Minh Đức
Ngày nay có người oán Trung Quốc là Trung Quốc không muốn cho Việt Nam thống nhất nên sau khi đã bắt tay với Mỹ năm 1972, Mao Trạch Đông nói với các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam là đừng vội thống nhất, đồng thời Mao giảm bớt viện trợ cho miền Bắc.
Để thêm bằng chứng là Trung Quốc không muốn cho Việt Nam thống nhất là năm 1954, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã nói với lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam nên ký hiệp định Genève chấp nhận chia đôi Việt Nam.
Nhưng nói là Trung Quốc không muốn cho Việt Nam thống nhất thì lại ngược lại với sự kiện là vào năm 1959, chỉ có Trung Quốc là viện trợ quân sự cho miền Bắc để đánh miền Nam. Lúc đó, tại Liên Xô Nikita Khrushchev làm Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Nga từ năm 1955, chủ trương sống chung hòa bình với tư bản nên đã không viện trợ quân sự cho miền Bắc. Nếu Mao Trạch Đông không muốn cho Việt Nam thống nhất thì sao lại viện trợ quân sự cho miền Bắc? Vào lúc đó, số vũ khí đem từ miền Bắc vào chỉ toàn là vũ khí do Trung Quốc chế tạo . Điển hình là trong chiếc tàu tiếp tế súng đạn từ miền Bắc vào cho bộ đội tại miền Nam khi bị Việt Nam Cộng Hòa đánh chìm tại Vũng Rô thì người ta tìm thấy toàn là vũ khí do Trung Quốc chế tạo.
Thế thì vì sao năm 1954 Mao muốn Cộng Sản Việt Nam ký vào hiệp định Genève để chia đôi Việt Nam rồi đến năm 1959 lại tiếp tế súng đạn cho Cộng Sản Việt Nam để thống nhất rồi đến sau 1972 lại bảo Cộng Sản Việt Nam là hãy khoan thống nhất?
Vào thời điểm 1954, khi Chu Ân Lai thuyết phục ông Hồ Chí Minh ký vào Hiệp Định Genève thì chiến tranh Triều Tiên giữa hai miền Nam Bắc vừa chấm dứt vào năm 1953 thì Trung Quốc đã bị hao tổn nhiều người và vũ khí nên không muốn tiếp tục viện trợ cho chiến tranh tại Việt Nam. Vì thế Trung Quốc khuyên đảng Cộng Sản Việt Nam nên ngưng chiến .
Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower và Tổng Bí Thư Nikita Khrushchev đang bắt tay
Đến tháng 2 năm 1956 thì tại Liên Xô, Nikita Krushchev trong đại hội đảng Cộng Sản Liên Xô lần thứ 20 đã đọc diễn văn đả kích sự sùng bái các nhân của Stalin và đưa ra ý kiến không dùng vũ lực đánh tư bản mà tư bản và phe xã hội chủ nghĩa nên ganh đua về kinh tế. Sau cùng, phe nào xây dựng được nền kinh tế giàu mạnh, làm cho dân được hạnh phúc hơn thì nhân dân thế giới sẽ theo phe đó. Việc Khrushchev đả kích thói sùng bái cá nhân của Stalin làm Mao Trạch Đông tức giận vì Mao cũng tiến hành việc sùng bái cá nhân mình tại Trung Quốc. Mao cũng không đồng ý với ý kiến chỉ nên ganh đua về kinh tế với tư bản mà giữ vững lập trường phải dùng vũ lực để tiêu diệt tư bản như Lenin và Stalin đã chủ trương. Vì thế Mao không nghe theo đường lối của Liên Xô nữa, nghĩa là không sống chung hòa bình với tư bản, phải dùng vũ lực mà đánh tư bản.
Ngày 23 tháng 8 năm 1958, Trung Quốc ào ạt pháo kích hai đảo Kim Môn và Mã Tổ của Đài Loan làm cho Mỹ và Đài Loan cho rằng Trung Quốc sắp sửa tấn công Đài Loan. Cuộc pháo kích kéo dài 44 ngày, sau đó Trung Quốc tự ý ngưng. Sau này, trong cuốn Mao Trạch Đông, Ngàn Năm Công Tội, tác giả sách này viết rằng lúc đó Mao không hề có ý định đánh chiếm Đài Loan mà chỉ pháo kích để làm cho Mỹ và Đài Loan hoảng sợ. Phải chăng đó là cách Mao phá chiến lược sống chung hòa bình của Khushchev? Đó là một cách tuyên bố rằng Mao không theo đường lối hòa bình của Liên Xô mà vẫn tiếp tục đường dùng vũ lực để bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản cho đến khi toàn thắng trên thế giới như Lenin đã vạch ra. Liên Xô muốn cải thiện bang giao với Mỹ thì Mao gây sự với Đài Loan để Mỹ và các nước Tây phương không tin tưởng vào thiện chí của phe Cộng Sản muốn sống chung hòa bình với tư bản nữa.
Tương tự, Mao viện trợ quân sự cho miền Bắc đánh miền Nam cũng là để tiếp tục đường lối dùng vũ lực mà Khushchev không theo. Làm như vậy Mao sẽ có uy tín và ảnh hưởng mạnh với đảng Cộng Sản Việt Nam và các đảng cộng sản khác trên thế giới.
Sau khi Khushchev bị các đồng chí có khuynh hướng cứng rắn hạ bệ vào năm 1964, thì Leonid Breznev lên đã quay trở lại đường lối dùng vũ lực để bành trướng và kể từ 1965, Liên Xô viện trợ cho miền Bắc ngày càng nhiều.
Khi Mao thấy Liên Xô có khả năng viện trợ cho miền Bắc nhiều hơn Trung Quốc thì chắc chắn Mao cảm thấy uy tín của mình tại Việt Nam xuống thấp so với Liên Xô . Về phần Việt Nam thì đảng Cộng Sản Việt Nam cũng ngả theo Liên Xô nhiều hơn.
Chủ Tịch Mao Trạch Đông bắt tay tổng thống Mỹ Richard Nixon, 1972
Sau khi gặp gỡ tổng thống Mỹ Richard Nixon và cố vấn an ninh Henry Kissinger năm 1972, Mao được Mỹ cho biết là Mỹ sẽ rút ra khỏi Đông Dương thì cái viễn tượng là Cộng Sản Việt Nam sẽ dựa vào Liên Xô nhiều hơn là Trung Quốc đã hiện rõ trong đầu Mao. Điều mà Mao nhìn thấy là một nước Việt Nam thống nhất đi theo Liên Xô, không còn nằm trong tầm ảnh hưởng của Trung Quốc nữa. Để giảm bớt ảnh hưởng của Liên Xô tại Đông Dương, Mao khuyên đảng Cộng Sản Việt Nam đừng vội thống nhất.
Như vậy việc Trung Quốc có lúc muốn giúp Cộng Sản Việt Nam thống nhất, có lúc lại không muốn là xuất phát từ lợi ích của Trung Quốc. Lúc Trung Quốc thấy giúp cho đảng Cộng Sản Việt Nam thống nhất để rồi đảng Cộng Sản Việt Nam tuyệt đối trung thành và ủng hộ Trung Quốc thì Trung Quốc muốn có thống nhất. Lúc Trung Quốc thấy một nước Việt Nam thống nhất không nghe lời Trung Quốc mà lại ngả theo Liên Xô thì Trung Quốc không muốn Việt Nam thống nhất. Mao giúp Cộng Sản Việt Nam vì lợi ích của Trung Quốc chứ không phải là vì yêu mến nhân dân Việt Nam muốn cho nhân dân Việt Nam không bị chia cắt.
Nhưng nói chung thì Mao Trạch Đông hay bất cứ nhà chính trị của nước nào khác, dù là Liên Xô, hay Mỹ thì cũng giúp nước khác tùy theo lợi ích của nước mình cả.
Chỉ có điều, bên phía Cộng Sản thì theo chủ nghĩa Cộng Sản, các nước phải giúp nhau vì tình quốc tế vô sản, vì lợi ích của giai cấp công nhân trên toàn thế giới chứ không vì lợi ích của riêng nước mình. Mao đã hành động theo lợi ích của Trung Quốc nên đã không nghe lời Liên Xô thì không theo đúng như chủ nghĩa Cộng Sản dạy. Nhưng ngay cả Liên Xô khi đem viện trợ giúp nước khác thì cũng chỉ vì lợi ích của Liên Xô. Sau khi Cộng Sản Việt Nam chiếm được miền Nam thì Liên Xô được sử dụng hải cảng Cam Ranh, có được căn cứ ở phía Nam Trung Quốc để bao vây Trung Quốc và để khống chế giao thông trên biển Đông. Đó là lợi ích mà Liên Xô thấy đáng với viện trợ mà Liên Xô đã bỏ ra cho Cộng Sản Việt Nam.
Trước đây, năm 1922, Vladimir Lenin đã thấy trong phong trào Đệ Nhị Quốc Tế Cộng Sản, mỗi đảng cộng sản tùy theo lợi ích của nước mình mà có đường lối riêng, đưa đến sự chia rẽ trong nội bộ Đệ Nhị Quốc Tế Cộng Sản rồi đi đến tan rã và giải tán. Lenin thành lập Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản với kỷ luật sắt, đặt ra 21 điều lệ bắt đảng cộng sản nào muốn gia nhập phải tuyệt đối tuân theo, trong đó có điều bắt các đảng cộng sản tại các nước phải tuyệt đối tuân lệnh của Quốc Tế Cộng Sản. Nhưng rồi Tito của Nam Tư không nghe theo Liên Xô, rồi đến Mao Trạch Đông cũng theo con đường riêng của mình. Có người lại bảo ông Hồ Chí Minh là người theo đường lối cộng sản quốc gia chứ không phải là cộng sản quốc tế. Những người đó gia nhập Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản rồi lại có đường lối riêng làm sao cho có lợi cho nước mình thì lại giống như là tình trạng của Đệ Nhị Quốc Tế Cộng Sản. Cuối cùng thì số phận của Đệ Tam cũng giống như là Đệ Nhị, nghĩa là tan rã. Xem ra cái động cơ thúc đẩy con người ta hành động vì quyền lợi quốc gia mạnh hơn cái động cơ thúc đẩy hành động vì giai cấp vô sản quốc tế. Sự mơ tưởng của Karl Marx, “Giai cấp vô sản thế giới đoàn kết lại”, vẫn chỉ là mộng ảo. Nhưng loài người không bao giờ hết những người nuôi mộng. Ngày nay lại đến lượt những người Hồi Giáo nuôi mộng “Hồi giáo thế giới đoàn kết lại” để thiết lập một siêu đế quốc Hồi giáo bao trùm toàn thế giới và con đường để đi đến sự toàn thắng cho Hồi giáo trên thế giới là phải dùng vũ lực.
No comments:
Post a Comment