Wednesday, May 2, 2018

Blogger Phạm Đoan Trang ẩn trốn sau khi bị thẩm vấn


Tác giả cuốn ''Chính Trị Bình Dân,'' bà Phạm Đoan Trang nói rằng bà bị quản thúc tại gia và phải tìm nơi ẩn trốn sau khi bị thẩm vấn về cuốn sách bị cấm phát hành, theo bản tin của hãng AFP từ Hà Nội.

Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang cho biết bà bị nhân viên an ninh câu lưu và thẩm vấn trong nhiều giờ vào thứ Bảy về ''Chính Trị Bình Dân'', cuốn sách gần đây nhất của bà, bị cấm phát hành tại Việt Nam. Cuốn sách này bao gồm nhiều phần về ý niệm dân chủ và tư tưởng chính trị.

Bà cho biết hôm thứ Năm là sẽ tiếp tục thúc đẩy dân chủ trong một chính quyền độc đảng.

Cảnh sát mặc thường phục bao vây nhà bà ở Hà Nội sau khi bà thả trả tự do cho bà trễ hôm Thứ Bảy, cựu nhà báo này nói với hãng thông tấn AFP.

"Tôi đã trốn thoát ... đó là một phép lạ," bà nói từ một nơi ẩn náu không được tiết lộ tại Việt Nam, và thêm rằng bà đã trở thành mục tiêu vì cuốn sách phát hành năm 2017, mà bà gọi là sách giáo khoa, khoa học chính trị.

"Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đơn giản là không thích ai cố ý làm điều gì tỏ ra hợp pháp hơn họ, xứng đáng hơn họ để nắm giữ quyền lực," bà nói.

Cựu nhà báo Phạm Đoan Trang trước đây từng bị giam ở Việt Nam, nơi thường xuyên giam giữ các blogger, luật sư và những người bất đồng chính kiến, hay chỉ trích chính quyền.

Chính quyền bảo thủ Việt Nam, từ năm 2016, đã bị buộc tội siết chặt, bắt giữ và kết án hàng chục các nhà hoạt động.

Bà Phạm Đoan Trang, 39 tuổi, người theo hãng thông tấn AFP, từ lâu đã là một cái gai nhọn trong mắt của chính quyền, vì những điều bà viết về dân chủ và việc làm về thảm hoạ môi trường ở trung phần Việt Nam năm 2016, một thảm họa đã gây ra nhiều cuộc biểu tình hiếm hoi trên khắp đất nước,

Tổ chức nhân quyền People in Need ở Prague, tháng trước cho biết sẽ trao giải cho Phạm Đoan Trang về hoạt động của bà.

Tối hôm 1/3, nhà hoạt động đã đăng lên trang cá nhân của mình nói rằng bà 'cảm động, cảm ơn và... bối rối khi được nhiều bà con cô bác khen là "anh hùng', 'anh thư'.."

Và đặt câu hỏi:

"Vì sao một nhà nước luôn tự nhận là 'của dân, do dân, vì dân', mà thấy một cuốn sách có tên 'Chính trị bình dân' thì vội vàng tịch thu nó và lùng bắt tác giả chẳng khác gì săn thú vậy?"

Trang đã bị giam giữ hơn một tuần lễ trong năm 2009 sau khi bà bị cáo buộc là lên kế hoạch in áo thun với những thông điệp gây tranh cãi, điều bà phủ nhận.

Mặc cho nhiều nguy cơ bị bắt giữ, bà Phạm Đoan Trang vẫn thề sẽ tiếp tục lên tiếng.

"Tôi cảm thấy ý muốn viết nhiều thêm mãnh liệt hơn, tôi không thể im lặng," bà nói, và thêm rằng sẽ nhất định ở lại quê hương.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết năm ngoái ít nhất 24 nhà hoạt động đã bị kết án tại Việt Nam, và 28 người khác bị bắt, biến 2017 thành một trong những năm khắc nghiệt nhất của những người bất đồng chính kiến.

Khi được hỏi về trường hợp của bà hôm thứ Năm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, bất cứ ai vi phạm luật pháp cũng sẽ bị "trừng phạt theo pháp luật Việt Nam ".

"Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã làm đúng nghĩa vụ của mình," bà nói với báo giới.

BBC Tiếng Việt
Ngày 2 tháng 3 năm 2018

Nhà báo Phạm Đoan Trang, tác giả ‘Chính Trị Bình Dân,’ biến mất?

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, tác giả cuốn sách “Chính Trị Bình Dân,” đang bị nhà cầm quyền CSVN thẩm vấn và canh giữ tại nhà, có vẻ đã “biến mất.”

Nhà báo Phạm Đoan Trang, 40 tuổi, bị nhà cầm quyền CSVN cho công an đến ép đi thẩm vấn suốt chiều Thứ Bảy, 24 Tháng Hai. Chị bị thẩm vấn quanh quyển sách “Chính Trị Bình Dân” mà chị viết và đang bán qua mạng Amazon. Một số người đã chuyển sách về Việt Nam, nhờ tin tác giả đang bị nhà cầm quyền khủng bố mà trở thành món hàng được săn lùng để đọc.

Hôm Thứ Ba 27 Tháng Hai, người ta thấy nhà báo độc lập Huỳnh Ngọc Chênh viết trên Facebook “con chim Phạm Đoan Trang đã bí mật bay ra khỏi vòng vây từ đêm qua.”

Ông kể rằng “Theo tình hình đang gây rúng động cả Hà Nội, hầu hết những người đã từng tham gia xuống đường trong hội No- U, Green Tree, các anh chị em hoạt động xã hội dân sự, dân oan Dương Nội… bất ngờ sáng nay bị an ninh đến canh cửa gắt gao, có nhà có cả xe thùng đến chắn.”

“Nhà anh Nguyễn Tường Thụy ở Văn Điển có đến cả chục người bao vây, nhà Trịnh Bá Phương tận Dương Nội cũng có cả xe thùng đến gác, Ngô Duy Quyền, cô giáo Trần Thị Thảo… bị ngăn chặn không cho ra khỏi nhà sáng nay. Trịnh Kim Tiến bị công an khu vực đến ngồi canh kín đáo, Đặng Bích Phượng lấy xe đạp điện ra đi dạo cũng bị bốn kẻ lạ mặt hung dữ bám theo rồi áp tải về tận nhà… Riêng vợ chồng tui còn ôm nhau ngủ trên giường đến tận bây giờ nên không biết có ai đội gió mưa canh giấc ngủ bên dưới suốt đêm hay không.”

Tin Phạm Đoan Trang đi trốn hay bí mật thoát khỏi vòng vây canh gác của công an, hoặc vẫn còn ở nhà, không thể kiểm chứng.

Tuy nhiên, chị viết trên trang Facebook cá nhân xác định vẫn ở đâu đó trong nước: “Tôi vẫn ở Việt Nam, chưa đi nước ngoài và sẽ không đi đâu cả, cho dù chỉ vài ngày để nhận giải Homo Homini (giải sẽ được trao tại Prague, Cộng Hòa Séc vào ngày 5 Tháng Ba tới) hay vài năm để… điều trị hai cái chân. ‘Không bao giờ rời Việt Nam chừng nào Việt Nam chưa thay đổi’ – tôi đã thề với chính mình như thế khi chuẩn bị về nước vào đầu năm 2015. Tôi cũng đã nói rõ điều này với các nhân viên an ninh Bộ Công An để họ yên tâm rằng tôi sẽ không sang Séc nhận giải.”

Dịp này, chị xác nhận lại ý định ở lại trong nước để đấu tranh cho một đất nước Việt Nam có tự do, dân chủ thật sự, bất chấp những hệ quả tồi tệ nhất có thể xảy đến cho cá nhân mình.

“Khi chúng ta chẳng may sinh ra là những con cá trong một cái ao bẩn thỉu, tù đọng, ô nhiễm, chúng ta có hai kiểu phản ứng: Hoặc là tìm đường bơi sang hồ nước sạch đẹp ở gần hay biển cả mênh mông ở xa kia, hoặc là cố gắng thay đổi cái ao của mình để nó được đẹp đẽ, dễ thở, đáng sống hơn. Nếu không phản ứng gì thì chỉ có chết ngập trong nước bẩn mà thôi. Tôi chọn cách thứ hai,” Phạm Đoan Trang viết trên Facebook.

Sau khi bị thẩm vấn và được thả về nhà hôm Thứ Hai, 26 Tháng Hai, nhà báo Phạm Đoan Trang viết một bức thư tay và phổ biến trên trang Facebook cá nhân: “Tôi đấu tranh để chống độc tài, và vì nhà nước Cộng Sản ở Việt Nam hiện nay là nhà nước độc tài, nên tôi đấu tranh để xóa bỏ nó.”

Tin tác giả sách “Chính Trị Bình Dân” bị công an khủng bố trở thành đề tài được cư dân mạng chuyền nhau nhanh chóng. Quyển sách nhập môn viết cho người ta hiểu qua một thứ ngôn ngữ “bình dân” mà tác giả “cố gắng để làm cho nó dễ hiểu và thú vị nhất, để góp phần đánh tan cái định kiến tai hại ‘chính trị là xấu xa, thủ đoạn’ ở bạn đọc Việt Nam.”

Lâm Bình Duy Nhiên, một người đã mua đọc quyển “Chính Trị Bình Dân” qua mạng Amazon, viết nhận xét trên danchimviet.info: “Những hoạt động chính trị trong một môi trường dân chủ được tác giả trình bày rõ ràng, từ những hoạt động đảng phái đến việc làm truyền thông hay khiếu kiện. Từ biểu tình, đình công đến khái niệm bất tuân dân sự, Phạm Đoan Trang cho người đọc thấy rõ đâu là quyền căn bản của một công dân và đâu là giới hạn của những xã hội độc tài, như Việt Nam, khi quyền công dân bị chà đạp bởi bộ máy quyền lực chính trị.” (TN)

Nhật báo Người Việt, California, Hoa Kỳ
27 tháng 2 năm 2018






No comments:

Post a Comment