Saturday, April 7, 2012

Bất đồng chính kiến TQ Phương Lệ Chi qua đời


Giáo sư vật lý thiên thể và nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc, ông Phương Lệ Chi, đã tạo hứng khởi cho phong trào sinh viên vì dân chủ 1989

BBC _ Một trong các nhà bất đồng chính kiến hàng đầu Trung Quốc mà tên tuổi gắn với phong trào dân chủ Thiên An Môn, ông Phương Lệ Chi, vừa qua đời ở Tucson, Arizona, Hoa Kỳ.


Ông Phương Lệ Chi (tiếng Anh phiên âm là Fang Lizhi), giáo sư ngành vật lý thiên thể, sinh ngày 12 tháng 2 năm 1936 từng là Phó chủ tịch Đại học Khoa học kỹ thuật của Trung Quốc. Ông là người có các tư tưởng tư do đã tạo hứng khởi cho phong trào vì dân chủ của sinh viên vào những năm 1986-87 mà sau đó đã dẫn tới các cuộc biểu tình tại Quảng Trường Thiên An Môn vào năm 1989.

Xác sinh viên chết sau khi quân đội bắn vào người biểu tình tại Thiên An Môn

Chính vì những tư tưởng tự do này, ông bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng Giêng năm 1987 trong chiến dịch chống lại cánh hữu trong đảng.

Ông cũng đã từng bị bỏ tù một năm trong thời kỳ diễn ra cuộc Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc vì "các hành vi phản cách mạng" của ông, mà cụ thể là in một bài chỉ trích các chính sách của chính phủ về giáo dục khoa học.

Giáo sư Phương Lệ Chi cùng với ông Vương Đán (tiếng Anh phiên âm là Wan Dan), một trong những lãnh tụ hàng đầu của phong trào vì dân chủ Thiên An Môn, và nhiều người khác đã bị chính phủ Trung Quốc đặt trong danh sách truy nã vì đã khích động biểu tình hồi năm 1989.

Cũng trong năm này, ông được nhận giải thưởng Nhân quyền Robert F Kennedy.

Hình trên là bản tin trên đài truyền hình Trung Quốc với ảnh của bà Lý Thục Hiền (vợ ông Phương Lệ Chi) và ông Phương Lệ Chi trong thời gian hai người đang trốn trong tòa đại sứ Mỹ sau vụ Thiên An Môn 1989


"Vấn đề Phương Lệ Chi"

Vào tháng Hai năm 1989, chuyến viếng thăm ngắn ngủi tới Trung Quốc của Tổng thống Mỹ, ông George Bush, đã gặp khó khăn sau khi ông mời các nhân vật bất đồng chính kiến của Trung Quốc tới dự một bữa tiệc và giới chức trách Trung Quốc đã đáp trả bằng cách cưỡng bức ông Phương Lệ Chi không được tham dự bữa tiệc này.

Trong thời gian diễn ra các cuộc biểu tình dân chủ tại Quảng Trường Thiên An Môn vào năm 1989, ông Phương và vợ ông, bà Lý Thục Hiền, đã được Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh nhận tị nạn ngày 5/6, là ngày khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu đàn áp các cuộc biểu tình.

Trong thời gian tị nạn ở Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, ông đã viết một bài chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp nhân quyền và thế giới bên ngoài thì nhắm mắt làm ngơ.

Ông và vợ ông cuối cùng được chính phủ Trung Quốc cho phép rời khỏi Trung Quốc sang Anh sau khi có những thương thuyết bí mật giữa ông Henry Kissinger (thay mặt Tổng thống George H W Bush) và lãnh tụ Trung Quốc ông Đặng Tiểu Bình với lời "thú nhận" vô nghĩa lý của ông Phương. Thỏa thuận còn có sự can thiệp của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ ông Brent Scowcroft và một đề nghị từ chính phủ Nhật sẽ tái tục các khoản cho Trung Quốc vay để đổi lại cho "việc giải quyết vấn đề Phương Lệ Chi".

Vào năm 1999, ông Phương Lệ Chi đã cùng 17 cựu thành viên khác của Đại học Bắc Kinh, những người bất đồng chính kiến sống tại Hoa Kỳ, công bố một lá thư ngỏ nhân kỷ niệm 100 năm thành lập trường, thúc giục tất cả những người tham gia dịp kỷ niệm này hãy gây áp lực đòi thả các cựu sinh viên đang bị bỏ tù vì lý do chính trị.

Sau khi rời Trung Quốc sang Anh, ông làm việc một thời gian tại Đại học tổng hợp Cambridge. Năm 1990 ông sang Mỹ, và sau đó tới giảng dạy môn Vật lý tại Đại học Arizona ở Tucson, Hoa Kỳ. Ông qua đời tại gia ngày 6 tháng Tư năm 2012.

BBC. Cập nhật: 11:09 GMT - thứ bảy, 7 tháng 4, 2012

Bình luận:

Các vụ biểu tình đòi dân chủ tại Trung Quốc không phải bắt đầu từ vụ Thiên An Môn mà từ năm 1987 đã xảy ra rồi. Giáo sư Phương Lệ Chi là người đề nghị với Tổng Bí Thư Triệu Tử Dương nên cho thanh niên Trung Quốc qua Tây Phương du học. Đồng thời ông Phương Lệ Chi giảng cho sinh viên nghe về các quyền tự do tại các nước dân chủ.

Một bài báo của tạp chí The Atlantic của Mỹ, năm 1988, đã thuật lại trong một buổi họp của Đoàn Thanh Niên tại trường đại học, giáo sư Phương Lệ Chi đã khuyên sinh viên nên tự suy nghĩ một cách độc lập chứ đừng suy nghĩ theo khuôn mẫu mà đảng Cộng Sản đưa ra.  

 Ông Phương Lệ Chi nói chuyện với các sinh viên, một năm trước khi xảy ra vụ Thiên An Môn

Khi ông nói chuyện với sinh viên, nhà nước đều lén cho người thu âm, quay phim. Khi ông nói với một nhóm sinh viên thì nhà nước cho người giả làm sinh viên dấu máy thu âm trong túi áo để thâu lời ông nói. Ngay cả lúc ông đứng giữa sân trò chuyện với một nhóm sinh viên thì nhà nước cũng cho người núp trên mái nhà gần đó lén quay phim, đồng thời với việc cho người thu âm. Khi các vụ biểu tình xảy ra năm 1987 tại Thượng Hải, lúc đó sinh viên chỉ đi ngoài đường trương biểu ngữ rồi giải tán chứ không tụ tập lâu như ở Thiên An Môn nhưng những người lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc đã nhận ra là giáo sư Phương Lệ Chi đã có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng dân chủ của sinh viên nên ông bị trục xuất ra khỏi đảng. Những băng, phim ghi lại các buổi nói chuyện của ông với sinh viên được đem ra làm bằng chứng là ông ta đã "xúi dục" sinh viên đòi dân chủ.

 Sau khi vụ biểu tình ở Thiên An Môn bị đàn áp, ông Phương Lệ Chi bị chính quyền cho là đầu vụ nên bị truy nã. Vợ chồng ông phải trốn vào tòa đại sứ Mỹ. Trong thời gian vợ chồng ông phải trốn tránh, chính quyền Trung Quốc đã lên án tử hình ông Phương Lệ Chi.

Riêng Vương Đán, một trong những người lãnh đạo cuộc biểu tại Thiên An Môn, là người đầu tiên loan báo giáo sư Phương Lệ Chi từ trần trên trang Facebook của mình đã gọi ông Phương Lệ Chi là người thày mà anh ta "rất, rất kính trọng".

Dưới đây là đoạn video về cuộc biểu tình của sinh viên Trung Quốc tại Thượng Hải. Cuộc biểu tình bắt đầu từ cuối năm 1986 và kéo dài qua năm 1987  lan rộng tại Thượng Hải và lan đến Bắc Kinh . Các sinh viên biểu tình đòi có thêm tự do báo chí, tự do hơn về bầu cử. Chính quyền đã không đàn áp vụ biểu tình này mà chi thuyết phục sinh viên giải tán.




No comments:

Post a Comment