Friday, October 21, 2016

Con nhím Nga đang xù lông

Nga tuyên bố có thể sẽ tái lập lại căn cứ quân sự tại Việt Nam và Cuba . Đó là Nga có ý định thật hay có ý đồ gì khác? Trước đây vài năm, có viên chức Nga đã nói là Nga không có ý định dùng căn cứ Cam Ranh. Mục tiêu thực sự của Nga thời bây giờ là sát nhập trở lại các nước cộng hòa xô viết đã tách ra khỏi Liên Xô chứ không phải là bành trướng qua phía Á Châu.



Đồng thời với việc tuyên bố sẽ tái lập căn cứ tại Việt Nam và Cuba, Nga đưa dàn hỏa tiễn nguyên tử lưu động đến sát một số nước Đông Âu, cho máy bay có khả năng ném bom nguyên tử bay sát vào không phận Hawai của Mỹ. Việc máy bay Nga bay sát vào không phận NATO thì đã xảy ra từ nhiều năm, nhưng máy bay Nga bay sát vào không phận Mỹ ở Hawai là điều mới. Nga làm như thế với mục đích gì? Thực ra Nga không có nhu cầu quân sự khi phải bay máy bay sát vào Hawai. Máy bay Nga sẽ phóng hỏa tiễn nguyên tử vào Mỹ chỉ vì Mỹ cung cấp khí giới cho phe chống chính phủ Syria chăng? Các nước đâu có dùng đến vũ khí nguyên tử để giải quyết các vấn đề nhỏ nhặt không liên quan đến sự sống còn của quốc gia như vậy. Tuy Nga thực hiện hàng trăm chuyến bay nhưng chỉ thỉnh thoảng Mỹ mới loan tin máy bay Nga bay sát vào không phận mình . Đôi khi các bản tin có nói thêm là cái nguy cơ Nga sẽ tấn công Mỹ là không có, Nga chỉ bay sát không phận mà thôi.

Mỗi năm Nga cũng bay hàng trăm phi vụ áp át vào không phận Nhật nơi ở các đảo phía Bắc. Đồng thời Trung Quốc cũng bay hàng trăm phi vụ áp sát không phận Nhật ở các đảo phía Nam. Cứ mỗi lần như vậy Nhật phải cho máy bay chiến đấu bay lên để phòng hờ.

Ngoại trưởng Nga mới đây tố cáo là NATO tiến sát đến biên giới Nga. Điều này thì các cơ quan truyền thông Nga đã làm từ lâu nhưng bây giờ chính ngoại trưởng Nga lên tiếng. Guồng máy tuyên truyền của Nga đổ cho Mỹ là kẻ gây ra căng thẳng trên thế giới, có kẻ treo hình Putin trên cầu ở Mahattan, New York với hàng chữ "Peackeeper" (Người giữ gìn hòa bình).

Ngày 19-10-2016, hãng tin Reuters loan tin Nga đưa hạm đội với chiến hàng không mẫu hạm duy nhất của Nga tên là Admiral Kuznetsov từ biển Ban Tích ở phía Bắc, sát với Nga xuống biển Địa Trung Hải. Trên đường đi, các máy bay Nga từ hàng không mẫu hạm đã cất cánh bay sát vào không phận các nước NATO, cụ thể là Na Uy, khiến cho Na Uy phải cho máy bay bay lên để phòng hờ.



Hàng không mẫu hạm Nga Admiral Kuznetsov, do máy bay Na Uy chụp ngày 20-10-2016, ảnh Reuters

Hàng không mẫu hạm Admiral Kuznetsov và tàu chiến đi kèm trên đường đi xuống phía Nam


Hãng tin Reuters có bài phân tích nói rằng Nga thật ra không cần đem hàng không mẫu hạm xuống phía Nam nếu như muốn gia tăng ném bom ở Syria. Nga chỉ cần đem thêm máy bay qua căn cứ trên bộ của Syria mà thôi. Việc làm này dễ dàng và ít tốn kém hơn là đưa một hạm đội với hàng không mẫu hạm đi xa hàng ngàn cây số. Như vậy việc đưa hạm đội xuống phía Nam không do nhu cầu quân sự thật mà chỉ có tính cách tượng trưng và tuyên truyền.

Ngày 12-10-2016, ông Vladimir Zhirinovsky, một người ủng hộ ông Putin, trả lời phỏng vấn với phóng viên của Reuters rằng dân Mỹ nên bầu cho ông Donald Trump vì ông này có thiệm cảm với Nga, sẽ làm giảm bớt sự căng thẳng Nga - Mỹ thì sẽ tránh được rủi ro chiến tranh nguyên tử xảy ra giữa Nga và Mỹ. Câu nói này của ông Vladimir Zhirinovsky có lẽ giải thích được ý đồ của Nga qua các hoạt động quân sự không phát xuất từ như cầu quân sự thật sự. Nga muốn qua các hoạt động quân sự nhộn nhịp được cơ quan truyền thông Tây Phương đăng tạo cho người dân Tây Phương cảm tưởng bất an, thấy là tình hình thế giới căng thẳng, chiến tranh nguyên tứ sắp xảy ra giữa Mỹ và Nga. Nga muốn qua phương tiện truyền thông, lợi dụng sự tự do thông tin tại các nước dân chủ để làm cho dân các nước này lo sợ chiến tranh mà biểu tình phản đối chính sách của chính phủ mình đối với Nga. Nga muốn dùng áp lực của dân chúng các nước Tây Phương để giải tỏa áp lực mà các nước này đặt vào Nga.

Các hoạt động quân sự có tính cách đe dọa của Nga có tác dụng ở các nước ở sát với biên giới Nga nhưng không có tác dụng ở Mỹ, Anh, Pháp hay Đức. Không thấy người dân các nước này lo sợ chiến tranh nguyên tử mà biểu tình phản đối chính phủ mình.

Vì sao có chuyến đi của hạm đội Nga vào tháng 10 này? Tháng 10 là thời điểm chỉ vài tuần nữa là có bầu cử tổng thống ở Mỹ (8-11-2016). Tháng 10 là tháng các phe tranh cử tung ra đòn độc để hạ đối thủ. Cụ thể là cuốn băng thu lời ông Donald Trump nói trong phòng thay quần áo về phụ nữ làm cho ông ta mang hình ảnh xấu. Phải chăng ông Putin muốn chuyến đi của hạm đội Nga làm cho dân chúng Mỹ cảm thấy tình hình thế giới rất căng thẳng, có thể nổ ra chiến tranh nguyên tử, để tránh chiến tranh nguyên tử thì dân Mỹ sẽ dồn phiếu bầu cho ông Donald Trump, một ứng cử viên tay ngang nhảy vào chính trị với những lời tuyên bố cho thấy kiến thức về chính trị nghèo nàn, chỉ nhằm mị dân để kiếm phiếu? Nếu thế thì chuyến đi này chỉ tốn tiền mà không đạt được mục đích . Dân Mỹ không lo sợ chiến tranh sắp xảy ra cũng không biết là chính sách của ông Donald Trump để giải quyết xung đột ở Syria ra sao vì ông ta không bàn nhiều về việc này.

Ông Vladimir Putin đang áp dụng lại bài bản tuyên truyền của KGB vào thập niên 1970, lúc đó ông ta đang hoạt động tại Đông Đức. Vào thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, dư luận tại các nước Tây Phương rất xôn xao, lo sợ chiến tranh nguyên tử xảy ra. Nhiều cuộc biểu tình phản chiến đã xảy ra tại Mỹ và Tây Âu  đòi hỏi chính phủ các nước này phải ngưng chạy đua vũ trang với Liên Xô. Chính sách tuyên truyền này có lợi cho Liên Xô vì Liên Xô làm cho dân các nước Tây Phương phản đối chạy đua vũ trang trong khi dân Liên Xô không được biểu tình, dưới ảnh hưởng của tuyên truyền của nhà nước lại ủng hộ nhà nước phải chế tạo nhiều hỏa tiễn nguyên tử, xe tăng, máy bay để tự vệ.

Ngày nay, tình thế đã đổi khác. Mỹ và các nước NATO được bảo vệ bởi hệ thống lá chắn phi đạn và những người hiểu biết tại các nước này biết rằng Nga đang thiếu hụt về ngân sách vì giá dầu xuống thấp thì khả năng Nga gây chiến tranh lớn là không có. Bài bản tuyên truyền của KGB mà ông Putin học được từ thời 1970 ngày nay không còn tác dụng.

Minh Đức

No comments:

Post a Comment