Wednesday, July 17, 2013

Tập Cận Bình: Phát biểu nội bộ với cán bộ cao cấp 2013

Tạp chí “Tiền Tiêu” ở Hồng Công số ra tháng 4/2013 đăng ghi âm phát biểu nội bộ vừa qua với cán bộ cấp cao Trung Quốc của Tập Cận Bình với nhan đề “Tôi biết làm thế nào?”, trong đó đề cập tới nhiều vấn đề nội bộ cũng như chính sách đối ngoại hiện nay của Trung Quốc mà ông cảm thấy nhiều khi rất khó xử trên cương vị này. Chúng tôi (Viet-Studies) xin dịch nguyên văn làm tài liệu tham khảo.

 “Tôi biết làm thế nào?”

Ngồi ghế Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước thực không dễ dàng

Hôm nay tôi nói chuyện nội bộ, trao đổi, tâm sự với các đông chí chứ không phải phát biểu chính thức công bố ra bên ngoài. Tuy nhiên, thời đại thông tin nhanh nhạy hiện nay thì nhiều văn bản tài liệu nội bộ vẫn bị báo giới bên ngoài tiết lộ. Chẳng hạn trên mạng tin vừa qua đã đăng toàn văn cuộc trao đổi riêng của tôi với anh Đức Bình (Hồ Đức Bình, con trai Hồ Diệu Bang – ND).

Tôi xin nói luôn không vòng vo rào trước đón sau. Chức Tổng Bí Thư (TBT) này không phải tôi cố ý giành giật lấy mà toàn đảng giáo phó cho tôi trách nhiệm này. Một lần, Đồng chí Hồ Cẩm Đào trước khi lên đường thăm Nhật Bản cũng từng nói: “Không phải tôi cố ý giành lấy chức Chủ Tịch Nước mà do toàn thể nhân dân cả nước bầu tôi”. Thực ra chức TBT cũng không phải tôi tự mình muốn làm mà cán bộ toàn đảng và quần chúng nhân dân bầu tôi làm, muốn để tôi làm. Nhận gánh trách nhiệm thực sự nặng nề, không dễ dàng. Thời thanh niên khi tôi về nông thôn sản xuất nông nghiệp ở Thiểm Tây đã thể nghiệm sâu sắc điều này. Gánh bằng đòn gánh trên vai thực sự không dễ dàng. Một bên nhẹ, một bên nặng đi không cân, nếu không giữ được thăng bằng thì bị ngã xuống mương nước. Chính vì vậy mà các đồng chí thông cảm với tôi, nên hiểu tôi.

Vì sao tôi một mặt phải nói làm việc theo pháp luật, pháp luật là trên hết, phải giữ sự tôn nghiêm của luật pháp. Nhưng mặt khác tôi vẫn phải nhấn mạnh  tinh thần cách mạng của Đ/C Mao Trạch Đông.  Lẽ nào tôi lại không hiểu cái đạo lý, sự mâu thuẫn giữa lý luận chuyên chính với trị nước bằng pháp luật. Hiểu đấy, biết đấy, nhưng vẫn phải làm như vậy. Bởi vì tôi phải giữ sự cân bằng trong nội bộ Đảng, sự cân bằng giữa các tầng lớp cũng như các luồng tư tưởng khác nhau trong nước. Hiện nay tôi phải quan tâm và chiếu cố tất cả các nơi, nếu không sẽ đắc tội với họ. Các đồng chí đừng cho rằng chức TBT của tôi nói gì cũng được, trên thực tế phải lấy lòng các bên. Họ thích gì tôi nói thế, vào miếu nào phải cúng thần miếu đó. Hịện nay có một số mâu thuẫn, một số điều gây cấn tạm thời chưa giải quyết nổi là điều dễ hiểu. Tôi phải làm vừa lòng các thế hệ lão thành, tầng lớp trung niên và thanh niên. Tôi phải nhìn trước, nhìn sau, nhìn trái nhìn phải để làm việc. Bởi vì, nó liên quan tới đại cục ổn định của toàn Đảng và đại cục ổn định ở trong nước.


Xử lý mối quan hệ giữa các nhóm lợi ích rất khó khăn


Mọi người đều biết, hiện nay tác phong của Đảng Cộng sản chúng ta có một số không tốt. Một số cán bộ lãnh đạo hình thành Nhóm lợi ích, nó ảnh hưởng tới quan hệ giữa Đảng với quân chúng nhân dân. Là người lãnh đạo của Đảng, đã được cán bộ đảng viên các cấp bầu lên, tôi không thể ăn nơi này, rào nơi khác mà phải đồng đều. Nhưng nếu xâm phạm quá mức tới lợi ích của quần chúng nhân dân, rõ ràng tác động không tốt tới lợi ích lâu dài của Đảng. Bởi vậy, tôi cũng phải như vậy để vừa chiếu cố cái riêng vừa chiếu cố cái chung.


Nói về “đánh con hổ tham nhũng” thì các đồng chí trong đảng yên tâm, đại bộ phận các đồng chí trong đảng không sao cả, nhưng chúng ta vẫn phải tuyên truyền sâu rộng, chỉ cần quần chúng nhân dân đồng lòng vỗ tay hưởng ứng, đánh giá tốt là được. Điều này có thể một số đồng chí cán bộ đảng viên cấp cơ sở không thông lắm.

Hiện nay dư luận ngoài Đảng cho rằng Tập Cận Bình là Gorbachov của Trung Quốc. Điều này tôi có thể khẳng định với mọi người rằng, toàn Đảng bầu tôi vào chức vụ này đã giải thích và hiểu tôi, nên có thể yên tâm. Tôi không bao giờ là Gorbachov của Trung Quốc. Tuy nhiên, một số khác lại hoài nghi tôi về con đường cũ theo đường lối cực tả trước đây. Đây cũng là sự hiểu lầm. Đồng chí Đức Bình là ông anh của tôi. Cha tôi và cựu Tổng bí thư Hồ Diệu Bang là bạn thân thiết với nhau. Cựu TBT Hồ Diệu Bang trước đây chẳng đã từng tham gia cuộc vạn lý trường chinh đó sao? Tôi nghĩ, mình cần phải ôn lại lịch sử và tinh thần chiến đấu của Đảng ta trong những năm tháng đấu tranh gian khổ giành chính quyền. Chẳng lẽ cho đây là sự hoài cố hay sao? Một số người soi mói, cho rằng làm như vậy chúng ta đang có ý đồ quay về con đường cũ. Nhưng chúng ta không cần để ý tới những lời nói đó.

Đảng chúng ta đã hơn 80 tuổi rồi, người già hay hoài cổ, nhớ lại những năm tháng trai trẻ hào hùng trước đây. Như bản thân tôi, nhiều khi vẫn nghĩ tới thời kỳ mình lao động ở vùng nông thôn Thiềm Tây trước đây. Suốt đời cha tôi không bao giờ dùng “phong trào cực tả” để chính cán bộ và tôi cũng sẽ như vậy. Hiện nay trong Đảng ta vẫn còn nhiều đồng chí sủng bái Chủ tịch Mao Trạch Đông, vì vậy tôi phải tôn trọng và thông cảm với các đồng chí đó.

Về công tác đối ngoại

Hiện nay tình hình trong và ngoài nước mà chúng ta đang gặp phải không mấy lạc quan. Những người bạn tốt, đồng chí tốt của chúng ta trên thế giới ngày càng ít dần. Những người như Khadaphi, Chaver càng ngày càng ít.  Tình hình bán dảo Triều Tiên hiện cũng thành vấn đề. Bắc Triều Tiên đang chơi con bài thử nghiệm vũ khí hạt nhân, nhưng lại “liếc mắt đưa tình” có ý đồ bắt tay chơi với Mỹ. Trong thời đại Chủ Tịch Mao Trạch Đông trước đây, chúng ta từng có quan hệ tốt với ông anh cả Liên Xô, nhưng rồi hai bên lật mặt nhau. Trong khi đó chúng ta tiến hành ngoại giao bóng bàn với Mỹ. Kết quả chẳng bao lâu Liên Xô sụp đổ.

Đối với Triều Tiên hiện nay, chúng ta vẫn viện trợ như trước đây, nhưng điều chúng ta lo ngại là họ bắt cá hai tay, ăn cả hai đầu. Hơn mười năm qua, chúng ta tiêu tốn rất nhiều tiền cho tuyên truyền đối ngoại, nhưng kết quả không mấy khả quan, dư luận các nước thờ ơ và chỉ trích ngày càng nhiều hơn. Về tuyên truyền đối nội, chúng ta có một đội ngũ tuyên truyền để hướng dẫn dư luận trên các trang mạng, nhưng rốt cuộc hiện nay cũng đưa lại không ít kết quả tiêu cực.

Đối với quần đảo Điếu Ngư, như mọi người đều biết những biện pháp chúng ta áp dụng hiện nay trong tình hình không có biện pháp nào nữa. Tôi cũng muốn dựa vào tư thế sức mạnh để xác lập uy tín cho mình ở trong nước. Nhưng quân đội của chúng ta hiện có thực sự đáp ứng được không, chiến tranh nổ ra liệu có thích ứng với được với kỹ thuật và cường độ cao của chiến tranh hiện đại? Điều này không chắc chắn, nhất là cuộc chiến tranh quy mô lớn trong điều kiện kỹ thuật cao phức tạp có Mỹ tham chiến. Chúng ta làm thế nào để đối phó với sức ép và nguy cơ ở trong và ngoài nước? Điều này xin các đồng chí toàn đảng toàn quân cần nghiên cứu nghiêm túc và tính toán kỹ.

Cải cách thể chế chính trị không đơn giản

Đối với công cuộc cải cách, nhất là cải cách thể chế chính trị rất phức tạp. Trên thực tế khái niệm này tương đối trừu tượng, không ở trong vị trí này thì khó có thể tính toán hết được. Ở mỗi vị trí khác nhau, việc xem xét vấn đề cũng khác nhau. Tôi cho rằng mọi người chúng ta cần học hỏi và rút ra bài học kinh nghiệm lịch sử đánh mất chính quyền của ĐCS Liên Xô.

Sau khi Khơrupsốp lên nắm quyền, trên các diễn đàn ông ta ra sức phê phán Stalin chuyên chế và tàn bạo. Một lần khi diễn thuyết trên diễn đàn, có người ở dưới chất vấn: “Đồng chí khi ấy đã làm gì?”. Khơrupsốp liền nghiêm nét mặt nói: “Ai vừa hỏi tôi đấy, xin mời lên trên này”. Người vừa hỏi im bặt. Lúc sau, Khơrupsốp điềm tĩnh nói: “Khi đó tôi cũng như đồng chí vừa chất vấn”.

Người lãnh đạo cấp cao phải quan tâm toàn diện mọi mặt, vì vậy các đồng chí cần thông cảm với tôi. Ở trên vị trí lãnh đạo này tôi phải quan tâm toàn diện các mặt. Lệch sang trái một chút, lệch sang phải một chút là lập tức thành vấn đề. Sự kiện Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh là một ví dụ. Có một số người công kích, phê phán thủ tướng Ôn Gia Bảo. Thực ra ở cương vị này của Đ/c Ôn Gia Bảo có nhiều điều khó xử. Ở cương vị của Đ/c trong thể chế của chúng ta hiện nay, thì Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng chỉ làm được như vậy thôi. Có phải chúng ta định biến Đ/c thành một “Triệu Tử Dương thứ hai” không? Vì làm như vậy thì trước tiên sẽ dẫn tới sự chia rẽ về tổ chức và ý thức hệ trong Đảng. Là một đảng viên lão thành, là người lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Đ/c Ôn Gia Bảo chỉ có thể làm được như vậy. Tôi cho rằng làm được như Đ/c Ôn Gia Bảo là quá tốt rồi.

Nếu như tôi từ bỏ Chủ Nghĩa Mác, từ bỏ tư tưởng Mao Trạch Đông sẽ dẫn tới Đảng ta mất đi quyền phát ngôn lãnh đạo các mặt. Nếu như tôi hiện nay không công khai nói Đảng phải dựa vào luật pháp trị nước, phải tôn trọng tính quyền uy của luật pháp, thì trong con mắt nhiều người tôi đã có vấn đề. Điều này cũng không tốt đối với địa vị lãnh đạo của Đảng ta. Vậy các đồng chí nói tôi phải làm thế nào? Ở địa vị này, tôi chỉ có thể làm như vậy.

Trước tiên chúng ta cần phải duy trì được cục diện hiện nay. Tương lai diễn biến như thế nào, hiện chúng ta chưa có sự chuẩn bị, chúng ta cũng chưa nhìn thấy cục diện thay đổi rõ rệt nào. Các đồng chí không nên cho rằng ở cương vị TBT như tôi là nói gì mọi người nghe răm rắp, có thể nắm chắc càn khôn trong tay. Kỳ thực, tôi chỉ là người duy trì sự cân bằng, quyền lực của nhóm lợi ích. Tôi chỉ là người giữ chìa khóa tủ, người chủ quầy hàng. Nếu tôi đi ngược lợi ích của Đảng, thì tôi sẽ bị hạ bệ. Hôm nay giao cho quyền lực, ngày mai có thể tước bỏ. Đảng ta từng có các đồng chí lãnh đạo tiền bối rất lý tưởng như Trần Độc Tú, Trương Văn Thiện, nhưng rồi kết cục họ trong Đảng đều không tốt, còn Đ/c Triệu Tử Dương không cần phải nói. Đ/c như một Đông Ki-Sốt dám thách thức thể chế hiện hành. Tôi sẽ không làm như vậy, toàn Đảng cũng không để tôi làm như vậy. Tôi phải làm thế nào đây?

Bởi vậy, cải cách thể chế chính trị là vấn đề lớn, như rút giây động rừng, đụng vào tác động tới tất cả các lĩnh vực. Vì sao tôi lại nói như vậy? Chúng ta muốn uốn nắn, chấn chỉnh tác phong không tốt của Đảng thì phải điều chỉnh lại thế giới quan và quan niệm giá trị của chúng ta. Trong khi đó thuyết duy vật đã làm cho con người mất đi niềm tin chân chính, chạy theo chủ nghĩa vật chất hưởng thụ và vụ lợi. Như vậy nó sẽ tác động tới ý thức hệ và tư tưởng của Đoàn viên. Mọi người đều biết Tập Cận Bình tôi thường hay trích dẫn lời nói của Chủ tịch Mao Trạch Đông. Trước đây tôi đọc thuộc làu ba bài luận văn của Mao chủ tịch,[1] trong đó có bài về “Ngu công dời núi” mà Chủ tịch Mao rất sùng bái tinh thần của ông già Ngu Công. Đảng ta đã dựa vào tinh thần “Ngu Công dời núi” thực ra không có gì cần nghiên cứu sâu. Đảng ta là chính đảng theo chủ nghĩa duy vật. Lý luận của chúng ta từ các nước phương tây dựa về, học hỏi từ người Nga, còn câu chuyện “Ngu Công dời núi” là sản phẩm văn hóa tinh thần truyền thống của Trung Quốc, nhưng nó mang tính chất duy tâm và thần thoại. Câu chuyện về “Ngu Công dời núi” thực ra không phải bản thân Ngu Công có thể dời được núi. Theo nguyên bản của câu chuyện thì tinh thần dám làm của Ngu Công đã làm động lòng Ngọc Hoàng, vì vậy Ngọc Hoàng đã sai những thần lực sĩ xuống giúp và chỉ một đêm di dời xong quả núi. Rõ ràng là duy tâm, là thần thoại. Mao Trạch Đông khi đó như một đấng cứu nhân độ thế như Ngọc Hoàng. Bây giờ chúng ta không có đấng cứu thế như vậy.

Điều này cho thấy, bản thân lý luận của chúng ta có mâu thuẫn. Một mặt chúng ta hát quốc tế ca, chủ trương không có đấng cứu thế trên thế gian này, nhưng mặt khác chúng ta lại sùng bái Chủ tịch Mao là đấng cứu thế. Chúng ta một mặt dựa vào tinh thần “Ngu Công dời núi” để nổi dậy làm cách mạng cướp chính quyền, nhưng mặt khác chúng ta lại phủ định văn hóa và tín ngưỡng dân tộc, rõ ràng bản thân chúng ta đã mâu thuẫn hoặc là có những vấn đề mà chúng ta không hiểu biết. Chúng ta phải làm thế nào để kiên trì không mệt mỏi sự nghiệp của Đảng ta, củng cố được chính quyền mà Đảng chúng ta phải chịu bao gian khổ hy sinh mới giành được. Trong khi đó, chúng ta lại đang mất đi niềm tin vào chính lý luận và chính thể chế đang tồn tại hiện nay do chúng ta lập ra. Nhưng chúng ta hiện nay vẫn chưa tìm ra được lý luận và thể chế tốt hơn trong khi chúng ta không thể manh động thay đổi thế chế hiện nay.

Bài học kinh nghiệm về Liên Xô sụp đổ vẫn còn đó. Gorbachov đầu tiên tiến hành cải cách ý thức hệ và lý luận của Đảng, kết quả đã đụng chạm tới toàn cục và nó bung ra không thể kiểm soát nổi. Vừa rồi Đ/c Vương Kỳ Sơn có giới thiệu mọi người cuốn sách Đại cách mạng nước Pháp về những bài học lịch sử. Về cả cách thể chế chính trị, nếu chúng ta để sơ sểnh ra một chút thì sẽ sai một ly đi một dặm, rất khó kiểm soát được. Tới khi đó, chức TBT của tôi cũng như địa vị lãnh đạo của Đảng sẽ không còn nữa. Bởi vậy, không phải là tôi không muốn cải cách thể chế chính trị hiện nay, mà thực sự tôi không thể cải cách và cũng không dám nhẹ dạ cải cách. Hiện nay ai dám đứng ra đảm lãnh trách nhiệm này? Trong thời đại Đặng Tiểu Bình, Đ/c cũng đã có ý đồ cải cách thể chế chính trị, rốt cuộc đã để xảy ra vấn đề lớn. Phong trào dân chủ Thiên An Môn ngày 4/6/1989 cho tới nay vẫn là cái cớ để các thế lực phản động trong và ngoài nước công kích đảng ta. Đ/c Triệu Tử Dương cũng do đó mà bị hạ bệ và đưa lại hậu quả nghiêm trọng.

Tình hình hiện nay của đất nước ta không bằng Thời Kỳ Đặng Tiểu Bình, chúng ta không nói tới nhân tố dư luận và sự giác ngộ của quần chúng nhân dân trong nước mà chúng ta nói tới đảng phong trong nôi bộ Đảng hiện nay không bằng trước đây. Ngay trong thời đại của mình, hai vị tổng bí thư là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cũng đã phải gác lại vấn đề này. Tôi cho rằng điều kiện hiện nay cũng giống trước kia, thời cơ vẫn chưa chín muồi. Tình hình trong và ngoài nước hiện nay chỉ cho phép chúng ta dùng “liệu pháp giữ nguyên”, hơn nữa duy trì được hiện trạng cũng là tốt lắm rồi, thực ra duy trì được cũng không phải dễ dàng. Bởi vậy, tôi chỉ có thể nhắc lại “ba tin tưởng”,[2] mà thực sự không thể đụng tới cải cách thể chế chính trị hoặc ít nhất hiện nay không được đụng tới.

Về lý luận và ý thức hệ của Đảng

Lý luận và ý thức hệ của Đảng liên quan tới đường lối và chế độ của chúng ta. Chúng ta phải quản lý thông tin đại chúng, chủ trương này hiện nay không được dao động lung lay. Vừa qua dư luận cho rằng “Sự kiện thay đổi nhân sự” của tập đoàn báo chí Nam Phương [3] là do Đ/c Lưu Vân Sơn và sở báo chí tuyên truyền tỉnh Quảng Đông tiến hành, thực ra có sự chỉ đạo của bản thân tôi về cái tổ nhân sự này. Nếu chúng ta dao động, không tin tưởng vào ba vấn đề quan trọng là Ý thức hệ, Đường lối và Chế độ thì bị rối loạn và không còn làm được việc gì. Chính vì vậy mà chúng ta vẫn phải tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về Lý luận ý thức hệ. Chủ nghĩa Mác và Tư tưởng Mao Trạch Đông. Nếu không, một khi vỡ lở thì sẽ bị động toàn cục và rối loạn.

Bản thân tôi không muốn để xảy ra tình trạng này, toàn Đảng cũng không cho phép tôi để xảy ra như vậy. Vừa qua, chúng ta tuyên truyền, làm phim về một đại biểu nữa lão thành ở tỉnh Sơn Tây ca ngợi tinh thần hy sinh cống hiến đối với sự nghiệp, bất chấp một số dư luận nước ngoài và một số người ngoài Đảng chỉ trích, phê phán. Đảng Cộng sản chúng ta làm gì đều xuất phát từ lợi ích căn bản và logic của chúng ta. Chúng ta tiếp tục tuyên truyền và học tập Lôi Phong để tăng cường chủ nghĩa tập thể, đấu tranh chống chủ nghĩa tự do. Đ/c Đặng Tiểu Bình đưa ra lý luận “Mèo trắng, Mèo Đen”. Trên thực tế, từ trước tới nay chúng ta không phải nhất nhất làm theo sách vở mà dựa vào thực tiễn và chủ nghĩa hiện thực. Đương nhiên, không vì thế mà chúng ta đánh mất tầm nhìn lịch sử lâu dài, mất đi địa vị và giá trị đích thực của chúng ta.

Chống tham nhũng chưa thể trị tận gốc

Hiện nay rất nhiều người phê phán những căn bệnh trong mô thức phát triển của chúng ta, nhất là chống tham nhũng. Trên thực tế đấu tranh chống “con Hổ tham nhũng” hiện nay chỉ là biện pháp xì hơi khi quả bóng quá căng, giống như lấy đũa khuấy nồi canh đang sôi để nước không tràn ra ngoài. Điều này có liên quan tới thể chế, ý thức hệ, lý luận và quyền lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, chúng ta không thể nơi lỏng, không thỏa hiệp. Do các vấn đề lý luận, Đường lối, Chế độ không thay đổi, thì thế giới quan, quan niệm giá trị của cán bộ Đảng viên cũng không hề thay đổi. Vì vậy, tôi và Đ/c Trưởng ban kiểm tra kỷ luật trung ương Vương Kỳ Sơn đều cho rằng dù đánh “con Hổ tham nhũng nào” cũng chỉ là xì bớt hơi khi quả bóng quá căng, hay cũng giống như lấy đũa khuấy nồi canh đang sôi để nước không tràn ra ngoài. Đồng chí Vương Kỳ Sơn cũng nói hiện nay chỉ là trị ngọn chứ không trị tận gốc.

Khi nào chúng ta mới trị được tận gốc nạn tham nhũng? Có lẽ phải đợi tới khi mà lý luận, Đường lối, chế độ bắt đầu đứng trước sự điều chỉnh thực sự. Có người hỏi tới khi đó liệu có quá muộn không? Tôi cho rằng có lẽ chúng ta phải tìm câu trả lời trong cuốn sách “Chế độ cũ và Đại cách mạng” mà Đ/c Vương Kỳ Sơn giới thiệu với chúng ta. Đảng Cộng sản chúng ta kiên trì theo duy vật lịch sử, nhưng bản thân thuyết mang tính duy tâm, mang tính định mệnh. Chính vì vậy, nên ai dám chắc rằng nếu cứ tiếp tục đi theo thì liệu có phải là một quá trình thực hiện theo số mệnh không? Liệu chúng ta có vô tình lặp lại vết xe đổ diệt vong của ĐCS Liên Xô và Nhà Mãn Thanh hay không?

Bởi vậy, vấn đề hiện nay không phải là vấn đề giữ cho lá cờ hồng bay được bao lâu mà là vấn đề bảo vệ non sông đất nước này được bao lâu. Vì vậy, quan điểm và lập trường của tôi là nhất quán. Tôi hy vọng, các đồng chí trong và ngoài đảng, các đoàn thể xã hội không nên hiểu lầm, hiểu sai, nếu không thì nguyên nhân chính là ở các đồng chí, chứ không phải do Tập Cận Bình tôi cố ý cản trở, bày đặt ra mê hồn trận.

Liệu sau này có thay đổi không? Liệu có thách thức mới nảy sinh không? Để phòng ngừa, chúng ta cần đổi mới, sáng tạo kể cả đổi mới và sáng tạo về lý luận như Đ/c cựu TBT Hồ Cẩm Đào nói phải sáng tạo phương pháp quản lý xã hội. Tuy nhiên, một số dư luận lại cho rằng đây chỉ là chủ nghĩa kỹ trị để tăng cường tính chuyên chế, độc đoán của một Đảng. Có người nói cải cách kiểu này cũng chẳng khác gì kiểu cải cách thời Mãn Thanh. Nhưng nếu họ ở vào vị trí của chúng ta thì liệu họ có dám phê phán như vậy không? Một lần tới thăm Trường Đảng, tôi có nói, Các đồng chí không nên đưa ra các mục tiêu đốt cháy giai đoạn mà nên đưa ra mục tiêu sát thực.

Bởi lẽ, chúng ta hiện đang đứng trước rất nhiều vấn đề thực tế mới mẻ. Tôi sẽ không giống như các học giả, các nhà lý luận xem xét vấn đề sự việc một cách lý luận thuần túy. Vì vậy gần đây lớp học tập tập thể của Bộ Chính trị có đổi mới. Chúng tôi không chỉ mời các học giả, các nhà lý luận thuần túy mà chủ yếu mời các chuyên gia, các đồng chí lãnh đạo cấp cao ở các ban ngành, những người đã từng trải nghiệm qua nhiều công tác thức tế, có kinh nghiệm phong phú tới giới thiệu và giảng bài cho các đồng chí trong Bộ Chính trị.

Hôm nay tới trao đổi với các đồng chí một số vấn đề liên quan tới quan điểm, lập trường và cách nhìn nhận của tôi như vậy, mong các đồng chí hiểu và thông cảm./            

Kiều Tỉnh dịch

Chú giải:

Tạp chí “Tiền Tiêu” là nguyệt san xuất bản ở Hồng Công. TBT của tạp chí này hiện nay là Lưu Đạt Văn. Các phóng viên và biên tập viên trong tòa soạn của tạp chí chủ yếu là những trí thức bất đồng chính kiến ở nước ngoài, một số là cán bộ của Trung Quốc đại lục chạy sang Hồng Công. Vì vậy, tạp chí này mang tính chống đối Trung Quốc mạnh mẽ, vì vậy Tạp chí này thuộc ấn phẩm cấm lưu hành ở Đại lục. Nội dung các bài viết trong Tạp chí này chủ yếu đề cập tới các vấn đề mâu thuẫn nội bộ trong lãnh đạo, tố cáo nạn tham nhũng của quan chức Trung Quốc. Tạp chí này lưu hành ở Hồng Công, nhưng giữ bí mật trụ sở và địa chỉ mạng.


[1] Ba bài luận văn của Mao Trạch Đông khi đó làm tài liệu học tập cho cán bộ đảng viên là: 1- Vì nhân dân phục vụ. 2- Ngu công dời núi. 3- Kỉ niệm bác sĩ Bethune.

Henry Norman Bethune.(1890 – 1939), đảng viên ĐCS Canada. Năm 1916 tốt nghiệp Địa học y Toronto. Khi chiến tranh bùng nổ ở Tây Ban Nha ông tới giúp Tây Ban Nha, sau đó được ĐCS Canada và ĐCS Mỹ cử sang giúp Trung Quốc ở Khu căn cứ cách mạng vào tháng 1 năm 1938. Ông hy sinh trong lúc cứu chữa thương binh của Trung Quốc trên mặt trận.

[2]  “Ba tin tưởng” (Tin vào đường lối, tin vào lý luận, tin vào chế độ - ND). Ba tin tưởng được Hồ Cẩm Đào đưa vào “Báo cáo chính trị” tại Đại hội 18 họp tháng 11/2012.

[3]  “Sự kiện tập đoàn báo chí truyền thông Nam Phương” chỉ Đảng tăng cường quản lý đối với báo chí. Theo truyền thống, nhân sự lãnh đạo do Tập đoàn này quyết định, nhưng ngày 9/4/2013 Tỉnh ủy Quảng Đông đã đột nhiên bãi chức Chủ Tịch Tập Đoàn của Dương Hưng Phong, người do Tập đoàn này đưa lên, thay vào đó đưa Dương Kiện, Phó Giám Đốc Sở báo chí tuyên truyền của tỉnh thay thế, nên đã gây chấn động dư luận báo chí Trung Quốc. Một số dư luận lên án Đảng đã can thiệp quá sâu vào nghiệp vụ báo chí.

Lên trang viet-studies ngày 14-7-13

Bình Luận:


Về việc đổi mới

Bài nói chuyện này cho thấy Tập Cận Bình không thể thay đổi cơ cấu chế độ tại Trung Quốc và cũng không biết làm thế nào để thay đổi mà không gây xáo trộn, làm mất địa vị, quyền lợi của các nhóm đang ủng hộ ông ta. Cơ chế chính trị tại Trung Quốc là do Mao Trạch Đông dựng lên theo mô hình của chế độ Liên Xô. Để dựng nên chế độ này, Mao đã phá nát cơ cấu chế độ, xã hội cũ và không quan tâm đến cái giá phải trả. Tập Cận Bình không thể phá nát cơ cấu hiện nay mà không quan tâm đến cái giá phải trả vì chính bản thân, gia đình và các đồng chí của ông ta phải trả cái giá đó. 

Đây là mô hình trước đây lập để theo đuổi chiến tranh thường trực, chấp nhận hy sinh các điều kiện phát triển trong thời bình như luật pháp, tự do tư tưởng, quyền người dân. Để cho Trung Quốc có thể hoạt động được trong kinh tế thị trường, chính quyền đã nới lỏng về tự do, quyền con người và thiết lập một số luật pháp. Nhưng cơ cấu của chế độ vẫn không cho phép đi xa hơn trong việc áp dụng luật pháp và nới lỏng tự do. Vì thế đảng CSTQ phải chấp nhận một chế độ trước đây được dựng nên để làm việc chiến tranh, nay sửa đổi lại chút ít để làm việc phát triển kinh tế. Giống như ông chủ nhà biết cái nhà của mình bị thiết kế sai đành phải sửa chữa lại để ở tạm, không thể phá nát đi mà xây nhà mới.

Thế còn thay đổi một cách tiệm tiến? Thái độ của Tập Cận Bình trong bài này, và cũng là thái độ của nhiều đồng chí khác trong đảng CS là cứ duy trì tình trạng hiện tại mặc dù xã hội cứ tiếp tục thay đổi. Thay đổi một cách tiệm tiến ở đây là bắt buộc phải thay đổi vì tình hình cứ trôi tuột khỏi tay đảng CS. Đảng CS nắm giữ được lúc nào hay lúc đó tức là phải chấp nhận sự thay đổi tiệm tiến.

Tập Cận Bình nói: "Mao Trạch Đông khi đó như một đấng cứu nhân độ thế như Ngọc Hoàng. Bây giờ chúng ta không có đấng cứu thế như vậy."

Mao Trạch Đông cũng chẳng phải là đấng cứu thế. Mao chỉ là một kẻ điếc không sợ súng nên làm đại một cuộc cách mạng vô sản trong một nước toàn là nông dân. Cái khác nhau giữa Mao Trạch Đông và các đảng viên ngày nay không phải là vì ngày nay Trung Quốc không có đấng cứu thế mà là Mao chẳng có gì để mà mất khi phá nát cơ cấu xã hội cũ.

Về vụ đảo Điếu Ngư

Trong ba năm gần đây, Trung Quốc ngày càng leo thang trong việc lấn chiếm đảo Điếu Ngư hiện đang nằm trong tay Nhật. Lúc đầu, Trung Quốc cho tàu đánh cá xâm phạm hải phận đảo Điếu Ngư. Rồi leo thang dần, gần đây có lúc cho tàu hải giám lảng vảng đến gần hải phận đảo này. Rồi có lúc cho chiến hạm và chiến đấu cơ lảng vảng gần đảo. Mỗi lần như vậy thì Nhật đem tàu và máy bay ngăn cản. Thủ tướng Nhật đã phải tuyên bố nếu Trung Quốc xâm phạm hải phận Nhật thì tàu Nhật sẽ nổ súng. Việc leo thang dần như vậy xem chừng như Trung Quốc muốn gây chiến với Nhật để đánh chiếm đảo. Xem chừng ra những người lãnh đạo Trung Quốc không tự lượng sức mình mà muốn gây chiến. Vậy thì ai trong số những người lãnh đạo Trung Quốc muốn gây chiến?

Tập Cận Bình nói trong bài này:

"Đối với quần đảo Điếu Ngư, như mọi người đều biết những biện pháp chúng ta áp dụng hiện nay trong tình hình không có biện pháp nào nữa. Tôi cũng muốn dựa vào tư thế sức mạnh để xác lập uy tín cho mình ở trong nước. Nhưng quân đội của chúng ta hiện có thực sự đáp ứng được không, chiến tranh nổ ra liệu có thích ứng với được với kỹ thuật và cường độ cao của chiến tranh hiện đại?"

Như vậy xem chừng ra, việc leo thang gây chiến không phải là chủ trương của Tập Cận Bình mà là của  một số tướng lãnh vẫn còn đầu óc hiếu chiến của thời Mao Trạch Đông. Họ cho là quân đội Trung Quốc đủ hiện đại để gây chiến với Nhật thì mới leo thang gây hấn như vậy. Còn Tập Cận Bình thì cho rằng quân đội Trung Quốc chưa đủ mạnh để đối phó với Mỹ nhưng bị sức ép của các đảng viên hiếu chiến. Vì thế mà ông ta nói: "Chúng ta làm thế nào để đối phó với sức ép và nguy cơ ở trong và ngoài nước?".

Về việc bỏ chủ nghĩa Mác và tư tưởng Mao Trạch Đông

Tập Cận Bình nói: "Nếu như tôi từ bỏ Chủ Nghĩa Mác, từ bỏ tư tưởng Mao Trạch Đông sẽ dẫn tới Đảng ta mất đi quyền phát ngôn lãnh đạo các mặt."

Khi ông Tập Cận Bình phải nói là "Nếu như tôi từ bỏ chủ nghĩa Mác ... "  tức là trong đảng và trong dân chúng có lời bàn phải bỏ chủ nghĩa Mác và tư tưởng Mao Trạch Đông. Ở đây, Tập Cận Bình đưa ra lý do tại sao không thể bỏ chủ nghĩa Mác và tư tưởng Mao Trạch Đông. Lý đó là "sẽ dẫn tới Đảng ta mất đi quyền phát ngôn lãnh đạo các mặt". Điều này có nghĩa là đảng Cộng Sản sẽ mất đi lý do để biện minh vì sao đảng Cộng Sản là đảng duy nhất được quyền lãnh đạo. Khi cấm người dân không được lập đảng khác, không được nói và bàn khác với những luận điệu mà đảng Cộng Sản đưa ra thì đảng Cộng Sản phải có lý do. Lý do đó là những lời bàn không phù hợp với chủ nghĩa Mác và tư tưởng Mao Trạch Đông. Cái lý do đó có thể sai, và chính sách và việc làm của đảng Cộng Sản có thể không phù hợp với chủ nghĩa Mác và tư tưởng Mao Trạch Đông nhưng người cấm có lý do đưa ra để bỏ tù kẻ không chịu nghe lời đảng Cộng Sản. Lý đó để bỏ tù có thể là "chống Xã Hội Chủ Nghĩa", "đi ngược lại tư tưởng Mao Trạch Đông". Kẻ đưa ra lý do có thể biết đó là lý do vớ vẩn, kẻ bị bỏ tù vẫn biết đó là lý do vớ vẩn, nhưng kết quả là đảng Cộng Sản vẫn cấm được dân nói những luận điệu khác với luận điệu của nhà nước.

Lấy thí dụ trường hợp Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn và Nguyễn Vũ Bình bị kết án làm gián điệp và bị bỏ tù. Thực sự thì ba người này không hề làm gián điệp cho nước nào cả. Nguyễn Khắc Toàn gửi tin về dân oan biểu tình ở Hà Nội ra nước ngoài . Phạm Hồng Sơn dịch bài "Thế Nào Là Dân Chủ" từ trang mạng của Đại Sứ Quán Mỹ ra tiếng Việt. Nguyễn Vũ Bình thành lập đảng Dân Chủ. Những kẻ ra lệnh truy tố ba người này, quan tòa xử án và các công an bắt ba người này đều thừa biết là cả ba người không hề làm gián điệp. Vậy mà họ vẫn làm công việc bắt giam, xét xử và bỏ tù. Trong thâm tâm họ biết ba người này không làm gián điệp nhưng họ biết ba người này làm chuyện "phản động", tức là có hành vi làm nguy hại đến quyền lực của đảng Cộng Sản Việt Nam, đến sự tồn tại của chế độ và đến địa vị, quyền lợi của họ nên họ tích cực tham gia vào việc bắt giữ. Như vậy, chính quyền Cộng Sản chỉ cần có cái cớ để cấm đoán, bắt giam, bất kể đó là cái cớ gì miễn là bảo vệ được quyền lực, địa vị của đảng. 

Việc nhân danh lý do không còn chính đáng để cấm dân nói khác với đảng Cộng Sản có thể giữ ổn định tình thế trong một thời gian. Nhưng về mặt người dân, rồi thì sẽ có nhiều người nhận ra là cái lý do để bỏ tù dân không còn chính đáng nữa và số người phát biểu khác với đảng Cộng Sản sẽ dần dần gia tăng. Đến một lúc nào đó đảng Cộng Sản cũng sẽ phải xét lại vấn đề có thể giữ chủ nghĩa Mác và tư tưởng Mao Trạch Đông hay không. Còn Tập Cận Bình thì cố giữ ý nguyên hiện trạng được lúc nào hay lúc đó.

Chế độ Đảng Trị và chế độ Pháp Trị

Trong bài phát biểu này, ông Tập Cận Bình thành thực một cách đáng  ngạc nhiên có lẽ là vì nói chuyện nội bộ, không phải là dùng lời lẽ đao to búa lớn nói với quần chúng . Ông Tập Cận Bình biết và nói toạc ra rằng chế độ Đảng Trị và chế độ Pháp Trị không đi chung với nhau được. Ông nói như sau:

Vì sao tôi một mặt phải nói làm việc theo pháp luật, pháp luật là trên hết, phải giữ sự tôn nghiêm của luật pháp. Nhưng mặt khác tôi vẫn phải nhấn mạnh  tinh thần cách mạng của Đ/C Mao Trạch Đông.  Lẽ nào tôi lại không hiểu cái đạo lý, sự mâu thuẫn giữa lý luận chuyên chính với trị nước bằng pháp luật.

Cai trị theo lối Pháp Trị thì tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật . Đảng viên và dân thường phạm tội đều bị xử phạt y như nhau . Nhưng cai trị theo lối Đảng Trị thì phải ưu đãi cho đảng viên. Có như thế thì đảng viên mới trung thành với đảng . Nếu đảng viên ra sức phục vụ cho đảng mà lại được đối xử bình đẳng ngang với dân thường, là kẻ không tích cực phục vụ đảng thì chẳng ai ra sức phục vụ đảng, trung thành với đảng và bảo vệ đảng.

Chế độ Đảng Trị muốn bảo vệ đảng được độc quyền lãnh đạo nên có khi cần phải đàn áp, bắt bớ nhừng người chống lại đảng mà không nhất thiết là họ vi phạm luật pháp. Nghĩa là có khi phải vi phạm nguyên tắc pháp lý để bảo vệ cho đảng được độc quyền. Hoặc có những người tuy không chống lại đảng và nhà nước nhưng họ có khả năng gầy dựng tổ chức, có tài ăn nói thu hút quần chúng đi theo đều là những kẻ có thể đe dọa đến sự độc quyền lãnh đạo của đảng. Những kẻ đó dù không làm gì có hại cho xã hội, dù không có ý định làm chính trị hay chống chính quyền hay không làm gì phạm pháp cũng vẫn bị đàn áp, bắt bớ để trong dân chúng không thể có tổ chức nào có quyền lực mạnh tương đương với đảng.

Nhưng người dân, nhất là những người trẻ thì muốn quốc gia phải cai trị theo pháp luật . Mà trên thực tế thì chế độ Đảng Trị không thể áp dụng nguyên tắc Pháp Trị một cách hoàn toàn . Vì thế mà ông Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản chọn cách nói thì nói là làm theo pháp luật còn khi làm thì thật sự làm theo lối Đảng Trị.

No comments:

Post a Comment