Wednesday, July 30, 2014

Trung Quốc và quá trình ký kết Hiệp định Genève(1954)

1. Cục diện đối đầu Đông – Tây và chính sách đối ngoại của Trung Quốc  

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, quan hệ đồng minh bất đắc dĩ  Xô - Mỹ nhanh chóng tan vỡ, hai nước chuyển sang trạng thái đối đầu quyết liệt, cạnh tranh sức mạnh ở cả vũ đài trung tâm lẫn ở vùng ngoại vi. Bước ra từ Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ trở thành nước có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh nhất, có thể nói bằng tất cả các nước tư bản cộng lại.


Với ưu thế về vũ khí hạt nhân, Mỹ có những kế hoạch to lớn trên con đường trở thành siêu cường có khả năng định hướng toàn cầu. Mùng 6-4-1946, Tổng thống Mỹ Truman tuyên bố: “Ngày nay, Hoa Kỳ là quốc gia mạnh, nghĩa là với một sức mạnh như thế, chúng ta có nghĩa vụ nắm quyền lãnh đạo thế giới”[1].Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ nhìn nhận hoạt động củng cố vòng cung an ninh châu Âu của Liên Xô như “sự thống trị lục địa bởi một quốc gia duy nhất và thù địch với Mỹ, có thể đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ”[2]. Trên thực tế, các nước ở Trung, Đông Âu sau khi được giải phóng, dưới sự giúp đỡ của Liên Xô, đều đã lựa chọn con đường dân chủ nhân dân . Đó là một đảm bảo để Liên Xô củng cố địa vị của mình tại trung tâm thế giới - châu Âu; đồng thời, mở rộng ảnh hưởng ra những khu vực khác. Năm 1949, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa ra đời đã tạo nên sự thay đổi đáng kể trong cán cân lực lượng trên vũ đài quốc tế. Như thế, chính điểm tương đồng về mục tiêu chiến lược của cả Mỹ và Liên Xô đã đẩy hai nước trôi về hai cực đối lập,trở thành đối thủ không khoan nhượng, hình thành cục diện Đông – Tây với bầu không khí Chiến tranh Lạnh bao trùm toàn cầu. Trongtình thế xung đột, mâu thuẫn, Chiến tranh Triều Tiên (1950) bùng phát, nhanh chóng trở thành đỉnh cao đối đầu, nơi đọ sức quyết liệt giữa hai phe trên nền "trật tự Yalta".

Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc duy trì quan hệ thường xuyên và tương đối chặt chẽ với Liên Xô. Ít tháng trước khi cách mạng Trung Quốc thành công, Lưu Thiếu Kỳ có một vài chuyến đi bí mật tới Liên Xô. Tại cuộc hội đàm với Lưu Thiếu Kỳ (7-1949), I.V.Stalin nhiệt thành khuyến khích Trung Quốc có một vai trò lớn hơn trongthúc đẩy làn sóngcách mạng ởchâu Á và Đông Á[3]. Trong cuộc gặp tháng 8-1949, khi thảo luận về sự cần thiết phải tiến hành "cách mạng thế giới", nhất trí cao về vị trí trung tâm cách mạng của Liên Xô, Lưu Thiếu Kỳ và I.V.Stalin thỏa thuận thừa nhận vai trò đầu tàu đối với cách mạng Phương Đông của Trung Quốc[4].

Thực hiện trách nhiệm “gánh vác” phong trào cách mạng khu vực Đông Á, xác định lợi ích an ninh quốc gia trong bối cảnh xung độtĐông – Tây, khi chiến tranh Triều Tiên là biểu hiện tập trung nhất của mâu thuẫn giữa hai phe xã hội chủ nghĩa - tư bản chủ nghĩa, tháng 10-1950, Trung Quốc đưa Quân chí nguyện trực tiếp tham chiến trên chiến trường Triều Tiên. Dương cao ngọn cờ chống đế quốc, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc,cũng từ năm 1950, Trung Quốc tích cực giúp đỡ Việt Nam DCCH kháng chiến chống Pháp, xem “cuộc kháng chiến ở Việt Nam do Đảng Việt Nam lãnh đạo rất đúng và rất hay. Đảng Trung Quốc hết sức giúp đỡ Đảng Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ đó”[5].

Như vậy, với nhận thức "các vấn đề trung tâm trong thế giới sau Thế chiến thứ hai là cách mạng vô sản trên phạm vi toàn cầu”[6]và ý niệm về vai trò, trách nhiệm của mình đối với phong trào cách mạng châu Á; đồng thời, nhằm khẳng định vị thế trong phong trào cách mạng khu vực, dần dần đặt dấu ấn nước lớn với thế giới,ngoài nhiệm vụ xây dựng đất nước, Trung Quốc đã phải dàn lực ra hai hướng, hỗ trợ cho Bắc Triều Tiên và Việt Nam DCCH. Kết quả là chiến tranh Triều Tiên đã cướp đi sinh mạng củagần 1.000.000 Chí nguyện quân, để lại thương tật cả đời cho hàng triệu ngườivà gây ra những thiệt hại to lớn về vật chất. Năm 1950, 52% chi tiêu tài chính quốc gia của Trung Quốc là chi phí quân sự, trong đó 60% dành cho viện trợ chiến tranh chống Mỹ; đến năm 1952, tuy chiến tranh đã bước vào giai đoạn giằng co, chi phí quân sự vẫn chiếm tới 33% tổng chi tiêu tài chính quốc gia, trong đó phần chủ yếu được dùng vào chiến tranh kháng Mỹ viện Triều[7]. Trong ba năm chiến tranh (1950-1953), Trung Quốc tiêu tốn mất khoảng 10 tỷ USD[8], kế hoạch năm năm lần thứ nhất buộc phải hoãn lại, nợ Liên Xô 650 triệu USD[9]- một gánh nặng đối với nền kinh tế vốn lạc hậu, đang cần nguồn lực phát triểncủa Trung Quốc. Không chỉ có vậy, những năm 1950-1953, cải cách ruộng đất và chiến dịch chống “phản cách mạng” đã để lại hậu quả vô cùng to lớn trong lòng xã hội Trung Quốc[10].

Dù đang phải đối mặt với một số khó khăn, song bằng vai trò tích cực trong cuộc chiến tranh Triều Tiên và việc giúp đỡ Việt Nam chống Pháp, Trung Quốc đã kịp khẳng định: Nước Trung Quốc mới không chỉ đứng vững, mà còn đang lớn mạnh, từng bước thiết lập vùng ảnh hưởng của mình. Những yếu tố kể trên tác động trực tiếp tới việc xác định mục tiêu đối ngoại của Trung Quốc; theo đó: 1- Mục tiêu tổng quát là ổn định và phát triển, hòa nhập vào hệ thống ngoại giao thế giới, từng bước khẳng định vị trí nước lớn ở khu vực cũng như trên thế giới; 2- Mục tiêu cụ thể là chống lại sự phong tỏa toàn diện của các nước tư bản, ngăn trở việc thành lập các liên minh quân sự, chính trị  các nước phương Tây song song với mở rộng khu vực đệm ở Nam Á và Đông Nam Á. Do vậy, chấm dứt chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Đông Dương trở thành yêu cầu cấp bách của Trung Quốc và Trung Quốc phải có một vai trò nhất định trong việc giải quyết các vấn đề này, để qua đó vươn ra với thế giới, chứng minh một cách thuyết phục rằng, “trong rất nhiều vấn đề quốc tế to lớn, đầu tiên là vấn đề châu Á, nếu không có sự tham gia của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đều không giải quyết được”[11].

2- Trung Quốc chuẩn bị cho Hội nghị Genève

Ngay sau khi hiệp định ngừng bắn tại Triều Tiên được ký kết (27-7-1953), Liên Xô và Trung Quốc đều nhất trí rằng cần giải quyết hòa bình cuộc chiến ở châu Á. Trong xu thế hòa hoãn giữa các nước lớn, Liên Xô chủ trương thông qua đình chiến và đàm phán hòa bình dập tắt ngọn lửa chiến tranh, sau đó tiến hành cạnh tranh kinh tế với phương Tây. Tháng 11-1953, Liên Xô đề nghị tổ chức hội nghị ngoại trưởng bốn nước lớn tại Berlin vào tháng 1-1954 để thảo luận các vấn đề của châu Âu; đồng thời, đề nghị tổ chức hội nghị quốc tế bàn vấn đề Viễn Đông.Ngày 25-1-1954, Hội nghị Tứ cường khai mạc tại Berlin. Trong Hội nghị, Ngoại trưởng Liên Xô Molotov yêu cầu khi thảo luận các vấn đề Triều Tiên và Đông Dương, phải có sự hiện diện của Trung Quốc, nêu rõ: “Trung Quốc đã trở thành lực lượng quan trọng trong cục diện chính trị thế giới, các hội nghị quốc tế quan trọng nhằm giải quyết các vấn đề châu Á nhất thiết phải có Trung Quốc tham gia”[12]. Tuy nhiên, đề nghị này của Liên Xô bị Mỹ phản đối quyết liệt. Sau rất nhiều tranh luận và thuyết phục, cuối cùng, ngày 18-2-1954, Hội nghị đồng ý để CHND Trung Hoa tham gia Hội nghị Genève, song Mỹ vẫn kiên quyết tuyên bố: “Việc Mỹ tham gia đàm phán không có nghĩa là Mỹ công nhận chính quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc với bất cứ ý nghĩa nào”[13].

 Gấp rút thông báo kết quả cho Trung Quốc, Liên Xô chủ trương để Trung Quốc không những tham gia, mà còn phát huy tác dụng tích cực tại Hội nghị. Về điểm này, Trung Quốc hoàn toàn nhất trí với Liên Xô, bởi hai lý do: 1- Kể từ sau khi thành lập nước Trung Hoa mới, đây là lần đầu tiên Trung Quốc có mặt tại một hội nghị quốc tế lớn được cả thế giới quan tâm theo dõi – điều đó sẽ rất có lợi trong việc đề cao địa vị quốc tế của Trung Quốc; 2- Nếu đàm phán tiến triển tốt, có thể giải quyết một số vấn đề quốc tế, còn nếu không thành công, cũng có thể tuyên truyền chủ trương của Trung Quốc[14].

Tích cực chuẩn bị cho “chuyến xuất quân ngoại giao” quan trọng, ngày 2-3-1954, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chu Ân Lai trình bày Báo cáo Ý kiến sơ bộ về những đánh giá đối với Hội nghị Genève và công tác chuẩn bị, nêu định hướng: “Tích cực tham gia Hội nghị Genève; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao quốc tế, phá vỡ sự phong tỏa cấm vận cũng như chính sách huy động quân đội chuẩn bị chiến tranh của đế quốc Mỹ, thúc đẩy làm giảm căng thẳng trong cục diện quốc tế”[15]. Chu Ân Lai lên kế hoạch sử dụng diễn đàn Hội nghị Genève một cách có lợi nhất: “Ngoài những vấn đề về Triều Tiên và Việt Nam, phải chuẩn bị các vấn đề khác liên quan đến vùng Viễn Đông, đến hòa bình, an ninh ở châu Á. Đặc biệt, phải tiến hành các biện pháp nhằm phát triển quan hệ kinh tế, trao đổi thương mại với các quốc gia khác nhau, làm giảm căng thẳng tình hình quốc tế, phá vỡ sự phong tỏa và cấm vận của đế quốc Mỹ”[16].

Ngay sau cuộc họp, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi điện cho Đảng Lao động Việt Nam, thông báo rằng Trung Quốc và Liên Xô đều nhận định việc tổ chức Hội nghị Genève sẽ có lợi cho Việt Nam, hy vọng Đảng Lao động Việt Nam tổ chức đoàn ba nước Đông Dương tham gia Hội nghị, chuẩn bị tài liệu, tập trung nỗ lực lên các phương án đàm phán. Trong bức điện, Chu Ân Lai gợi ý: “Nếu muốn đình chiến, tốt nhất nên có một giới tuyến tương đối cố định, có thể bảo đảm được một khu vực tương đối hoàn chỉnh (…). Việc xác định giới tuyến tại đâu, tại vĩ độ bao nhiêu cần phải xem xét từ hai vấn đề: Thứ nhất, là phải có lợi cho Việt Nam; thứ hai, xem kẻ thù có thể chấp nhận hay không. Đường giới tuyến này càng xuống phía Nam càng tốt. Có thể tham khảo vĩ tuyến 16 độ Bắc”[17]. Như vậy, Chu Ân Lai là người đầu tiênđề xuất  lấy mô hình Triều Tiên – chia cắt thành hai miền, áp dụng cho trường hợp Việt Nam.

Ngày 3-3-1954, Tân Hoa Xã chính thức tuyên bố chính phủ Trung Quốc sẽ tham gia Hội nghị Genève về vấn đề Triều Tiên và Đông Dương. Cùng ngày, Chu An Lai lệnh cho Bộ Tổng tham mưu Quân giải phóng Nhân dânTrung Quốc chỉ thị cho Vi Quốc Thanh và Mai Gia Sinh (lúc này đang có mặt tại Điện Biên Phủ) trao đổi, xem xét để Việt Nam đánh tốt vài trận, phối hợp với đàm phán ở Genève. Ngay sau đó, Bộ Tổng tham mưu Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc gửi điện cho Vi Quốc Thanh nêu yêu cầu: “Để giành thế chủ động về ngoại giao, trước Hội nghị Genève, Việt Nam tổ chức vài trận đánh thắng lợi. Các đồng chí nghiên cứu xem trong thời điểm hiện nay, liệu có khả năng chắc chắn đánh bại quân địch ở Điện Biên Phủ?Hoặc theo điện chỉ thị của Quân uỷ Trung ương ngày 9/2, triệt để tiêu diệt quân địch tại khu vực giữa sông Nậm Rốn và sông Hồng, giải phóng khu vực đó, khai thông liên lạc với Lào; đồng thời, tại Trung - Hạ Lào hoặc khu vực Liên khu Năm, phát động tấn công phối hợp”[18].

Nhận thức cuộc chiến ở Điện Biên Phủ “rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế”[19], Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 13-3-1954.Sĩ quan tình báo Mỹ L. A. Patti nhận xét về thời điểm phát động và mục tiêu chiến dịch: “Cái pháo đài mới được tăng cường này đã có tầm quan trọng về chính trị và tâm lý hơn hẳn giá trị chiến lược thực tế của nó vì Hội nghị Genèvesắp khai mạc. Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã thấy được một cách đúng đắn đây là một trận đánh có tính chất quyết định, không phải chỉ nhằm giành được một chiến thắng vang dội mà sẽ làm cho họ mạnh hẳn lên, họ đã chuẩn bị bao vây cứ điểm này”[20]. A. Patti phân tích rõ thêm: “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng còn nhằm đánh cho quân đội Liên hiệp Pháp một đòn chí tử để gây tác động tâm lý đối với nước Pháp, làm nhân dân Pháp và những người chống cộng Việt Nam mất ý chí tiếp tục cuộc đấu tranh"[21].

Cùng với việc bắt đầu chiến dịch, Việt Nam DCCH tích cực chuẩn bị tổ chức đoàn đại biểu tham dự Hội nghị Genève, thảo luận sơ bộ các phương án sẽ nêu lên ở Hội nghị. Nghiên cứu đề nghị của Trung Quốc, trong quá trình thảo luận, vấn đề khó khăn nhất là việc xác định giới tuyến đình chiến và Việt Nam chưa nhất trí trong vấn đề này. Ngày 6-3-1954, Phó trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam Kiều Hiểu Quang gửi điện về Trung Quốc báo cáo tình hình: “Về quan hệ với Pháp, vấn đề Pháp rút quân, vấn đề bầu cử tự do đều nhận định rằng khó khăn không lớn. Khó khăn duy nhất và lớn nhất là xác định giới tuyến đình chiến, không biết quyết định ra sao (…). Họ cho rằng đây là vấn đế lớn nhất, khó nhất trong đàm phán. Lần thảo luận này chưa có kết luận gì (quyết định để bộ phận quân sự đưa ra phương án rồi nghiên cứu tiếp)”[22].

Trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Genève, Trung Quốc duy trì liên lạc chặt chẽ với Liên Xô. Riêng trong tháng 4-1954, đã diễn ra ba cuộc hội đàm giữa Chu Ân Lai với các nhà lãnh đạo Xô-viết. Chu Ân Lai luôn nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tham gia một hội nghị như vậy, nên thiếu kiến thức và kinh nghiệm đấu tranh quốc tế, do đó Trung Quốc và Liên Xô cần giữ liên hệ chặt chẽ, thường xuyên trao đổi ý kiến, thông tin tình báo, hiệp đồng hành động”[23]. Nhìn chung, trong các cuộc hội đàm, Chu Ân Lai cùng với các nhà lãnh đạo Liên Xô đi sâu xác định phương châm, đối sách của hai bên cũng như các hoạt động phối hợp về ngoại giao, nhất trí để phía Liên Xô soạn thảo phương án cụ thể cho các cuộc đàm phán ở Genève, kiên trì phương hướng giải quyết vấn đề Đông Dương: “Vĩ tuyến 16 độ Bắc có thể được coi là một trong những phương án để xem xét”[24]. Trong cuộc thảo luận có mặt đại diện Liên Xô, Việt Nam tại Matxcơva, Chu Ân Lai phát biểu: “Hy vọng rằng, trong thời gian diễn ra Hội nghị, hoặc tốt nhất là trước khi khai mạc Hội nghị, quân đội Việt Nam có thể đánh thắng tại Điện Biên Phủ. Nếu quả đúng như vậy, sẽ giúp phe phương Đông chiếm được vị trí rất có lợi tại bàn đàm phán”[25].

Suốt tháng 3 và nửa đầu tháng 4-1954, Chu Ân Lai đích thân thụ lý, chỉnh sửa và thẩm định các văn bản liên quan đến Hội nghị Genève như “Ý kiến sơ bộ về phương án hòa bình thống nhất Triều Tiên”, “Ý kiến sơ bộ về giải quyết hòa bình vấn đề Đông Dương”…; đồng thời, chuẩn bị nhân sự cho Đoàn Ngoại giao. Ngày 20-4-1954, Đoàn đại biểu gồm hơn 200 người[26], tập trung nhân tài ưu tú của ngành ngoại giao Trung Quốc khởi hành đi Genève. Chu Ân Lai tự hào nói về chất lượng của Đoàn đại biểu: “Đây giống như một vở diễn lớn của Mai Lan Phương[27], mỗi một người là một bộ phận hoàn hảo, tạo nên một khối thống nhất mạnh mẽ”[28]. Đoàn đại biểu Trung Quốc đến bàn đàm phán với tinh thần: “Trung Quốc là một nước lớn, đến Genève tham gia một hội nghị quốc tế chính thức. Chúng ta đứng trên vũ đài quốc tế hát kịch văn. Vì thế, trong kịch văn phải có kịch võ, nhưng nói tóm lại là kịch chính quy, kịch võ đài”[29].

Quá trình chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, toàn diện và cẩn trọng cho sự xuất hiện ở “vũ đài” Genève không chỉ cho thấy những mục đích quan trọng, sâu sa của Trung Quốc tại đó, mà còn phản ánh quyết tâm cao độ thực hiện kỳ được những mục đích này.

3- Trung Quốc tại Hội nghị Genève

Ngày 26-4-1954, Hội nghị Genèvechính thức khai mạc, trùng với thời điểm Quân đội nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi chiến dịch tấn công đợt 2 ở Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ đang là tâm điểm chú ý của thế giới.Tin tức dội về từ Điện Biên Phủkhiến Chu Ân Lai bước vào Hội nghị với gương mặt mỉm cười, còn Ngoại trưởng Pháp Bidault lại có tâm trạng hết sức căng thẳng.

Xác định Mỹ là đối thủ nguy hiểm, Trung Quốc không hề muốn thấy sự hiện diện của Mỹ tại Đông Dương; vì thế, “tham gia đàm phán, Trung Quốc cố gắng để người Pháp vẫn có thể giữ một vị trí nào đó ở Đông Dương, không để Mỹ thế chân Pháp”[30]. Ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là “ngăn chặn Mỹ đưa lực lượng quân sự vào Việt Nam, áp sát biên giới Trung Quốc”[31]. Trong cuốn sách Nghiên cứu về lịch sử thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tác giả Dương Khuê Tùng phân tích như sau: “Triều Tiên đình chiến, thái độ của Trung Quốc mới đối với cuộc chiến tranh Đông Dương nhanh chóng trở thành một vấn đề buộc phải cân nhắc. Bởi vì, cũng giống như chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Đông Dương sẽ thực sự trở thành một điểm nóng đối kháng giữa Trung Quốc và Mỹ”[32]. Trung Quốc e ngại rằng, sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Mỹ tất yếu sẽ dồn sự chú ý nhiều hơn đến Đông Dương, khả năng xảy ra cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Mỹ tại đây tăng lên đáng kể. Một nước Trung Quốc thương tích đầy mình đứng trước nhiệm vụ khôi phục và xây dựng kinh tế hết sức nặng nề không/chưa thể dính líu vào một cuộc xung đột với đối thủ đáng gờm, nặng ký là Mỹ - đó chính là xuất phát điểm quan trọng để ngay từ rất sớm, Chu Ân Lai luôn khăng khăng với “phương án vĩ tuyến 16” theo mô thức Triều Tiên làm hình mẫu cho Việt Nam. Ngoài ra, “coi Hội nghị Genèvenhư một phương tiện mở cửa sang thế giới phương Tây”[33], lần đầu tiên có mặt tại một hội nghị quốc tế lớn với tư cách là một quốc gia châu Á tham gia giải quyết vấn đề khu vực, ngoài vấn đề Triều Tiên và Việt Nam, Trung Quốc còn quan tâm đến các vấn đề an ninh, hòa bình tại Viễn Đông, châu Á, các vấn đề phát triển kinh tế, giao thương mậu dịch với phương Tây, từng bước phá vỡ cấm vận, phong tỏa của Mỹ một cách hiệu quả.Hoạt động của Trung Quốc tại Genève, vì thế, tất yếu được tính toán sao cho phù hợp để có thể đáp ứng mục tiêu đó.

Toan tính của các nước lớn khiến Hội nghị Genèvevề Đông Dương diễn ra căng thẳng, gay go, quyết liệt trong suốt 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp. Trong Hội nghị, Liên Xô duy trì chặt chẽ quan hệ với Trung Quốc làm đối trọng, thúc đẩy đàm phán theo những kế hoạch được sắp đặt trước. Hoạt động phối hợp của Liên Xô, Trung Quốc khá ăn ý. Suốt tiến trình Hội nghị, Trung Quốc hầu như đồng  ý hoàn toàn với Liên Xô trong các vấn đề thương lượng.Để đảm bảo lợi ích quốc gia, với vị trí là một nước viện trợ quân sự chủ yếu và nắm con đường vận chuyển duy nhất chi viện cho Việt Nam, trong điều kiện Pháp không muốn nói chuyện với Việt Nam ở thế yếu, trong xu thế hòa hoãn chung, “lãnh đạo đoàn đại biểu Trung Quốc Chu Ân Lai đã không hỗ trợ Việt Nam, đưa Việt Nam đến chỗ phải chấp nhận những điều khoản mà rõ ràng là không hề thoải mái chấp nhận”[34]. Nói cách khác, những thỏa thuận trong việc giải quyết vấn đề Đông Dương đạt được giữa Đoàn Trung Quốc với phía Pháp không phản ánh được tình hình thực tế cũng như tương quan lực lượng trên chiến trường Việt Nam, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương nương theo "mẫu mực" Triều Tiên, nghĩa là đình chỉ chiến sự mà không có giải pháp chính trị dứt điểm. Phân tích quan điểm, lập trường của Trung Quốc tại Hội nghị Genève, Giáo sư sử học Yang Kuisong (Đại học Bắc Kinh) lập luận: “MaoTrạch Đôngtin rằng những nhượng bộ được thực hiện tại Genèvelàtạm thời và chiến thuật,bởi vìvào thời điểm đó, sức mạnh mọi mặt của Trung Quốc cần tiếp tục được củng cố và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa đủ sức để theo đuổi một thắng lợi hoàn toàn”[35].

5 giờ 20 phút ngày 21-7-1954, Hội nghị Genève về Đông Dương tuyên bố bế mạc. Cùng với việc Hiệp định Genève được ký kết, quan hệ Trung - Mỹ cũng thận trọng nhích dần từng bước – hai bên tổ chức hội nghị liên lạc viên lần một và lần hai, bảo lưu con đường tiếp xúc tại Genève. Đây chính là bước đệm thích hợp để sau này Trung, Mỹ bắt đầu tiến hành cuộc đàm phán cấp đại sứ[36]. Nhìn chung, Hội nghị Genève đã mang lại cho Trung Quốc những lợi ích to lớn: Về chính trị, Hội nghị chứng tỏ rằng, trên phương diện giải quyết những vấn đề quốc tế cấp bách, sự tham gia của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có vai trò quan trọng; về kinh tế, hai năm sau Hội nghị, khối lượng buôn bán giữa Trung Quốc với các nước châu Âu tăng rõ rệt, “kim ngạch giữa Trung Quốc với châu Âu tăng gấp đôi, nếu như tổng khối lượng đó năm 1954 là 173,4 triệu đô la, thì đến năm 1955 đã đạt 226,2 triệu và đến năm 1956 là 326 triệu”[37]; về đối ngoại, "việc ký kết Hiệp định Genèveđã đánh dấu sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong các công việc quốc tế và sự nâng cao địa vị quốc tế của Trung Quốc"[38]; đồng thời, “giải quyết hòa bình vấn đề Đông Dương đã làm rối loạn việc triển khai chiến lược của Mỹ nhằm uy hiếp Trung Quốc từ ba chiến tuyến Nam Triều Tiên, Đài Loan, Đông Dương, đảm bảo an ninh cho Trung Quốc ở biên thùy phía Nam, Trung Quốc có thể tập trung sức người, sức của vào phát triển kinh tế"[39]. Như vậy, nội dung bản Hiệp định Genèveđảm bảo lợi ích cho mọi bên tham gia, đặc biệt là Trung Quốc, song mang lại lợi ích hạn chế đối với người chiến thắng. Wilfred Burchett nhận xét: “Thực tế Việt Nam là người chiến thắng không thể tranh cãi, nhưng đã “rộng lượng” nhân nhượng nhiều nhất ở Genève”[40]. Thật vậy, Việt Nam tuy thắng lớn trên chiến trường, song do thiếu kinh nghiệm đàm phán, do thực lực chưa mạnh, nên “chỉ có được một nửa nước Việt Nam trên bản đồ thế giới”[41]. Người chiến thắng thực sự là Chu Ân Lai, “ông rời Genèvegần như với tất cả mọi thứ đã được tiên liệu và dự đoán trước”[42]. Thượng nghị sĩ Mỹ William Knowland bình luận về kết quả Hội nghị Genève như sau: “Cả hai nhà ngoại giao Liên Xô, Trung Quốc Molotov và Chu Ân Lai đã sẵn sàng hy sinh chiến thắng quân sự của Hồ Chí Minh phục vụ lợi ích quốc gia của mình”[43]. Đó cũng chính là bài học lớn đầu tiên về mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia, dân tộc và phe phái - ý thức hệ mà Việt Nam DCCH rút ra từ sự ứng xử của những đồng minh/nước lớn trên con đường hội nhập đầy truân chuyên.


Hồ Khang
Thứ ba, 22 Tháng 7, 2014


[1]Dẫn theo Đào Huy Ngọc: Lịch sử quan hệ quốc tế (1870 -1964), Học viện Quan hệ quốc tế, Hà Nội, 1996, tr.119.
[2]Michael J. Friedman:Chiến tranh lạnh- Một cuộc kiểm tra đối với sức mạnh và sự thử thách đối với các ý tưởng của Hoa Kỳ,Tạp chí điện tử, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 4-2006.

[3]Chen Jian: The Sino-Soviet alliance and China's entry into the Korean War, Cold War International History ProjectBulletin, 6-7, p. 12.

[4]Chen Jian: China's Road to the Korean War: The Making of the Sino-American Confrontation, New York, Columbia University Press, 1994, pp.74-75.

[5]Tư liệu nghiên cứu về quan hệ của Trung Quốc với Việt Nam 1949-1979, Cục Nghiên cứu Bộ Quốc phòng, bản đánh máy, t.1, tr. 29

[6]Directive of the Strategy of Struggle Against the U.S. and Jiang, 28 November 1945, United Front Department and the Central Archives of the CCP, ed., Zhonggong zhongyang jiefang zhanzheng shiqi tongyi zhanxian wenjian xuanbian, Beijing: Dang'an chubanshe, 1988, p. 32.

[7]Dương Khuê Tùng: Nghiên cứu về lịch sử thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tập 2, Nxb. Nhân dân Giang Tây, 2008, bản dịch Quốc Thanh.

[8]Dương Khuê Tùng: Nghiên cứu về lịch sử thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Tlđd.
[9]Zhang Xiaoming: China, the Soviet Union, and the Korean War: From an Abortive Air War Plan to a Wartime Relationship,  Journal of Conflict Studies, vol 22, N01, 2002, p.81.

[10]Trong cải cách ruộng đất, khoảng 1.000.000-4.50.000 người bị giết, tầng lớp tinh hoa nông thôn hầu như bị diệt vong. Trong các chiến dịch đấu tranh chống “phản cách mạng”, khoảng 700.000 đến 2.000.000 người bị giết (Nguồn: Yang Kuisong: Reconsidering the Campaign to Suppress Counterrevolutionaries, The China Quarterly, 193, March 2008).

[11]Tạ Ích Hiển (chủ  biên): Lịch sử ngoại giao Trung Quốc đương đại (1949-2001), Bản dịch của Tổng cục 2, lưu tại Tổng cục 2, tr.55.
[12]Qian Jiang:Zhou Enlai and the Geneva Conference,  Beijing: History of CPC Press, 2005, p.20.

[13]Tạ Ích Hiển (chủ  biên): Lịch sử ngoại giao Trung Quốc đương đại (1949-2001), Sđd, tr.55.
[14]Qian Jiang:Zhou Enlai and the Geneva Conference,  Ibid, p.24.

[15]Preliminary Opinions on the Assessment of and Preparation for the Geneva Conference,' Prepared by the PRC Ministry of Foreign Affairs (drafted by PRC Premier and Foreign Minister Zhou Enlai)[Excerpt]" March 02, 1954, History and Public Policy Program Digital Archive, PRC FMA 206-Y0054, CWIHP.

[16]Preliminary Opinions on the Assessment of and Preparation for the Geneva Conference,' Prepared by the PRC Ministry of Foreign Affairs (drafted by PRC Premier and Foreign Minister Zhou Enlai)[Excerpt]" March 02, 1954, Ibid.
[17]Qian Jiang:Zhou Enlai and the Geneva Conference,  Ibid, p.26.

[18]Qian Jiang:Zhou Enlai and the Geneva Conference,  Ibid, p.27

[19]Hồ Chí Minh: Thư gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 22-12-1953, tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

[20]Archimedes L. A. Patti: Tại sao Việt Nam, Nxb. Đà Nẵng, 2001, tr.826.

[21]Archimedes L. A. Patti: Tại sao Việt Nam, Sđd, tr.826.
[22]Qian Jiang:Zhou Enlai and the Geneva Conference,  Ibid, p.28.
[23]Qian Jiang:Zhou Enlai and the Geneva Conference,  Ibid, p.36.
[24]Qian Jiang:Zhou Enlai and the Geneva Conference,  Ibid, p.38.
[25]Qian Jiang:Zhou Enlai and the Geneva Conference,  Ibid, p.26.

[26]Đoàn đại biểu được chia làm sáu tổ: tổ về vấn đề Triều Tiên, tổ về vấn đề Việt Nam, vấn đề tổng hợp, tổ tin tức tuyên truyền, tổ thư ký và tổ giao tiếp hành chính, trong đó có thêm năm phiên dịch tiếng Nga, bốn phiên dịch tiếng Anh, bốn phiên dịch tiếng Pháp, ngoài ra còn có đầu bếp, lái xe, tổng cộng là 185 người, cộng thêm 29 nhà báo.

[27]Nghệ sĩ kinh kịch lừng danh Trung Quốc.
[28]Qian Jiang:Zhou Enlai and the Geneva Conference,  Ibid, p.42.
[29]Qian Jiang:Zhou Enlai and the Geneva Conference,  Ibid, p.50.

[30]Qiang Zhai: Chinaand Vietnam Wars, 1950-1975, Ibid, p.50.

[31]Allen Kempton: The People’s Republic of China and Vietnam: A Complex Relationship,  Essay Prize in History,

2012, p.5.

[32]Dương Khuê Tùng: Nghiên cứu về lịch sử thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Tlđd.

[33]Bộ Ngoại giao: Hội nghị Giơnevơ và quan hệ quốc tế sau Chiến tranh lạnh - lấy Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc làm ví dụ, Hội thảo nội bộ ngành "Hiệp định Giơnevơ: 50 năm nhìn lại", ngày 27-7-2004, tài liệu không phổ biến, lưu tại Bộ Ngoại giao.

[34]An analysis of Vietnam's relations with China from the beginning of the Cold War to the Present, Wilson Quarterly 19 (1), p.35.

[35]Yang Kuisong:Changesin Mao Zedong's Attitude towardthe Indochina War, 1949-1973, Ibid, p.4.

[36]Zhai Qiang: China and the Geneva Conference of 1954,The China Quarterly, No. 129 (Mar, 1992), p.122.

[37]Francois Joyaux:Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Sđd, tr.255.

[38]Bộ Ngoại giao: Hội nghị Giơnevơ và quan hệ quốc tế sau Chiến tranh lạnh - lấy Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc làm ví dụ, Tlđd, tr.4.

[39]Bộ Ngoại giao: Hội nghị Giơnevơ và quan hệ quốc tế sau Chiến tranh lạnh - lấy Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc làm ví dụ, Tlđd, tr.3.

[40]Burchett, George and Shimmin, Nick: Memoires of A Rebel Journalist: The Autobiography of  Wilfred Burchett, Ibid, p.199.

[41]Christopher E. Goscha:Courting Diplomatic Disaster? The Difficult Integration of Vietnam into the Internationalist Communist Movement (1945–1950), Journal of Vietnamese Studies, Vol I, N01-2, (February, August), 2006.

[42]Chen Jian: China and the First Indo-China War, 1950-54, The China Quarterly, No. 133 (Mar,1993), p.110.

[43]George C. Herring: America's Longest War: The United States and Vietnam 1950-1975 (New York: John Wiley & Sons, 1979, p.40.


http://vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa3/nh%E1%BB%AFng-g%C3%B3c-nh%C3%ACn-v%C4%83n-h%C3%B3a/trung-quoc-va-qua-trinh-ky-ket-hiep-dinh-geneve-1954-1

No comments:

Post a Comment