Monday, November 2, 2015

Nạn khai thác rừng bừa bãi

Dưới đây là một số bài viết về các hoạt động khai thác rừng bừa bãi, bất chấp việc hủy hoại tài nguyên, môi trường của một số công ty Việt Nam tại Việt Nam, Campuchia và Lào. Tại Việt Nam, các hoạt động khai thác kiểu tàn phá này đã từng có từ hàng chục năm nay.


Lại một tập đoàn VN bị cáo buộc phá rừng, chiếm đất, vi phạm nhân quyền ở Campuchia

Theo tin từ tổ chức Global Witness, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Vietnam Rubber Group – VRG) đã bị loại khỏi thành phần được chứng nhận bởi Hội đồng Quản lý Rừng (Forest Stewardship Council – viết tắt FSC) sau một cuộc điều tra về đất đai và khai phá rừng bất hợp pháp ở Campuchia.

Tiếp theo đơn khiếu nại do tổ chức Global Witness gửi đến hồi tháng mười một năm ngoái, FSC nhận định rằng các công ty quốc doanh đã phá hủy trái phép ít nhất 50.000 hechta rừng để trồng cao su ở Campuchia, trong đó có khu bảo tồn động vật hoang dã và các khu vực rừng được bảo vệ.

Cuộc điều tra của FSC cung cấp thêm bằng chứng về việc “Tập đoàn CN Cao su VN đã phá hủy một số khu rừng còn lại quan trọng nhất Đông Nam Á, buộc các cư dân người bản xứ phải di dời trong quá trình này, cướp đất của các chủ đất hợp pháp và phá hủy đời sống – với những hậu quả không kể xiết và không thể đảo ngược” ông Patrick Alley, giám đốc sáng lập của Global Witness nói. Sau khi Global Witness khiếu nại, Ban hội thẩm khiếu nại của FSC đã phải bỏ ra 5 tháng để điều tra sâu rộng tìm bằng chứng tại Campuchia về việc công ty con và Tập đoàn CN Cao su VN đã cưỡng đoạt đất của dân bản địa mà không có sự đồng ý của họ, phá rừng còn nguyên vẹn có nhiều cây gỗ quý như gỗ Cẩm Lai, cả trong lẫn ngoài ranh giới vùng họ được quyền sử dụng. Theo FSC, tại Campuchia khu vực Tập đoàn CN Cao su VN được cấp quyền sử dụng bao trùm gần 100.000 hếch ta đất.

Báo cáo kết luận rằng Tập đoàn CN Cao su VN và các công ty con tại Campuchia không đếm xỉa đến quyền sở hữu đất của dân bản xứ, để cho lâm tặc đốn gỗ bất hợp pháp, dùng lực lượng vũ trang đe dọa người biểu tình. Hơn thế nữa, Tập đoàn CN Cao su VN còn phá hủy đến hàng chục ngàn cây lấy nhựa, một nguồn thu nhập quan trọng của cộng đồng bản xứ mà không đền bù thỏa đáng theo kiểu áp đặt “không nhận thì mất” khiến dân địa phương không có chọn lựa nào khác mà phải chấp nhận giá rẻ mạt.

Ban hội thẩm của FSC cũng cáo buộc chính phủ Campuchia đã không thực thi luật pháp về quyền sử dụng đất của người dân trong vùng và bảo vệ rừng. Hơn 2 triệu hếch ta đất đã được giao khoán mà không hề hỏi ý kiến và sự đồng ý của những người sống trong vùng đó, tạo ra mâu thuẫn đất đai nghiêm trọng.

Các hoạt động trong lãnh vực đất đai ở Campuchia đầy bí ẩn. Nó biểu lộ cho thấy tính chất tham nhũng mà những khoản tiền hối lộ của các nhà đầu tư được cho là lên đến 2,6 triệu đô la. Kết quả của việc này không phải chỉ là sự hủy diệt chỉ môi trường và vi phạm nhân quyền mà còn dẫn đến xung đột bạo lực. Trong quá trình chiếm đất, các lực lượng vũ trang của chính phủ đe dọa và sử dụng bạo lực đàn áp người biểu tình. Trong một trường hợp ở vùng Tân Biên, dân địa phương bị phong tỏa vây kín và trong vòng hai tháng thức ăn cùng vật tư y tế không được phép đưa vào. Các nhân vật cầm đầu dân biểu tình đến họp với quan chức thì bị bắt nhốt một thời gian rồi mới được thả.

Năm 2007 Tập đoàn CN Cao su VN đuợc Hội đồng Quản lý Rừng FSC cấp giấy chứng chứng nhận (Certificate) cho hai của đồn điền cao su ở Việt Nam. Tuy nhiên giấy chứng nhận đã bị đình chỉ hồi tháng 11 năm 2013 trong khuôn khổ chính sách FSC dành cho Hiệp hội để đảm bảo các công ty liên hệ có cam kết tuân thủ nguyên tắc quản lý rừng có trách nhiệm. Việc đình chỉ này được bãi bỏ vào tháng 6 năm 2014 và là động lực khiến cho tổ chức Global Witness có phản ứng và khiếu nại hồi tháng 11 năm 2014.

Xe tải chở gỗ trái phép không gắn bảng số đợi đến đêm mới chạy. Tất cả 8 xe gặp ở Dong Nai ELC đều không gắn bảng số. (Ảnh: Global Witness)

Cũng theo Global Witness, lâm tặc đốn rừng đã dựng lều để ở trong khu vực thuộc quyền sử dụng của Tập đoàn CN Cao su VN cũng như vận chuyển gỗ trái phép. Những sự kiện này là bằng chứng rõ ràng và thuyết phục rằng Tập đoàn CN Cao su VN đã tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp ở Campuchia.

Ông Patrick Alley đòi hỏi “Tập đoàn CN Cao su Việt Nam cần phải thực hiện tốt những cam kết rõ ràng để giải quyết các tác động có hại vốn đã được thông tin rộng rãi, không chỉ ở Campuchia mà còn ở nước láng giềng Lào”. Ông nói: “Chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy các công ty có bất kỳ một bồi thường nào có ý nghĩa đối với người dân mà sinh kế đã bị phá hủy bởi các mất mát của mình”.

Trong những năm qua, các tập đoàn Việt Nam đã bị Global Witness liên tục cáo buộc chiếm đất ở Lào và Campuchia. Hai Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn CN Cao su Việt Nam bị phanh phui việc chiếm đất ở Campuchia và Lào trong một phúc trình đặc biệt năm 2013 của Global Witness mang tên “Các ông trùm cao su”.

Để có lại giấy chứng nhận, FSC đòi hỏi Tập đoàn CN Cao su VN đền bù thoả đáng cho dân địa phương bị chiếm đất và các thiệt hại vì cây nhựa cây bị phá huỷ, phải thực hiện đánh giá tác động môi trường đầy đủ cũng như phục hồi rừng rộng rãi. Tập đoàn CN Cao su VN tỏ vẻ muốn thực hiện một số bước hướng khắc phục: vào tháng Tám năm 2014 Tập đoàn này thông báo đã mở cửa đón nhận và xử lý khiếu nại của người dân bị ảnh hưởng bởi các đồn điền của mình. Tuy nhiên, các công ty cho đến nay đã thất bại trong việc giải quyết thỏa đáng bất kỳ khiếu nại cụ thể thông qua cơ chế này, ông Patrick Alley cho biết.

Nếu có Giấy chứng nhận của Hội đồng Quản lý Rừng FSC, các công ty được phép ghi nhãn FSC trên sản phẩm của họ, qua đó giúp người tiêu dùng dễ dàng xác định và lựa chọn sản phẩm có hỗ trợ quản lý rừng có trách nhiệm.

Dương Thạch (Diễn Đàn VN 21 gửi đăng)




Tập đoàn Cao su VN bị tước chứng chỉ ở Campuchia vì hoạt động bất hợp pháp

Một tập đoàn cao su của nhà nước Việt Nam vừa bị Hội đồng Quản lý Rừng (FSC) – một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận của Mỹ chuyên cung cấp chứng chỉ cho các doanh nghiệp phát triển hoạt động quản lý rừng bền vững – tước chứng chỉ vì những hoạt động buôn lậu gỗ và vi phạm nhân quyền trên các đồn điền cao su ở Campuchia.

Theo thông báo đưa ra hôm thứ Ba, FSC cho biết ban giám đốc của tổ chức đã biểu quyết quyết định tước chứng chỉ của Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) vào tháng 8, sau 5 tháng điều tra về những khiếu nại từ tổ chức chuyên hoạt động về môi trường có trụ sở tại Anh Global Witness về các hoạt động của tập đoàn này tại Campuchia.

FSC cáo buộc Tập đoàn Cao su Việt Nam đã dính líu tới các ‘hoạt động bất hợp pháp’, bao gồm chuyển đổi khoảng 50.000 ha rừng thành đồn điền cao su mà không có sự tham khảo ý kiến từ công chúng, làm ngơ những khiếu nại đất đai của người dân địa phương, cho phép khai thác gỗ lậu và phá hủy các khu bảo tồn động vật hoang dã.

Trong lúc chuyển đổi rừng thành đồn điền cao su, VRG đã phá hủy hàng chục ngàn cây lấy nhựa, vốn là nguồn sinh kế quan trọng của người dân địa phương, mà không đền bù thỏa đáng cho họ. Tập đoàn này còn cho phép lâm tặc trú ngụ trong khu vực rừng thuộc phạm vi kiểm soát của mình để khai thác và vận chuyển gỗ trái phép.

Thông báo của FSC cho biết Tập đoàn Cao su Việt Nam còn liên quan đến các hoạt động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, với sự thông đồng của chính quyền Campuchia. "Trong quá trình bảo vệ đất, đã có các cáo buộc rằng các lực lượng vũ trang của chính quyền đã đe dọa và sử dụng vũ lực để chống lại những người biểu tình", thông báo cho biết.

FSC nói họ đã thu thập được những chứng cứ liên quan đến rất nhiều vụ vi phạm nhân quyền của tập đoàn này qua việc sử dụng bàn tay của giới hữu trách địa phương ở Campuchia. Thông báo đưa ra vụ một ngôi làng ở tỉnh Kompong Thom đã bị bao vây trong 2 tháng và không một nguồn lương thực hay thuốc men nào tiếp cận được với ngôi làng.

Thông báo của FSC nói Tập đoàn Cao su Việt Nam sẽ chính thức bị tước chứng chỉ đối với các đồn điền tại Việt Nam trong 3 tháng, và sẽ vĩnh viễn không được cấp chứng chỉ cho các hoạt động của tập đoàn tại Campuchia.

Phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan khẳng định chính quyền luôn đảm bảo các công ty phải tuân thủ các quy định, và nói rằng chính người dân địa phương là một phần nguyên nhân.

“Trước khi giao đất, chúng tôi luôn đảm bảo không có người sinh sống ở đó”, ông Phay Siphan được Phnom Penh Post trích lời nói, “nhưng người dân đôi khi đến khai hoang và chiếm đất đã được giao cho các công ty”.

Để giải quyết vấn đề này, chính quyền ra lệnh cho các công ty cho họ một số đất, bao gồm cả giấy chủ quyền, cho dù đó là đất bị chiếm dụng hợp pháp hay không.

Nhưng nhà lập pháp đối lập CNRP Son Chhay nói với Phnom Penh Post,

“Gần như mỗi vụ chuyển nhượng đất đều vi phạm đến quyền của người sở hữu lúc đầu và người dân bản địa, và chúng tôi chắc chắn không hưởng lợi gì từ những vụ sang nhượng này. Tôi không hiểu tại sao chính quyền lại nhắm mắt làm ngơ đối với doanh nghiệp này”.

Nhan Mao, một nông dân địa phương, nói với Cambodia Daily rằng tập đoàn cao su đã cướp hơn 1.000 ha đất của khoảng 200 hộ dân địa phương, những người đã canh tác ở đây qua nhiều thế hệ.

“Chúng tôi chẳng bao giờ được giải quyết gì kể từ khi mất đất vào năm 2012, vì nhà cầm quyền luôn bảo vệ công ty”, ông Mao cho tờ Cambodia Daily biết. “Khoảng một tháng trước, nhà cầm quyền đến gặp các dân làng và cảnh cáo họ là họ sẽ bị bắt nếu dám biểu tình chống công ty”.

Việc tước chứng chỉ tuy không làm cho VRG bị phạt gì nhưng tổ chức Global Witness nói nó sẽ ảnh hưởng đến tài chính của tập đoàn này vì FSC là tổ chức cấp chứng chỉ về công nghiệp rừng hàng đầu thế giới. Một khi đạt được chứng chỉ của FSC, công ty có được sự đảm bảo đối với các khách hàng lẫn nhà đầu tư.

Tập đoàn Cao su Việt Nam chưa đưa ra thông báo hay bình luận gì về vụ việc. Hiện VRG có khoảng 100.000 ha đồn điền trên nhiều tỉnh ở Campuchia.

Theo Phnom Penh Post, Cambodia Daily.



Tập đoàn Việt Nam Hoàng Anh Gia Lai cưỡng chiếm đất của nông dân Lào

Der Landraub von Laos


Martin Hesse, Jörg Schmitt & Wieland Wagner (Der Spiegel)

Lược dịch: Mỹ Nga (Diễn Đàn Việt Nam 21)


    31/12/2013 - Trong thời gian qua, truyền thông Âu châu đã lần lượt đưa tin về một vài ngân hàng như Deutsche Bank hay Credit Suisse (1) bị tổ chức Global Witness (2) lên án là đã hỗ trợ cho các tập đoàn Việt Nam vi phạm nhân quyền, cưỡng chiếm đất của nông dân Lào để trồng cao su. Deutsche Bank là ngân hàng uy tín và lớn nhất ở Đức, Credit Suisse là một trong số những ngân hàng lớn của Thụy Sĩ có tầm hoạt động toàn cầu với gần 48.000 nhân viên. Sau khi bị Global Witness tố giác, Deutsche Bank đã rút lui khỏi việc hùn hạp với Hoàng Anh Gia Lai nhưng tuyên bố rằng những cân nhắc về lợi nhuận kinh tế đã đưa đến việc rút lui đó (3).
    Trong một bản báo cáo mang tựa đề "lãnh chúa cao su", tổ chức NGO nói trên lên án Hoàng Anh Gia Lai đã dùng mối quan hệ trực tiếp với những người cầm quyền ở Campuchia và Lào để cưỡng chiếm đất. Trong một hồ sơ quảng cáo cổ phiếu tại London chính HAGL đã tiết lộ không xin được giấy phép trong một số chương, và như thế là đã vi phạm luật pháp. Hết nông dân Việt Nam bị cướp đất lại đến nông dân Lào và Campuchia, các nhà cầm  quyền để cho nông dân phải chịu cảnh đắng cay này là chính quyền loại gì hẳn ai cũng đã rõ. Ba ký giả Martin Hesse, Jörg Schmitt và Wieland Wagner sau khi qua thăm Đông Nam Á nghiên cứu vấn đề nông dân bị cướp đất đã có bài tường thuật về tệ trạng này, đăng trên tờ tuần san hàng đầu của nước Đức "Der Spiegel" (4), dưới đây là bản lược dịch của Mỹ Nga, các tiểu tựa của người dịch.

Các tập đoàn Việt Nam trồng cao su ở Đông Nam Á và cung cấp cho thị trường thế giới mà không đếm xỉa gì đến môi trường và người dân bản địa, lại còn được sự hỗ trợ của ngân hàng Đức Deutsche Bank.

Một anh nông dân Lào, 27 tuổi, ngụ tại thôn Ban Hatxan, kể cho các ký giả nghe, anh phải rời bỏ quê hương chỉ vì tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (viết tắt HAGL) chiếm đất của gia đình anh. Anh nông dân xin dấu tên vì sợ bị trả thù, kể thêm „Cách đây ba năm họ kéo nhau đến nhà tôi, mà không hề báo trước“. Từ thuở ấu thơ, anh và gia đình sinh sống trên một mảnh đất nhỏ bé. Ở đây gia đình anh sinh sống qua nghề trồng dầu dừa để ép lấy dầu. „Chúng tôi có thể kiếm sống với nghề đó“. Nhưng rồi tập đoàn HAGL đã gửi nhóm phá đất của họ đến. „Họ đốn cây và đốt sạch tất cả, kể cả căn nhà của chúng tôi đang ở“. Ở địa phương anh, dân Lào gọi những doanh nhân Việt Nam là „những lãnh chúa cao su“ ("Rubber-Lords").

Ngân hàng Đức Deutsche Bank hỗ trợ tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cưỡng chiếm đất của nông dân Lào

Công ty quản trị chứng khoán DWS (Deutsche Asset & Wealth Management), một công ty con của Deutsche Bank, đã hùn vốn đầu tư trực tiếp với tập đoàn HAGL, cũng như đã hùn vốn với một tập đoàn con của HAGL chuyên khai thác khoáng sản của Việt Nam. Ngoài ra Deutsche Bank cũng tạo cơ hội giúp cho HAGL gia nhập được vào thị trường chứng khoán ở London, Anh Quốc.

Các tập đoàn tài chính Tây phương, bằng mọi giá, tham gia vào các thị trường đang lên như Việt Nam để hưởng các nguồn lợi tài chính. Chính vì thế mà họ hỗ trợ những dự án vô đạo đức chuyên khai thác về khoáng sản cung cấp cho Trung quốc và các nước khác, bất chấp mọi thiệt hại gây ra cho môi trường cũng như xáo trộn xã hội tại địa phương.  

Tổ chức bảo vệ môi trường Global Witness cho biết việc cưỡng chiếm đất của nông dân còn được Ngân hàng Thế giới (World Bank) gián tiếp ủng hộ. Ngân hàng Thế giới cho rằng, làm như thế (chiếm đất của nông dân) là đem lợi ích cho các nước nghèo như Lào. Thật là mỉa mai khi Ngân hàng Thế giới với tôn chỉ hoạt động là xóa đói giảm nghèo lại dùng công ty tài chính quốc tế IFC (International Finance Corporation) làm trung gian để đầu tư hùn vốn vào một quỹ tiền tệ có trụ sở đặt ở quần đảo Cayman (5). Quỹ tài chính này lại có liên hệ trực tiếp trong việc góp phần hùn vốn với HAGL. IFC biện minh, quỹ tiền tệ ở Cayman chịu trách nhiệm trong việc việc bỏ vốn đầu tư, và quỹ chỉ được yểm trợ khi mọi tiêu chuẩn về môi trường và xã hội do Ngân hàng Thế giới yêu cầu được bảo vệ và thi hành.

Ông bầu Đức“ nhập cuộc

Tập đoàn HAGL khởi sự vào khoảng đầu thập niên 90, khi một doanh nhân trẻ có tên Đoàn Nguyên Đức bắt đầu khai triển việc đóng bàn ghế cho trường học ở cao nguyên Việt Nam. Chẳng bao lâu sau ông Đức tiến sâu vào lãnh vực kỹ nghệ khai thác gỗ và có cổ phần trong việc khai phá rừng bừa bãi, thiếu kiểm soát ở Việt Nam. Ông ta thực sự trở nên giàu có vào khoảng đầu thế kỷ thứ 21 khi bước chân vào lãnh vực buôn bán bất động sản. Người ta gọi ông là „Bầu Đức“. Bầu Đức là người Việt đầu tiên sở hữu một chiếc máy bay, ông còn mua luôn cả một đội bóng đá và đã từng tuyên bố, ông ta sẽ là nhà tỷ phú đầu tiên của VN.

Ngân hàng Đức Deutsche Bank là một trong những công ty giúp đỡ Bầu Đức. Ngân hàng này đã đặt chân vào thị trường Việt Nam từ thập kỷ 90. Năm 2007, Deutsche Bank đã mua trọn ngân hàng Việt Nam Habubank.

Năm 2008 HAGL tham gia vào thị trường chứng khoán ở TPHCM và đã thành công ngay. Chẳng mấy chốc trị giá của tập đoàn HAGL tăng lên gấp 3 trong thị trường chứng khoán. Nhưng Bầu Đức còn tham hơn nữa. Ông ta muốn HAGL phải là tập đoàn Việt đầu tiên bước chân vào thị trường chứng khoán của London. Thế là ngân hàng Deutsche Bank bèn ra tay giúp đỡ. Cuối năm 2010, ngân hàng Deutsche Bank bỏ tiền mua cổ phiếu của HAGL, vài tháng sau Deutsche Bank tạo cơ hội cho HAGL bước vào thị trường chứng khoán Luân Đôn. Các cổ phần của Deutsche Bank được xem như một chứng chỉ bảo đảm, dựa vào đó các nhà đầu tư khác có thể yên tâm bỏ tiền đầu tư cho HAGL.

HAGL khai thác khoáng sản ở Campuchia và Lào

Để hậu thuẫn cho việc tham gia vào thị trường chứng khoán ở Luân Đôn HAGL tung thêm ra chưởng“ khai thác khoáng sản, thay thế cho thị trường buôn bán bất động sản của bầu Đức đang đi xuống. Ông ta nhận ra được tiềm năng cung ứng nhu cầu khoáng sản vô cùng to lớn của Trung Quốc cũng như của các nước đang phát triển kinh tế mạnh trong khu vực .

Bầu Đức nói với báo Forbes „Tôi nghĩ rằng, các nguồn khoáng sản chỉ có giới hạn, bởi vậy tôi phải đoạt lấy chúng, trước khi cạn nguồn“. Và ông ta đã nhập cuộc, trước tiên là ở VN và sau đó ở các nước láng giềng Campuchia và Lào. 

Cho đến năm 2012, Campuchia đã cho thuê 2,6 triệu Hecta đất đai, tính ra bằng ba phần tư tổng số diện tích đất trồng trọt của quốc gia này. Trong đó đã hết một nửa đất khai khẩn rơi trọn vào tay HAGL. Lào cũng đã nhượng quyền khai khẩn 1,1 triệu Hecta đất đai cho việc trồng cây cao su. Các đại điền chủ đầu tư ngành khoáng sản không cạnh tranh nổi với HAGL. Một mình HAGL đã kiểm soát hơn 80.000 Hecta trong vùng. Khi ký hợp đồng với chính phủ Lào HAGL đã xử dụng những mưu mô tinh vi để trở thành một tập đoàn cao su hàng đầu.

Lào: nghèo mà ham nên bị kẹt“

Năm 2009 tuy nghèo nàn nhưng Lào lại ứng cử xin nhận tổ chức đại hội Thể thao Đông Nam Á (Seagames). Không ngờ trúng cử, Lào bắt buộc tìm mọi cách thực hiện được đại hôi thể thao. Cách tốt nhất là tìm tiền đầu tư từ nước ngoài. HAGL tức khắc nhập cuộc và cho Lào vay 19 triệu Dollar để xây cất cư xá dành cho lực sĩ cư ngụ, bù lại Lào phải cho phép HAGL được đốn 10 000 Hecta rừng để trồng cao su. Dân chúng trong vùng không được thông báo nên chỉ hay biết khi các xe ủi đất đột nhiên ập đến phá rừng.




Bản đồ của Der Spiegel (4)

Trong khi chính quyền trung ương Lào phải ủng hộ tập đoàn cao su Việt Nam thì chính quyền địa phương bị bó tay. Một quan chức ở Attapeu phát biểu „Dĩ nhiên chúng tôi cũng quan tâm lo lắng đến tương lai và khí hậu (môi trường)“, sự đốn cây phá rừng của HAGL sẽ biến đổi môi trường Nam Lào cả nhiều thế hệ. Tuy nhiên „Lào là một quốc gia nghèo nàn, có giải pháp chọn lựa nào khác cho chúng tôi không? Chúng tôi cần phải mở mang“.

Tổ chức bảo vệ môi trường Global Witness cáo buộc tập đoàn HAGL đã xử dụng những ràng buộc cá nhân với các quan chức của Campuchia và Lào để có quyền cưỡng chế đất của nông dân. Ở Campuchia, luật quy định mỗi doanh nhân hay tập đoàn chỉ được phép khai thác tối đa là 10.000 Hecta. Thế mà các „lãnh chúa cao su“ đã vượt qua quá xa mức quy định này bằng cách dùng các công ty con xin giấy phép khai khẩn đất rừng. Ngoài ra, các tập đoàn này còn thường xuyên đốn cây phá rừng ngoài khu vực được quy định.

Liên Hiệp Quốc chỉ trích

Trong bản báo cáo về Campuchia năm 2012, Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng chỉ trích: „Việc phân phát và điều hành quyền xử dụng đất đai thiếu minh bạch và không theo đúng luật pháp“. Dân cư trong vùng có được hưởng lợi gì không trong cuộc phá rừng chiếm đất này, ngoài ra còn có nạn tham nhũng trầm trọng và nhân quyền bị vi phạm nặng nề. Môi trường bị tàn phá, dân chúng trong vùng không được lên tiếng, sinh kế bị cưỡng đoạt. Các công ty khai thác có lúc còn dùng bạo lực và được quân đội yểm trợ.

Dân Lào cũng đồng chung số phận. Một số nông dân mất đất ở tỉnh Attapeu đã phải rút về sống ở vùng trơ trọi không một bóng cây vùng thượng lưu sông Xekaman. Dân Lào rất sợ người Việt. Ai chống cự lại tập đoàn cao su, lập tức sẽ bị chính quyền Lào trừng trị.

Hy vọng hão huyền. Bồi thường nhà cháy bằng một bát phở

Các nông dân ở thôn Ban Hatxan vẫn nuôi hy vọng họ sẽ được bồi thường cho những gì đã bị tước đoạt,. HAGL trả cho nông dân mỗi 3 Hecta đất 1,5 triệu Kip, tương đương với 150 Euro. HAGL không bồi thường nhà bị đập phá. Họ bảo „Tại sao các ông lại đòi tiền? Nhà đã cháy rồi mà“. Nhưng cuối cùng họ cũng chi ra 16000 Kip, một số tiền chỉ đủ để trả một bát phở.

Trong khi chờ đợi được chính quyền Lào cấp cho miếng đất để sinh sống, nông dân chỉ còn cách đi làm thuê cho tập đoàn HAGL. Ngân hàng Deutsche Bank có hay biết chuyện này hay không? Trong những ấn phẩm dùng cho việc tham gia vào thị trường chứng khoán ở Luân Đôn, HAGL tự „thú“ đã vi phạm luật lệ. HAGL đã không được cấp giấy phép trong nhiều dự án. Thêm nữa „việc phát triển và thực hiện một số dự án không phù hợp với luật pháp và các quy định hiện hành“. Sau khi bị lên án, HAGL biện minh rằng một vài đoạn trong tài liệu đã bị dịch sai.

Việc hùn vốn đầu tư cho quỹ tài chính của các lãnh chúa cao su cũng không phù hợp với các tiêu chuẩn có mục đích duy trì lâu bền các dịch vụ ngân hàng, những dịch vụ mà Deutsche Bank vẫn luôn luôn thừa nhận. Ông Megan MaInnes của tổ chức bảo vệ môi trường Global Witness đã phát biểu như sau: „Làm sao Deutsche Bank có thể mong đợi khách hàng và các cổ đông tin những gì ngân hàng này nói về đạo đức và sự phát triển lâu bền, khi chính Deutsche Bank lại kín đáo đầu tư vào những dự án như thế ?“. Đây không phải là lần đầu tiên Deutsche Bank bị phát hiện có đóng góp trong những vụ cưỡng chiếm đất đai của nông dân. Ngân hàng Deutsche Bank nên dùng ảnh hưởng của mình áp lực các doanh nghiệp do họ yểm trợ phải hoạt động trong khuôn khổ luật định.

Người dịch: Mỹ Nga
Udenheim, CHLB Đức



Chú thích

(1) Landraub in Vietnam - Heikle Gummi-Aktien der Credit Suisse
http://www.blick.ch/news/wirtschaft/heikle-gummi-aktien-der-credit-suisse-id2575234.html

(2) Global Witness là một tổ chức phi chính phủ (NGO) có văn phòng tại London và Washington DC, thành lập năm 1993 với mục tiêu chống lại tình trạng bóc lột tài nguyên thiên nhiên và những mối liên hệ đến tham nhũng, nghèo đói, tranh chấp và vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới. Global Witness tuyên bố họ không liên quan đến bất kỳ một khuynh hướng chính trị nào.

(3) Umstrittene Beteiligung in Vietnam: Deutsche Bank kehrt Kautschuk-Baronen den Rücken. Von Martin Hesse und Jörg Schmitt
http://www.spiegel.de/wirtschaft/unternehmen/hagl-deutsche-bank-gibt-beteiligung-am-kautschuk-konzern-auf-a-937030.html

(4) Der Landraub von Laos, von Hesse, Martin; Schmitt, Jörg; Wagner, Wieland
http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-95047519.html

(5) Quần đảo Cayman là lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Anh, nằm ở phía Tây vùng biển Caribe, phía nam của Cuba và phía tây của Jamaica. Cayman được coi là „thiên đường“ cho những ai muốn trốn thuế.

https://sites.google.com/site/forumvietnam21/tiengviet/tiengviet-bv/bnq20131230-myngavncuopdatnongdanlao


Những cánh rừng cuối cùng trên dãy Trường Sơn

Có thể nói rằng hiện nay, rừng trường Sơn đoạn qua tỉnh Quảng Nam là cánh rừng đẹp nhất Việt Nam bởi thảm thực vật ở đây còn khá phong phú, các loại gỗ quí vẫn còn rải rác trong rừng già, khác với hàng loạt cánh rừng trên dãy Trường Sơn đã trơ trọi như các tỉnh khác. Thế nhưng đó là chuyện của năm ngoái, còn năm nay, hiện tại, nhiều tiểu khu lâm nghiệp có gỗ quí ở Quảng Nam đã bị chặt phá tàn tệ. Với đà này, không bao lâu nữa, rừng Trường Sơn sẽ trắng từ Bắc chí Nam.

Rừng sẽ không còn vì thủy điện và dự án trồng rừng

Một cựu chỉ huy lực lượng kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, không muốn nêu tên, buồn bã chia sẻ: “Trường Sơn ấy, là từ chỗ đoạn ngầm Huế vào tới Trà Linh là đẹp nhất, hai bên đường vẫn còn cây nguyên thủy. Mình chỉ quan tâm cái đẹp thôi là được chứ còn bên trong nó thì cũng có vấn đề. Từ ngầm Huế ra Hà Nội là dở rồi, nó không có giá trị Trường Sơn nữa. Từ Trà Linh vào trong thì cũng không còn giá trị gì nữa, chỉ có thông với tre thôi, không gọi là Trường Sơn nữa. Thì do nó… ăn sạch, bán sạch hết rồi!

Theo vị cán bộ chỉ huy kiểm lâm đã về hưu này thì nguy cơ rừng Trường Sơn bị trắng xóa là chuyện trước mắt, khó có thể nói rằng rừng Trường Sơn sẽ giữ lại được những loại động thực vật quí hiếm. Có ba lý do để ông khẳng định rằng rừng Trường Sơn sẽ không còn, đó là: Hầu hết giới quan chức đều làm nhà bằng gỗ quí, đồ dùng trong nhà của họ thuộc nhóm gỗ cực quí; Các dự án thủy điện mở rộng lòng hồ đang là mối nguy lớn của các cánh rừng già và; Các dự án trồng rừng mà trên thực tế là phá rừng để kinh doanh đang ngày đêm tùng xẻo rừng Việt Nam.

Ở khía cạnh thứ nhất, nhà của giới quan chức Việt Nam hiện tại, chức càng cao thì nhà càng làm càng nhiều gỗ quí, từ cây đòn tay đến rui mè, lách, ngay cả bàn ghế, tủ bếp, giường ngủ của họ cũng được làm từ gỗ cẩm lai đỏ, sưa đỏ, tức gỗ huỳnh đàn hoặc thủy tùng, pơ mu, sến, lim, gụ, kiền kiền… Nói chung là chỉ riêng lượng gỗ để phục vụ các quan không thôi cũng đã nuốt trọn mất một phần ba rừng Trường Sơn chứ không giỡn chơi! Vị này khẳng định nếu không tin thì hãy nhìn xem nhà của các quan lớn, có nhà nào là không dùng gỗ quí, không muốn nói là có nhiều nhà có cả sừng tê giác, nhanh cọp hoặc ngà voi…

Chính nhu cầu dùng gỗ quí ở giới quan chức nhà nước quá lớn, trong khi đó họ lại thích dùng miễn phí nên giới lâm tặc và giới kiểm lâm đã thả sức phá rừng để cung phụng cho giới quan chức và để bán ra bên ngoài. Cung phụng một phần, bán ra bên ngoài một phần nữa thì rừng nào mà trụ nổi.

Ở khía cạnh khai thác gỗ lòng hồ thủy điện, theo vị cựu chỉ huy kiểm lâm này chia sẻ thì thực ra, từ ngày Việt Nam bắt đầu có những dự án xây dựng thủy điện đến nay, trên thực tế chẳng có lợi gì cho cây cỏ và con người, giá điện vẫn tăng vùn vụt mà rừng thì cạn kiệt. Bởi ngay từ khi xây dựng dự án, lẽ ra phía nhà nước phải có những điều khoản ràng buộc để số gỗ lòng hồ không bị thất thoát, vì đó là tài sản của quốc gia thì ở đây, những dự án ma đầy rẫy.

Dự án ma có thể đã thành hiện thực về mặt phát điện, nghĩa là thủy điện đã hình thành như Sông Tranh 2, A Vương, Sông Tranh 1… Nhưng đó vẫn là thủy điện ma đối với gỗ rừng. Một lượng gỗ khổng lồ từ lòng hồ đã bị chủ đầu tư khai thác vô tội vạ. Trong khi đó, họ không được phép làm chuyện này, bởi đó là tài sản quốc gia. Nhưng họ ngang nhiên khai thác gỗ lòng hồ bởi đã có chia chác, toa rập giữa chủ đầu tư và các quan chức nhà nước. Nói chính xác hơn là các quan tham và các doanh nghiệp đã phá hoại rừng già.

Về phía dự án trồng rừng, theo vị cựu chỉ huy kiểm lâm này thì cũng chẳng khác nào dự án thủy điện. Bởi đất trống đồi trọc ở rừng núi, trung du còn đầy ra đấy nhưng người ta lại không trồng rừng, lại bỏ hoang, lại đi trồng rừng ở những cánh rừng già có nhiều gỗ quí. Chuyện này hết sức khôi hài và vô lý, nó chỉ cho thấy rằng người ta cố tình phá rừng lấy gỗ, sau đó trồng những cây non lên chỗ rừng bị khai thác và sau này lại khai thác cây vì đó là cây của họ trồng.

Cũng theo vị cựu chỉ huy kiểm lâm này thì thực ra, giữa lâm tặc, kiểm lâm và quan chức có chung một mối lợi ăn chia từ khai thác rừng. Chính vì mối lợi này mà rừng mau chóng bị phá sạch sành sanh. Những kiểm lâm nào muốn bảo vệ rừng, có ý định tốt sẽ bị thanh trừng theo cách này hoặc cách khác, đã có rất nhiều cái chết thương tâm của cán bộ kiểm lâm do lâm tặc giết nhưng không được đưa ra ánh sáng, cùng lắm thì nói là tai nạn, bởi đằng sau kẻ giết các kiểm lâm chân chính này là những cái dù cỡ bự.

Rừng chết, đồng bằng cũng chết

  Một cán bộ kiểm lâm khác, cũng không muốn nêu tên, chia sẻ thêm: “Chung là ngày nào cũng có đi làm hết, nó khai thác gõ, chò, chò đá, sến, dỗi, lim… Kiểm lâm vẫn loanh quanh đây thôi nhưng làm thinh cho tụi nó làm, làm xong nó đưa tiền phần trăm, nó làm chi kệ nó. Thì nó lên trên rừng cao, trên đỉnh núi, khai thác xong thì thả từng khúc tuột xuống, sau đó cho trâu kéo, đưa ra thuyền ngoài lòng hồ và cho chuyển đi bán. Lâu lâu thì cũng bị bắt nhưng do kiểm lâm từ ngoài bộ vào, họ không quen biết…”

Theo vị này, một khi rừng Trường Sơn bị trơ trọi thì cái giá phải trả nặng nhất là người đồng bằng mà nói cụ thể là những nông dân chân lấm tay bùn, giới công nhân, lao động nghèo và một số doanh nghiệp làm ăn chân chính chứ giới quan tham chẳng hề hấn gì, thậm chí bọn họ còn có được thời gian rảnh để hưởng thụ.

Nghĩa là khi rừng bị trơ trọi, mọi con lũ đầu nguồn sẽ nhanh chóng tuôn về đồng bằng, các hồ chứa thủy điện cũng nhanh chóng tràn nước, dẫn tới báo động đỏ và xả hồ để cứu đập. Tất cả những trường hợp này đều dẫn đến ngập lụt ở đồng bằng, mùa màng hư hại, tài sản và con người bị thiệt hại, các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động vì nước lũ…

Chuyện này là chuyện trở thành nếp không chỉ riêng gì ở Quảng Nam hay ở miền Trung mà hầu hết trên cả nước, chính giới quan lại đã tàn phá thiên nhiên, để lại hậu quả cho nhân dân gánh chịu và trong lúc nhân dân đau khổ, giới quan lại này có kẻ diễn trò cứu hộ, cứu trợ để lên sóng, diễn xong lại về hưởng lạc, cũng có kẻ không cần diễn mà tha hồ hưởng lạc trong lúc nhân dân đang gồng mình do hậu quả của bọn họ để lại.

Rừng, ở Việt Nam, ngoài ý nghĩa là lá phổi thiên nhiên còn là cái đồng hồ đo lòng tham và sự thiếu trách nhiệm của giới quan chức.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/last-forests-in-the-truong-son-range-10232015142952.html
 

2 comments: