Friday, March 17, 2017

Việt Nam bất hạnh có láng giềng xấu

Trong cuốn video đăng trên Youtube lời nói chuyện của tướng công an Trương Giang Long, có lúc ông nói về Trung Quốc như sau: “Nó bất hạnh cho chúng ta là sống bên cạnh một ông anh mức độ lòng tốt nó thấp”. Điều này không sai. Nhưng đây đâu phải là sự bất hạnh cho riêng Việt Nam. Đọc lịch sử thế giới thì thấy nhiều nước khác cũng có láng giềng xấu mà Việt Nam cũng không phải là láng giềng tốt đối với nước khác. Thế thì bản chất của quan hệ giữa các nước là như thế nào?

Trước hết, Trung Quốc không hề là láng giềng tốt với nước nào cả. Thời xưa, nước Trung Hoa của người Hán chỉ có từ sông Dương Tử trở lên. Còn phía Nam sông Dương Tử là nhiều nước thuộc văn hóa Việt, gọi chung là Bách Việt. Rồi thì Trung Hoa của người Hán tràn xuống đánh chiếm các nước Bách Việt, sáp nhập vào Trung Hoa. Trung Hoa nhiều lần đánh Việt Nam, tức là Lạc Việt trong số các nước Bách Việt, và đã có lúc thành công biến Việt Nam thành một quận của Trung Hoa, gọi là quận Giao Chỉ. Đến thời Trung Quốc có nạn Tam Quốc phân tranh, Việt Nam nhân cơ hội thoát ra trở thành độc lập. Từ đó về sau, mỗi lần gặp cơ hội thuận tiện, Trung Hoa lại đánh chiếm Việt Nam để sáp nhập lần nữa nhưng bị thất bại. Từ một nước chỉ ở phía Bắc sông Dương Tử, Trung Hoa trở thành rộng lớn như ngày nay là vì Trung Hoa luôn luôn là láng giềng xấu với các nước xung quanh. Hễ thấy có cơ hội thuận tiện là Trung Hoa đánh chiếm để sáp nhập vào nước mình, làm cho nước mình trở thành rộng lớn hơn.


Bản đồ Trung Hoa thời Chiến Quốc, trước Công Nguyên chỉ có từ sông Dương Tử trở lên phía Bắc. Trong hai ngàn năm qua Trung Hoa đã bành trướng qua phía Tây và xuống phía Nam. Tất nhiên là bằng cách chiếm đất của các nước láng giềng.

Bản đồ Trung Hoa thời nay
 
Việt Nam cũng không là láng giềng tốt. Xưa kia, Việt Nam chỉ có ở miền Bắc. Vùng miền Trung có nước Chiêm Thành. Dần dần, Việt Nam lấn chiếm đất của Chiêm Thành từng chút một và sáp nhập vào Việt Nam. Cuối cùng thì nước Chiêm Thành bị tiêu diệt. Một số dân Chiêm Thành chạy lên miền rừng núi, trở thành dân tộc thiểu số ở đó. Cũng giống như khi Trung Hoa diệt các nước Bách Việt, một số dân chạy lên miền núi hoặc chạy qua Việt Nam và trở thành dân tộc thiểu số. Việt Nam không hề là láng giềng có lòng tốt cao đối với Chiêm Thành và Chiêm Thành cũng không là láng giềng có lòng tốt cao đối với Việt Nam.

Nước Camphuchia thời xưa rất là rộng lớn bao gồm cả miền Nam Việt Nam ngày nay và một phần lớn đất Thái Lan. Nhưng rồi người Thái Lan mạnh lên và đánh chiếm phần lớn đất của Campuchia. Còn người Việt thì tiến xuống miền Nam lấy đi một phần đất rất lớn nằm ở phía Đông của Campuchia. Ngày nay, Campuchia chỉ còn là một nước nhỏ so với Thái Lan và Việt Nam. Thái Lan và Việt Nam cũng là láng giềng có lòng tốt ở mức độ thấp đối với Campuchia.

Chúng ta có thể kể mãi về các trường hợp các nước ở cạnh nhau thôn tính lẫn nhau trong lịch sử của loài người. Nước Pháp trong lịch sử xem Anh và Đức như là kẻ thù. Ba Lan từng là một nước mạnh nhưng trong lịch sử bị Đức và Nga tấn công và lấn chiếm. Biên giới của Ba Lan thay đổi biết bao nhiêu lần trong lịch sử.

Những chuyện xảy ra trong lịch sử cho thấy nước nào cũng muốn bành trướng để rộng lớn hơn. Càng rộng lớn càng có cơ hội sống còn. Nước nào không đi xâm lăng nước khác thì rồi sẽ bị tiêu diệt khi nước khác nhờ xâm lăng mà trở thành rộng lớn hơn và mạnh hơn mình.

Chỉ đến khi chủ nghĩa Cộng Sản xuất hiện tại Việt Nam thì người Việt mới thấy xuất hiện luận điệu cho Trung Hoa, Liên Xô là bạn tốt. Những người Việt không đồng ý với luận điệu này mà nói rằng Trung Hoa luôn luôn tìm cách xâm chiếm Việt Nam thì bị người cộng sản cho đó là những người có tinh thần dân tộc hẹp hòi, hay theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Còn nếu không hẹp hòi thì phải xem các nước nào có đảng Cộng Sản lãnh đạo là anh em vì nước đó đại diện cho giai cấp vô sản, mà giai cấp vô sản thì phải đoàn kết lại theo lời Kác Mác kêu gọi để chống lại các nước tư bản.

Khi đã xem Trung Hoa là bạn thì người ta sẽ có chính sách khác với khi xem Trung Hoa là mối đe dọa cho độc lập, chủ quyền và lãnh thổ.

Trong khi ông Hồ Chí Minh và những người trong hàng ngũ Việt Minh ở trên núi rừng Việt Bắc kháng chiến chống Pháp thì năm 1951, tại Hội Nghị San Francisco, Nhật tuyên bố từ bỏ chủ quyền các đảo mà Nhật đã chiếm thì đại diện của Việt Nam, lúc đó là chính quyền Bảo Đại, tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Các nước khác không phản đối ngoại trừ ngoại trưởng Liên Xô là Andre Gromyko tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Cộng, là chính quyền cộng sản mới chiếm được quyền lực tại Trung Hoa năm 1949.

Cùng thời gian đó, Trung Cộng giúp đỡ rất nhiều khí giới, lương thực cho lực lượng Việt Minh, lúc đó ở trên rừng núi Việt Bắc.

Nếu vào giai đoạn đó, Việt Minh phải nhận viện trợ của Trung Cộng để tồn tại và để chống Pháp mà bỏ qua việc Trung Cộng nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Trung Cộng thì cũng là chuyện có thể hiểu được.

Nhưng sau 1954, Pháp đã rút khỏi Việt Nam, chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại miền Bắc tiếp tục công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc. Những người lãnh đạo ở miền Bắc không nhìn thấy dã tâm muốn lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam của Trung Quốc hay sao? Hay là họ nghĩ thế giới rồi sẽ tiến đến thế giới đại đồng như chủ nghĩa Cộng Sản tiên đoán, toàn thể thế giới biến thành một nước cộng sản duy nhất, không còn phân chia ra nước này, nước kia, không còn ranh giới giữa các quốc gia thì Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Trung Quốc hay thuộc về Việt Nam cũng không thành vấn đề?

Khi không xem Trung Quốc là mối đe dọa thì chính sách của những người lãnh đạo miền Bắc có thể khác. Khi miền Bắc cho người sang Trung Quốc xin viện trợ để đánh miền Nam thì có hai vấn đề xảy ra:

Thứ nhất, Trung Quốc là nước có ý muốn chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam mà miền Bắc lại xem là anh em, lại còn xin viện trợ. Khi xin viện trợ thì sẽ bị lệ thuộc.

Thứ hai, khi đánh miền Nam, xảy ra nội chiến làm đất nước bị tàn phá, suy yếu thì Trung Quốc sẽ lợi dụng cơ hội sau chiến tranh Việt Nam bị suy yếu mà lấn chiếm Việt Nam. Trung Quốc muốn làm ngư ông thủ lợi, còn hai miền Nam, Bắc là trai, cò quắp nhau, cuối cùng sẽ rơi vào tay ngư ông.

Nếu quả thật những người lãnh đạo miền Bắc thấy rằng “Nó bất hạnh cho chúng ta là sống bên cạnh một ông anh mức độ lòng tốt nó thấp” thì sẽ phải đề phòng Trung Quốc từ lúc đó.

Thứ nhất, nếu Trung Quốc là nước cũng theo chủ nghĩa Cộng Sản giống như là miền Bắc mà có “lòng tốt ở mức độ thấp” thì chủ nghĩa Cộng Sản sai. Chủ nghĩa Cộng Sản nói rằng các nước nào có đảng Cộng Sản đều thuộc về giai cấp công nhân, mà giai cấp công nhân thì không xâm lăng lẫn nhau, vì giai cấp công nhân không có óc bóc lột, không ham lợi nhuận. Chỉ có nước của tư bản ham lợi nhuận mới trở thành đế quốc, đem quân đội đi đánh chiếm các nước khác để biến nước khác thành thuộc địa. Còn Trung Quốc đã theo chủ nghĩa Cộng Sản rồi mà vẫn có lòng tham đi đánh chiếm lãnh thổ nước khác thì chủ nghĩa Cộng Sản nói sai. Thực tế là dù là giai cấp nào cầm quyền chăng nữa thì các nước vẫn đi thôn tính lẫn nhau. Nếu nhìn ra điều đó thì những người lãnh đạo miền Bắc phải từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản từ lúc đó.

Thứ hai, nếu nhìn thấy Trung Quốc là mối đe dọa thì miền Bắc phải cẩn thận không gây ra nội chiến, tức là không đánh miền Nam. Vì đánh miền Nam thì hai miền sẽ bị tàn phá, suy yếu, rồi thì Trung Quốc sè lợi dụng Việt Nam suy yếu mà lấn chiếm, uy hiếp.

Trong khi miền Bắc xem Trung Quốc là bạn thì tại miền Nam có người vẫn xem Trung Quốc là mối đe dọa cho Việt Nam. Lấy thí dụ, ông Phan Việt Châu, một thiếu tá trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đã viết cuốn sách Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh vào thập niên 1970 nói lên suy nghĩ của tác giả về nguy cơ sự bành trướng của Trung Hoa xuống Đông Nam Á. Cuốn sách này hình như không được in ra tại miền Nam trước 1975 mà được gia đình ông Phan Việt Châu đưa ra in tại hải ngoại năm 1997. Vào thời đó, Trung Quốc chưa bành trướng về kinh tế mà chỉ lo xuất cảng “chiến tranh giải phóng” để dùng quân sự mà bành trướng qua tay của các đảng cộng sản đàn em. Sự lo ngại của ông Phan Việt Châu về ảnh hưởng của Trung Hoa tại Đông Nam Á là sự lo ngại về các cộng đồng người Hoa đang lớn mạnh tại các nước này.

Trong một bài viết về ký giả Từ Chung, một ký giả bị cộng sản ám sát, ký giả Lê Thiệp có kể có lúc ông Từ Chung ngồi nói chuyện với anh em trong tòa soạn có nói rằng nếu Việt Nam muốn chống lại được Trung Quốc thì dân Việt Nam phải đẻ nhiều.

Những mấu chuyện nói trên cho thấy nhiều người Việt lúc đó không bao giờ xem Trung Quốc là láng giềng có lòng tốt cả. Chỉ có ông Trương Giang Long và các đồng chí của ông, từ xưa đến nay được giáo dục là Trung Quốc là anh em ngày nay mới nhận ra sự thật não nề là Trung Quốc là láng giềng có lòng tốt ở mức độ thấp. Chứ còn nhiều người Việt khác thì xem các nước láng giềng có lòng tốt ở mức độ thấp là điều đương nhiên từ xưa đến nay trong lịch sử loài người.

Những người xem các nước láng giềng đối xử với nhau với lòng tốt ở mức độ thấp được gọi là những người theo chủ nghĩa quốc gia. Theo chủ nghĩa quốc gia thì đặt chủ quyền quốc gia lên trên hết và luôn luôn đề phòng các nước khác xâm chiếm nước mình. Còn ông Trương Giang Long và các đồng chí của ông thì theo chủ nghĩa quốc tế vô sản. Theo chủ nghĩa quốc tế vô sản thì xem các nước nào có đảng cộng sản lãnh đạo là anh em rồi tin là anh em sẽ không xâm lăng lẫn nhau, còn các nước không theo chủ nghĩa Cộng Sản là kẻ thù.

Sự thú nhận của ông Trương Giang Long rằng Trung Quốc, một nước cũng theo chủ nghĩa cộng sản như Việt Nam, có lòng tốt ở mức độ thấp cũng là sự thú nhận rằng chủ nghìa quốc tế vô sản là sai. Sức ép mà Trung Quốc gây ra cho Việt Nam ngày nay là hậu quả của chính sách không đề phòng Trung Quốc ngay từ lúc đầu, để cho Việt Nam bị rơi vào tình trạng suy yếu, bị Trung Quốc uy hiếp.

Minh Đức

No comments:

Post a Comment