Tuesday, November 11, 2014

Người Việt chế xe bọc thép cho Campuchia

Xe bọc thép do cha con ông Trần Quốc Hải thiết kế và đóng cho Campuchia



Đam mê của tôi không được khuyến khích ở VN

BBC, 11 tháng 11, 2014

Một nhà sáng chế ở tỉnh Tây Ninh vừa được Campuchia phong tặng Huy chương Đại tướng quân vì đã giúp sửa chữa xe bọc thép cho quân đội nước này.

Ông Trần Quốc Hải, ở tỉnh Tây Ninh, và con trai là Trần Quốc Thanh đã được Nhà nước Campuchia vinh danh.

Ông Trần Quốc Hải và anh Trần Quốc Thanh


Ông Hải cũng là người từng chế tạo máy bay trực thăng và nhiều máy móc công nghiệp mà báo chí Việt Nam từng phản ánh. Tuy nhiên ông nói ở Việt Nam, đam mê của ông không được khuyến khích.

Chiếc trực thăng do ông Trần Quốc Hải đóng cùng với ông Lê Văn Danh


Ông Trần Quốc Hải: Xe bọc thép ở các nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) thì đại đa số là dùng xe của Liên Xô cũ, nhiều xe đã trong tình trạng hỏng hóc.

Những xe này cũng không phù hợp với địa hình và điều kiện địa phương nên các tướng lĩnh Campuchia họ muốn có một loại xe phù hợp hơn.

Người Campuchia họ biết là tôi có năng lực, chế tạo máy bay rồi máy móc công nghiệp nên họ mời tôi sang, Trước hết là sửa máy nông nghiệp, sau đó thấy xe bọc thép Liên Xô chế tạo hỏng rất nhiều họ yêu cầu mình khắc phục.

Khắc phục được 11 chiếc thì họ biết mình có năng lực rồi nên họ bàn làm sao chế tạo xe bọc thép mới để không phụ thuộc vào nước ngoài.

Tới nay thì tôi cũng mới chỉ bắt đầu chế tạo hoàn toàn một chiếc xe bọc thép phù hợp với điều kiện Đông Dương.

Campuchia họ đang muốn xây dựng nhà máy để chế tạo 100 chiếc, thay thế cho loại xe của Liên Xô đã không còn phù hợp nữa.

Hiện tôi mới chỉ chế loại xe sáu bánh, họ yêu cầu chế xe tám bánh.

BBC: Thế ở Việt Nam, giới chức quân đội họ có tiếp cận ông và đề nghị ông làm việc cho họ không ạ?

Ông Trần Quốc Hải: Chưa nghe thấy ai đề nghị gì cả.

BBC: Trước kia ông đã từng chế tạo cả trực thăng, rồi máy móc, báo chí cũng đã viết nhiều về ông. Vậy mà chính quyền tỉnh và trung ương không tiếp cận ạ?

Ông Trần Quốc Hải: Cũng có tiếp cận, rồi thưởng bằng khen. Thế nhưng cơ chế của Việt Nam nó rất là ngộ.


Do không được phép đóng tiếp, chiếc trực thăng của ông Trần Quốc Hải ngày nay được đem trưng bày tại một viện bảo tàng về nghệ thuật tại New York, Mỹ


Ở Campuchia, nếu anh làm được một công trình nào đó, đánh giá xong họ công nhận anh là nhà khoa học.

Ở Việt Nam, người làm được thì họ không công nhận, người chưa làm được gì thì công nhận.

Khi làm trực thăng thì họ nói thế này: thứ nhất là không phù hợp. Thứ hai là Việt Nam không có đủ trình độ để chế tạo máy bay. Tôi cũng tranh luận với họ, nhưng họ cũng không muốn tranh luận ra ngô ra khoai.

Tôi nói ở châu Âu người ta làm máy bay từ cách đây cả trăm năm, Việt Nam không lẽ thua họ? Tôi tự hào là người Việt Nam chứ.

Họ cũng im lặng không tranh luận, nhưng về họ viết văn bản. Họ nói: “Anh chế rất là là giỏi, nhưng thôi đừng chế nữa”.

BBC: Như vậy, ông không có dự án gì ở Việt Nam ạ?

Ông Trần Quốc Hải: Các dự án lớn thì cần quy hoạch của chính phủ. Không có kế hoạch của chính phủ, một mình mình thì không làm gì được.

BBC: Vừa rồi, ông được Campuchia vinh danh phải không ạ?

Ông Trần Quốc Hải: Họ tặng tôi huy chương Đại tướng quân, do Quốc vương Sihamoni ký lệnh và Thủ tướng Hun Sen trao tặng. Họ cũng đối xử với tôi như cấp tướng. Sống, sinh hoạt bên Campuchia họ cho tôi hưởng tiêu chuẩn cấp tướng.

Ông Trần Quốc Hải được trao tặng huy chương


Ông Trần Quốc Hải và gia đình chụp trước các xe bọc thép mà ông đã chế tạo


BBC: Ông có ý định sống và làm việc bên Campuchia không ạ?

Ông Trần Quốc Hải: Chuyển sang sống hẳn bên đó thì tôi chưa có ý định, nhưng người Campuchia rất thân thiện và tạo điều kiện cho tôi thực hiện những đam mê của tôi nên tới đây chắc tôi sẽ tiếp tục hợp tác với họ.

Khoa học không có biên giới, nơi nào họ cần mình, họ coi trọng mình thì mình đến phục vụ cho họ. Đơn giản thế thôi.

Bình Luận:

Trích: "Ở Campuchia, nếu anh làm được một công trình nào đó, đánh giá xong họ công nhận anh là nhà khoa học. Ở Việt Nam, người làm được thì họ không công nhận, người chưa làm được gì thì công nhận."

Có lẽ vì ở Campuchia họ lạc hậu, họ chưa theo được chủ nghĩa Mác Lê và chế độ Xô Viết, họ không có một đảng lãnh đạo toàn diện và triệt để chăng?

Campuchia, họ cũng độc tài nhưng là thứ độc tài thô thiển, sơ sót để cho dân phát huy được sáng kiến. Cũng giống như ở nước Anh thời thế kỷ 17, 18, vì vua Anh cai trị "dở" nên "sơ sẩy" để cho bọn doanh nhân làm giàu rồi làm thành cuộc cách mạng công nghiệp. 

Campuchia tuy là một nước nhỏ mà lại bị nạn diệt chủng làm hơn hai triệu người dân bị giết bởi Khmer Đỏ vào thập niên 1970 - 1980, nhưng nếu để cho dân được tự do nghiên cứu, phát huy sáng kiến thì có thể sẽ vượt qua Việt Nam về mặt khoa học, kỹ thuật. Giống như nước Anh tuy nhỏ hơn nước Pháp nhưng vì để cho dân được tự do tìm tòi, học hỏi, chế tạo máy móc và đã tiến trước Pháp, mạnh hơn Pháp và là nước đầu tiên mà cuộc cách mạng công nghiệp xảy ra.


Hai nông dân Việt được Campuchia trao tặng huân chương Đại tướng quân

Ông Trần Quốc Hải (nông dân chế tạo máy bay ở Tân Châu, Tây Ninh) và ông Trần Quốc Thanh (con trai ông Hải) vừa được Vương quốc Campuchia trao huân chương Đại tướng quân.

Đồng thời, Quốc vương Campuchia cũng cấp giấy chứng nhận ông Hải và ông Thanh là nhà kỹ thuật sửa chữa xe bọc thép BRDM 2 và BTR60PB, ghi nhận những đóng góp của hai người cho nền kỹ thuật của đất nước.

Trong những lần qua Campuchia để hỗ trợ kỹ thuật máy trồng mì tại lữ đoàn 70, ông Hải thấy một số xe bọc thép cứ bị đẩy ra đẩy vào mà không khởi động được. Ông đề nghị để mình thử sửa chữa loại xe này.

Ông Hải đã tự bỏ tiền túi tổng cộng 25.000 USD để sửa xe bọc thép BRDM 2 (do Liên Xô cũ sản xuất). Chiếc xe bọc thép BRDM 2 sau khi sửa có thể vận hành với 25 lít dầu diesel/100 km so với trước đây là 45 lít, tác xạ nhanh hơn, hỏa lực mạnh hơn so với trước, vòng xoay súng có thể bắn ở cự ly gần hơn so với 150 m của xe cũ, tháp pháo tự động.

Sau thành công của chiếc xe, ông Hải được lữ đoàn 70 giao sửa chữa thêm 10 chiếc xe bọc thép khác và bắt tay vào nghiên cứu chế tạo một xe bọc thép mới.

Xe bọc thép Made in Campuchia do người Việt thực hiện


Ông Hải tự tìm kiếm cũng như mua sắm trang bị cho chiếc xe mới. Ròng rã bốn tháng trời trong đó ba tháng nghiên cứu và một tháng chế tạo, ông đã hoàn thành chiếc xe bọc thép với tính năng mới hoàn toàn.

Theo đó, chiếc xe bọc thép mới với vòng quay tay súng có thể bắn ở khoảng cách 7m (so với xe cũ là 150m), tháp pháo tự động và hỗ trợ quay tay, trang bị thêm hỏa lực hai bên xe...

Theo NGỌC HẬU/TTO

http://xembaomoi.com/tin-tuc/plo/Thoi-cuoc/hai-nong-dan-viet-duoc-campuchia-trao-tang-huan-chuong-dai-tuong-quan-1444376.html

No comments:

Post a Comment