Saturday, August 4, 2018

Chủ nghĩa dân túy là gì?

Donald Trump, tổng thống đắc cử theo chủ nghĩa dân túy của nước Mỹ, muốn trục xuất những người nhập cư không có giấy tờ. Podemos, một đảng dân túy Tây Ban Nha, muốn cho người nhập cư quyền bầu cử. Geert Wilders, chính trị gia dân túy người Hà Lan, muốn xóa bỏ các đạo luật cấm phát ngôn gây thù hận (hate-speech). Jaroslaw Kaczynski, chính trị gia dân túy người Ba Lan, nỗ lực thúc đẩy một đạo luật quy định việc sử dụng cụm từ “các trại tử thần Ba Lan” là bất hợp pháp. Evo Morales, tổng thống dân túy của Bolivia, đã mở rộng quyền trồng coca của nông dân thổ dân. Rodrigo Duterte, tổng thống dân túy của Philippines, đã ra lệnh cho lực lượng cảnh sát tiêu diệt những người bị nghi ngờ là buôn bán ma túy. Các nhà dân túy có thể là các nhà quân phiệt, người yêu hòa bình, người hâm mộ Che Guevara hay Ayn Rand; họ có thể là những người hoạt động vì môi trường phản đối việc xây dựng các đường ống dẫn dầu hoặc những người phủ nhận biến đổi khí hậu và ủng hộ việc khoan thêm dầu. Điều gì khiến cho tất cả những người đó được  gọi là “các nhà dân túy” (populist), và thuật ngữ đó thực sự có ý nghĩa gì?

Thuật ngữ “chủ nghĩa dân túy” (populism) được sử dụng rộng rãi kể từ những năm 1890, khi phong trào dân tuý của Mỹ thúc đẩy người dân nông thôn và Đảng Dân chủ chống lại những người Cộng hòa thường sống ở đô thị hơn. (Nó cũng được sử dụng để đề cập đến phong trào dân túy (narodnichestvo) của Nga vào thế kỷ 19, chủ yếu bao gồm các trí thức tự ghét bỏ tầng lớp mình và đồng cảm với giai cấp nông dân).

Trong những năm 1950, các học giả và các nhà báo bắt đầu áp dụng thuật ngữ này một cách rộng rãi hơn để mô tả tất cả mọi thứ, từ các phong trào phát xít và cộng sản Châu Âu tới chủ nghĩa chống cộng McCarthy của Mỹ và chủ nghĩa Peron (Peronistas) của Argentina. Như Benjamin Moffitt đã giải thích trong cuốn sách của mình, “Sự nổi lên toàn cầu của chủ nghĩa dân tuý” (“The Global Rise of Populism”), một hội nghị tại Trường Kinh tế London vào năm 1967 đã đồng ý rằng thuật ngữ này, mặc dù hữu ích, lại quá rộng để có thể gắn với một cách mô tả duy nhất.

Một số học giả liên kết nó với sự thất vọng về sự sụt giảm của địa vị hoặc tài sản, một số khác lại liên hệ nó với nỗi niềm hoài cổ của các nhà dân tộc chủ nghĩa. Những người khác coi nó như là một chiến lược chính trị, trong đó một nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn thu hút công chúng trong khi dẹp các tổ chức qua một bên (mặc dù không phải tất cả các phong trào dân túy đều có một nhà lãnh đạo như vậy). Bất chấp sự mơ hồ đó, việc sử dụng thuật ngữ này ngày càng gia tăng.

Năm 2004, Cas Mudde, một nhà khoa học chính trị tại trường Đại học Georgia, đưa ra một định nghĩa ngày càng có ảnh hưởng. Theo quan điểm của ông, chủ nghĩa dân túy là một “hệ tư tưởng mỏng”, chỉ đơn thuần xây dựng lên một khuôn khổ: một dân tộc trong sạch chống lại một tầng lớp tinh hoa mục nát. (Ông đối lập nó với chủ nghĩa đa nguyên (pluralism), một chủ nghĩa chấp nhận tính hợp pháp của nhiều nhóm khác nhau.) Hệ tư tưởng mỏng này có thể được gắn liền với tất cả các hệ tư tưởng “dày” với nhiều nội dung đa dạng hơn, chẳng hạn như chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa dân tộc, tư tưởng chống đế quốc hoặc chống phân biệt chủng tộc, nhằm giải thích thế giới và biện minh cho những mục tiêu cụ thể.

Ông Kaczynski của Ba Lan, một nhà dân túy dân tộc-tôn giáo, đã vận động cho việc tiếp quản của Nhà thờ đối với các thể chế trong nước từ tay những nhà tự do thế tục trong giới tinh hoa. Ông Wilders của Hà Lan, một nhà dân túy dân tộc-thế tục, yêu cầu đàn áp Hồi giáo (với lý do bảo vệ quyền lợi người đồng tính) và chỉ trích tầng lớp tinh hoa đa văn hóa. Đảng Podemos của Tây Ban Nha, một đảng dân túy vô chính phủ-xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy việc tịch thu các tòa nhà bỏ trống thuộc sở hữu của các ngân hàng và phân phối chúng cho người nghèo, và tấn công tầng lớp tinh hoa (la Casta).

Định nghĩa “hệ tư tưởng mỏng” này về chủ nghĩa dân túy dường như phù hợp tại nước Anh, nơi những người ủng hộ Brexit lên án các chuyên gia, tự gọi mình là “nhân dân” và khoa trương về việc “phá tan giới tinh hoa”. Thật vậy, Brexit dường như thiếu một “hệ tư tưởng dày” thống nhất: những người ủng hộ Brexit có thái độ khác nhau đối với thương mại, chủng tộc, chi tiêu chính phủ và gần như tất cả mọi thứ khác.

Nhưng các học giả khác cảm thấy định nghĩa về hệ tư tưởng mỏng không thể nắm bắt được một số chiều kích. Jan-Werner Müller, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Princeton, nghĩ rằng các nhà dân túy được xác định bởi tuyên bố của họ rằng chỉ có họ đại diện cho nhân dân, và rằng tất cả những nhóm khác là bất hợp pháp. Ngoài ra, còn có những khác biệt quan trọng trong nội hàm, chẳng hạn như sự khác biệt giữa các nhóm bao trùm và phân biệt. Chủ nghĩa dân túy phân biệt (exclusive populism) tập trung vào việc loại trừ các nhóm bị kỳ thị (những người tị nạn, người di gan…), và thường phổ biến hơn ở châu Âu. Còn chủ nghĩa dân túy bao trùm (inclusive populism) yêu cầu rằng chính trị phải được mở rộng cho các nhóm bị kỳ thị (người nghèo, các nhóm thiểu số…), và phổ biến hơn ở châu Mỹ Latinh.

Ông Mudde lập luận rằng trong khi hầu hết các tác giả đều ghét chủ nghĩa dân túy, mặt tích cực của nó là ở chỗ nó buộc giới tinh hoa phải thảo luận về các vấn đề mà họ muốn bỏ qua. Nhưng niềm tin của chủ nghĩa dân túy rằng người dân luôn luôn đúng thì lại là tin xấu đối với hai yếu tố của nền dân chủ tự do: quyền của các nhóm thiểu số và nguyên tắc pháp quyền.

Posted on 04/01/2017 by HongLoan


Nguồn: “What is populism?“, The Economist, 19/12/2016

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

What is populism?

DONALD TRUMP, the populist American president-elect, wants to deport undocumented immigrants. Podemos, the populist Spanish party, wants to give immigrants voting rights. Geert Wilders, the populist Dutch politician, wants to eliminate hate-speech laws. Jaroslaw Kaczynski, the populist Polish politician, pushed for a law making it illegal to use the phrase “Polish death camps”. Evo Morales, Bolivia’s populist president, has expanded indigenous farmers’ rights to grow coca. Rodrigo Duterte, the Philippines’ populist president, has ordered his police to execute suspected drug dealers. Populists may be militarists, pacifists, admirers of Che Guevara or of Ayn Rand; they may be tree-hugging pipeline opponents or drill-baby-drill climate-change deniers. What makes them all “populists”, and does the word actually mean anything?

Widespread use of the term “populism” dates to the 1890s, when America’s Populist movement pitted rural populations and the Democratic Party against the more urban Republicans. (It was also used to refer to Russia’s 19th-century narodnichestvo movement, which largely comprised self-hating intellectuals with a crush on the peasantry.) In the 1950s academics and journalists began applying it more broadly to describe everything from fascist and communist movements in Europe to America’s anti-communist McCarthyites and Argentina’s Peronistas. As Benjamin Moffitt explains in his book “The Global Rise of Populism”, a conference at the London School of Economics in 1967 agreed that the term, while useful, was too mushy to be tied down to a single description. Some scholars linked it to frustration over declines in status or welfare, some to nationalist nostalgia. Others saw it as more of a political strategy in which a charismatic leader appeals to the masses while sweeping aside institutions (though not all populist movements have such a leader). Despite its fuzziness, the term’s use has grown.

In 2004 Cas Mudde, a political scientist at the University of Georgia, offered a definition that has become increasingly influential. In his view populism is a “thin ideology”, one that merely sets up a framework: that of a pure people versus a corrupt elite. (He contrasts it with pluralism, which accepts the legitimacy of many different groups.) This thin ideology can be attached to all sorts of “thick” ideologies with more moving parts, such as socialism, nationalism, anti-imperialism or racism, in order to explain the world and justify specific agendas. Poland’s Mr Kaczynski, a religious-nationalist populist, pushes for a Catholic takeover of his country’s institutions from elite secular liberals. The Dutch Mr Wilders, a secular-nationalist populist, demands a crackdown on Islam (in defence of gay rights) and reviles the multicultural elite. Spain’s Podemos, an anarchist-socialist populist party, pushes to seize vacant buildings owned by banks and distribute them to the poor, and attacks “la casta” (the elite caste).

This “thin ideology” definition of populism seems apt in Britain, where Brexiteers denounce experts, refer to themselves as “the people” and boast of having “smashed the elite”. Indeed, Brexit seems to lack a unified “thick ideology”: Brexiteers have different attitudes to trade, race, government spending and almost everything else. But other scholars feel that the thin-ideology definition fails to capture some dimensions. Jan-Werner Müller, a political scientist at Princeton University, thinks populists are defined by their claim that they alone represent the people, and that all others are illegitimate. And there are important distinctions within the category, such as that between inclusive and exclusive varieties. Exclusive populism focuses on shutting out stigmatised groups (refugees, Roma), and is more common in Europe. Inclusive populism demands that politics be opened up to stigmatised groups (the poor, minorities), and is more common in Latin America. Mr Mudde argues that while most writers deplore populism, its upside lies in forcing elites to discuss issues they prefer to ignore. But populism’s belief that the people are always right is bad news for two elements of liberal democracy: the rights of minorities and the rule of law.

No comments:

Post a Comment