Sunday, April 24, 2022

Đệ Nhị Cộng Hòa là gì?


Ông Nguyễn Văn Thiệu là tổng thống của nền Đệ Nhị Cộng Hòa của Việt Nam Cộng Hòa. Đệ Nhị Cộng Hòa là thời ông Thiệu làm tổng thống. Còn Đệ Nhất Cộng Hòa là thời ông Diệm làm tổng thống. Vì sao gọi là Đệ Nhị Cộng Hòa?

Mỗi lần có sự thay đổi lớn lao về hiến pháp thì người ta xem như là thiết lập lại một nền cộng hòa mới.

Sau khi ông Diệm bị lật đổ thì những người cầm quyền về sau thấy hiến pháp thời ông Diện giành cho tổng thống nhiều quyền nên muốn soạn lại hiến pháp để cho dân chủ hơn. Làm hiến pháp mới có nghĩa là thiết lập một nền cộng hòa mới. Việt Nam Cộng Hòa đã soạn ra hiến pháp hai lần nên có Đệ Nhất Cộng Hòa và Đệ Nhị Cộng Hòa. Ở Pháp có nền Đệ Ngũ Cộng Hòa tức là người Pháp đã soạn ra hiến pháp năm lần. Hàn Quốc thì đã soạn hiến pháp sáu lần nền chế độ cộng hòa ngày nay tại Hàn Quốc là Đệ Lục Cộng Hòa.

Cộng việc soạn lại hiến pháp bắt đầu bằng việc lập ra Quốc Hội Lập Hiến, tức quốc hội làm ra Hiến Pháp. Quốc hội này khác với Quốc Hội Lập Pháp là quốc hội làm ra pháp luật. Đầu tiên là bầu các dân biểu vào quốc hội Quốc Hội Lập Hiến để quốc hội làm ra hiến pháp có đủ mọi thành phần người dân đại diện trong đó. Sau đó Quốc Hội Lập Hiến sẽ làm ra hiến pháp. Sau khi có hiến pháp mới thì Quốc Hội Lập Hiến sẽ được giải tán vì không còn cần đến nữa.

Sau khi có hiến pháp mới thì sẽ tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Pháp và bầu tổng thống. Cách thức tổ chức bầu cử, các chức vụ trong chính quyền thì được làm theo hiến pháp mới soạn ra.

Đệ Nhị Cộng Hòa khác với Đệ Nhất Cộng Hòa ở chỗ quốc hội của Đệ Nhị Cộng Hòa có hai viện là Thượng Nghị Viện và Hạ Nghị Viện. Hạ Nghị Viện là bầu dân biểu theo khu vực bầu cử nhỏ để bầu lên người dân biểu nắm rõ nguyện vọng người dân trong khu vực của mình. Thượng Nghị Viện thì bầu lên nghị sĩ theo qui mô toàn quốc. Bầu theo qui mô toàn quốc để các nghị sĩ trong Thượng Nghị Viện có tầm nhìn ở cỡ quốc gia, trong khi ở Hạ Nghị Viện thì các dân biểu có tầm nhìn ở trong khu vực bầu cử của mình mà thôi. Khi làm luật thì các đạo luật phải được thông qua ở cả Hạ Nghị Viện lẫn Thượng Nghị Viện, nghĩa là đạo luật đó phải được xét theo cách nhìn lợi ích của các địa phương và xét theo cách nhìn theo lợi ích của toàn quốc gia.

Đệ Nhị Cộng Hòa cũng khác với Đệ Nhất Cộng Hòa ở chỗ Đệ Nhị Cộng Hòa vừa có tổng thống, vừa có thủ tướng trong khi Đệ Nhất Cộng Hòa chỉ có tổng thống mà thôi. Cách tổ chức vừa có tổng thống vừa có thủ tướng là để tổng thống có thì giờ suy nghĩ về đường lối, chiến lược tổng quát còn thủ tướng thì bận lo việc thực hiện các đường lối mà tổng thống vạch ra.

Sau khi ông Thiệu hết nhiệm kỳ đi xuống, tổng thống mới lên thì vẫn là Đệ Nhị Cộng Hòa chứ nền cộng hòa không gắn liền với một ông tổng thống. Chỉ khi nào phải soạn lại hiến pháp với nhiều thay đổi thì mới lập ra một nền cộng hòa mới.

Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cũng đã từng soạn lại hiến pháp nhiều lần nhưng không theo cách gọi đệ nhất, đệ nhị cộng hòa mỗi lần hiến pháp thay đổi như cách của Việt Nam Cộng Hòa.

Minh Đức

2022.04.24

No comments:

Post a Comment