Wednesday, November 8, 2017

Kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười, nước Nga có một Sa hoàng mới?

Số phận nước Nga 100 năm qua đã đi từ Sa hoàng này tới Sa hoàng khác, bất chấp mọi khẩu hiệu vì dân. Ảnh: The Economist.

Nhiều người có thể cảm thấy ngạc nhiên với một hiện trạng oái ăm: 100 sau Cách mạng tháng Mười, bây giờ nước Nga lại có một Sa hoàng mới: Vladimir Putin.



Mười bảy năm sau ngày Vladimir Putin trở thành Tổng thống Liên bang Nga, ách cai trị của ông ta tại nước này đang mạnh hơn bao giờ hết.

Phương Tây, vốn vẫn nhìn về nước Nga qua lăng kính hậu-Soviet, thỉnh thoảng vẫn xem Putin là nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất của nước này tính từ thời Stalin. Ngày càng có nhiều người Nga ngoái lại nhìn về một giai đoạn xa xưa hơn trong lịch sử. Cả những nhà cải cách mang tư tưởng tự do và những người bảo thủ muốn bảo vệ truyền thống tại Moscow đều đang nói về Putin như là một vị Sa hoàng thế kỷ 21.

Putin đã giành được cho mình danh hiệu đó, bằng cách kéo nước Nga vượt qua một giai đoạn mà người Nga xem là hỗn loạn những năm 1990, và bằng cách làm cho nước Nga trở nên quan trọng với thế giới như nó đã từng làm được.

Thế nhưng, dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười càng đến gần thì một tư tưởng không dễ chịu bắt đầu xuất hiện tại Nga, tư tưởng cho rằng Putin cũng có những khuyết điểm giống các vị Sa hoàng từng trị vì nước Nga.

Trong khi Putin lo lắng về những cuộc “cách mạng màu” đang cuốn qua các nước thuộc khối Soviet cũ, mối hiểm họa lớn hơn lại không phải là một cuộc nổi dậy của quần chúng, hay là một cuộc hồi sinh của chủ nghĩa Bolshevik. Mối hiểm họa lớn chính là việc vào mùa xuân năm 2018 này, khi Putin bắt đầu nhiệm kỳ nắm quyền sáu năm mới – nhiệm kỳ cuối cùng của ông ta thể theo hiến pháp – sẽ bắt đầu có các đồn đoán về tương lai tiếp theo sau đó.

Và một nỗi lo ngại sẽ dâng cao, đó là không biết liệu rằng, cũng như những nhà cầm quyền khác của nước Nga, Sa hoàng Vladimir có để lại tình trạng bất ổn và bạo động khi ông ta rời chức vụ không.

 Putin chỉ là một phần của xu hướng cai trị độc đoán đang nổi lên trên thế giới. Ảnh: Alexander Zemlianichenko / AP

Nền cầm quyền cứng rắn

Putin không phải là nhà lãnh đạo chuyên quyền duy nhất của thế giới. Phong cách cầm quyền chuyên chế mang màu sắc cá nhân đã lan rộng trên thế giới trong 15 năm qua – và thông thường những chính quyền có phong cách đó, như ông Putin, được xây dựng trên một nền tảng mong manh: một nền dân chủ bị thao túng theo kiểu “mạnh ăn cả”.

Phong cách cầm quyền đó là một sự phản kháng lại những năm tháng trên đỉnh vinh quang của chủ nghĩa tự do vốn ập đến sau sự sụp đổ của Liên Xô.

Những lãnh đạo thế giới khác như Recept Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ và Hugo Chavez quá cố của Venezelua, hay cả Narendra Modi, Thủ tướng Ấn Độ, đều đã cư xử như thể họ có trong tay một thứ quyền lực đặc biệt sinh ra trực tiếp từ ý chí nhân dân cả nước họ. Tại Trung Quốc, Xi Jinping (Tập Cận Bình) tháng qua vừa hợp thức hóa quyền kiểm soát tuyệt đối của ông ta trong đảng Cộng sản.

Chính thứ chủ nghĩa chuyên chế của Putin đã mở đường cho những nhà lãnh đạo nói trên. Thứ chủ nghĩa chuyên chế đó gợi nhắc lại lịch sử đế quốc của Nga, cho chúng ta một bức tranh sống động về cách quyền lực hoạt động trong thực tế, và cách mà quyền lực có thể dẫn đến những tình trạng tệ hại.

Giống như một vị Sa hoàng, Putin ngồi trên đỉnh của một hệ thống bảo trợ chính trị hình kim tự tháp. Từ khi ông ta mở chiến dịch chống phá giới tài phiệt Nga năm 2001, qua đó giành được quyền kiểm soát truyền thông và các công ty dầu khí lớn, tất cả các con đường dẫn đến quyền lực và tiền bạc của Nga đều phải đi qua ông ta.

Giờ đây, giới quý tộc Nga hoàn toàn phục tùng Putin, giống như tầng lớp bên dưới họ phục vụ cho giới quý tộc, và cứ thế đi xuống dần tới chân kim tự tháp.

Putin phủ lên quyền lực của mình lớp sơn hợp pháp, nhưng ai cũng biết rằng các công tố viên và tòa án đều phải tuân lệnh ông ta.

Ông có mức độ ủng hộ 80% trong dân chúng Nga bởi vì ông đã thuyết phục được họ rằng, theo cách nói của một trợ lý, “Không có Putin thì không có nước Nga.”

Cũng như một vị Sa hoàng, Putin luôn phải đối mặt với một câu hỏi đã ám ảnh những nhà cầm quyền Nga từ thời vua Peter Đại Đế – một câu hỏi đặc biệt đã thách thức Alexander III và Nicholas II trong những năm trước cuộc Cách mạng tháng Mười:

Nước Nga có nên hiện đại hóa theo con đường phương Tây thông qua quyền dân sự và chính thể đại diện, hay nước Nga nên khóa chặt mình trong sự ổn định bằng cách kiên cường chống lại con đường cải cách đó?

Câu trả lời của Putin chính là: giao phó nền kinh tế cho các nhà kỹ trị mang tư tưởng tự do, và giao phó chính trị cho các cựu sỹ quan KGB. Bằng một cách không thể tránh khỏi, chính trị vẫn đã và đang chi phối kinh tế tại Nga, khiến nước này phải trả một cái giá đắt.

Cho dù nền kinh tế Nga có được quản lý tốt đến mức nào trong cảnh phải chịu cấm vận và đồng ruble mất giá, nền kinh tế đó vẫn đang phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn khoáng sản tự nhiên.

Kinh tế Nga chỉ có thể giữ mức tăng trưởng GDP mỗi năm khoảng 2%, một con số rất thấp so với hồi 2000-2008 khi nó có một mức tăng trưởng dựa vào dầu mỏ ở mức 5-10%.

Về lâu dài, mức tăng trưởng thấp sẽ làm lụn bại các tham vọng của nước Nga.

Như một vị Sa hoàng, Putin đã giữ vững quyền lực của mình bằng cách đàn áp và lợi dụng các xung đột quân sự.

Trong nước, nhân danh bảo vệ sự ổn định, truyền thống và Chính thống giáo Nga, Putin đang đàn áp đối lập chính trị và những người theo tư tưởng tự do trong xã hội, bao gồm giới hoạt động nữ quyền, các tổ chức dân sự, và người đồng tính.

Ngoài nước, việc Putin giành lấy Crimea và các chiến dịch của ông tại Syria cũng như Ukraine được đem ra đánh bóng loáng trên các kênh tin buổi tối bởi một hệ thống truyền thông hân hoan trong chiến thắng.

Bất kể là nỗi căm giận của phương Tây dành cho các hành động quốc tế của Putin có chính đáng hay không, thì với người Nga, nỗi căm giận đó nhấn mạnh cho họ thấy rằng Putin đang khẳng định sức mạnh của nước Nga trên thế giới sau thập niên 90 đầy tủi nhục.

Một Putin mạnh mẽ đang giúp người Nga tìm lại vinh quang xưa? Ảnh: New States Man.

Thế thì vị Sa hoàng hậu hiện đại này có ý nghĩa như thế nào với thế giới?

Đầu tiên là một bài học về hiểm họa từ nước Nga. Sau khi nước này can thiệp tại Ukraine, phương Tây đã lo lắng rằng thứ chủ nghĩa phục thù của Nga sẽ hướng đến các nước vùng biển Baltic.

Tuy nhiên, Putin không thể  để cho thương vong lớn xảy ra mà không đánh mất tính chính danh của mình, như đã xảy ra cho Sa hoàng Nicholas II sau các thất bại trong cuộc chiến tranh Nga – Nhật năm 1904 – 1905, và trong Thế chiến thứ nhất.

Bởi vì vị Sa hoàng của ngày nay biết về lịch sử, ông ta có khả năng cao là sẽ tỏ ra cơ hội chủ nghĩa hơn trong mặt đối ngoại, diễu võ giương oai thay vì chấp nhận khả năng xung đột thật sự.

Tình hình trong nước lại khác. Trong thời gian cầm quyền của mình, Putin đã tỏ ra là ông ta không hứng thú lắm với việc đàn áp tàn nhẫn. Nhưng lịch sử đau thương của nước Nga cho thấy rằng, việc tỏ ra lung lay thường sẽ khiến cho tính chính danh của vị lãnh đạo bị thách thức. Lựa chọn đàn áp hàng loạt có thể giúp đảm bảo tính chính danh lãnh đạo, ít ra là trong một khoảng thời gian ngắn. Người Nga vẫn còn biết sợ.

Con cháu Nước Mẹ Nga

Bài học tiếp theo là về việc kế nhiệm.

Cuộc cách mạng tháng Mười chỉ là một trường hợp chuyển giao quyền lực đặc biệt giữa thời bất ổn trong lịch sử gần đây của nước Nga.

Putin không thể sắp xếp kế nhiệm qua huyết thống hay qua hệ thống của một đảng Cộng sản. Có lẽ ông ta sẽ đề cử một người kế vị. Nhưng ông ta sẽ cần một ai đó yếu ớt vừa đủ để chịu kiểm soát từ ông ta, nhưng vẫn mạnh vừa đủ để chống lại bất kỳ đối thủ nào – một hỗn hợp khó mà có được.

Có thể Putin sẽ tìm cách níu kéo quyền lực, giống như Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) từng làm phía sau cánh gà tại Trung Quốc trong vai trò Chủ tịch danh dự Hiệp hội những người chơi bài Bridge tại Trung Quốc. Hoặc theo một cách giống như Xi Jinping có vẻ là đang có ý định làm, thể hiện qua việc ông này tránh nhắc đến việc đề cử người kế nhiệm trong đại hội Đảng tại Trung Quốc vừa qua.

Tuy nhiên, ngay cả khi Putin có trở thành chủ tịch danh dự Hiệp hội Judo Nga thì việc đó cũng chỉ trì hoãn giờ khắc quan trọng cuối cùng.

Không có cơ chế của một nền dân chủ thực sự nhằm giúp xây dựng tính chính danh cho một lãnh đạo mới, người đứng đầu nước Nga sau Putin nhiều khả năng sẽ là người chiến thắng trong một cuộc tranh giành quyền lực. Cuộc tranh giành quyền lực đó có thể xé toang nước Nga. Trong một đất nước có kho vũ khí hạt nhân, khả năng đó rất đáng báo động.

Hiện giờ Putin càng mạnh mẽ bao nhiêu thì ông ta sẽ càng khó khăn trong việc sắp xếp người kế nhiệm mình bấy nhiêu.

Trong khi thế giới cùng phải sống với cái nghịch lý đó, chúng ta đều phải nhớ rằng không có gì là mãi mãi.

Một thế kỷ trước, cuộc cách mạng Bolshevik đã được xem là minh chứng cho thuyết quyết định luận của Karl Marx. Sự kiện Cách mạng tháng Mười chứng minh rằng không có gì là chắc chắn, và lịch sử sẽ luôn có cách mỉa mai cay nghiệt của nó.



Tác giả: Trâm Huyền
Đăng ngày 06/11/2017

Trâm Huyền lược dịch từ “Russia under Vladimir Putin – A tsar is born” đăng trên tạp chí The Economist bản giấy ngày 26/10/2017. Lời mở đầu và cách dòng là của người dịch.


No comments:

Post a Comment