Friday, March 30, 2012

Độc tài CS có phải là do ảnh hưởng Nho Giáo

Tượng Khổng Tử bên Trung Quốc

Ngày nay, có một số người phát biểu rằng chế độ độc tài cộng sản là do ảnh hưởng của Nho Giáo vì Nho Giáo chủ trương dân phải phục tùng nhà vua, vì Nho Giáo là một hệ tư tưởng áp bức.

Chế độ độc tài cộng Sản có phải thực sự do ảnh hưởng của Nho Giáo?


Chế độ toàn trị

Chế độ độc tài đáng được gọi là độc tài toàn trị, nghĩa là chính quyền bao trùm sự kiểm soát mọi mặt của xã hội, đến mọi công dân trong lịch sử Trung Hoa là chế độ nhà Tần thời Chiến Quốc. Mà chế độ nhà Tần thì không theo tư tưởng Nho Giáo mà theo các biện pháp cai trị của nhiều chính trị gia vào thời đó, trải qua nhiều thế hệ, tất cả được xếp vào phái Pháp Gia. Nghĩa là dùng Pháp để cai trị. Chữ Pháp ở đây có nghĩa là cách tổ chức chính quyền và các Pháp gia đưa ra các sáng kiến để cai trị hữu hiệu hơn.

Thương Ưởng, làm tướng quốc (tương đương với thủ tướng) thiết lập chế độ độc tài toàn trị cho nhà Tần, không phải là một nhà Nho

Chính dưới chế độ nhà Tần, sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, tư tưởng Nho Giáo của Khổng Tử bị cấm cùng với rất nhiều tư tưởng của những nhà tư tưởng khác như Lão Tử, Trang Tử, Mặc Tử, Dương Tử… Nho Giáo bị cấm dưới chế độ của nhà Tần thì sự độc tài của nhà Tần không phải là do nhà vua và các quan cai trị đọc sách Nho Giáo mà dựng nên chế độ nhà Tần.

Trước khi nước Tần gồm thâu Trung Quốc thì Nho Giáo không có đất sống tại nước Tần vì chế độ nhà Tần không cho phép Nho sĩ được tồn tại. Sau khi nước Tần chiếm toàn thế Trung Quốc thì tại các vùng có ảnh hưởng của Nho Giáo mạnh như nước Lỗ xưa kia, các Nho sĩ không muốn đốt sách của Khổng Tử theo lệnh triều đình phải dấu sách đi, có người dấu vào trong vách đất rồi trét đất ra ngoài lấp đi. Theo cuốn Sử Kỷ của sử gia Tư Mã Thiên thì ông ta nghe người ta kể rằng sau khi nhà Tần thống nhất toàn cõi Trung Hoa, khi đi qua vùng nước Lỗ cũ, nơi quê hương của Khổng Tử, vẫn nghe tiếng hát của các Nho sĩ hát khi họ hội họp với nhau. Nho Giáo dạy dân Thi, Thư, Lễ, Nhạc nên các nho sĩ ngoài việc đọc sách Khổng Tử còn học Nhạc, học ca hát. Như thế có nghĩa là dù triều đình cấm nhưng các Nho Sĩ vẫn lén lút truyền bá tư tưởng Khổng Tử, lén lút sinh hoạt với nhau. Giống như dưới thời chế độ Cộng Sản, người dân lén nghe nhạc vàng, hát nhạc vàng.

Nhiều Nho sĩ bị giết dưới thời nhà Tần vì họ hay chỉ trích các điều luật của triều đình. Nhà Tần cho rằng Nho Sĩ làm loạn văn, Hiệp Sĩ làm loạn pháp luật. Hiệp Sĩ thời đó là tiếng gọi loại người thích đánh nhau, đi ra ngoài đường giắt dao, giắt kiếm, gặp ai nghênh ngó thì thách thức đánh nhau . Hiệp Sĩ cũng có người tốt, giúp người yếu, cô thế . Hiệp Sĩ hay đánh nhau, giết người nên bị triều đình nhà Tần cho là làm loạn pháp luật. Còn Nho Sĩ thì hay bàn tán luật này của triều đình ra quá khe khắt, luật kia không hợp lý nên bị các Pháp Gia cho là làm loạn văn nghĩa là làm cho dân không còn tuyệt đối tin tưởng vào các lệnh, các chính sách của triều đình ban ra. Nếu Nho Giáo là nguồn gốc của sự độc tài thì Nho sĩ phải là những người ủng hộ các biện pháp độc tài chứ không phải là những người bị triều đình độc tài giết vì chỉ trích luật pháp khe khắt của người cầm quyền.

Như vậy chế độ quân chủ tại Trung Hoa nếu có ai cho là khắt khe thì đó là kết quả của cách cai trị phối hợp cả hay trường phái tư tưởng của Trung Hoa đó là Pháp gia và Nho Gia.

Đức Trị và giáo dục

Phương pháp chính yếu của Nho Giáo là giáo dục cho dân biết cách cư xử trong xã hội, cũng như với những người ra làm quan thì phải học cách làm việc ngay thẳng, lương thiện, giữ chữ tín với dân, làm việc vì lợi ích chung chứ không phải là chạy theo lợi danh.

Muốn cho người dân thực tâm noi theo cách cư xử mà Nho Giáo dạy thì chính người lãnh đạo, các quan phải làm gương. Muốn dân đừng gian tham thì vua quan cũng phải làm gương không gian ham . Muốn dân đừng gian dối thì vua quan cũng phải làm gương không ăn nói gian dối với dân.

Khổng Tử nói: “Xử kiện thì ta cũng có thể xử kiện được như ai, nhưng làm sao để mọi người đừng kiện tụng”. Như vậy việc dùng pháp luật để giải quyết sự tranh chấp giữa người dân với nhau và để ngăn cấm dân đừng chống lại chính quyền không phải là giải pháp ưu tiên của Nho Giáo mà Nho Giáo chủ trương giáo dục cho dân các cư xử tôn trọng lẫn nhau để đừng đi đến chỗ xích mích phải kiện tụng, giáo dục cho người cầm quyền đối xử với dân như thế nào để dân đừng bất mãn mà chống lại chính quyền.

Chủ trương của Nho Giáo đừng để cho kiện tụng khác với chủ trương của Pháp Gia là dùng pháp luật để cấm dân chống lại chính quyền và chính quyền có thể cưỡng bách dân, đặt dân vào cái thế không thể cưỡng lại chính quyền dù cho dân có không đồng ý với chính sách của chính quyền.

Tuy nhiên đường lối giáo dục và làm gương không bảo đảm mọi người đều không làm bậy nên chính quyền vẫn phải dùng đến pháp luật và hình phạt nghĩa là chính quyền áp dụng cả biện pháp của Nho Giáo lẫn của Pháp Gia. Ở đây, giáo dục là hàng rào trước tiên để ngăn ngừa người dân làm bậy và pháp luật là hàng rào thứ nhì với biện pháp mạnh hơn .

Tượng Nguyễn Trãi tại thành phố Québec, Canada

Chủ trương cai trị theo Nho Giáo có thể nhìn thấy qua câu chuyện Nguyễn Trãi can ngăn Lê Sát. Lúc Lê Sát chủ trương giết bảy tên trộm còn nhỏ tuổi thì Nguyễn Trãi nói rằng cai trị không nên dựa vào hình phạt nặng mà nên dùng nhân nghĩa cảm hóa người dân. Nguyễn Trãi thực hiện việc cảm hóa người dân bằng cách đặt ra Gia Huấn Ca (bài thơ dạy cách cư xử trong gia đình). Gia Huấn Ca là một bài văn vần, dạy người đàn bà trong gia đình cách cư xử ra sao, cách giáo dục con cái ra sao, dạy thanh niên nên đi theo con đường như thế nào… Nho Giáo cho rằng không dạy cho dân làm điều phải mà để cứ để cho họ làm bậy rồi trừng phạt như thế là không phải cách cai trị tốt.

Pháp Trị và các biện pháp cai trị

Trong văn minh Trung Hoa, Pháp Gia không chỉ bao gồm việc dùng luật pháp để cai trị mà bao gồm tất cả mọi biện pháp tổ chức chính quyền, đường lối chính sách của nhà nước. Chữ Pháp của Trung Hoa bao gồm toàn thể cách tổ chức chế độ chính trị chứ không phải chỉ thu hẹp vào nền tư pháp. Việc đặt ra nước thành quận, huyện để cai trị thay vì cắt đất phong hầu cho quí tộc là việc làm của phái Pháp Gia. Những đòi hỏi phải theo chế độ quân chủ lập hiến, đặt ra quốc hội với đại biểu do dân bầu ra được gọi là đòi hỏi Biến Pháp (nghĩa là thay đổi cách tổ chức của chế độ).

Có một số biện pháp của chế độ Cộng Sản là ảnh hưởng của Pháp Gia mà không phải của Nho Giáo có thể kể ra một vài trường hợp như sau.

Mọi người tố cáo lẫn nhau

Các biện pháp mà chế độ Cộng Sản áp dụng ngay từ lúc Việt Minh mới lên như xúi người dân rình mò, tố cáo lẫn nhau, xúi trong gia đình trẻ em rình nghe cha mẹ nói rồi đem tố cáo với chính quyền là điều mà các nhà Nho phản đối. Chế độ Nho Giáo chủ trương xây dựng một xã hội với giá đình làm nền tảng, trong gia đình mọi người sống kính trên nhường dưới, thân ái, thương yêu nhau, sống hòa thuận với nhau. Nho Giáo coi trọng chữ Hiếu, dạy con cái phải thờ kính cha mẹ thì nhà Nho không thể nào chấp nhận việc con cái đi tố giác cha mẹ với chính quyền, cũng như cách dạy con cái xem cha mẹ là kẻ phản động, đừng nghe lời cha mẹ.

Chính sách của nhà Tần muốn có sự ổn định bằng cách làm cho dân sợ còn Nho Giáo muốn có ổn định bằng cách dạy cho dân sống theo đạo đức,  làm cho mọi người tôn trọng, nhường nhịn nhau. Chẳng hạn, nhà Tần có điều luật nói rằng trong gia đình có sự ẩu đả thì sẽ đem chém hết cả nhà. Điều này rất khác với chủ trương của Nho Giáo chủ trương tránh ẩu đả trong gia đình bằng cách dạy dân sống theo tôn ti, trật tự, em phải nghe lời anh, anh không được ỷ lớn bắt nạt em, con cái kính trọng cha mẹ. Như thế tất nhiên các Nho Sĩ không đồng ý với luật chém cả nhà khi trong nhà có người ẩu đả của nhà Tần.

Cưỡng bách nhân dân

Chế độ nhà Tần được thiết lập để biến nước Tần thành một bộ máy quân sự hữu hiệu. Nhà Tần đặt ra luật theo nguyên tắc để cho tất cả người dân đều phải bị cưỡng bách làm theo điều mà nhà nước thấy là có lợi cho quốc gia như phải lao động, sản xuất, phải gia nhập quân đội, trong quân đội phải lập được chiến công. Các chế độ Cộng Sản tại Nga, Trung Quốc hay Việt Nam đều theo cách tổ chức này. Trong khi Nho Giáo tuy chủ trương dân phải tôn trọng vua nhưng vẫn để cho dân sống thong thả, theo ý mình. Triều đình Việt Nam tuy bị những nhà Mác Xít gọi là phong kiến áp bức nhưng trước đây đã cai trị theo nguyên tắc:

"Dụng quan bất như dụng dân, dụng dân bất như dân tự dụng",

Nghĩa là

"Dùng quan để cai trị dân không bằng dùng dân để cai trị dân, dùng dân để cai trị dân không bằng để cho dân tự cai trị".

Vì cai trị theo lối "để cho dân tự cai trị" nên thời xưa các vua Việt Nam để cho các làng được tự ý bầu lên ban quản trị làng. Dân làng muốn chọn ai để thờ cúng làm Thành Hoàng thì chọn, vua không động đến. Có làng chọn một kẻ ăn trộm bị dân làng đánh chết làm Thành Hoàng vì dân thấy các hiện tượng mà họ cho là người này linh thiêng, triều đình cũng vẫn không cấm đoán. Những lễ hội dân gian mà chế độ hiện nay tại Việt Nam phục hồi lại sau bao nhiêu năm cấm đoán trước dây là do các làng xã tự nghĩ ra và tự tổ chức, không phải là do lệnh của chính quyền và do chính quyền đứng ra tổ chức như hiện nay.

 Hội Chọi Trâu thời xưa do dân tự tổ chức để vui chơi

Độc quyền tuyên truyền

Tiếp theo sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam năm 1975 là chiến dịch Bài Trừ Văn Hóa Đồi Trụy, Phản Động . Cách thanh niên, sinh viên, học sinh được huy động đi đến các nhà tịch thu cách sách báo mà nhà nước gọi là phản động, đồi trụy đem đi đốt. Chủ nhà phải đem nộp hết các sách báo mà nhà nước cấm. Trong trường hợp nghi ngờ chủ nhà còn dấu sách thì chính quyền địa phương có thể cho người vào nhà khám xét và tịch thu đi. Khắp thành phố Sài Gòn đi đâu cũng nghe người dân bàn tán nói rằng đây là chính sách “đốt sách, chôn học trò” của Tần Thủy Hoàng. Lời đồn đãi này khiến cho nhà nước thấy việc đốt sách gây ra thành kiến xấu cho chế độ nên sau đó, nhà nước chỉ ra lệnh tịch thu sách mà không tổ chức các buổi đốt sách công khai ngoài đường phố.

Chính sách cấm dân miền Nam đọc phần lớn các sách báo miền Nam cũ, chỉ cho đọc các sách báo mà chế độ Cộng Sản phát hành rất giống cách chế độ nhà Tần cấm dân không được đọc các tư tưởng khác, ngoài những sách mà triều đình soạn ra để cho dân đọc.
Chiến dịch bài trừ văn hóa đồi trụy, độc hại (tháng 5, 1975), cấm lưu hành phần lớn sách xuất bản tại miền Nam kể cả sách về Nho Giáo. Thời đó chỉ có ai làm công tác nghiên cứu có giấy phép mới được phép vào thư viện đọc sách nói về Nho Giáo


Trong khi đó, tại Nhật, tuy ảnh hưởng của Nho Giáo còn rất mạnh nhưng nước Nhật là nước có nhiều người đọc sách và không bị giới hạn các sách báo được đọc. Nước Nhật sau Thế Chiến 2, có thời đứng đầu thế giới về số tiền nhập cảng sách tính theo đầu người.

Có thật là văn hóa Nho Giáo mở đường cho chế độ Cộng Sản Việt Nam như nhiều người ngày nay nói?

Ông Hồ Chí Minh học các thủ đoạn cai trị của Stalin khi ông Hồ ở bên Liên Xô. Nhiều kỹ thuật tuyên truyền mà ông Hồ làm giống y như là Stalin đã làm, chẳng hạn như Stalin chụp ảnh với các trẻ em bụ bẫm hồng hào và làm ra vẻ như là một người cha hiền từ thì ông Hồ cũng làm giống như vậy. Cách đề cao lãnh tụ mà ông Hồ làm cũng giống như cách của Stalin. Mà Stalin thì đâu phải là nhà Nho hay bị ảnh hưởng của Nho Giáo. Một số lãnh tụ khác trên thế giới cũng bắt chước kỹ thuật tuyên truyền và đề cao lãnh tụ giống như Stalin mà các nước họ đâu có phải là nước chịu ảnh hưởng của Nho Giáo.

Bác Hồ và thiếu nhi

Tấm hình này được chế độ Liên Xô gọi là Người Cha Stalin và thiếu nhi. Về sau cha của bé gái này bị xử bắn rồi mẹ em cũng bị giết, nhưng sau đó  nhiều năm tấm hình này vẫn được dùng để cho thấy Stalin giống như một người cha hiền từ, rất yêu mến thiếu nhi.
Adolf Hitler, lãnh tụ Đức Quốc Xã cũng chụp nhiều hình với thiếu nhi để trình diễn hình ảnh người cha âu yếm và nhân từ

Một tấm hình khác của Hitler và thiếu nhi

Lãnh tụ đảng Phát Xít Ý, Benito Mussolini chụp hình với thiếu nhi. Tấm bích chương viết: "Benito Mussolini yêu các cháu thiếu nhi. Các cháu thiếu nhi yêu lãnh tụ. Hoan hô lãnh tụ!"


Có những điều mà các đảng CS làm chẳng hạn như bịa đặt, dối trá quá mức miễn sao có lợi cho đảng đâu có đúng với nguyên tắc cai trị của Nho Giáo. Nho Giáo dạy là người cầm quyền phải giữ chữ Tín với dân mà. Cái trò nhân danh việc này để làm việc khác, như trừng trị người chống đối mà lại gán cho tội gián điệp, hoặc gọi sự việc bằng một cái tên sai để đánh lừa quần chúng, như chế độ độc tài mà lại gọi là dân chủ tập trung, khống chế dân bằng thủ đoạn độc tài thì gọi là giải phóng, đều là vi phạm thuyết chính danh của Nho Giáo. Những thủ đoạn đó chỉ có thể phát xuất từ nước không thấm nhuần văn hóa Nho Giáo, chính là nước Nga. Các thủ đoạn đó khi truyền sang Trung Quốc, lại được Mao Trạch Đông và các đông chí, vốn khinh bỉ Nho Giáo, hoan nghênh và bắt chước.

Việc xem xét rõ những gì ảnh hưởng của Nho Giáo, những gì tuy là chính sách của chế độ quân chủ tại Trung Hoa và Việt Nam nhưng không phát xuất từ tư tưởng Nho Giáo mà phát xuất từ nhu cầu cai trị, muốn kiểm soát dân, muốn giữ ổn định hoặc từ tham vọng của người cầm quyền muốn sử dụng dân như công cụ phục vụ cho mục đích của mình là điều cần thiết để hiểu rõ vai trò và ảnh hưởng của Nho Giáo và của các tư tưởng khác như Pháp Gia trong chính trị và văn hóa của các nước mang ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa.

Minh Đức

No comments:

Post a Comment