Tin nghệ sĩ Thành Được qua đời tại tư gia ở San Jose hôm 16 tháng 11 năm 2023, hưởng đại thọ 90 tuổi được lan truyền rộng rãi và nhanh chóng trên báo chí cũng như ở các trang mạng xã hội. Khán giả mến mộ sân khấu cải lương từ thế kỷ trước cho đến bây giờ, hầu như ai nấy cũng biết đến tên tuổi người nghệ sĩ tài danh này cùng với cuộc đời vinh hoa trong nghề nghiệp cũng như ở chốn tình trường.
Với năng khiếu bẩm sinh và lòng đam mê nghệ thuật cải lương từ tuổi nhỏ, Thành Được dấn thân vào nghề này từ một gánh hát tỉnh lẻ của người cậu ruột. Ít lâu sau, Thành Được rực sáng trên sân khấu đoàn ca kịch Thúy Nga với vai tuồng Tô Điền Sơn trong vở hát “Khi hoa anh đào nở” của hai soạn giả Hà Triều và Hoa Phượng. Là đứa con cưng của Tổ nghiệp, với gương mặt điển trai, vóc dáng sáng sủa, lối diễn xuất tự nhiên và làn hơi mùi mẫn dễ làm say đắm lòng người, nghệ sĩ Thành Được đi từ thành công này đến vinh quang khác trong thời gian ngắn ngủi. Thành Được gia nhập gánh hát Kim Chưởng hợp cùng nghệ sĩ Út Bạch Lan đã tạo nên tiếng tăm và làm nên thương hiệu “anh hùng lưu diễn” cho bảng hiệu này. Duyên sân khấu đã tạo nên lương duyên chồng vợ để rồi cái đám cưới rỡ ràng có mặt đằng trai, đằng gái, chủ hôn hai họ là hai nghệ sĩ tiền bối Phùng Há và Kim Chưởng cùng với hôn thơ, giá thú hợp lệ. Tiệc cưới được tổ chức long trọng, hầu hết các ký giả kịch trường, soạn giả và nghệ sĩ tài danh đều được mời tham dự. Câu chuyện tình đẹp đẽ này được báo giới đi sâu hơn, xa hơn và hết lời tán tụng. Nhưng tiếc thay, hôn nhân không giống như ái tình nên cả hai chia tay sau đó không lâu. Sầu nữ Út Bạch Lan âm thầm nhận nuôi các con riêng của chồng và Thành Được tiếp tục phiêu lưu trên con đường tình ái. Ở gánh hát Thanh Minh Thanh Nga, cuộc gặp gỡ như tiền định giữa “ông vua không ngai” và “nữ hoàng sân khấu” đã viết lên những trang tình sử diễm lệ nhưng rồi cũng chóng tan tành theo bọt nước.
Mỹ Châu và Thành Được |
Năm 1974, trên sân khấu đoàn Tiếng Hát Dân Tộc, nghệ sĩ Thành Được tái ngộ sầu nữ trong vở hát “Tỉnh giấc liêu trai” được soạn giả Nhị Kiều “đo ni đóng giày” cho hai vai chánh. Một lần nữa, cả hai đã khiến cho khán giả ngồi dưới khán phòng rưng rưng ngấn lệ, như ngày nào Tùng và Hương thổn thức trong vở tuồng “Nửa đời hương phấn”. Cũng trên sân khấu này, Thành Được bồi hồi gặp lại nghệ sĩ Thanh Nga trong hai soạn phẩm “Bóng người yêu cũ” của Ngọc Điệp và “Mạnh Lệ Quân” của soạn giả Nhị Kiều, Nguyễn Đạt và Thế Châu (Kiều Đạt Châu). Khán giả vỗ tay từng hồi khi đôi “tiên đồng ngọc nữ” xuất hiện trên sân khấu và trổ tài diễn, ca mãn nhãn.
Lần tái hợp sau cùng của đôi nghệ sĩ này nhân dịp giỗ tổ của giới nghệ sĩ cải lương năm 1974 tại rạp Quốc Thanh. Phần nồng cốt của chương trình là hai màn chót của vở tuồng “Tiếng hạc trong trăng” của hai soạn giả Yên Ba và Loan Thảo, chấp bút Hoa Phượng. Nghệ sĩ Thanh Nga vẫn đẹp muôn thuở với nét ca diễn đằm thắm và gương mặt buồn thương. Chị thật xứng đáng với danh hiệu “nữ hoàng sân khấu” mà báo giới đã ban tặng. Những lời thoại, lời ca giữa Xuyên Lan, đứa con gái mù lòa mà Thần Y đã nhặt về nuôi nấng bấy lâu và tướng cướp Thi Đằng mang nặng thâm tình phụ tử và đẹp tựa một bài thơ:
– Tiểu thơ đừng tìm hiểu sự hy sinh, cũng như một cành mai, đến độ trổ bông .. đừng, đừng ai quá bận lòng. Hỏi sao trên cành không còn lá điểm. Đó là tâm sự của bông mai khi chúng muốn chào đời!
– Đã đành là sự hy sinh có ý nghĩa riêng của nó, mà khi giải nghĩa rồi sẽ mất hết sự thanh cao!
Hay thật vui nhộn trong bài ca theo điệu Xang Xừ Líu:
– Tụi nó có hai ông ngoại, ông ngoại này khoét mắt của ông ngoại kia, cho má tôi thấy đường!
Hoặc bùi ngùi trong cách nói lối và vô vọng cổ thật mùi của nghệ sĩ Thành Được:
– Tôi không bước tới nữa đâu, tôi đã đứng lại đây rồi. Khoảng trống này thật chẳng mấy xa xôi mà thăm thẳm như trường thành vạn lý .. Đây là tấc lòng của kẻ sắp ra đi nên trân trọng có đôi lời gởi gắm, nếu người với Xuyên Lan đã có tình sâu nghĩa nặng thì tôi mong mỏi núi kia không phai màu ước hẹn, mỗi tuần trăng, trăng sẽ thắm hương .. thề !
Tiếng vỗ tay rền vang từ khán phòng sau câu vọng cổ ấy. Tưởng cũng nên nhắc lại, với vai diễn này nghệ sĩ Thành Được đã nhận được huy chương vàng giải Thanh Tâm dành cho nam diễn viên xuất sắc nhất trong năm 1966.
Chiến cuộc chao đảo, nghệ sĩ Thành Được chọn cuộc đời xa xứ ở Tây-Đức, rồi ở Pháp và dừng chân phiêu lưu trên đất Mỹ. Ở nơi chốn xa xôi, thỉnh thoảng Thành Được vẫn góp mặt trong những chương trình sân khấu cải lương, hát cho đỡ nhớ nghề chứ không thể nào sống lại được một thuở vàng son như lúc còn ca hát ở quê nhà. Thời gian khiến cho vật đổi sao dời và người nghệ sĩ tài danh năm xưa bước dần vào tuổi xế chiều với căn bệnh đãng trí quái ác (Alzheimer). Đèn cạn dầu leo lét rồi cũng lịm tắt giữa muôn vàn tiếc thương của hằng triệu người mộ điệu. Hợp rồi tan vốn dĩ đã định hình trong cuộc sống nên cuộc tiễn đưa dù bùi ngùi và bịn rịn đến mấy, ai nấy cũng chấp nhận khi nghiệp dĩ đã hết, nghiệp đời cũng trả xong và trả luôn những vinh hoa của một đời gạo chợ nước sông.
Tám Vạn
2023.11.18
Khanh Tuan
https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/nghe-si-thanh-duoc-nguoi-ve-long-giu-sach-vinh-hoa/?utm_source=rss&utm_medium=rss&utm_campaign=nghe-si-thanh-duoc-nguoi-ve-long-giu-sach-vinh-hoa
No comments:
Post a Comment