Friday, October 7, 2016

Nga dự trù sẽ lập lại căn cứ quân sự tại Việt Nam và Cuba

Theo bản tin của hãng tin Reuters vào ngày 7-10-2016 thì Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng Nga Nikolai Pankov vừa tuyên bố cùng ngày là Nga đang xét lại việc sẽ đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam và Cuba .



Hiện nay, chính quyền Việt Nam đang tuyên bố là sẽ không liên minh với nước nào. Vậy thì việc cho Nga lập căn cứ có nghĩa là Việt Nam không còn theo chính sách không liên minh mà ngả về phía khối Nga - Trung Quốc. Nga và Trung Quốc là đồng minh chiến lược hiện nay trong việc cùng bành trướng lãnh thổ ra các nước xung quanh. Việc Nga đặt căn cứ tại Việt Nam có nghĩa là Nga có ý định hỗ trợ cho Trung Quốc tại vùng Thái Bình Dương. Còn việc Trung Quốc nhận sẽ huấn luyện cho quân đội Syria có nghĩa là Trung Quốc hỗ trợ cho Nga tại vùng Trung Đông.

Nếu Việt Nam cho Nga lập căn cứ quân sự trên đất mình trong khi Nga thì có lập trường ủng hộ Trung Quốc tại Biển Đông có nghĩa là nhừng người lãnh đạo Việt Nam hy sinh quyền lợi của tổ quốc ở Biển Đông để dựa vào thế lực Nga - Trung Quốc. Nhưng điều này lại không phải là mới mẻ gì vì đó là điều đảng Cộng Sản Việt Nam đã từng làm trong thời gian nhận viện trợ quân sự của Trung Quốc và Liên Xô trong khi ông Phạm Văn Đồng gửi công hàm công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc.

Việc Nga đặt căn cứ quân sự tại Cuba có thể sẽ làm cho chính quyền Mỹ xét lại việc tổng thống Obama bình thường hóa quan hệ với Cuba. Nếu đảng Cộng Hòa thắng cử trong cuộc tranh cử tổng thống thì ông tổng thống mới có thể xét lại các điều kiện bình thường hóa quan hệ với Cuba vì nhiều người thuộc đảng Cộng Hòa vẫn chống việc bình thường hóa của tổng thống Dân Chủ Obama. Nay lại thêm Cuba có căn cứ quân sự của Nga thì sự quan hệ giữa Cuba và Mỹ sẽ thêm phức tạp trong tương lai.

Sở dĩ người Mỹ có thể bình thường hóa quan hệ với Cuba là vì họ nghĩ Cuba không còn là kẻ đi đầu trong sự bành trướng của Nga tại châu Mỹ nữa. Nay với căn cứ quân sự của Nga tại Cuba và chính sách bành trướng của Nga, cùng với việc máy bay ném bom Nga liên tiếp bay sát vào không phận Mỹ tại Hawai và không phận các nước NATO ở châu Âu thì người Mỹ có thể xem Cuba là mối đe dọa cho an ninh của Mỹ.

Tuy nhiên việc Nga mở rộng hoạt động quân sự trên thế giới có vẻ đi ngược lại tình trạng kinh tế của Nga. Có các dấu hiệu cho thấy Nga đang thiếu hụt ngân sách vì giá dầu trên thị trường thế giới quá thấp.

Nga dự định bán công ty dầu Bashneft cho tư nhân. Điều này cho thấy chính phủ Nga cần tiền nên phải bán công ty quốc doanh cho tư nhân. 

Trong khi các nước xuất cảng dầu hỏa trong OPEC đồng ý giảm bớt sản lượng thì Nga không đồng ý và vẫn giữ nguyên sản lượng. Nga cần bán dầu để có tiền chi tiêu cho ngân sách vì quĩ dự phòng chiến lược đã cạn nên không thể giảm số tiền xuất cảng dầu.

Hiện nay một số công ty dầu hỏa của Nga phải dùng cách khoan ngang từ các giếng đang khai thác để vét số dầu còn tồn đọng ở những chỗ khó lấy. Điều này là dấu hiệu cho thấy Nga muốn gia tăng sản lượng dầu hỏa hay ít ra là giữ nguyên trong khi các giếng dầu đang cạn dần mà Nga không có tiền để thăm dò và đào giếng mới tại càc vùng xa về phía Đông của Tây Bá Lợi Á. Lý do Nga không có tiền là vì bị các nước Tây Phương cấm vận. Các ngân hàng tại các nước Tây Phương không cho Nga vay tiền.

Vì thế tuy Nga nói là sẽ lập lại căn cứ tại Việt Nam và Cuba thì cũng còn phải xem Nga có đủ ngân sách để làm việc này hay không. Rất có thể Nga chỉ nói vậy để dọa Mỹ và các nước Tây Phương là Nga đang rất mạnh. Tốt nhất là đừng nghe những gì Nga nói mà hãy nhìn kỹ những gì Nga làm.


Việt Nam lên tiếng về việc Nga cân nhắc trở lại Cam Ranh

Việt Nam tái khẳng định chính sách không cho nước khác đặt căn cứ quân sự, sau khi truyền thông Nga đưa tin Moscow cân nhắc trở lại cảng Cam Ranh, Khánh Hoà.

"Lập trường nhất quán của Việt Nam là không liên minh quân sự, không liên minh với nước nào để chống lại nước thứ ba và cũng không cho nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Tất cả các luận điểm tôi đã nêu là không thay đổi", ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay trả lời câu hỏi về việc truyền thông Nga cho biết nước này đang cân nhắc việc trở lại cảng Cam Ranh của Việt Nam.

Cảng Cam Ranh từng là địa điểm Liên Xô (sau này là Nga) thuê làm căn cứ quân sự trong 24 năm, từ 1979 đến 2002.

Năm 1965, sau sự kiện vịnh Bắc Bộ, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã cho phép Mỹ sử dụng Cam Ranh làm căn cứ quân sự. Đến năm 1972, Mỹ bàn giao căn cứ này cho quân đội Sài Gòn.

Gần đây các tàu hải quân của một số nước đã đến giao lưu với hải quân Việt Nam tại Cam Ranh. Khu trục hạm USS John S. McCain và tàu tiếp liệu USS Frank Cable của Mỹ hồi đầu tháng 10 lần đầu tiên ghé thăm Cam Ranh.

Người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết thời gian qua quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam với Nga cũng như với các đối tác lớn khác trên thế giới đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ.

"Việt Nam luôn thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế và hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển hợp tác với tất cả các đối tác trên cơ sở cùng có lợi, vì hoà bình , ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á Thái Bình Dương và trên thế giới", ông Bình nhấn mạnh.

Việt Anh

No comments:

Post a Comment