Nhận thức của người dân Việt Nam càng ngày càng rõ hơn về tác động của những nhà máy công nghiệp và đặc biệt là các nhà máy luyện kim, vì vậy Việt Nam phải rút ra bài học 'không thể coi thường' hoặc 'hoàn toàn tin tưởng' những số liệu báo cáo tài liệu mà nhà công nghiệp - sản xuất tự cung cấp, theo quan điểm của một chuyên gia đúc và luyện kim của Việt Nam.
Bài học là không được 'lơ là kiểm soát' những vấn đề hệ trọng như tác động đến môi trường khi vận hành nhà máy, Kỹ sư Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Khoa học, kỹ thuật đúc - luyện kim Việt Nam nói với BBC nhân sự cố môi trường làm cá chết hàng loạt ở một số tỉnh duyên hải miền Trung của Việt Nam mới đây, mà nguyên nhân có thể do con người trong quá trình sản xuất, sinh hoạt gây ra.
Mặt khác cần xem lại việc để cho các doanh nghiệp nước ngoài trong một số lĩnh vực đầu tư 'đặc thù' chiếm 100% vốn đầu tư, lại hoạt động hoàn toàn 'khép kín' làm cho nhà chức trách, cộng đồng, người dân không thể biết được họ có tôn trọng, gìn giữ môi trường hay không, vẫn theo chuyên gia.
Hôm 02/5/2016, người cũng đồng thời là nguyên Chủ tịch của Hiệp hội Thép Việt Nam đã dành cho BBC một cuộc trao đổi, mà dưới đây là nội dung chính:
Kỹ sư Phạm Chí Cường |
BBC: Trước hết ông có thể giải thích công nghệ không thân thiện với mội trường là như thế nào?
Kỹ sư Phạm Chí Cường: Chất thải ra từ nhà máy luyện kim dù nó ra khí, thì cũng phải xử lý nếu không những chất độc như CO, SO, NO rồi dioxin tu-ran, là những cái về mặt môi trường người ta phải giới hạn ở một mức độ nào an toàn người ta mới cho thải, buộc các nhà máy luyện kim phải xử lý, đấy là cái thứ nhất.
Thứ hai, nước thải ra chứa rất nhiều những kim loại nặng và những hóa chất độc hại, thậm chí cực hại như xianua và nhiều hóa chất khác. Cho nên, nếu như không xử lý thì cũng không được phép thải ra môi trường. Vì vậy, có rất nhiều biện pháp xử lý áp dụng ở rất nhiều những nước khác nhau, có người, người ta thu hồi và sản xuất hóa chất, người ta xử lý rất triệt để, xong rồi mới thải ra môi trường. Hay là có người, người ta đốt đi để phát điện chứ người ta không dám thải ra môi trường.
Những chất thải rắn cũng vậy, không phải là chất mà tất cả có thể được sử dụng vào đời sống bình thường. Vì thế, người ta gọi công nghệ luyện kim là không thân thiện với môi trường. Cho nên buộc phải có rất nhiều biện pháp xử lý, thì mới chấp nhận được để thải ra ngoài môi trường.
Xả trực tiếp ra biến?
BBC: Formosa được cho là có đường ống xả thải trực tiếp ra biển với độ dài 1.5 km, theo truyền thông của Việt Nam, theo ông trường hợp này có thể chấp nhận được hay không đối với phát triển kinh tế hài hòa và bền vững?
Kỹ sư Phạm Chí Cường: Đây là cái mà các phương tiên thông tin đại chúng đã lan truyền trong thời gian gần đây, sau khi sự cố về biển và cá chết tại các tỉnh miền Trung, cho nên người ta mới nghi ngờ rằng đường ống nước thải đó đã thải ra không qua xử lý vì đặt ngầm dưới biển.
Bây giờ Bộ trưởng Bộ Môi trường Việt Nam, ông Trần Hồng Hà có nói rằng là trong luật của Việt Nam, tất cả các chất thải ra môi trường, thải ra biển, thì phải buộc để trên mặt đất để người ta có thể kiểm tra bằng mắt và kiểm tra thường xuyên, chứ không để như thế là không được, là bởi vì như vậy người ta sẽ kiến nghị là phải đưa lên trên mặt đất.
Thì đây mới là một cái mà bây giờ mới công khai, chứ còn trước đây khi Formosa xây dựng đường ống nước thải này, thì hoàn toàn không biết vì đây là công trình 100% vốn nước ngoài. Và việc duyệt, thì Hội đồng duyệt của địa phương như thế nào, đánh giá tác động môi trường như thế nào mà cho phép xây dựng như vậy, thì tất cả các cơ quan quản lý và về mặt khoa học như chúng tôi là những người làm trong nghề, cũng không hề biết luận chứng đó người ta đã duyệt như thế nào, cho phép xây dựng ngầm dưới đất nó lại trái với luật của Việt Nam, bây giờ chúng ta mới biết được.
BBC: Ông đánh giá như thế nào về năng lực của địa phương, mà ở đây tỉnh Hà Tĩnh được cho là có thể đã 'đơn phương' thông qua báo cáo tác động môi trường và phương án xả thải của công ty luyện kim với quy mô như vậy?
Kỹ sư Phạm Chí Cường: Thực ra quá trình phê duyệt luận chứng kinh tế - kỹ thuật để cho phép Formosa xây dựng, đặc biệt là đánh giá tác động môi trường để cho phép luận chứng đó được thực thi, tôi không biết quá trình đã xảy ra như thế nào, họ đã thuê công ty tư vấn nào?
Bây giờ chắc là các cơ quan quản lý phải xem xét và phải thu thập lại để xem là những người đánh giá tác động môi trường ấy, là những chuyên gia ở những cơ quan nào, trình độ của họ ra sao, họ có cái gì khuyết điểm trong việc đã cho phép người ta làm trái luật Việt Nam. Bây giờ, chúng tôi mới biết là có chuyện như vậy và bây giờ các cơ quan quản lý Việt Nam đang làm, trong đó có cả những cơ quan về môi trường, cơ quan về an ninh đang làm việc ấy .
Formosa có kinh nghiệm?
BBC: Hiện tại ở Việt Nam đã có nhiều cơ sở, nhà máy luyện kim, trong đó chẳng hạn có khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên, tại sao lại cần có thêm công ty 100% vốn nước ngoài là Formosa?
Kỹ sư Phạm Chí Cường: Không, bởi vì ngành công nghiệp thép của chúng tôi, nhu cầu về thép hiện nay đang rất lớn, và Việt Nam mới phát triển công nghiệp thép trong vài chục năm nay thôi. Và thực ra từ năm 2005 trở đi thì ngành thép Việt Nam mới phát triển mạnh, và như vậy nhu cầu thép của Việt Nam cho nền kinh tế quốc dân còn lớn lắm, và đặc biệt Formosa trong luận chứng kinh tế - kỹ thuật, đang phải xem xét để sản xuất các cái mà Việt Nam chưa sản xuất được, mà trong đó thì cái chúng ta chưa sản xuất được là thép cuộn cán nóng.
Thép cuộn cán nóng Việt Nam chưa có nhà máy nào sản xuất, vì vậy cho nên nằm trong quy hoạch phát triển chung của Việt Nam, thì vẫn mong muốn Việt Nam phải có nhà máy sản xuất cái đó và vì vậy cho nên đã kêu gọi đầu tư. Và Formosa, một công ty lớn của Đài Loan, đã làm và sản xuất sản phẩm này. Thế còn các nhà máy khác luyện kim của Việt Nam, chủ yếu sản xuất các sản phẩm thép cho xây dựng, tức là thép... dây để mà phục vụ cho xây dựng, còn thép cuộn cán nóng để phục vụ cho các ngành công nghiệp khác như là đóng tàu, hay là đóng ô tô, hay cho sản xuất các đồ gia dụng v.v... thì Việt Nam chưa có, cho nên vẫn phải kêu gọi đầu tư nước ngoài.
BBC: Công ty Formosa này ở Đài Loan có kinh nghiệm gì không về đúc - luyện kim..., nghe nói ở đây là một tập đoàn Plastic (nhựa) Formosa, thế thì họ có kinh nghiệm gì không để được mời vào Việt Nam và đội ngũ kỹ thuật, công nhân của họ là người Đài Loan hay người nước khác?
Kỹ sư Phạm Chí Cường: Khi họ được chấp nhận làm nhà máy luyện kim ở Việt Nam, thì Chủ tịch tập đoàn Formosa có nói với Việt Nam rằng là họ hoàn toàn không có kinh nghiệm gì về sản xuất thép. Cũng như trước đây họ làm plastic, những chất thuộc về sản phẩm hóa dầu, thì họ cũng không có kinh nghiệm, nhưng vì họ có tiền họ có thể thuê chuyên gia về thép của nước ngoài để làm ở Việt Nam, cũng như họ làm những chất plastic ở nước họ.
Thế nhưng trong quá trình họ làm, họ cũng có cổ phần nhất định của công ty luyện kim lớn nhất của Đài Loan là China Steel là tham gia một cổ phần, tôi nhớ không chính xác lắm là 5 hay 10% gì đó vào trong vốn tham gia xây dựng nhà máy liên hợp của Formosa. Tức là họ sẽ tận dụng những chuyên gia của China Steel, công ty luyện kim, luyện thép lớn nhất của Đài Loan, để hỗ trợ họ về mặt kỹ thuật, và họ thuê các công ty xây dựng, trong đó của cả Trung Quốc và Hàn Quốc đến Việt Nam để xây dựng nhà máy này.
Ai thực sự đứng sau?
BBC: Quốc Hội Việt Nam đã làm việc về Luật tiếp cận thông tin, ví dụ tiền, nhân công và công nghệ được lấy từ đâu đều có thể phải được công khai. Có ý kiến nói phía Đài Loan, tập đoàn Formosa không có nhiều kinh nghiệm lắm; đằng sau họ có thể Trung Quốc cung cấp cả vốn, cũng như công nghệ mà không phải hiện đại nhất thế giới, không thân thiện với môi trường nhưng giúp tối đa hóa lợi nhuận, bình luận của ông thế nào?
Kỹ sư Phạm Chí Cường: Tôi cho rằng bình luận đó là hơi sớm. Bây giờ, họ đang xây dựng giai đoạn một và sắp tới lò cao số một của họ mới chạy. Về mặt lò cao, bản thân Đài Loan cũng là nước phát triển luyện kim và xuất khẩu luyện kim khá lớn ở Nam Á, nên không nghi ngờ là họ không biết gì về công nghệ luyện kim truyền thống. Còn bản thân Formosa thì họ đã thuê China Steel là công ty luyện thép, kể cả về mặt góp vốn, thì họ cũng có trách nhiệm về kỹ thuật lẫn vận hành của nhà máy.
Về xử lý về môi trường có lạc hậu hay không, thì tôi nghĩ là những cái bây giờ mới bắt đầu chuẩn bị vào lò cao và giai đoạn vừa rồi thì họ có chạy thử cán thép, họ cán thôi, thì tôi nghĩ nó chưa phải là toàn bộ nhà máy vận hành. Nếu như toàn bộ nhà máy vận hành, thì lúc ấy chúng ta ta mới có thể đánh giá được trình độ tiên tiến của họ đến mức như thế nào, so sánh với các nước và cái việc chúng ta kiểm tra môi trường họ đã làm tốt chưa, giống như là tất cả những gì đã nói ở trong luận chứng mà họ đã thực hiện có nghiêm túc hay không và việc kiểm tra, kiểm soát của chúng ta như thế nào.
Tôi nhớ lại kinh nghiệm về Vedan, cũng là 100% vốn ngoài của họ, họ đóng kín tất cả trong phạm vi nhà máy của họ, mình không kiểm soát được. Trên mặt đất thì có cái thải sau khi đã xử lý môi trường, thì sông Thị Vải. Thế nhưng họ có một đường ống ngầm để mà nếu không xử lý, đỡ tốn kém v.v..., thì họ cứ thải trực tiếp ra và vì vậy đến khi cá chết ở trên sông Thị Vải, lúc ấy chúng ta mới dò tìm ra được uẩn khúc trong việc xử lý mội trường của họ, họ đã không nghiêm túc xử lý như cái mà họ đã hứa với chúng ta hay là như cái đã thiết kế một cách công khai, để cho chúng ta có thể kiểm soát được, mà họ đã làm gian dối.
Trong việc kiểm soát đối với việc xả thải, tôi nghĩ rằng hiện nay, qua thông tin mà các Bộ đang làm, thì mới thấy là chúng ta hoàn toàn bị động, bởi vì họ lấy mẫu, rồi rất lâu chúng ta mới phân tích, mà mỗi một tháng một lần, hoặc là một vài lần, thì không thể nào mà biết được, bởi vì chuyện xả thải nó là thường xuyên, liên tục, 24/24 giờ, đấy là chưa kể những đợt xúc rửa của họ như họ nói, thì lúc ấy người ta phải dùng hóa chất rất nhiều, và trong đó những hóa chất gì, tác hại như thế nào với các sinh vật biển, thì nếu chúng ta không kiểm soát được, chỉ cần một ngày, hoặc vài tiếng mà họ thải ra, đã đủ chết cá ở vùng rộng lớn biển của chúng ta (Việt Nam) rồi.
Khó khăn tìm nguyên nhân
BBC: Nếu nghi ngờ nhà sản xuất thép gây ra nguồn xả thải cuối cùng được xác định 'là đúng', thì việc điều tra ngược 4-5 tuần như vậy có gặp khó khăn không? Về mặt kỹ thuật có khả thi hay không?
Kỹ sư Phạm Chí Cường: Tôi nghĩ rằng để một thời gian dài như thế mà chỉ phân tích nước, thì một người bình thường cũng có thể nghĩ rằng là nó không thể chính xác được đâu. Bởi vì một thời gian như thế nếu như người ta làm rồi, sau đó tác hại thì đã có rồi, sau đó dư luận bùng lên như thế, thì chắc là họ sẽ phải ngừng. Cả thời gian dài gần một tháng như thế thì nó hòa tan ra, nồng độ nó khác đi rồi. Mà cả biển Thái Bình Dương mênh mông như thế thì làm sao cái mẫu nó phản ánh đúng được nồng độ các hóa chất độc hại có nằm trong phạm vi cho phép hay không cho phép.
Tôi cho rằng cái chạy chậm như thế, thì không thể nào phản ánh đúng tác hại của việc nếu như họ đã dùng các chất thải mà không không qua xử lý đã thải ra môi trường. Thế nhưng mà còn có những gì có thể phát hiện được không, tôi chắc là nếu chúng ta không có kinh nghiệm, như Thủ tướng nói, chúng ta có quyền thuê chuyên gia nước ngoài, thì họ có thể qua những cái mẫu xác của những con cá chết, qua những cái cặn còn đọng lại ở những đường ống xả thải, thì chúng ta cũng có thể lấy những mẫu đó, cùng với chuyện không phải chỉ có phân tích nước, mà tôi cho rằng không còn chuẩn xác nữa, thì chúng ta vẫn có thể phán đoán được nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt tại các bờ biển miền Trung như vừa qua.
Và cũng còn có một cái nữa là phải bắt họ khai thật trung thực là những hóa chất họ nhập về, trong thời gian qua họ đã sử dụng như thế nào. Những cái đó chúng ta hoàn toàn kiểm soát được, nếu như các cơ quan của chúng ta muốn, bởi vì trọng lượng họ đã dùng, họ đã dùng vào việc gì v.v... thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Và tất cả những bằng chứng đó, thì chúng ta sẽ có thể có một kết luận thật là trung thực về hiện tượng dẫn đến cá chết ở các tỉnh miền Trung có phải do Formosa làm hay không. Đầy là theo suy nghĩ của cá nhân tôi.
BBC: Theo bài học từ việc xử lý chất thải của các công ty, dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như Vedan, Bauxite Tây Nguyên, hay như trường hợp công ty Formosa đang vận hành mà đóng cửa kín hoàn toàn, Việt Nam liệu có cần thay đổi luật để dù là ai, công ty của nước ngoài hay Việt Nam, thì tại Việt Nam, nhà chức trách đều có quyền kiểm tra, giám sát để kiểm soát việc gìn giữ, tôn trọng môi trường một cách bình đẳng như nhau?
Kỹ sư Phạm Chí Cường: Tôi hoàn toàn thấy ý kiến đó chuẩn xác bởi vì anh đã hoạt động ở trên đất nước Việt Nam, dù anh là 100% vốn nước ngoài, thì không có cái gì phân cách, để cho anh có thể tránh được tất cả sự kiểm soát và đặc biệt những kiểm soát về môi trường, là những cái mà ảnh hưởng không những cho các phạm vi trong nhà máy mà ảnh hưởng rất là rộng tới tất cả cuộc sống, môi trường ở tất cả các tỉnh và những khu dân cư ở quanh khu vực đó; và thậm chí, nếu ra biển, thì hàng loạt các tỉnh mà có bờ biển trùng với nơi, vị trí đặt nhà máy như vậy.
Không thể có vùng cấm
Thế và tôi nghĩ là đã ở Việt Nam thì không có vùng cấm nào mà chính quyền Việt Nam không được vào, không được kiểm soát, đặc biệt những vấn đề có tính quan trọng như là vấn đề kiểm soát môi trường. Bởi vì Thái Nguyên cũng là một Công ty (gang thép) đã hoạt động đến gần 60 năm rồi, và tôi biết nó có những cái rất độc hại, thí dụ như là luyện (than) cốc, thì những chất khí, những chất thải lỏng ở nhà máy (than) cốc là rất độc. Ngay trong nhà máy, nếu công nghệ xử lý không tốt, thì ngay trong nội bộ nhà máy đó, các xưởng xung quanh bị ảnh hưởng rất khiếp và ảnh hưởng đến sức khỏe rất ghê gớm.
Thế thì đối với nhà máy lớn gấp bao nhiêu lần khu Liên hiệp Gang thép Thái Nguyên, thì lượng khí độc hại, rồi lượng chất thải nước độc hại, chất thải rắn, nếu như không xử lý tốt, thì sẽ ảnh hưởng rộng lớn và ảnh hưởng rất tác hại đến môi trường và trực tiếp đến đời sống của người dân.
Và vì vậy, tôi nghĩ phải bình đẳng, không có vùng cấm nào trong việc kiểm tra này. Và không thể tin tưởng một cách rất mù quáng, người ta nói như thế nào mình tin như thế. Kinh nghiệm của Formosa đã cho chúng ta một bài học cay đắng như thế nào...
Rằng là phải bí mật tìm hiểu thì mới biết rằng là họ (Vedan) đã gian dối trong xả thải ra sông Thị Vải và chỉ có dân phát hiện là cá chết không biết bao nhiều lâu rồi, và rồi rò tìm thế nào đó, thì mới bắt được là họ đã không xử lý mà xả thải trực tiếp ra sông, khi mà không có ai kiểm soát họ, ở đây là đóng gọn trong cái khung hàng rào nhà máy, chúng ta không thể biết được.
Thì đối với chuyện môi trường, qua kinh nghiệm này, chúng ta phải có quan trắc của riêng Việt Nam, đặt tại Formosa và quan trắc 24/24 giờ, ngoài việc kiểm soát của họ nối mạng với các cơ quan quản lý, kiểm soát của chúng ta (Việt Nam), thì chúng ta có quyền đặt một trạm kiểm soát chuyện đó ở trong khu vực nhà máy Formosa.
Muộn nhưng còn hơn không
BBC: Muộn còn hơn không, ông có thể đưa ra vài lời khuyên tư vấn cho các nhà hoạch địch chính sách ở Việt Nam, đặc biệt là về mục tiêu phát triển bền vững?
Kỹ sư Phạm Chí Cường: Tôi nghĩ nhận thức của người Việt Nam càng ngày càng rõ hơn tác động môi trường của tất cả những nhà máy công nghiệp và đặc biệt là các nhà máy đặc thù như nhà máy luyện kim. Vì vậy tôi nghĩ rằng cái mà chúng ta có thể phải rút ngay ra kinh nghiệm từ bài học này, là không thể coi thường hoặc không thể quá tin tưởng vào những gì, những số liệu báo cáo, hoặc là những tài liệu mà người ta đã cung cấp cho chúng ta, mà chúng ta có đủ độ tin để mà có thể lơ là trong việc về mặt kiểm soát những vấn đề có tính hệ trọng như vấn đề tác hại môi trường khi vận hành nhà máy.
Vì vậy, đối với những nhà máy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như Formosa, thì rất nhiều người từng đặt vấn đề là anh để cho những khu có đặc thù quá rộng rãi như vậy, thì kiểm soát của địa phương, kiểm soát của các cơ quan quản lý của chúng ta, không thể lơ là được và cũng không thể để một vùng mà mang tính chất gọi là vùng cấm, để mà chúng ta không có được quyền kiểm soát.
Nhất thiết là trong những nhà máy đó, lớn lớn như vậy, ở nhiều nước, người ta sẽ không cho 100% vốn nước ngoài đâu. Vì bao giờ người ta cũng có một tỉ lệ nhất định, thậm chí có những nơi người ta nói là không cho nước ngoài quá 30%, như kiểu nhà máy luyện kim. Thế nhưng mà chúng ta đã cho đến 100% (vốn nước ngoài), mà không có một phần nào của chúng ta. Có nghĩa là chúng ta không tham gia được một chút nào về quản lý nhà máy đó, không biết họ làm gì, rồi sau này sản phẩm của họ phân phối ra như thế nào, họ sản xuất ra sản phẩm gì, các sản phẩm đó có cạnh tranh hay bóp nghẹt, bóp chết các sản xuất của người Việt Nam không? Hay là họ đã cung cấp những sản phẩm đó như thế nào, thì hoàn toàn chúng ta, vì 100% vốn nước ngoài, chúng ta không có được điều kiện như thế.
Thì đây cũng là một bài học, tôi cho là dù muộn còn hơn không, có nghĩa là những vai trò của người quản lý của chúng ta qua bài học này, phải thấy rằng là dù có 100% vốn nước ngoài trong đó, thì tầm kiểm soát của chúng ta cũng không thể cho phép họ có thể hoàn toàn tự tung, tự tác mà chúng ta lơ là chuyện giám định, kiểm soát chặt chẽ của chúng ta.
Ông Phạm Chí Cường là Chủ tịch Hội khoa học, kỹ thuật đúc, luyện kim Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam. Ông là một trong số 51 trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu từng được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) tôn vinh vì các đóng góp cho các lĩnh vực khoa học, công nghệ và công nghiệp.
Quốc Phương BBC Việt ngữ
3 tháng 5 2016
No comments:
Post a Comment