Thursday, August 25, 2016

Tiếng nổ của mô tô Harley


 Đặc trưng của mô tô Mỹ Harley Davidson là tiếng nổ vang rền. Người sành về mô tô nghe tiếng nổ từ xa có thể đoán chiếc xe nào là mô tô Harley. Vì thế mà đã từng xảy ra chuyện về tiếng nổ này.

Vào thập niên 1980, các hãng xe mô tô Nhật sau khi đã tung hoành trên thị trường châu Âu làm cho nhiều hãng xe mô tô châu Âu nổi tiếng như Triumph, Norton, BSA của Anh, Ducati của Ý bị phá sản đã tiến vào thị trường Mỹ.

Trên thi trường Mỹ, loại mô tô cruiser (cờ-rui-dơ) là loại được nhiều người ưa chuộng. Cruiser là loại mô tô có lòng máy phân khối lớn, được chế tạo không phải là để có tốc độ cao mà để đi đường xa với thế ngồi thấp tiện nghi, có chỗ để chân duỗi dài cho thoải mái, yên xe rộng và êm. Chữ cruiser xuất phát từ động từ cruise có nghĩa là đi từ từ, đều đều với tốc độ chậm. Các hãng mô tô Nhật như Honda, Yamaha, Suzuki, Kawasaki tấn công vào thị trường cruiser với ý nghĩ là sẽ làm các cruiser tốt hơn cruiser của Mỹ, thu hút hết khách hàng của Mỹ như họ đã từng làm ở châu Âu.


Mô tô của Anh, BSA Rocket 3, năm 1969, 3 xy lanh đặt ngang nhau, 750 phân khối, tốc độ tối đa 190 km/giờ


Mô tô của Ý Ducati 750GT, năm 1971, hai xi lanh hình V, 750 phân khối, tốc độ tối đa 210 km/giờ


Mô tô của Anh Triumph Trident T150, năm 1972, ba xi lanh đặt ngang nhau, 750 phân khối, tốc độ tối đa 190 km/giờ



Mô tô của Đức BMW R75/5, năm 1970, 750 phân khối, hai xi lanh đặt nằm ngang đối diện nhau, tốc độ tối đa 175 km/giờ




Honda CB-750 K2, năm 1972, bốn xi lanh đặt ngang nhau, 750 phân khối, tốc độ tối đa 190 km/giờ

Kawasaki Z-1, 900 phân khối, năm 1973, 4 xi lanh đặt ngang nhau, tốc độ tối đa 210 km/giờ


Tại châu Âu, khi Honda tung ra xe mô tô CB-750 với lòng máy 750 phân khối, bốn xi lanh dã chiếm được lòng yêu chuộng của khách hàng và đánh bại các loại mô tô phân khối lớn thời đó. Xe CB-750 nhờ có bốn xi lanh nên động cơ nổ rất êm. Chạy ở vận tốc cao mà tay lái không bị rung, người lái vẫn điều khiển được một cách dễ dàng. Khác với các mô tô lâu đời ở châu Âu, chỉ có hai xi lanh, khi chạy trên 100 km/giờ thì tay lái rung lên, người lái cảm thấy khó điều khiển. Ai chạy với tốc độc cao cảm thấy mình là người rất gan dạ. Các hãng Nhật đua nhau áp dụng kỹ thuật mới vào mô tô như dùng thắng đĩa ở bánh trước, khởi động bằng điện thay vì phải đạp, hộp số có năm số thay vì bốn số nên được nhiều người ưa thích và khiến cho các hãng châu Âu cũng phải chạy theo cải tiến kỹ thuật.

Harley Davidson FXSB Low Rider, 1984, hai xi lanh hình V, 1100 phân khối

Các hãng mô tô Nhật tính toán rằng họ sẽ làm ra loại mô tô cruiser có hình dáng giống như các chiếc cruiser của hãng Mỹ Harley Davidson nhưng với tính năng vượt trội như máy có công suất cao hơn, xe nhẹ hơn, máy êm hơn, dễ sử dụng hơn.

Honda Shadow VT750, 1983, hai xi lanh hình V, 750 phân khối

Hàng loạt xe mô tô kiểu cruiser được các hãng Nhật sản xuất trung ra thị trường Mỹ vào đầu thập niên 1980. Nhưng sau một vài năm người Nhật ngạc nhiên là mặc dù mô tô cruiser của Nhật tốt hơn ít hỏng bậy, máy êm hơn, xe nhẹ hơn, ít tốn xăng hơn, bán giá chỉ rẻ bằng nửa giá xe mô tô Harley Davidson, dân Mỹ vẫn tiếp tục mua xe mô tô Harley Davison. Hãng Harley Davison vẫn nhận được đơn mua hàng tới tấp làm không kịp.

Suzuki Intruder 1986, hai xi lanh hình V, 900 phân khối

Yamaha Virago SV750, năm 1982, hai xi lanh hình V, 750 phân khối


Người Nhật rất khôn ngoan, họ tìm hiểu vì sao hàng của họ tốt hơn mà lại không đánh bại được hàng vốn kém phẩm chất hơn hàng của họ. Họ tìm hiểu sở thích của những khách hàng mua mô tô Harley. Họ thấy những người mua mô tô Harley là những người thích kiểu dáng hùng mạnh, đầy nam tính của nó. Những người mua mô tô Harley không phải là những người mua xe để đi làm. Bên Mỹ ai cũng có xe hơi và có một chiếc xe hơi cũ để đi làm chỉ mất vài trăm đô la cũng mua được trong khi chiếc mô tô Harley mới giá từ 15 ngàn đô la đến hơn 25 ngàn đô la. Những người mua mô tô là những người thích có xe mô tô để đi chơi cuối tuần hay đi chơi đường dài vào kỳ nghỉ lâu ngày. Vì thế yếu tố xe nhẹ, chạy ít tốn xăng không làm cho họ quan tâm. Muốn làm cho xe nhẹ, các hãng Nhật làm nhiều bộ phận bằng plastic thay vì bằng kim loại. Trong khi đó người mê xe Harley thích xe hoàn toàn làm bằng kim loại, cứng cáp, tạo cho họ cảm giác vững chãi khi họ dùng xe và chiếc xe tạo ra cảm giác về sức mạnh. Chính là tình cảm chi phối người dùng xe Harley hơn là lý trí. Các hãng Nhật làm ra chiếc mô tô tiếng nổ êm, không ồn ào và nghĩ đó là ưu điểm nhưng người mua xe Harley thì thích tiếng nổ vang rền của nó. Đó là những người mỗi cuối tuần đem xe đi dạo phố hàng đoàn với tiếng nổ vang rền làm cho mọi người trên phố đều phải quay đầu lại nhìn. Họ không thích chiếc xe văn minh, lịch sự với tiếng nổ êm nhẹ.

Harley Davidson FSX Low Rider, 1977, hai xi lanh hình V, 1100 phân khối

Chính tiếng nổ vang rền của xe mô tô Harley đã khiến cho nhiều người Mỹ chấp nhận bỏ tiền để mua chiếc xe đắt hơn mà lại hay hỏng vặt hơn xe Nhật. Đó là tiếng nổ thình thình làm cho người đứng gần thấy trái tim trong lồng ngực mình muốn nhảy ra ngoài, người đứng xa chưa cần nhìn đã biết đó là xe Harley. Và khi xe rồ máy thì đinh tai nhức óc. Tiếng nổ này trước đây có đại diện của hãng Nhật đã chế diễu là nghe nó giống như là tiếng kêu Pô Tế Tô, Pô Tế Tô (Potato nghĩa là khoai tây tiếng Anh). Giữa hai người chạy xe cruiser bên cạnh nhau, người chạy xe Harley với tiếng nổ ồn ào có tính cách áp đảo người chạy xe Honda và mọi người biết ai là đang chạy chiếc xe đắt tiền hơn. Nay thì người Nhật không còn chế diễu tiếng nổ này nữa.

Vì thế hãng Honda muốn mô tô của họ cũng có tiếng nổ vang rền như mô tô Harley. Nhưng dù có thay đổi các kiểu ống khói với bộ phận hãm thanh khác nhau để làm cho tiếng nổ lớn hơn họ vẫn không làm thế nào để xe Honda có tiếng nổ vang rền, nghe thình thình như xe Harley.


Hãng Honda cố tìm hiểu vì sao mô tô Harley Davidson lại có tiếng nổ như vậy. Các kỹ sư của hãng Honda đã tháo máy mô tô Harley ra để nghiên cứu . Họ thấy rằng sở dĩ xe mô tô Harley có tiếng nổ đặc biệt là vì động cơ hình chữ V với hai xi lanh và hai piston cùng dùng chung một trục động cơ. Trục động cơ này khi quay đưa hai piston lên và xuống cùng một lúc. Trong khi đó các kỹ sư Nhật khi thiết kế động cơ hình V cho xe Honda đã dùng hai trục động cơ. Họ thấy cách này đem lại kết quả tối ưu cho cả tốc độ lẫn sức kéo. Còn dùng chung một trục động cơ như của Harley thì công suất sẽ bị kém đi mặc dù hai động cơ có phân khối giống nhau.






Đoạn video trên cho thấy động cơ của xe Harley Davidson hoạt động ra sao




Đoạn video trên cho thấy tiếng nổ của động cơ Harley Davidson qua các thời kỳ khác nhau.


Honda quyết định chế tạo động cơ hình V giống như của Harley để tạo ra tiếng nổ giống như xe Harley. Kết quả là năm 1995, hãng Honda tung ra kiểu xe Honda Shadow VT1100 A.C.E. với động cơ 1100 phân khối, hình V, dùng một trục động cơ. Honda đặt tên cho kiểu này là A.C.E., là chữ viết tắt của American Classic Edition. Nhưng chữ ACE tiếng Anh cũng có nghĩa là quân chủ bài át trong quân bài. Người Mỹ dùng chữ Ace để chỉ những ai xuất sắc về việc gì, chẳng hạn như một phi công giỏi bắn hạ được nhiều máy bay địch được gọi là Ace.

Honda Shasow VT1100 A.C.E., 1997, hai xi lanh hình V, 1100 phân khối


Giới chơi xe Mỹ thích thú khi ngồi trên chiếc xe Honda, vặn tay ga và nghe thấy tiếng nổ của nó giống hệt như tiếng nổ xe Harley. Giá một chiếc Honda cruiser này chỉ bằng nửa giá chiếc xe Harley.

Hãng Harley Davidson thấy Honda tung ra xe với hình dáng và tiếng nổ tương tự như xe của mình, cũng hai ống pô nằm ở bên phải, đã xin đăng ký tiếng nổ máy xe Harley như là đặc trưng cho thương hiệu Harley Davidson và dọa sẽ kiện Honda vì bắt chước tiếng nổ của mình.





Nhưng sau đó Harley Davidson bỏ ý định kiện Honda có lẽ vì thấy khó thắng kiện vì tiếng nổ xe không thể ghi lại bằng phương pháp khoa học để có thể nói tiếng nổ này bắt chước tiếng nổ kia. Với điệu nhạc để làm thương hiệu thì có nốt nhạc ghi xuống còn tiếng nổ thì không thể làm như vậy.




Cuối cùng thì thời gian cho thấy hãng Honda dù bắt chước được tiếng nổ của Harley Davidson cũng không thể chiếm lĩnh thị trường hoàn toàn, đẩy Harley Davidson đến chỗ phá sản mà các hãng xe Nhật cũng chỉ nắm được một phần trong thị trường xe mô tô tại Mỹ và hãng Harley Davidson nhờ luôn luôn cải tiến về kỹ thuật và ra các kiểu xe mới vẫn tiếp tục sống mạnh và chống trả lại sự cạnh tranh ráo riết của các hãng xe Nhật.

Phi Long


No comments:

Post a Comment