Báo Quân Việt Bắc là báo xuất bản từ chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ chống Pháp. Số báo trên đề ngày không rõ, năm 1954 cho thấy phần nào chính sách của đảng Cộng Sản Việt Nam vào giai đoạn cuối của thời kỳ chống Pháp.
Liên Xô vĩ đại
Tuy là thời kỳ chống Pháp nhưng tờ báo ca ngợi Liên Xô vĩ đại cho thấy chính sách của đảng Cộng Sản Việt Nam lúc đó là đã ra mặt hẳn là Cộng Sản. Vào thời kỳ bắt đầu chống Pháp, năm 1946, đảng Cộng Sản Việt Nam lập ra Mặt Trận Việt Minh để qui tụ các lực lượng, thành phần không cộng sản chống Pháp. Lúc đó đảng Cộng Sản che dấu màu sắc cộng sản của Việt Minh. Báo của phe quốc gia, Việt Nam Quốc Dân Đảng, nói rằng Việt Minh tức là Cộng Sản, đi theo Cộng Sản rồi đây sẽ bị tịch thu hết ruộng vườn. Báo của Việt Minh nói rằng đó là nói láo. Khi đảng Cộng Sản thấy đã nắm vững sự kiểm soát mới lộ mặt ra là Cộng Sản.
Liên Xô là thành trì hòa bình dân chủ thế giới
Liên Xô là thành trì hòa bình
Đây là kỹ thuật tuyên truyền. Các đảng, các chế độ độc tài, chủ trương theo đuổi chiến tranh cũng vẫn luôn luôn rêu rao là mình yêu hòa bình. Chế độ Đức Quốc Xã cũng tuyên truyền là mình yêu hòa bình mặc dù đảng Đức Quốc Xã chủ trương dùng quân sự bành trướng để mở rộng nước Đức. Trong cuốn phim làm theo nhật ký của viên kiến trúc sư của Hitler, khi thành phố Berlin bị Đồng Minh thả bom, ông kiến trúc sư và cô thư ký phải xuống hầm trú ẩn. Cô thư ký nghe bom nổ bên trên mặt đất nên sợ hãi kêu rằng: “Tại sao họ lại thả bom chúng ta, chúng ta là những người yêu hòa bình mà”.
Chế độ Cộng Sản Liên Xô theo chủ trương của Đệ Tam Quốc Tế, dùng vũ lực bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản ra toàn thế giới. Tuy chủ trương dùng vũ lực để bành trướng nhưng trên tuyên truyền thì vẫn nói là mình là “thành trì bảo vệ hòa bình”.
Trong cuốn phim Câu Chuyện Xô Viết ở trên, có đoạn nói cả Đức Quốc Xã và Liên Xô nói mình là dân tộc yêu chuộng hòa bình, và nói họ cùng nhau đánh chiếm Ba Lan là để tiêu diệt bọn phát xít Ba Lan
Thành trì bảo vệ dân chủ
Chế độ của Stalin và chế độ độc tài toàn trị do Lê Nin thiết lập không phải là chế độ dân chủ. Lê Nin chủ trương tiêu diệt tất cả các thành phần chống Cộng và cả các thành phần lưng chừng. Có nghĩa là chỉ có người Cộng Sản là độc quyền làm chính trị còn các tầng lớp nhân dân khác không được quyền làm chính trị. Đó là chế độ mà một thiểu số đảng viên được nắm quyền lực còn nhân dân thì chỉ nghe lời, không được có quyền lực.
Ngoài xã hội đã vậy, trong đảng Cộng Sản cũng không có dân chủ. Sau khi Lê Nin chết, Stalin bắt đầu việc thu tóm quyền lực cho mình bằng cách lôi kéo đồng chí nắm cơ quan mật vụ. Stalin nắm được người chỉ huy cơ quan mật vụ, sai người này bắt bỏ tù và giết tất cả các đồng chí trong đảng không phục tùng mình. Đó không phải là cách sinh hoạt dân chủ trong đảng. Khi người nắm đầu cơ quan mật vụ tỏ ra không còn nghe lời Stalin nữa thì Stalin giết đi, thay bằng người khác.
Vào năm 1954, lúc đó tại Việt Nam cũng có người am hiểu tình hình thế giới biết về hiệp ước chia đôi Ba Lan mà Liên Xô đã ký với Đức Quốc Xã năm 1939. Sau khi ký hiệp ước này, Đức Quốc Xã tấn công Ba Lan từ phía Tây, còn Liên Xô tấn công Ba Lan từ phía Đông. Do sự tấn công này mà các nước Anh, Pháp tuyên chiến với Đức, mở màn cho trận Đệ Nhị Thế Chiến. Hành động xâm lăng Ba Lan của Liên Xô rõ ràng không phải là chính sách bảo vệ hòa bình.
Năm 1932, nông dân Ukrain chống lại việc tập thể hóa nông nghiệp, Stalin ra lệnh lấy đi tất cả lương thực tại Ukrain làm cho 6 triệu người dân Ukrain chết đói. Sự kiện này cho thấy cách cai trị tàn bạo của Stalin.
Những người Việt am hiểu tình hình thế giới lúc đó khi đọc tờ báo này thấy ca tụng Liên Xô là thành trị bảo vệ hòa bình họ biết ngay đây chỉ là truyên truyền dối trá. Họ thấy khó mà sống được với Cộng Sản khi Cộng Sản dùng chính sách tuyên truyền dối trá. Hoặc là họ phải giả vờ đồng ý với luận điệu truyền truyền và hăng hái nói các luận điệu này với đồng bào thì họ sẽ có được địa vị cao trong chế độ. Hoặc họ thấy mình không thể nói dối được, họ không hoạt động cho đảng cộng sản, âm thầm sống như dân thường. Nhưng ngoài mặt họ không được nói ra sự thật mà họ biết vì nói ra thì họ sẽ bị giết hoặc bỏ tù mà phải giả vờ nói theo luận điệu tuyên truyền để được yên thân. Hoặc họ bỏ đi vào Nam để tránh phải sống dưới một chế độ truyên truyền những điều mà họ không tin.
Con số những người biết đó chỉ là tuyên truyền dối trá không lớn vào thời đó. Đó là những người có học thức, đọc được sách báo bằng tiếng Pháp để có thể biết được tình hình thế giới. Trong số những người Việt biết tiếng Pháp vào thời đó, vốn là thiểu số, thì số người biết tiếng Pháp quan tâm theo dõi tình hình chính trị trên thế giới lại còn ít hơn. Những người này nếu có lên tiếng nói ra sự dối trá của tuyên truyền Cộng Sản thì họ vẫn là số ít so với số cán bộ Việt Minh, hơn nữa vì là trí thức chịu ảnh hưởng của Tây Phương họ bị cán bộ Việt Minh gán ghép là làm tay sai cho Pháp nên nói xấu Cộng Sản .
Đời đời nhớ ơn trời bể của Sta Lin
Hết lòng tin tưởng vào Liên Xô vĩ đại
Những lời ca tụng Sta Lin và Liên Xô một cách quá đáng làm cho một số người tham gia kháng chiến trong hàng ngũ Việt Minh bất mãn vì họ thấy kháng chiến chống Pháp rồi lại đi ca tụng và hết lòng tin tưởng vào một nước khác thì việc giành độc lập hóa ra là không còn ý nghĩa. Những người đó không được đảng Cộng Sản tin dùng mà đảng Cộng Sản chọn những thành phần nông dân chất phác, tuyệt đối tin tưởng vào các luận điệu tuyên truyền về thành trì xã hội chủ nghĩa như những điều viết trong báo Quân Việt Bắc. Những người tương đối có kiến thức khó mà chấp nhận lối ca ngợi quá đáng và lòng trung thành mù quáng. Vì thế tầng lớp trí thức tiểu tư sản không được đảng Cộng Sản tin dùng. Vào thời đó, tại Trung Quốc và Việt Nam có đến hơn 70% dân số mù chữ thì các đảng Cộng Sản có cả một kho người ít học để truyên truyền. Dùng đông người ít học và tuyệt đối trung thành, tuyệt đối nghe lời để tiêu diệt một số ít người hiểu biết thì đảng Cộng Sản chắc chắn là thắng.
Tuy rằng trong tờ Quân Việt Bắc ca tụng Liên Xô và Stalin không hết lời nhưng có những người Việt khác nhìn vào chỉ xem đó là kỹ thuật tuyên truyền muốn người dân tin vào phe Xã Hội Chủ Nghĩa như tin vào một tôn giáo. Lối nói "Đời đời nhớ ơn trời bể" là nói nói ca tụng đánh vào tình cảm người nghe, để khêu gợi lòng tôn sùng của người nghe mà tôn giáo dùng, không phải là loại ngôn ngữ khách quan của các bài nghị luận chính trị.
Ông Trần Trọng Kim từ năm 1949 đã viết trong hồi ký của mình, Một Cơn Gió Bụi, nói lên cái nhìn của ông ta về thế giới của các nước cộng sản như sau:
Cộng sản đảng, theo cách tổ chức và hành động của họ, là một thứ tôn giáo mới, giống như các tôn giáo cũ cốt lấy sự mê tín mà tin, chứ không hoài nghi hay đi trệch ra ngoài. Song các tôn giáo cũ nói có cõi trời, có thiên đường là nơi cực lạc. Cộng sản giáo ngày nay thì hoàn toàn duy vật, nghĩa là ngoài vật chất ra, không có sự tin tưởng nào khác nữa, cho thiên đường không phải ở cõi trời mà chính ở cõi trần gian này. Ai tin theo đạo ấy là phải tin lý thuyết của Các Mác và Lê Nin là tuyệt đối chân chính, đem áp dụng là được sung sướng đủ mọi đường, tức thực hiện được cảnh thiên đường ở cõi đời. Còn về đường tín ngưỡng, thì đạo Cộng sản là đạo hoàn toàn duy vật, tất không ai thờ phụng thần thánh nào khác nữa, nhất thiết phải nghĩ sùng bái những người như Các Mác, Lê Nin, Sử Ta Lin để thay những bậc thần thánh cũ đã bị truất bỏ.
Ðã tin mê cái đạo ấy và đã coi lý thuyết ấy là chân lý tuyệt đối, thì ngoài cái lý thuyết ấy ra, là tà giáo, là tả đạo. Ai không tin theo và phản đối những người đứng đầu đảng, tức là những bậc giáo chủ, thì là người phản đạo, tất phải trừng trị rất nghiêm. Vì vậy mới có sự tàn sát những người trong đảng cộng sản theo Trotsky, chủ Cộng sản Ðệ Tứ Quốc tế, là một chi cộng sản phản đối Sử Ta Lin, chủ Cộng sản Ðệ Tam Quốc tế.
Vậy những tín đồ cộng sản phải là những người cuồng tín và chỉ biết có đời sống vật chất mà thôi, ngoài ra không có gì nữa. Sống có một đời rồi hết, nên ai nấy chỉ lo làm cho mình được mọi điều thắng lợi, sá chi những điều phúc họa thiện ác.
Về đường thực tế, các đặc sắc của cộng sản là không nhận có luân thường đạo lý, không biết có nhân nghĩa đạo đức như người ta vẫn tin tưởng. Người cộng sản cho cái điều đó là hủ tục của xã hội phong kiến thời xưa, đặt ra để lừa dối dân chúng, nên họ tìm cách xóa bỏ hết. Ai tin chỗ ấy là người sáng suốt, là người giác ngộ, ai không tin là người mờ tối, là người mê muội. Vì có tư tưởng như thế, cho nên cha con, anh em, bè bạn không có tình nghĩa gì cả, chỉ biết tôn trọng chủ nghĩa của cộng sản và phục tòng những người cầm quyền của đảng, ngoại giả, giết hại lẫn nhau, lừa đảo nhau: hễ ai làm những việc mà lợi cho đảng là người giỏi, người tốt. Gia đình, xã hội, phong tục, chế độ cũ đều bỏ hết, bỏ đến tận cội rễ, để thành lập xã hội mới. Cái xã hội mới ấy không tranh đấu cho quốc gia hay cho dân tộc. Dù có nói tranh đấu cho quốc gia hay cho dân tộc nữa, cũng chỉ là cái phương pháp dùng tạm thời trong một cơ hội nào để cho được việc mà thôi, chứ mục đích cốt yếu là tranh đấu cho giai cấp vô sản. Khi ở đâu sự tranh đấu cho giai cấp ấy được thắng lợi, thì cứ tranh đấu mãi để bảo vệ quyền lợi của giai cấp ấy và xóa bỏ hết những cương giới nước nọ với nước kia để thực hiện một thế giới đại đồng, đặt dưới quyền chỉ huy của giáo chủ cộng sản ở bên Nga. Vì vậy cho nên bất kỳ nước nào đã theo cộng sản là phải phục tùng mệnh lệnh bên Nga, còn nước nào tuy theo chế độ cộng sản, nhưng còn muốn giữ tư tưởng quốc gia như nước Nam Phu Lạp Tư (Yougoslavie) bên Ðông Âu là bị trục xuất ra ngoài hội nghị của các nước cộng sản.
Cái phương thuật của đảng cộng sản bên Nga không khéo chỗ ở ấy, tuy nói là bài trừ đế quốc chủ nghĩa và tiêu diệt những chế đô độc tài áp chế đời xưa, nhưng lại áp dụng chế độ độc tài áp chế hà khốc và tàn ác hơn thời xưa, và gây ra một thứ đế quốc chủ nghĩa theo một danh hiệu khác, để tự mình thống trị hết thiên hạ. Thành ra các nước đã theo cộng sản đều phải là những nước phụ thuộc nước Nga, cũng như bên Tàu ngày xưa các nước chư hầu phải phục tùng mệnh lệnh thiên tử. Thì ra trong thế gian này chẳng có gì là mới lạ. So chế độ cộng sản ở nước Nga ngày nay có khác gì chế độ nhà Tần thời chiến quốc bên Tàu? Có khác là ở những phương tiện theo khoa học và những mánh khóe hiện thời mà thôi, còn thì cũng tàn bạo gian trá như thế, và cũng dùng những quyền mưu quỉ quyệt để thống trị hết cả các nước.
Những điều ông Trần Trọng Kim nói, ngày nay nhiều người đã từng tin tưởng vào phe Xã Hội Chủ Nghĩa ngày nay đã nhìn ra sau khi chế độ tại Liên Xô bị sụp đổ.
No comments:
Post a Comment