Saturday, December 28, 2019

Võ Thanh Minh - Con ngựa hoang dã

Trưởng Võ Thành Minh - Trưởng Tôn Thất Đông và anh em Hướng Đạo Huế - 1964


Thử tìm hiểu về Võ Thanh Minh - Con ngựa hoang núi Hồng Lĩnh
                                                                                    
Gia phả nhà ông ghi: Tên ông là Võ Thanh Minh, sinh năm 1906 tại xã Tràng Thành, nay là xã Hoa Thành tỉnh Nghệ An. Năm 1937, trong một đêm lửa trại ở một cơ sở của Hội hướng đạo sinh Đông Dương, trên ngọn núi Bạch Mã ở gần kinh thành Huế, Võ Thanh Minh cùng với Hoàng Đạo Thuý, Tạ Quang Bửu và một số tướng lĩnh, trí thức được suy tôn là Tổng uỷ viên Hướng đạo sinh Đông Dương. Theo quy định của Hội hướng đạo, mỗi hội viên tự đặt cho mình một cái tên riêng- Võ Thanh Minh lấy tên là Hồng Sơn Dã Mã, Hoàng Đạo Thuý là Hổ Sứt, Tạ Quang Bửu là Chồn Pen- nen… Từ đó, Võ Thanh Minh thường dùng bút danh Dã Mã ( ngựa hoang) trong các bài viết của mình. Và như định mệnh, bút danh Dã Mã gắn với cuộc đời lang thang, chìm nổi của một con người lắm tài, nhiều tật, người khen thì cho rằng ông là một nhân vật huyền thoại, người chê thì cho là một người cuồng chữ, vô chính phủ, ngông nghênh, gàn…

Tôi còn nhớ, năm 1978, trong một hội nghị xác minh các tư lệu, nhân vật lịch sử ở Yên Thành, khi thảo luận về mục Cách mạng Thánh Tám ở Yên Thành, có sự kiện Võ Thanh Minh ủng hộ Việt Minh 5 tạ gạo để cứu đói cho dân, lại có việc Việt Minh Yên Thành bắt giam Võ Thanh Minh ngay sau khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện hai ngày với tội danh nói năng ngang tàng, luận điệu tuyên truyền phản động. Rồi chuyện Võ Thanh Minh trốn thoát, được một số cán bộ việt Minh bảo lãnh, chuyện ông tự ứng cử đại biểu Quốc Hội khoá I. Rồi nữa, chuyện từ vùng tự do, năm 1947 Võ Thanh Minh vào Huế rồi sang Pháp, sang Thuỵ sĩ. Năm 1954, khi Hội nghị Giơ-ne- vơ họp ở Thuỵ Sĩ, Võ Thnh Minh dựng lều ngồi thổi sáo phản đối hội nghị, phản đối chia cắt đất nước… Toàn là chuyện động trời. Cũng tại hội nghị xác minh lịch sử huyện, có vị cán bộ đọc bài văn tế sống Võ Thanh Minh. Bài văn tế có đoạn:

“ Miệng Tô Tần tán ngọt, trăm kẻ đều ghê. Mắt Tào Tháo liếc ngang trăm thành phải đổ. Nhà thanh khiết không cần lao cũng chán, miệng thừa gia đã đến phút lòn xu. Chân bạch đinh không sắc phẩm mà ngoan, phường kế thế lại chuyên nghề lèn ó.

Dở đời, dở đạo, niêu mang gói cuốn chạy khắp Bắc Nam.

Pha ông, pha thằng ngựa xuống xe lên tung loè làng họ.

Lắm kẻ tối mắt toan lăm le cắp tráp theo thầy.

Nhiều đứa to đầu toan hăm hở nô đùa cùng chú.

Huyệt Long Đàm, dao tráng sí đội lốt Phù tangHang Thiên tạo, chùa Tỳ lu mịt màu trăng gió.

Đường nghìn dặm mô tê bay phần phật,

Khi kề vế chung xe, bà phán cùng nhuần ơn vũ lộ…”

Cuối cùng, ý kiến kết luận của hội nghị là về nhân vật Võ Thanh Minh, vừa có công, vừa có tội, còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa đủ tài liệu để xác minh, chưa xem là nhân vật lịch sử, chưa đưa vào quyển thông sử của huyện. Lúc ấy, với tư cách là chủ biên cuốn lịch sử Yên Thành tập 1, tôi không nêu tên Võ Thanh Minh vào cuốn lịch sử Yên Thành, chỉ ghi là sắp đến ngày khởi nghĩa, có người ủng hộ Việt Minh 5 tạ gạo. Thế nhưng con người này cứ ám ảnh tôi mãi. Sau hơn 20 năm đổi mới, các tư liệu về Võ Thanh Minh được tập hợp đầy đủ hơn, cách nhìn về các sự kiện cởi mở hơn, nên thử tìm hiểu về Võ Thanh Minh trên góc độ một tác giả văn học quê Yên Thành Nghệ An, để hiểu thêm một hiện tượng một con người “độc hành kì đạo”, thoắt ẩn, thoắt hiện, “làm xiếc trước lịch sử”…

Điều dễ thống nhất về Võ Thanh Minh được nhiều người thừa nhận- ông là người có tài, cả văn cả võ. Về văn, ông là tác giả tập thơ “Những tiếng thương tâm”, xuất bản tại Huế đầu năm 1948. Tập thơ in với số lượng không nhiều nhưng là tiếng kêu thương của một tâm hồn nhạy cảm trước nỗi khổ của đồng bào và có tiếng vang nhất định ở vùng tạm chiếm thời đó. Riêng tiền bán sách đủ để tác giả mua vé máy bay sang Pháp. Ông là con nhà nghèo, là con trai đầu của một gia đình có 4 người, ông chỉ học chữ Hán, chữ quốc ngữ ở quê rồi vào Huế vừa làm, vừa tự học, trở thành giáo viên dạy Văn học triết học Phương Đông ở trường Nguyễn Công Trứ, Vinh. Trường Quốc học Huế và một số trường ở Châu Âu…Về võ , Võ Thanh Minh là người ham thích thể dục, thể thao, tự học võ dân tộc, võ tàu, võ Ấn, lúc cần ông dạy võ để kiếm sống. Ông đã từng là vận động viên tham dự 2 cuộc đua xe đạp vòng quanh Đông Dương năm 1937, năm 1943 và đạt giải cao.

Ông còn là nhà giáo ngoại ngữ: tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc… ông đều sử dụng thành thạo; viết báo, làm thơ bằng nhiều thứ tiếng. Bạn bầu ông ở trong và ngoài nước còn giữ lại nhiều tác phẩm báo chí, văn học của ông. Trong tủ sách của con cháu ở Hoa Thành, ở Hà Nội, ở Đà Nẵng còn giữ lại một số tác phẩm bằng tiếng Pháp, Anh, Hoa.

Võ Thanh Minh được nhắc đến nhiều là những hành động bênh vực người yếu, giúp đỡ người nghèo. Nhân dân vùng Yên Thành còn truyền khẩu nhiều câu chuyện trong những năm trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mỗi khi ông ở nhà, lúc bọn lính Tây về quấy nhiễu ở chợ Dinh, ở Kẻ Gám… ông đến tận nơi, dùng vốn tiếng Pháp của mình bênh vực nhân dân. đối với những người nghèo gặp đói kém hoạn nạn, ông thường giúp đỡ tiền. Ông và hội hướng đạo của ông coi đây là mục đích hoạt động: Vận động những nhà phú hữu ủng hộ, làm từ thiện cho người nghèo. Nhưng cách ủng hộ có khi công khai, có khi đang đêm cho người đem gạo, tiền đến cho người nghèo, không cần người được nhận biết rằng ai đã cho mình tiền, gạo.

Điều còn nhiều ý kiến trái ngược nhau là nhân cách, đức độ của Võ Thanh Minh. Võ Thanh Minh không tôn thờ một tôn giáo, đảng phái chính trị nào. Ông chỉ sinh hoạt trong tổ chức Hướng đạo sinh, tổ chức này có nguồn gốc từ Anh, có mạng lưới ở nhiều nước trên thế giới. Bản thân ông là Tổng uỷ viên Hội hướng đạo sinh Đông Dương từ năm 1937 đến năm 1945, trực tiếp làm thủ lĩnh Hội hướng đạo sinh miền Trung từ khi thành lập đến năm 1943, sau ông là ông Tạ Quang Bửu. Cách mạng Thánh Tám thành công, tổ chức Hướng đạo sinh tan rã, phần lớn những thanh niên, trí thức Hội Hướng đạo đều đi theo cách mạng, qui tụ dưới ngọn cờ đại nghĩa của lãnh tụ Hồ Chí Minh như Lưu Hữu Phước, Tôn Thất Tùng, Trần Duy Hưng, Hoàng Đình Cầu, Phan Đăng Tài... Thì đáng tiếc là, Võ Thanh Minh không tán thành và không hợp tác với chính phủ kháng chiến, không tin vào thành công của cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta. Sau cách mạng Thánh Tám 1945, ông làm giáo viên trường Nguyễn Công Trứ ở Hoa Thành. Bấy giờ trường Nguyễn Công Trứ chuyển về đây. Ông có tự ứng cử Quốc hội khoá I năm 1946 nhưng không trúng cử. Khoá này làng Tràng Thành có 2 người ứng cử, nhưng chỉ có ông Chu Văn Biên trúng cử. Cuối năm 1947, Võ Thanh Minh rời Nghệ An vào vùng tạm chiếm ở Huế. Vào đây, ông không theo người Pháp, cũng không hợp tác với chính quyền Bảo Đại mà xin tá túc ở ngôi nhà Bến Ngự của cụ Phan Bội Châu, tập trung sáng tác thơ văn. Tập thơ “Những tiếng thương tâm” ra đời trong thời gian này.

 Ông tự nhận mình là người yêu nước, thơ văn của ông kêu gọi hoà bình, thống nhất nhưng làm thế nào để có hoà bình thống nhất thực sự thì ông không biết và cũng không theo ai. Năm 1948 ông sang Pháp rồi đi lang thang khắp Châu Âu, vừa kiếm sống vừa tuyên truyền tư tưởng “yêu nước” của riêng ông. Ông tìm đến các bãi thải xe ô tô cũ của người Pháp, lượm lặt chắp vá thành một cái ô tô “đầu ngô mình sở” vừa làm nhà vừa làm phương tiện đi lại, làm đủ mọi nghề kiếm sống và chu du khắp Châu Âu.

Năm 1954, ông dựng lều, ngồi thổi sáo bên bờ hồ Le man, Giơ- ne –vơ phản đối “chia cắt đất nước”, đòi thống nhất, hoà bình. Tại hội nghị Giơ- ne - vơ, có 3 người vốn là yếu nhân của Hội hướng đạo sinh Đông Dương nhưng đi theo 3 con đường khác nhau: Tạ Quang Bửu, Phó đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà- Thứ trưởng Bộ quốc phòng (Trưởng đoàn là Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng). Cung Giữ Nguyên, đại diện cho chính phủ của cựu hoàng Bảo Đại, và Võ Thanh Minh, tự xưng là con cháu Lạc Hồng, tự biểu tình,  chống “ chiến tranh” đòi thống nhất quốc gia.

Sau hiệp định giơ- ne- vơ 1945, Võ Thanh Minh có đến một số nước Châu Âu. Có lần ông sang Mỹ với ý định tìm đến trụ sở Liên Hiệp Quốc để gửi đơn đòi hoà bình cho Việt Nam nhưng vì không có giấy tờ, bị trục xuất khỏi nước Mỹ.

Năm 1960, Võ Thanh Minh viết thư cho chính phủ 2 miền Nam Bắc xin về nước và được Bộ Ngoại Giao 2 miền chấp thuận nhưng rồi ông về miền Nam- về cố đô Huế. Ở Huế, Võ Thanh Minh viết đơn xin chính quyền Sài Gòn cho đóng một con bè ở bờ sông Bến Hải- Cửa Tùng, xin làm người đưa thư cho đồng bào 2 miền Nam Bắc, và nếu có chết thì chết giữa dòng Bến Hải. Ý tưởng và kiến nghị của Võ Thanh Minh chẳng những không được chính quyền Sài Gòn chấp nhận mà còn nghi ngờ Võ Thanh Minh thân Việt Cộng, theo Việt Cộng. Võ Thanh Minh bị bắt giam ở Tây Nguyên, ở miền Tây Quảng Trị đến 6 lần. Có lần ông làm thơ nói lên ước muốn  “ở với cây” của mình.

“ Duyên nợ chi chi với chốn này

Vừa ra khỏi đó lại vào đây

Bốn tường vôi chấn trông mòn mắt

Một tấm còng đeo chịu bó tay

Tư tưởng ông Lê đâu có biết

 Tài nghề Cụ Xích cũng không hay (1)

Phen này nếu được tha ra nữa

Ta quyết lên rừng ở với cây”(2)

 Thời gian về nước, trừ những lúc bị giam giữ, Võ Thanh Minh lại trở về ngôi nhà cụ Phan Bội Châu dọn dẹp, thắp hương, chăm sóc phần mộ cụ Phan.

Năm 1968, trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân, Võ Thanh Minh cùng một nhóm người tâm phúc của ông “xông ra giữa hai làn đạn”. Con người ngang tàng, mơ mộng ấy ra đi đêm mồng 10 tháng 2 âm lịch, để lại tập thơ “Những tiếng thương tâm”. Tại nhà thờ họ Võ ở Hoa Thành còn lưu lại tấm hình, bản trích của ông “Kính tặng gia quyến” và đôi câu đối:

 Sơn hà đổi vận, tài tuy kém

Danh lợi ngoài vòng, chí tự cao

Và lời di huấn nhắc con cháu đặt tên lót theo 16 chữ

 Thanh cao lập chí

Đại Tráng Thành Công

Nhất Gia Hướng Đạo

Vạn Tuế Đại Đồng…

Có người cho là Võ Thanh Minh học theo cách làm của vua Tự Đức, nhưng cũng có người cho là mấy câu này tóm tắt ý tưởng hồn nhiên của một “con ngựa hoang núi Hồng Lĩnh”.

Chú thích

(1)   Bài văn tế sống Võ Thanh Minh được phổ biến ở Yên Thành vào những năm 1956- 1947. Chưa rõ ai là tác giả- Rút trong tập hồi kí cách mạng nhà báo Ngô Đức Hùng.

(2)   Bài thơ “Ở với cây” của Võ Thanh Minh do ông Võ Thanh Khiết (đã mất) - em ruột Võ Thanh Minh chép lại trong tập gia phả họ Võ ở Hoa Thành.

(3)   Ông Lê, Ông Xích ở đây là ông Lê nin và cụ Stalin.

(4)   Võ Thanh Minh có một người con gái tên là Võ Thanh Tú, hiện sống tại Hà Nội.


Ngô Đức Tiến
Thứ tư, 18 Tháng 11 2009 05:11

http://www.vanhoanghean.com.vn/dat-va-nguoi-xu-nghe6/nguoi-xu-nghe43/vo-thanh-minh-con-ngua-hoang-da

No comments:

Post a Comment