏ phiếu xem khuynh hướng nào được đa số đảng viên ủng hộ mà Stalin nắm cơ quan mật vụ trong tay rồi bắt giết các đảng viên không chịu theo mình. Cách giải quyết này khiến cho Trotsky phải bỏ trốn khỏi Nga. Nhưng rồi đến năm 1940 khi Trotsky đang sống ở Mexico thì bị Stalin cho người đến ám sát.

Với cách giải quyết của đảng Cộng Sản thì ai là người giỏi nắm cơ quan mật vụ thì người đó thắng trong vụ tranh chấp về đường lối. Còn về sự khác biệt ý kiến trong đảng phái ở Mỹ thì có người có thể cho rằng quá tự do đưa đến hỗn loạn. Nhưng thế thì người Mỹ căn cứ vào đâu để biết ai phải ai trái? Họ đem quyền lợi quốc gia và lợi ích xã hội ra để đánh giá các ý kiến. Những người ủng hộ ông Donald Trump nghĩ rằng ông ta là minh chủ sẽ phục hồi lại nước Mỹ hùng mạnh. Còn những người phản đối ông ta thì cho rằng ông ta thiếu kiến thức, bộp chộp, không chín chắn sẽ làm hại cho nước Mỹ.

Có chung tiêu chuẩn về lợi ích quốc gia và xã hội để đánh giá các đường lối chính trị rất là quan trọng. Một nước đông dân như Mỹ mà đa số có các tiêu chuẩn đánh giá giống nhau thì dù có nhiều đảng, nhiều ý kiến thì các hoạt động chính trị vẫn nằm trong vòng trật tự và luật pháp. Nếu trong một nước mà các tiêu chuẩn đánh giá không giống nhau thì mỗi người nhìn vấn đề một khác, mỗi người đi một hướng khác, sinh ra phân hóa, chia rẽ. Lấy thi dụ, nước Pakistan có những người có học thức chủ trương theo chế độ dân chủ như Tây Phương. Nhưng lại có những kẻ nắm cơ quan mật vụ không tôn trọng các giá trị dân chủ. Lại có những nhóm Hồi Giáo cực đoan không tha thiết gì đến việc hoạt động trong vòng thể thức dân chủ mà chỉ muốn dùng vũ lực để bắt toàn thể dân chúng đi theo mình để thành lập một siêu quốc gia Hồi Giáo bao trùm thế giới. Trong trường hợp đó, khi cho có dân chủ những người Hồi Giáo cực đoan họ không màng đến ứng cử để lên cai trị theo lối dân chủ mà chỉ lo dùng sức mạnh mà chiếm chính quyền. Họ có thể lợi dụng dân chủ để được bầu rồi khi có quyền lực họ dẹp bỏ chế độ dân chủ để xây dựng chính quyền theo ý của họ, chỉ có những người có ý kiến giống họ mới được cầm quyền mà thôi.

Việc có chung tiêu chuẩn về lợi ích quốc gia, xã hội để đánh giá hay không khiến cho có chế độ dân chủ thành công trong khi có chế độ dân chủ bị tan vỡ.

Minh Đức

Thêm nhiều thành viên kỳ cựu trong Đảng Cộng hoà bỏ rơi ứng cử viên Trump

12.08.2016

Lần thứ nhì trong tuần này, một nhóm thành viên nổi tiếng của Đảng Cộng hoà tuyên bố không ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump.

Hơn 70 đảng viên Đảng Cộng hoà, kể cả các cựu dân biểu và giới chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Reagan, và cả hai vị Tổng thống Bush cha và con, đã gửi thư đến Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc Đảng Cộng hoà Reince Priebus để khẳng định lập trường của mình.

Họ muốn Uỷ ban toàn quốc Đảng Cộng hoà ngưng sử dụng tiền bạc, thời gian, nhân viên của Đảng Cộng hoà, cũng như các chương trình quảng cáo ủng hộ ông Trump, và thay vào đó sử dụng các tài nguyên ấy để ủng hộ các ứng cử viên Đảng Cộng hoà vận động giành ghế trong Hạ viện và Thượng viện. Họ cho rằng cơ may ông Trump thắng cử vào tháng 11 tới đây đang “tan biến từng ngày.”

Bên cạnh một số lý do khác, họ đơn cử cuộc khẩu chiến của ông Trump với cha mẹ của một quân nhân Mỹ theo Hồi giáo hy sinh tại Iraq, và phát biểu của ông gợi ý những người ủng hộ quyền sở hữu súng ống nên bắn bỏ bà Hillary Clinton, và vì ông Trump “nói dối về một loạt vấn đề, lớn cũng như nhỏ.”

Nhân viên phụ trách thông tin của Đảng Cộng hoà Andrew Weinstein nói với VOA rằng “nếu Uỷ ban toàn quốc Đảng Cộng hoà không lập tức chuyển trọng tâm cho các nỗ lực của mình, thì ‘con tàu không phanh’ của ông Trump sẽ phá hoại cả thế đa số của Đảng Cộng hoà tại quốc hội nữa.” Ông Weinstein nói Đảng Cộng hoà không có thời gian để chờ đợi lâu hơn nữa, mà phải tập trung mọi nguồn lực vào các cuộc đua mà Đảng Cộng hoà có thể thắng, thay vì đốt tiền cho một ứng cử viên Tổng thống không thể nào thắng cử.

Hiện chưa có phản hồi nào từ chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump.

Hôm thứ Hai tuần trước, 50 cựu cố vấn an ninh quốc gia Đảng Cộng hoà, các Giám Đốc tình báo và đại diện thương mại ký một bức thư của nhóm này, tuyên bố: “Chúng tôi, không ai sẽ bỏ phiếu bầu cho ông Trump.” Họ nói “ông Trump không những không đủ năng lực để làm Tổng thống, mà nếu đắc cử, ông sẽ là một tổng tư lệnh quân đội nguy hiểm nhất, và một Tổng thống thiếu thận trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ.”

Trước đó hôm thứ Năm, ông Donald Trump miêu tả Tổng thống Barack Obama là “người sáng lập” ra nhóm Nhà nước Hồi giáo (ISIS), và bà Hillary Clinton là “một nhân viên cốt cán sáng giá nhất” của nhóm này.

Ứng cử viên Đảng Cộng hoà đã từ chối, không rút lại hoặc giảm nhẹ lời bình luận đó của ông khi ông được cho một cơ hội trong một cuộc phỏng vấn dành cho Hugh Hewitt, người dẫn một chương trình truyền thanh và là người ủng hộ ông Trump.

Ông Hewitt hỏi ông Trump liệu có phải ông có ý nói rằng ông Obama đã thất bại, không xây dựng được hoà bình và “đã tạo ra một chỗ trống” ở Iraq và Libya dọn đường cho sự xuất hiện của Nhà nước Hồi giáo?

Câu trả lời của ông Donald Trump là: “Không, tôi có ý nói ông (Obama) là người sáng lập ra ISIS. Tôi sẽ trao cho ông giải nhân viên cốt cán sáng giá nhất. Và này, tôi cũng sẽ trao cái giải ấy cho bà Hillary Clinton nữa.”

Ông Trump tuyên bố “Tôi chẳng cần biết” khi ông Hewitt nhắc nhở ông rằng ông Obama thù ghét Nhà nước Hồi giáo và đang tìm cách tiêu diệt tổ chức này.

Ông Trump phát biểu: “Nếu ông ta làm mọi chuyện một cách đúng đắn, thì đã không có ISIS. Và vì lẽ đó, ông ta là người sáng lập ra ISIS.”

Uỷ ban toàn quốc Đảng Dân chủ mô tả những lời bình luận ấy của ông Trump là “quá khích, và điên khùng”. Một tuyên bố của Uỷ ban toàn quốc Đảng Dân chủ nói: “Đây là thêm một tuyên bố vượt ra ngoài tầm kiểm soát khác nữa của một ứng cử viên đang bung ra ngay trước mắt chúng ta.”

Ông Donald Trump dường như có vẻ trầm tĩnh và lịch sự hơn hôm thứ Năm khi ông trò chuyện với một nhóm nhà thuyết giảng tin lành ở Orlando, bang Florida, ông hối thúc họ hãy kêu gọi những người theo đạo hãy đi bầu. Ông hứa sẽ lật ngược tu chính án năm 1954 sửa đổi luật thuế vô hiệu hoá các tổ chức được miễn thuế như các giáo hội, nếu họ chính thức hậu thuẫn bất cứ ứng cử viên chính trị nào.

Trong cùng ngày, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton có mặt ở Warren, bang Michigan, nơi bà chính thức công bố kế hoạch kinh tế, mà về phần lớn đã được tiết lộ trong các bài diễn văn vận động tranh cử của bà trong suốt tuần qua.

Các kế hoạch ấy gồm tạo ra 10 triệu công việc làm ăn để tái thiết đường xá, cầu cống và bến cảng đang xuống cấp, huỷ bỏ các biện pháp giảm thuế cho các công ty Mỹ xuất khẩu việc làm ra nước ngoài, và giảm học phí đại học cũng như chi phí chăm sóc con trẻ để các dịch vụ này vừa túi tiền của người dân hơn.

Trong một sự đồng thuận hiếm hoi với đối thủ Donald Trump, bà Hillary Clinton nói bà chống đối Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sẽ chỉ định một công tố viên đặc biệt để quy trách nhiệm cho các quốc gia nào vi phạm các quy định thương mại toàn cầu.

Bà Hillary Clinton nói kế hoạch cắt giảm thuế má của ông Trump cho người giàu và các tập đoàn, sẽ đẩy đất nước vào tình trạng suy thoái trở lại, và không làm bất cứ điều gì để giúp đỡ đa số người Mỹ.

No comments:

Post a Comment