Saturday, December 2, 2023

Ông Quan Thanh Bạch


Dương Chấn được bổ đi làm thái thú quận Đông Lai. Lúc đi phó nhậm, qua đất Xương Ấp, quan huyện ở đấy là Vương Mật, trước được nhờ ông đề bạt cho, vào yến kiến. Rồi đợi đêm khuya, đem vàng đến lễ.

 



Dương Chấn bảo: “Trước tôi biết ông là người khá, mới cử ông lên, thế mà ông vẫn chưa biết bụng tôi, còn đem vàng tới cho tôi ư.”

Vương Mật cố nài, thưa rằng: “Xin ngài cứ nhận cho, bây giờ đêm khuya không ai biết.”

Dương Chấn nói: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại bảo là không ai biết.”


Vương Mật nghe nói, xấu hổ, lùi ra.

(Hậu Hán Thư)

Lời bàn:

Dương Chấn thật là một ông quan thanh liêm, chỉ chăm việc dân, việc nước không tham nhũng, không làm giàu cho mình, ông thường nói: “Làm quan mà để được cái tiếng thanh bạch cho con cháu, chẳng quý hơn tiền của ruộng nương lại cho chúng ư?”

Làm quan như ông Dương Chấn, đối với người mình đã đề bạt, không cần ơn, đối với người dân, mình cai trị không ăn lễ, lúc đêm khuya, tấm lòng cũng rõ rệt như lúc thanh thiên bạch nhật, cũng là một ông quan thanh liêm, làm gương cho bọn quan gian tham, lại nhũng muôn đời ư!

Làm quan mà vơ vét cho nhiều, chính mình có chắc đâu sẽ giữ được, huống chi còn mong để lại cho con cháu. Như thì để lại cho chúng cái tiếng thanh bạch, thơm tho muôn thuở, chả hơn là cái của phi nghĩa, chỉ tổ làm cho chúng kiêu sa, dâm dật, rồi đi đến bại vong ư.

Trích Cổ Học Tinh Hoa

Tác giả: Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc

Bình Luận

 
Thời xưa dùng Nho Giáo để dạy mọi người sống đạo đức. Người ra làm quan ở xa không có ai giám sát thì làm theo lương tâm của mình. Người đã được dạy là làm quan phải liêm khiết thì tuân theo vì cho đó là điều phải. Nếu vi phạm điều mà mình cho là điều phải thì tự thấy xấu hổ, trong lòng thấy áy náy, không yên. Vì thế có người nói "Người quân tử không sợ người bằng sợ mình". Sợ mình là mình tự lên án mình đã không thể sống theo điều đạo đức mà mình đã được dạy, cảm thấy hổ thẹn.

Nho Giáo đem áp dụng lâu dài thì sinh ra lòng tin trong dân chúng về các điều đạo đức. Ông quan nào tham nhũng thì sẽ bị dư luận chê cười, khinh bỉ. Làm điều gian có thể làm lén cấp trên để tránh bị hình phạt nhưng không thể tránh được người dân phê phán, khinh thường. Vì thế người làm quan ở chỗ không ai biết mình làm bậy cũng không dám làm vì sợ nếu sau này có ai biết đến thì mình mang tiếng xấu muôn đời, con cháu xấu hổ vì ông cha mình là người xấu. 

Chế độ Nho Giáo muốn từ vua quan đến dân ai cũng không ham lợi, sống thanh bạch. Nhưng các nước Tây Phương vì để cho lòng ham lợi được thỏa mãn mà nhiều người đi đó đi đây buôn bán làm giàu cho đất nước. Có tiền bạc thì các nước này có khí giới, tàu bè để đi đánh chiếm nguồn lợi của các nước khác. Còn các nước Nho Giáo đề cao lòng thanh bạch thì chỉ sống nhờ nông nghiệp, không thể nào giàu có và hùng mạnh như các nước Tây Phương. 

Người Nhật thấy các nước Tây Phương hùng mạnh nhờ kinh doanh, buôn bán nên khi canh tân, họ sửa lại sự giáo dục, không khinh miệt tầng lớp buôn bán nữa. Theo Nho Giáo thì đặt ra bốn hạng dân là Sĩ, Nông, Công, Thương. Thương bị đặt xuống thấp nhất vì Thương, là buôn bán, chỉ lo cho lợi ích của bản thân. Còn Sĩ được đặt lên cao nhất vì Sĩ được giáo dục là phải làm vì điều Nghĩa, là điều có lợi cho toàn thể xã hội, quốc gia. Tuy không còn khinh miệt giới Thương nhưng những người cầm quyền vẫn phải theo đạo đức của giới Sĩ, nghĩa là sống thanh bạch, không làm vì lợi, xem trọng Cần Kiệm, Liêm Chính, Chí Công, Vô Tư. Người dân thì được làm theo lợi, tha hồ buôn bán làm giàu, miễn là trong vòng luật pháp cho phép. Còn người cầm quyền thì không chạy theo tiền bạc mà làm theo điều ích lợi chung, giữ gìn luật pháp. Người cầm quyền có liêm khiết, không bị tiền bạc mua chuộc thì mới có thể dùng luật pháp mà kiềm chế những người dân chạy theo lòng tham lợi, kinh doanh, buôn bán.


No comments:

Post a Comment