Saturday, September 11, 2010
Ủy ban Bảo vệ Người Lao Động bị cấm vào Mã Lai
Là người mang hộ chiếu Ba Lan, ông Thành không phải xin thị thực vào Malaysia và được quyền cư trú mỗi lần không quá 3 tháng. Lần này, phía Maylaysia đã không cho ông nhập cảnh với lời giải thích rằng ông có tên trong danh sách đen (black list) bị cấm vào Malaysia.
http://www.danchimviet.info/archives/17522
http://www.wiadomosci24.pl/artykul/deportacja_polaka_na_prosbe_wietnamu_158498.html
Một công dân Ba Lan gốc Việt, ông Trần Ngọc Thành vừa có chuyến trở về không mấy vui vẻ từ Malaysia sau khi ăn chực nằm chờ 3 ngày 3 đêm tại sân bay Kula Lumpur.
Ông Thành tới Malaysia hôm thứ Bẩy 4/9 trong chương trình làm việc và gặp gỡ một số công nhân tại đây. Trong mấy năm qua, với tư cách là chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Người Lao Động (UB BVNLĐ), ông nhiều lần qua lại Malaysia cũng như các nước Đông Nam Á khác, nơi có hàng trăm ngàn công nhân Việt Nam đang làm việc.
Ủy Ban này được thành lập tháng 12 năm 2006 tại thủ đô Ba Lan và được Hội Tư Do Ngôn Luận cũng như nhiều chính khách Ba Lan ủng hộ. Tháng 12 năm ngoái, sau 3 năm hoạt động, Đại hội lần thứ 2 được tổ chức tại Malaysia với sự tham gia của Chủ tịch công đoàn nước sở tại và nhiều công nhân tới từ các nước trong khu vực.
Là người mang hộ chiếu Ba Lan, ông Thành không phải xin thị thực vào Malaysia và được quyền cư trú mỗi lần không quá 3 tháng. Lần này, phía Maylaysia đã không cho ông nhập cảnh với lời giải thích rằng ông có tên trong danh sách đen (black list) bị cấm vào Malaysia.
Ông Mirosław Chojecki
Sự việc diễn ra vào đúng ngày thứ Bẩy đã gây trở ngại cho sự can thiệp của chính quyền Ba Lan với trường hợp của ông. Ngay sau khi hay tin ông Thành bị giữ, hội Tư do Ngôn Luận Ba Lan, đại diện là ông Mirosław Chojecki đã gọi điện tới Đại sứ quán Ba Lan tại Kula Lumpur.
Ông Thành cho biết, Đại sứ Ba Lan tại Kula Lumpur đã gọi tới số máy của ông nhiều lần nhưng không thể liên lạc được do ông bị công an cửa khẩu Malaysia thu giữ toàn bộ các phương tiện liên lạc như điện thoại và máy tính.
Sáng thứ Hai, Đại sứ Ba lan tại Kula Lumpur mới liên lạc được với ông nhưng đã quá trễ để có thể can thiệp cho ông nhập cảnh Malaysia.
Ông bị trục xuất khỏi Malaysia chiều thứ Hai và đã về tới Ba Lan ngày hôm thứ Tư. Ngay lập tức sau đó, báo Wyborcza và một vài cơ quan truyền thông khác như TVN 24 đã đưa tin về trường hợp của ông.
Theo ông Thành, lúc đầu biên phòng cửa khẩu tại Kula Lumpur từ chối thông báo lý do tại sao trục xuất ông. Nhưng sau khi ông yêu cầu và đặc biệt có sự can thiệp của ĐSQ Ba Lan thì một sĩ quan an ninh cửa khẩu đã thông báo không chính thức rằng, chính quyền Việt Nam đã đề nghị không cho phép ông nhập cảnh.
Chủ tịch Hội Tư Do Ngôn Luận, ông Wojciech Borowik lên tiếng trên báo chí cho đây là “sự vi phạm trắng trợn quyền cơ bản của con người”. Cùng với Hội Trí Thức Ba Lan, Hội Tự Do Ngôn Luận đã gửi kiến nghị yêu cầu thủ tướng Ba Lan, Donald Tusk, người đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày từ 8/9 tới 10/9 lên tiếng với Hà Nội về hành động ngang ngược này.
Ngày hôm qua 9/9, bộ Ngoại Giao Ba Lan đã có cuộc tiếp xúc với ông Trần Ngọc Thành để nghe báo cáo tỉ mỉ lại sự việc. Có thể, họ sẽ có công hàm gửi tới chính quyền Malaysia trong thời gian tới đây.
Ba Lan là một nước có diện tích tương đương Việt Nam, dân số 38.2 triệu người, trong những năm qua nhóm người Việt hoạt động dân chủ tại Ba Lan luôn nhận được sự ủng hộ của chính quyền cũng như các cơ quan truyền thông.
Ba năm trước, trong chuyến thăm của thủ tướng Dũng tới Ba Lan, thủ tướng Ba Lan khi đó là Jarosław Kaczynski và thượng viện Ba Lan đã gay gắt đặt vấn đề về nhân quyền. Sức ép của các cơ quan truyền thông lần này có thể đặt ông Tusk vào một tình thế ngoại giao khó xử. Lên tiếng thì là “làm khó” cho ông chủ nhà Việt Nam mà không lên tiếng sẽ hứng chịu sự chí trích của dư luận Ba Lan nhất là các đảng phái đối lập, đặc biệt là PiS.
Còn rất mệt mỏi sau chuyến đi vất vả, ông Thành đã có cuộc trao đổi với chúng tôi khi vừa “tiếp đất”:
————————
Hỏi: Điều kiện ăn ở của ông trong mấy ngày ở sân bay Kula Lumpur như thế nào?
Trả lời: Ban đầu họ hứa cho tôi một phòng riêng nhưng sau đó thì nhốt chung với 60- 70 người, trong đó có rất nhiều người Việt Nam. Còn ăn uống, phải tự bỏ tiền túi ra mua, họ không cho gì cả.
Hỏi: Sao người Việt Nam lại bị giữ ở đó nhiều như vậy? Họ đi lao động chứ đâu có đi “làm cách mạng” như ông?
Trả lời: Họ nhiều người bị các công ty môi giới lừa, ký hợp đồng nói là sang làm việc với công ty này, công ty kia, sẽ có người của công ty ra tận sân bay đón, nhưng tới nơi chẳng có ai nhận cả.
Tiền họ cũng không có nên không thể quay về, đành nằm đó chờ liên lạc với công ty hoặc người nhà ở Việt Nam. Nhiều người trong đó có cả phụ nữ vật vờ cả chục ngày không có nơi ăn, nghỉ, tắm rửa, ban đêm lạnh không có chăn mà đắp, phải chui tạm vào chiếc bao đựng rác cho đỡ lạnh.
Hỏi: Theo đánh giá của ông, có bao nhiêu ngàn công nhân Việt Nam đang làm việc tại Malaysia?
Trả lời: Tôi có hỏi chuyện một sỹ quan cửa khẩu và trước đó có tiếp xúc với công đoàn Malaysia, có khoảng 120.000- 140.000 và họ vẫn tiếp tục sang. Mấy ngày ngồi đây quan sát, tôi thấy ngày nào cũng có chừng vài trăm công nhân Việt Nam nhập cảnh.
Hỏi: Tình cảnh của họ ở bên đó ra sao, mức lương trung bình là bao nhiêu?
Trả lời: Lương họ chừng 200-300 đô la nhưng trừ tiền ăn ở đi, có người tiết kiệm được một ít, có người không còn đồng nào.
Hỏi: Họ làm những nghề gì bên đó, thưa ông?
Trả lời: Họ làm đủ cả, không thiếu nghề gì, từ xây dựng, may mặc, quét dọn cho tới giúp việc gia đình. Nhiều cô gái Việt Nam đi làm điếm vì bị các công ty môi giới lừa sang rồi đem con bỏ chợ nên họ phải ra đứng đường tự kiếm sống.
Hỏi: Và mục đích của Ủy Ban là giúp đỡ họ?
Trả lời: Chúng tôi, người từ Ba Lan qua, người từ Mỹ, từ Úc tới. Chúng tôi giúp họ, tiền bạc thì cũng không nhiều, chỉ dành cho những người thực sự có hoàn cảnh khó khăn. Còn chúng tôi giúp họ thông tin, nhận thức, giúp họ gia nhập công đòan Malaysia để được bảo vệ quyền lợi, giúp họ biết cách tranh đấu, đòi hỏi các quyền mà đáng ra họ được hưởng. Cũng có lần, chúng tôi mang tới cả Vali thuốc giúp họ.v.v.
Vì không thể về trực tiếp tại Việt Nam nên chúng tôi cũng muốn những công nhân tại đây sẽ làm cái cầu nối với công nhân trong nước.
Hỏi: Có thể chính vì thế mà chính quyền Malaysia không hoan nghênh ông và họ không cho ông nhập cảnh, vì khi công nhân Việt Nam biết tranh đấu thì chủ lao động, tức các công ty Malaysia bị thiệt?
Trả lời: Những lần trước chúng tôi nhận được sự trợ giúp rất đắc lực của công đoàn Malaysia. Khi Hội Nghị Lao Động tổ chức cuối năm ngoái, Việt Nam đã can thiệp, họ nói với chính quyền Malaysia rằng chúng tôi là tổ chức khủng bố nhưng phía Malaysia sau khi tìm hiểu sự việc, biết mục đích của chúng tôi, họ cũng ủng hộ, họ đã cử cảnh sát tới bảo vệ chúng tôi. Các hoạt động của chúng tôi rất được chính quyền ủng hộ.
Lần này thì 2 chính quyền, một bên mua và một bên bán nô lệ đã không cho tôi nhập cảnh.
Hỏi: Vậy hoạt động của ông ở Malaysia nói riêng và các nước trong khu vực nói chung sẽ ra sao?
Trả lời: Ủy Ban có nhiều người nên nếu tôi không đi được thì sẽ có những người khác làm công việc thay tôi. Hơn nữa, chúng tôi cũng có nhiều cách làm việc khác mà không nhất thiết phải có mặt. Các kế hoạch của Ủy Ban sẽ không có gì thay đổi sau sự việc này.
Hỏi: Qua việc xây dựng phong trào công nhân, có phải ông đang kỳ vọng vào một cuộc cách mạng như Công Đoàn Đoàn Kết (Solidarność) tại Ba Lan?
Trả lời: Việt Nam sẽ khác Ba Lan vì hoàn cảnh khác nhau, điều kiện cũng khác. Khó có thể có cuộc cách mạng Nhung giống nhau được. Chúng tôi muốn công nhân Việt Nam và nông dân biết tranh đấu cho quyền lợi của mình. Trong mấy năm rồi, có tới 2.600 cuộc đình công lớn nhỏ của công nhân. Hiện Việt Nam có khoảng 10 triệu công nhân, nếu tính cả nông dân nữa là thêm vài chục triệu.
Khi nhận thức của khối lao động này thay đổi thì mới có thể có dân chủ được.
Hỏi: Thái độ của người lao động ở đây với Ủy Ban như thế nào?
Trả lời: Đa số họ đón nhận rất hồ hởi. Nhờ có những thông tin của chúng tôi, họ cũng biết thêm nhiều quyền lợi của mình. Một số nhận được bồi thường hợp đồng hay sự chăm sóc y tế nhờ biết tranh đấu.
———————-
Mặc dù không có trong tay văn bản nào chứng tỏ sự can thiệp của Hà Nội trong vụ việc này, nhưng mấy năm trước chính quyền Hà Nội đã yêu cầu Malaysia và Indonesia đập bỏ những tấm bia tưởng niệm các thuyền nhân Việt Nam chết trên đường vượt biên tị nạn. “Nghĩa tử là nghĩa tận” mà họ còn hành xử như vậy thì không có gì là khó hiểu nếu họ yêu cầu trục xuất một nhà hoạt động dân chủ.
Tường thuật từ Warsaw
© Đàn Chim Việt
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment